Đồng tâm là gì

Vụ án Đồng Tâm gây tâm lý 'sợ hãi, bất lực' trong giới trẻ Việt Nam

Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình

Chụp lại hình ảnh,

Sự kiện tổng hợp tin tức về Đồng Tâm trên trang Facebook.

Vụ án Đồng Tâm được xem là một trong những sự việc đặc biệt nghiêm trọng được đưa ra xét xử sơ thẩm ngày đầu tiên hôm 7/9. Vậy giới trẻ Việt Nam nghĩ gì về phiên tòa xét xử vụ Đồng Tâm?

Phiên sơ thẩm dự kiến diễn ra từ ngày 7 đến 17/9.

Đây là phiên xét xử sơ thẩm vụ án "giết người" và "chống người thi hành công vụ" xảy ra tại thôn Hoành thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội. Vụ án liên quan đến tranh chấp, khiếu nại đất đai căng thẳng xảy ra từ nhiều năm qua, với đỉnh điểm là vụ đụng độ sáng sớm ngày 9/1/2020 khiến 3 cán bộ công an và ông Lê Đình Kình tử vong.

Trả lời BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội ngày 8/9, An Nguyên [đã đổi tên] chia sẻ:

Quảng cáo

"Từ những phút đầu tiên của phiên tòa này đã định sẵn bản án. Tòa án là bên nắm giữ cán cân công lý mà họ lại đùa cợt với công lý như vậy. Nó như một phiên đấu tố hơn là phiên tòa vì họ đâu quan tâm dư luận, luật sư nói gì. Đó như cuộc trình diễn, đấu tố và ngấm ngầm sự dằn mặt cho những ai muốn đứng lên phản đối chính quyền về đất đai sẽ nhận lãnh hậu quả tương tự".

Từ Mỹ, một du học sinh Việt Nam nói: "Tôi thấy rần rần trên Facebook, trên báo về vụ Đồng Tâm nhưng tôi không theo dõi vì đây không phải mối quan tâm của tôi".

'Đây là phiên luận tội, không phải phiên tòa'

Là giáo viên tiếng Anh, đã từng đi du học nước ngoài và đang dạy các bạn trẻ luyện thi bằng tiếng Anh để du học, Chung Sơn [đã đổi tên] nói với BBC:

"Những kênh tôi tiếp cận thông tin là báo chí chính thống, họ cũng đưa những tin giống nhau như giật tít về việc Chủ tịch Nguyễn Đức Chung được yêu cầu triệu tập chứ không đưa sâu về những vô lý ở tòa. Tôi đọc Thanh Niên, thấy quanh tòa án an ninh được siết chặt. Vì vậy, việc tiếp cận thông tin một cách độc lập chắc chắn bị hạn chế".

"Còn rất nhiều câu hỏi xoay quanh vụ việc này: các bị cáo có bị ép cung hay không và vì sao lực lượng công an lại tấn công vào Đồng Tâm vào rạng sáng như vậy. Nhưng những câu hỏi hay kiến nghị hầu như bị bác bỏ. Chứng tỏ nền tư pháp đứng hẳn về phía nhà nước, chính quyền, không có sự công bằng cho người dân. Thậm chí, người dân Đồng Tâm còn không có cơ hội đòi công bằng".

Khi được hỏi về nền Tư pháp Việt Nam, Chung Sơn nói rằng mọi người hay đùa 'Công Lý' chỉ là tên của diễn viên hài và nếu Việt Nam có nền tư pháp độc lập, công bằng thì không nhiều người phải nhảy lầu sau khi tòa tuyên án như vậy.

Anh nói: "Phiên tòa này có nhiều vi phạm về thủ tục tố tụng. Rõ ràng đây phiên buộc tội, đấu tố chứ không phải phiên tòa bởi chúng ta đều biết kết quả sẽ thế nào. Nếu phiên tòa diễn ra đúng tinh thần pháp luật hơn thì những bị cáo còn có thể được giảm nhẹ tội nhưng với tình hình này, người dân Đồng Tâm sẽ phải đối mặt với mức án nặng nề".

Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình

Chụp lại hình ảnh,

LS Đặng Đình Mạnh ghi lại diễn biến phiên tòa về phần bị cáo Bùi Thị Nối. Nhiều người nhận xét bà tiều tụy, sức khỏe yếu hơn trước đó trên tivi.

Chung Sơn giải thích lý do: "Tôi muốn có lời giải đáp cho những thắc mắc của mình, để xem nhà nước có lý hay không, người dân Đồng Tâm có tội hay không. Chúng ta có thể không biết rõ chuyện gì đã xảy ra ngày 9/1, nhưng quan sát phiên tòa, chúng ta thấy được công lý không thuộc về những người dân Đồng Tâm".

