Dự toán quốc hội thu ngân sách hải quan 2023

Tổng cục Thống kê cho biết, thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2023 ước giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, chi ngân sách nhà nước ước tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022, đảm bảo các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước, thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như chi trả kịp thời cho các đối tượng theo quy định.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2023 cho thấy, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 11/2023 ước đạt 126,9 nghìn tỷ đồng và sụt giảm trên 25% so với tháng trước, tương ứng 42,6 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2023 ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán năm và giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, trong tháng cuối cùng của năm, cả nước chỉ phải thu thêm 83.000 tỷ đồng để hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước được giao. Mục tiêu này theo tính toán là khả thi.

Dù thu ngân sách nhà nước ước hoàn thành dự toán nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các khoản thu sụt giảm. Cụ thể, thu nội địa tháng 11/2023 ước đạt 106,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế 11 tháng năm 2023 ước đạt 1.272,7 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4% dự toán năm và giảm 3% so với cùng kỳ năm trước.

Thu từ dầu thô tháng 11/2023 ước đạt 5,1 nghìn tỷ đồng, lũy kế 11 tháng năm 2023 ước đạt 57,1 nghìn tỷ đồng, vượt 35,9% so với dự toán đề ra nhưng giảm 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi, thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tháng 11/2023 ước đạt 15,7 nghìn tỷ đồng, lũy kế 11 tháng năm 2023 ước đạt 206,8 nghìn tỷ đồng, tốc độ thu rất chậm, mới bằng 86,5% dự toán năm và giảm sâu nhất, lên tới 22,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dự toán quốc hội thu ngân sách hải quan 2023
Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Cuối tháng 11, lãnh đạo Tổng cục Thuế trực tiếp làm việc với hai đơn vị chịu trách nhiệm thu ngân sách nhà nước lớn, đó là Cục Thuế TP. Hà Nội và Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh để đốc thúc thu ngân sách cuối năm.

Lãnh đạo Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đánh giá tình hình thu ngân sách nhà nước chưa đạt kết quả như kỳ vọng, với tổng số thu giảm 7% so với cùng kỳ năm 2022, nguyên nhân chính là tăng trưởng kinh tế trong và ngoài nước gặp rất nhiều khó khăn.

Như vậy, thời gian còn lại của năm 2023, Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh sẽ phải nỗ lực rất nhiều và cần có những giải pháp hiệu quả để rà soát lại các khoảng thu, tối đa nguồn thu.

Để hoàn thành nhiệm vụ năm 2023, một trong những biện pháp mà Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh đặt ra là đôn đốc thu đủ các khoản thu thường xuyên. Đồng thời, tổ chức ra soát kỹ các báo cáo tài chính, nắm bắt kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp, các ngân hàng thương mại… nhằm đôn đốc tạm nộp thuế đúng với thực tế phát sinh; kịp thời thu các khoản thuế từ cổ tức, lợi nhuận còn lại.

Cùng với đó, tập trung thu những khoản thuế, tiền thuê đất đã hết thời gian gia hạn, tránh tình trạng phát sinh số tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp thuế.

Với Hà Nội, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thủ đô 11 tháng năm 2023 ước thực hiện 372 nghìn tỷ đồng, đạt 105,4% dự toán pháp lệnh năm và tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, thu nội địa 346,2 nghìn tỷ đồng, đạt 106,9% dự toán và tăng 22,3% so cùng kỳ với năm 2022. Thu từ dầu thô 4 nghìn tỷ đồng, đạt 190,2% và tăng 49,6%. Còn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 21,8 nghìn tỷ đồng, đạt 80,6% và giảm 7,1%.

Dù về đích sớm so với dự toán được giao nhưng nhiều khoản thu trên địa bàn Hà Nội ghi nhận tốc độ thu rất ì ạch, có thể kể đến như: thu tiền sử dụng đất đạt 10,1 nghìn tỷ đồng, hoàn thành 59,4% dự toán và giảm 15,5% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, thu lệ phí trước bạ 5,8 nghìn tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán và giảm 23,9% cùng kỳ...

Cục Thuế TP. Hà Nội tiếp tục tập trung triển khai ngay các giải pháp chống thất thu, tăng cường công tác quản lý thu và phấn đấu đạt kết quả thu ngân sách nhà nước ở mức cao nhất.

Ở chiều ngược lại, theo Tổng cục Thống kê, tổng chi ngân sách nhà nước tháng 11/2023 ước đạt 158,2 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi ngân sách nhà nước 11 tháng năm 2023 ước đạt 1.502,9 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán năm và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, chi thường xuyên 11 tháng năm 2023 ước đạt 953 nghìn tỷ đồng, bằng 81,3% dự toán năm và tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước.

Chi đầu tư phát triển đạt gần 461 nghìn tỷ đồng, bằng 63,4% và tăng 36,3%. Còn chi trả nợ lãi 86,4 nghìn tỷ đồng, bằng 84% và tăng 3,4%.

Như vậy, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tuy nhiên, tính hết tháng 11, ngân sách nhà nước chỉ còn duy trì thặng dư 34,7 nghìn tỷ đồng và ngày càng co hẹp so với những tháng trước đó.

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều ngày 23/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm 2024 - 2026.

