Công việc nào con người làm tốt hơn máy tính năm 2024

Đã bao giờ bạn tự hỏi, chiếc máy tính đã được xây dựng nên như thế nào chưa? Liệu nó có được xây dựng dựa trên não bộ của con người không? Hay con người đang dần phát triển để suy nghĩ ít sai sót như một máy tính?

Dạo gần đây, mình đang dần quan tâm hơn đến việc phát triển năng suất của bản thân. Và trong hành trình này, mình nhận ra rằng, con người và máy tính có nhiều điểm rất tương đồng, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bài viết này sẽ chỉ ra những điểm tương đồng đó và một vài cách mình đã áp dụng phép so sánh này trong việc phát triển bản thân.

Vào việc

Máy tính nào nhỉ?

Máy tính mình đang nói đến ở đây chính là chiếc máy tính ta dùng hằng ngày để giải quyết công việc. Sở dĩ mình phải giải thích rõ vì có rất nhiều loại máy tính, với các phần cứng và phần mềm khác nhau.

Để một chiếc máy tính hoạt động, chúng ta cần có Phần cứng: Các linh kiện vật lý cấu thành nên chiếc máy tính và Phần mềm: Các chương trình chạy trên máy tính.

Tương đồng về phần cứng

Nguồn (PSU) và Thức ăn

Nguồn điện tất nhiên là thứ quan trọng nhất, vì thiếu nó thì dù các bộ phận khác có đắt tiền đến mấy cũng không thể sử dụng được. Quá điện sẽ dễ gây cháy nổ, còn thiếu điện thì máy tính không thể tối ưu những gì mà nó có thể làm được.

Tương tự, coi như chúng ta đã có đủ Oxi để thở và nước để uống, thì thức ăn là thứ giúp ta duy trì sự sống.

⇒ Sau một khoảng thời gian ăn uống vô tội vạ, mình dã dần học được cách chỉ ăn vừa đủ cho bản thân có năng lượng để làm những điều cần làm. Mình tránh tiêu thụ quá nhiều thức ăn, đặc biệt là những thứ không lành mạnh và cũng tránh việc để cho bản thân bị đói khi làm việc để duy trì “nguồn điện” phù hợp cho cơ thể.

Bo mạch chủ (Mainboard) và Cơ thể

Bo mạch chủ là nơi chứa tất cả những linh kiện của máy tính. Muốn một chiếc máy tính hoạt động tốt, thì trước hết bo mạch chủ phải đủ mạnh để tương thích với các bộ phận khác của máy tính.

Cơ thể cũng vậy, nó là nơi chứa tất cả những gì thuộc về con người chúng ta.

⇒ Để bản thân có thể hoạt động tối ưu nhất, mình đang dần chú ý đến sức khỏe thể chất hơn, bởi mình tin một bộ não dù có thông minh tới đâu cũng sẽ gặp hạn chế nếu ở trong một cơ thể thiếu lành mạnh. Chăm chỉ vận động, ngủ đúng giờ và tránh sử dụng chất kích thích sẽ giúp cho “bo mạch chủ” của mình hoạt động năng suất hơn.

Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên (RAM) và Trí nhớ ngắn hạn

RAM được sử dụng để lưu trữ những dữ liệu tạm thời mà các chương trình trên máy tính đang chạy. Giới hạn RAM ngăn máy tính thực hiện quá nhiều tác vụ cùng một lúc.

Trí nhớ ngắn hạn cũng vậy, nó giúp ta ghi nhớ những thông tin ngắn hạn xung quanh thời điểm hiện tại, như kiến thức trong cuốn sách đang đọc, hay những việc cần làm trong thời gian tới. Khi chúng ta đạt đến giới hạn của trí nhớ ngắn hạn, ta sẽ buộc phải quên đi thứ gì đó để nhường chỗ cho những thứ mới được nạp vào bộ nhớ.

Tuy nhiên, điểm khác biệt giữa RAM và trí nhớ ngắn hạn là: RAM có khả năng thay thế hoặc gắn thêm, còn trí nhớ ngắn hạn thì không.

⇒ Thay vì tham công tiếc việc với tất cả mọi thứ, mình đã tìm cách phân bổ trí nhớ ngắn hạn một cách hợp lí để tránh việc nhớ trước quên sau, và cũng để mình có đủ tâm trí và thời gian làm mọi thứ một cách chỉn chu nhất.

Lưu trữ cố định (Ổ cứng hoặc SSD) và Trí nhớ dài hạn

Ổ cứng có vai trò lưu trữ toàn bộ dữ liệu trên máy tính.

Tương tự, trí nhớ dài hạn giúp ta ghi nhớ những thông tin lâu dài hơn, ví dụ như kiến thức, cách tư duy hay kỹ năng. Hơn nữa, gần giống với ổ cứng, ta tuy không thể một một sớm một chiều nâng cấp thêm dung lượng bộ nhớ của mình, nhưng lại có thể trau dồi nó dần dần qua thời gian để có nhiều kiến thức hơn.

Còn một lưu ý nữa, đó là khi ổ cứng còn càng nhiều dung lượng trống, thì tốc độ của nó càng nhanh. Và một khi nó đầy, ta buộc phải “dọn dẹp” ổ cứng hoặc nâng cấp thêm để có thể chứa được nhiều dữ liệu hơn.