Chia sẻ với BBC từ Hà Nội, bạn trẻ An Nguyên cho biết: "Tôi cũng hình dung rằng phiên tòa sẽ có những thứ nực cười, vô thiên vô pháp nhưng tôi không ngờ nó kinh khủng như vậy: một tòa án mà bật một đoạn phim tuyên truyền có dàn dựng ngay trong phiên tòa cho cả luật sư, bị cáo nghe. Như vậy, từ những phút đầu tiên, phiên tòa này đã định sẵn bản án".

"Tòa án là bên nắm giữ cán cân công lý mà họ lại đùa cợt với công lý như vậy. Đây như một phiên đấu tố hơn là phiên tòa vì họ đâu quan tâm dư luận, luật sư nói gì. Đó như cuộc trình diễn, đấu tố và ngấm ngầm dằn mặt cho những ai muốn đứng lên phản đối chính quyền về đất đai sẽ nhận lãnh hậu quả tương tự", cô nhận định.

Giới luật sư nói phiên xử Đồng Tâm có nhiều 'vi phạm thủ tục tố tụng'

Vụ Đồng Tâm: Thân nhân 'đội mưa đứng ngoài nhìn về tòa án'

Còn người dùng Facebook Le Quang cho rằng tòa án Việt Nam có lẽ là nơi đầu tiên trong lịch sử hiện đại cho phép chiếu một bộ phim tuyên giáo có dàn dựng ngay trong phiên tranh luận.

Anh viết: "Việc đưa ra một đoạn phim tuyên giáo [đã qua cắt dựng] có thể góp phần tạo ra thông tin ngụy biện gây tổn hại đến uy tín của tòa án, nhân chứng, nạn nhân, nghi can hơn nữa, nó gây tổn thương đến niềm tin nơi công chúng. Đây là điều mà mọi người bình thường đều hiểu chứ không cần phải có kiến thức chuyên sâu.

Ở những xã hội chặt chẽ, người ta coi trọng tính 'trang trọng' và 'phẩm giá' của tòa, mọi tài liệu được công bố phải là kết quả của quá trình thu thập, lưu trữ nghiêm túc. Một đoạn phim đã qua dàn dựng được trình chiếu trước tòa có thể coi là nỗi sỉ nhục rất lớn cho bản thân chánh án lẫn cả nền tư pháp. Nó không khác gì việc chiếu phim khiêu dâm trong phòng hội nghị cả", người dùng Le Quang nhìn nhận.

Từ Chile, nhà văn Khải Đơn chia sẻ: "Tôi không ngạc nhiên với ứng xử của tòa, thẩm phán và cách họ tổ chức phiên tòa. Nó giống như các vụ xử kẻ giết bố Trịnh Kim Tiến, giống phiên tòa xử bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh... Nói chung chính quyền đối xử với các nông dân ở Đồng Tâm như kẻ mà họ thường gọi là phản động, như cấm người nhà dự phiên tòa, chặn và bắt các người đưa tin độc lập".

'Cảm giác sợ hãi, bất lực'

Ở Việt Nam, thế hệ trẻ luôn được xem là những người làm chủ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, nếu vào những hội nhóm với phần đông là các bạn trẻ trên Facebook, không ít các hội nhóm đưa ra điều kiện rằng không bàn về chính trị nếu tham gia nhóm.

Nhà văn trẻ Khải Đơn nêu quan sát: "Điều khiến tôi hài lòng là các group hoạt động lăng nhăng thường ngày đưa tin vui vẻ, nhảm nhí lại trở thành chiến trường cãi nhau vì vụ này. Các group sau dịch Covid thường có quota chạy bài theo yêu cầu của nhà nước, dĩ nhiên, đưa thông tin vụ này. Và nhờ đó, tôi thấy người trẻ có quan tâm, muốn quan tâm đúng đắn thay vì sa vào chửi bới với nick ảo".

"Nhưng thông tin lan truyền không đủ tốt, như không đến được với khán giả mới chưa quan tâm và biết về vụ việc, mà chỉ dừng ở nhóm người đọc đã từng biết vụ việc từ lâu. Sự thuyết phục với số đông khán giả trong xã hội cũng bị ảnh hưởng vì độc giả ít hơn", Khải Đơn nói.