THU NGÂN SÁCH ƯỚC VƯỢT DỰ TOÁN 4,6% BAO GỒM 75.000 TỶ VÌ MIỄN, GIẢM THUẾ

Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước thực hiện 9 tháng năm 2023 bằng 75,5% dự toán. Trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm, kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ, Quốc hội triển khai thực hiện nhiều chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất, ước thu ngân sách nhà nước cả năm bằng dự toán Quốc hội giao; tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 15,7% GDP.

Cụ thể, thu nội địa 9 tháng đạt 76% dự toán, ước cả năm khoảng 1.358,2 nghìn tỷ đồng, đạt 101,8% (tăng 23,9 nghìn tỷ đồng) so dự toán.

Thu từ dầu thô 9 tháng đạt 109,5% dự toán, ước cả năm khoảng 62,1 nghìn tỷ đồng, đạt 147,9% (tăng 20,1 nghìn tỷ đồng) so với dự toán, trên cơ sở dự kiến giá bán và sản lượng khai thác cao hơn dự toán.

Còn thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 9 tháng ước đạt 68,5% dự toán; ước cả năm khoảng 195 nghìn tỷ đồng, đạt 81,6%, giảm 44 nghìn tỷ đồng so dự toán. Ngoài ra, thu viện trợ ước cả năm đạt dự toán là 5,5 nghìn tỷ đồng.

"Nếu kể cả khoảng 75 nghìn tỷ đồng giảm thu do thực hiện chính sách ưu đãi, miễn, giảm thuế, thu ngân sách nhà nước cả năm tăng khoảng 4,6% so dự toán, đây là mức rất tích cực trong bối cảnh hiện nay".

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.

Về chi ngân sách nhà nước năm 2023, ước thực hiện 9 tháng bằng 59,7% dự toán.

Về việc trình bổ sung dự toán năm 2023 cho một số bộ, cơ quan trung ương, địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết căn cứ đề nghị bổ sung dự toán của 32 bộ, cơ quan trung ương, Chính phủ có Tờ trình số 513/TTr-CP ngày 5/10/2023 trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 cho các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương là 2.508 tỷ đồng.

Ngoài ra, trên cơ sở Chính phủ và các địa phương chỉ đạo tập trung giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi chặt chẽ trong phạm vi dự toán, ước chi ngân sách nhà nước cả năm khoảng 2.035,9 nghìn tỷ đồng, giảm 40,3 nghìn tỷ đồng (-1,9%) so dự toán.

Đồng thời, phấn đấu giải ngân đầu tư công cả năm đạt khoảng 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Dự toán quốc hội thu ngân sách hải quan 2023
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc báo cáo một số nội dung chủ yếu về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023. Ảnh: Quochoi.vn.

"Căn cứ đánh giá thu và chi ngân sách nhà nước nêu trên, ước bội chi ngân sách nhà nước khoảng 415,2 nghìn tỷ đồng (giảm 40,3 nghìn tỷ đồng so dự toán), khoảng 4% GDP. Đến cuối năm 2023, các chỉ tiêu nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong phạm vi Quốc hội cho phép", Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu rõ.

TIỀM ẨN RỦI RO KHI THU NỘI ĐỊA GIẢM

Trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh đánh giá, mặc dù nền kinh tế nước ta đối mặt với nhiều khó khăn thách thức nhưng với nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ, việc điều hành ngân sách nhà nước đạt nhiều kết quả khả quan.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng đề nghị lưu ý một số vấn đề.

Cụ thể, "tình hình thu ngân sách nhà nước ước hoàn thành dự toán nhưng thực chất vẫn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi thu nội địa giảm. Điều này cho thấy tình hình kinh tế còn khó khăn", ông Mạnh nêu rõ.

Bên cạnh đó, thu ngân sách nhà nước chịu nhiều ảnh hưởng từ các chính sách miễn giảm thuế, phí nhưng báo cáo của Chính phủ chưa có đánh giá định lượng, hiệu quả của các chính sách này.

Ngoài ra, Ủy ban Tài chính, Ngân sách cũng cho rằng vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương bị ảnh hưởng, thu ngân sách địa phương có sự không đồng đều giữa các địa phương, nhiều địa phương ước không đạt dự toán, các địa phương cần phấn đấu hoàn thành dự toán.

Về chi ngân sách nhà nước, Uỷ ban Tài chính, Ngân sách cho rằng dự kiến thực hiện chi ngân sách nhà nước thể hiện được nỗ lực của Chính phủ nhưng vẫn cần lưu ý một số vấn đề như: về phân bổ giao dự toán chi đầu tư phát triển, báo cáo của Chính phủ chưa làm rõ nguyên nhân chưa giao hết kế hoạch vốn đã được quyết định.

Tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển trong 8 tháng đầu năm đã có những cải tiến tích cực cao hơn so với cùng kỳ 2022 nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, cần tiếp tục có giải pháp cụ thể, quyết liệt, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện cam kết giải ngân, chủ động tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Vẫn còn tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản, chưa thu hồi hết vốn ứng trước.

Về chi thường xuyên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy chi thường xuyên được phân bổ cơ bản đảm bảo nhiệm vụ chi an sinh xã hội, đảm bảo nguồn thực hiện tăng lương tối thiểu, tăng lương hưu. Về chương trình mục tiêu quốc gia, qua giám sát cho thấy việc giải ngân nguồn vốn ở nhiều địa phương còn chậm, cần giải pháp tháo gỡ tổng thể để đẩy mạnh triển khai...