⇒ Mình tận dụng khoảng thời gian còn trẻ, khi “ổ cứng” còn trống để tích nhiều kiến thức nhất có thể. Đồng thời, thỉnh thoảng mình cũng sẽ “dọn dẹp” trí nhớ dài hạn bằng cách cho phép bản thân quên đi những gì không cần thiết hay tránh tiếp nhận những thông tin mà mình cho là không đem lại giá trị cho bản thân.

Trước khi tiếp tục, mình khuyên mọi người nên đọc cuốn Tư duy, nhanh và chậm của tác giả Daniel Kahneman để có thể hiểu được Hệ thống 1 và 2.

Bộ phận xử lý trung tâm (CPU) và Hệ thống 1

CPU dùng để xử lí mọi truy cập và dữ liệu của máy tính. CPU là thành phần bắt buộc và xử lí được hầu hết mọi tác vụ của máy tính.

Giải thích nôm na, Hệ thống 1 để chỉ cơ chế tư duy nhanh, tự động, thường xuyên được sử dụng. Nó có đặc điểm là cảm tính, rập khuôn và tiềm thức. Do đó, chúng ta sử dụng Hệ thống 1 trong hầu hết mọi công việc trong cuộc sống.

⇒ Từ lúc sinh ra, chúng ta đã không được lựa chọn trí thông minh của bản thân. Tuy nhiên, mình và mọi người đều có thể nâng cấp Hệ thống 1 theo thời gian để tránh được những sai sót khi quyết định cảm tính. Mình làm điều này bằng cách liên tục reflect để xây dựng những chiêm nghiệm của bản thân qua những điều mình đã học được trong cuộc sống.

Card đồ họa (GPU) và Hệ thống 2

GPU dùng để xử lý cụ thể tất cả những dữ liệu liên quan đến hình ảnh, video và xuất ra màn hình hiển thị. GPU là linh kiện không bắt buộc với một số máy tính, nhưng nếu có, nó sẽ giúp xử lí những tác vụ chuyên sâu một cách hiệu quả và tối ưu hơn rất nhiều.

Hệ thống 2 là cơ chế tư duy chậm, đòi hỏi nhiều nỗ lực tinh thần, ít được sử dụng, dùng để xử lí những việc mang tính logic, tính toán và ý thức.

⇒ May thay, chúng ta đều sinh ra với đầy đủ Hệ thống 1 lẫn 2, do đó việc chúng ta cần làm là sử dụng “GPU” của chúng ta vào đúng việc. Nghe có vẻ dễ, nhưng Hệ thống 2 còn có một đặc điểm là rất lười biếng và ít khi ra mặt, khiến cho nó vắng mặt trong những công việc đòi hỏi suy nghĩ nhiều. Mình đã luyện tập Hệ thống 2 bằng cách phân loại những công việc cần đến nó, và thúc đẩy bản thân tư duy sâu trong những gì mình đang làm.

Quạt làm mát và những khoảng nghỉ

Máy tính hoạt động liên tục trong một thời gian dài sẽ sinh ra nhiệt độ cao ở tất cả các thành phần, đặc biệt là ở CPU và GPU. Do đó, việc trang bị những thiết bị tản nhiệt là để tránh cho các thành phần bị quá nhiệt, dẫn đến hỏng hóc hoặc giảm hiệu năng.

Cũng giống như vậy, khi ta làm việc bất cứ việc gì một cách căng thẳng trong một khoảng thời gian quá dài, ta sẽ dễ bị kiệt quệ. Lâu dần, nó có thể dẫn đến Burn-out và khiến ta giảm năng suất.

⇒ Mình tìm kiếm niềm vui trong những gì mình đang làm và cho phép bản thân mình nghỉ ngơi sau một khoảng thời gian làm việc và học tập kéo dài để tránh cho bản thân bị quá tải. Những khoảng nghỉ này có thể là ngắn hạn: Dành thời gian thiền mỗi ngày; cũng có thể là trung hạn: Dành một dịp cuối tuần để đi chơi; và cũng có thể là dài hạn: Dành ra vài tuần để nghỉ ngơi trước khi bắt đầu quay lại công việc. Tất nhiên, khoảng nghỉ càng dài thì tần suất của nó cũng càng thấp.

Tương đồng về phần mềm

Nói về phần cứng thì dễ, vì chúng là những thứ vật lí và có giới hạn. Tuy nhiên, với phần mềm, việc so sánh khó khăn hơn rất nhiều bởi có vô số những phần mềm ta có thể cài đặt vào máy tính.

Do đó, để dễ dàng hình dung, mình chọn ví von phần mềm với lối sống và cách ta tư duy.

Mục đích sử dụng và lối sống/tư duy

Với mỗi người, mục đích sống là khác nhau, vì vậy, những “phần mềm” yêu cầu cũng là khác nhau.

⇒ Với lí tưởng trở thành một designer giải quyết được những vấn đề thông qua thiết kế sản phẩm, mình cài đặt cho bản thân những kiến thức về tâm lý con người, những tư duy sáng tạo hay sự đồng cảm.

Tóm lại là

Việc sử dụng một thứ do con người tạo ra để hiểu chính con người, là một việc mình cho rằng vừa ngớ ngẩn nhưng cũng thú vị vô cùng. Hơn nữa, với cá nhân mình, việc so sánh được bản thân với máy tính cũng là cách để mình đồng cảm với công cụ mà mình sử dụng hàng ngày, từ đó hiểu hơn về mối quan hệ giữa máy tính và con người (HCI).