Nguồn hình ảnh, Nhóm Facebook

Chụp lại hình ảnh,

Một nhóm các bạn trẻ đã thiết kế hình đại diện về sự kiện phiên tòa Đồng Tâm

Về vấn đề này, Chung Sơn nói: "Ở Thái, dù nói xấu về hoàng gia là phạm pháp nhưng giới trẻ Thái Lan vẫn lập group cả hơn 1 triệu thành viên để bàn luận nghiêm túc về những vấn đề này. Nhưng ở Việt Nam, chỉ cần lên tiếng về chính trị có khi bị gắn mác phản động".

Chung Sơn nói tiếp: "Cảm giác của tôi về cách hành xử của nhà nước sẽ khiến cho người dân Đồng Tâm nói riêng, người dân như tôi nói chung giận dữ. Nhiều người không nói ra, nhưng trong lòng họ bất an, mất lòng tin vào xã hội này. Vì hôm nay là người dân làng Đồng Tâm, đâu ai biết được ngày mai là người dân của quận này, xã kia ở Việt Nam".

"Nhìn vào những gì đang xảy ra, tôi cảm thấy bất lực, giận dữ vì một nhóm người dân đã bị dồn đến đường cùng, họ phản kháng và cuối cùng bị ghép tội. Tôi không biết mình có thể làm gì được, càng ngày tôi cảm thấy đáng sợ hơn những gì tôi có thể tưởng tượng. Tôi không thể nào tưởng tượng chính quyền lật lọng, tráo trở như vậy".

Chung Sơn thừa nhận: "Chúng tôi không nói với nhau, nhưng tự hiểu cần phải tự tìm đường: du học không phải chỉ để nâng cao kiến thức mà để kiếm nơi sống tốt hơn".

Tòa án Hà Nội bắt đầu xét xử vụ Đồng Tâm

Ông Nguyễn Đức Chung là 'mắt xích quan trọng' vụ Đồng Tâm?

Là người viết báo, nghiên cứu về chính sách, An Nguyên chia sẻ:

"Sự quan tâm của tôi không nằm ở việc đất đai thuộc về chính quyền hay người dân Đồng Tâm mà ở chỗ 4 giờ sáng ngày 9/1, đã có một cuộc tấn công của lực lượng công an vào nhà người dân. Cuộc tấn công này làm tôi cảm như mình ở một đất nước vô thiên, vô pháp. Tấn công xong thì bắt giam người, bắn chết người và bây giờ mở phiên tòa như thể tội lỗi toàn của nhân dân".

"Ngày hôm qua sau khi quan sát phiên tòa, tôi cảm thấy tồi tệ. Tôi cảm thấy giữa người với người nhưng có người lại cùng khổ như vậy. Nếu người ta nghèo, người ta còn có thể bấu víu vào lao động bản thân để thoát nghèo. Nhưng người dân Đồng Tâm, họ không biết bấu víu vào đâu vì làm gì có công bằng, công lý. 29 con người, 29 gia đình đã mất hẳn cuộc đời, tương lai chấm dứt. Bây giờ là năm 2020, ở ngay thủ đô Hà Nội của nước mình lại có những điều trớ trêu như vậy," An Nguyên tâm sự.

Nguồn hình ảnh, Chụp màn hình

Chụp lại hình ảnh,

Báo chí chính thống Việt Nam được cho là đưa tin thiên lệch về phiên xét xử.

An Nguyên bộc bạch thêm: "Buồn hơn nữa là không nhiều người lên tiếng. Ở Mỹ, vì một người da đen, người ta có thể biểu tình rầm rộ đòi công lý. Ở Hong Kong, nhiều người trẻ biểu tình đòi quyền tự do. Ở Việt Nam, cũng ở Hà Nội này người ta xuống đường vì cây xanh nhưng giờ là mạng sống con người thì không ai lên tiếng".

"Tôi thấy có quá nhiều sự im lặng, từ giới hoạt động, giới tri thức, báo giới. Bản thân tôi cũng tự thấy mình hèn khi không thể làm gì khác hơn. Những người cách mình chỉ vài chục cây số, sống cùng đất nước nhưng họ đang phải chịu cảnh bất công, tàn bạo", An Nguyên nhìn nhận.

Quan sát diễn biến câu chuyện, một bạn trẻ giấu tên từ Việt Nam chia sẻ với BBC: "Tôi thấy trong vụ việc Đồng Tâm, nỗi sợ bao trùm dư luận lớn hơn và tới một lúc nào đó người ta không nhận ra đó là nỗi sợ nữa. Cũng như tới một lúc nào đó, người ta không nghĩ rằng đồng lõa với tội ác là sai trái nữa".

"Việc tôi phải ẩn danh khi phỏng vấn nó cho thấy thực tế rằng ở xứ sở này, người ta không dám đeo tên mình dù nói về những điều đúng đắn", bạn nói.

Video liên quan

Chủ Đề