Chính sách chủ yếu của Mĩ đối với đồng minh trong chiến lược toàn cầu sau chiến tranh thế giới thứ 2

Mặc dù hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế chủ yếu nhưng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, xung đột cục bộ tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức, phức tạp và quyết liệt hơn, làm tăng thêm nhiều rủi ro đối với môi trường kinh tế, chính trị, an ninh quốc tế. Tiếng gào thét của lợi ích đang cuốn nhiều quốc gia, dân tộc vào một cuộc đua tranh ngày càng quyết liệt. Có một thực tế đang xuất hiện như một nghịch lý: Thế giới càng hội nhậpsâu thì chủ nghĩa dân tộc vị kỷ, cực đoan càng phát lộ. Luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương toàn cầu đứng trước những thách thức lớn.

Lịch sử thế giới trước hết là cuộc đua tranh quyền lực của các nước lớn. Từ những thời kỳ lịch sử xa xưa, thế giới đã không ngừng bị cày xới bởi những cuộc đua tranh vô tận, trước hết là của các đế chế, các cường quốc, vì lợi ích quốc gia, dân tộc. Hiện thời, khuấy động, áp chế, khuynh đảo vũ đài quốc tế không ai khác vẫn là những “ông lớn” đã và đang án ngữ mặt tiền đời sống thế giới từ nhiều thập kỷ nay.

Trong 50 năm qua, kể từ khi Mỹ và Trung Quốc ký Thông cáo chung Thượng Hải và nhất là sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc cách đây 30 năm, tuy mức độ nóng lạnh từng lúc có khác nhau nhưng cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc vẫn là trục chính chi phối bàn cờ chính trị quốc tế. Chiến lược an ninh quốc gia Mỹ năm 2017 xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”; là “thách thức lâu dài, nghiêm trọng nhất” đối với an ninh và lợi ích sống còn của Mỹ trên phạm vi toàn cầu, nhất là tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong 4 năm Tổng thống Donald Trump nắm quyền, Mỹ thực hiện những chính sách cứng rắn trên nhiều chiến tuyến đối với Trung Quốc, vì theo ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng, không thể gọi Trung Quốc bằng một cái tên nào khác ngoài “kẻ thù của nước Mỹ”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden tại buổi hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16-11-2021. Ảnh: The New York Times

Trong bài phát biểu tại Bộ Ngoại giao ngày 4-2-2021, đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề ra đường lối đối ngoại mới cho nước Mỹ giai đoạn 2021-2025 dựa trên phương châm “Nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng dẫn dắt trật tự thế giới” và “sẵn sàng tìm lại linh hồn cho nước Mỹ”. Chính quyền của Tổng thống Biden vẫn xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh nghiêm trọng nhất”; là “thử thách địa-chính trị lớn nhất trong thế kỷ 21”, bởi “Trung Quốc là quốc gia duy nhất trên thế giới với sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ có thể thách thức nghiêm trọng tới hệ thống quốc tế rộng mở và ổn định”.

Bộc lộ khát vọng “bình thiên hạ” cháy bỏng, từ những năm 90 của thế kỷ trước, trong cuốn sách "Thời đại Trung Quốc”, Tống Thái Thánh đã viết: “Bước vào thế kỷ 21, cho dù trên thế giới mọc thêm nhiều ngôi sao nhưng Trung Quốc mới đúng là mặt trời của thế giới. Thời đại Trung Quốc là kinh Phúc âm của thế kỷ 21”.

Trong những thập kỷ qua, khi siêu cường Mỹ gặp những khó khăn, rắc rối cả về đối nội và đối ngoại, khiến tiếng kèn điều binh nhiều khi cứ ngập ngừng tiến lui không rõ thì Trung Quốc trỗi dậy với một tốc lực đáng kinh ngạc. Trong khi sức mạnh và vị thế của Mỹ có chiều hướng suy giảm, không có một quốc gia nào thực hiện chiến lược bứt phá mà đạt được những bước tiến vượt bậc như Trung Quốc. Giờ đây, Trung Quốc là nền kinh tế thứ hai thế giới và đang muốn vượt Mỹ để trở thành cường quốc số một trong tương lai không xa.

“Hiện thực hóa công cuộc phục hưng vĩ đại đất nước Trung Quốc và giấc mơ Trung Hoa” là lời kêu gọi được phát đi như một lời hiệu triệu của ông Tập Cận Bình-người đứng đầu ban lãnh đạo thế hệ thứ 5 của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa. Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, được suy tôn là “hạt nhân lãnh đạo”, Trung Quốc liên tục triển khai nhiều chiến lược lớn về kinh tế, quân sự, khoa học-công nghệ, văn hóa, trong đó vang động nhất là Sáng kiến “Vành đai và Con đường”.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc từ ngày 8 đến 11-11-2021 đã ban hành "nghị quyết lịch sử” khẳng định những thành tựu trọng đại và kinh nghiệm lịch sử 100 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc và đang bước vào chặng đường mới xây dựng toàn diện nhà nước xã hội chủ nghĩa hiện đại hóa, hướng tới mục tiêu 100 năm lần thứ hai.

Sự trỗi dậy của Trung Quốc đang hút tầm nhìn của thế giới. Ứng xử với quốc gia phương Đông khổng lồ và khó lường này đang là bài toán chiến lược hóc búa nhất của Mỹ và nhiều quốc gia khác. Khát vọng “chấn hưng dân tộc Trung Hoa” như một chủ thuyết của ông Tập Cận Bình mâu thuẫn với chủ thuyết “đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Donald Trump và chủ thuyết “Nước Mỹ đã trở lại, sẵn sàng dẫn dắt trật tự thế giới” của ông Biden. Mối bang giao Mỹ-Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ bản chất là cạnh tranh không khoan nhượng giữa một cường quốc đang vượt lên và một cường quốc đang mất sức bật, có chiều hướng đi xuống.

Bản đồ thế giới. Ảnh: shopsach.com

Mỹ cho rằng, sự trỗi dậy của Trung Quốc là thách thức không chỉ về lợi ích đối với Mỹ mà còn đối với các giá trị Mỹ mà Washington đang muốn phổ cập toàn cầu. Còn Trung Quốc lại cho rằng, Mỹ chưa từng từ bỏ âm mưu lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa do Đảng Cộng sản Trung Quốc lãnh đạo. Theo Bắc Kinh, mặc dù vẫn nói tôn trọng “chính sách một nước Trung Quốc” nhưng thực tế Mỹ tiếp tục coi Đài Loan là “con bài chiến lược” để kiềm chế Trung Quốc và tiếp tục bán vũ khí hiện đại cho Đài Loan.

Trong khi đó, Washington phản ứng gay gắt việc Trung Quốc “tiến hành các hoạt động phi pháp nhằm chiếm đoạt Biển Đông”, tăng cường sức mạnh quân sự, trong đó có vũ khí hạt nhân, tập trung phát triển lực lượng hải quân một cách khác thường, biến Trung Quốc thành cường quốc hải quân hàng đầu thế giới trong bối cảnh cuộc cạnh tranh trên biển và đại dương đang diễn ra ngày càng quyết liệt.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 xuất phát từ Vũ Hán, gây ra tai họa chưa từng có cho loài người trong vòng 100 năm qua, trong đó Mỹ là nước có số ca nhiễm và tử vong nhiều nhất trên thế giới, Mỹ và Trung Quốc đều cáo buộc nhau, “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại”, làm không khí tranh luận mang âm hưởng thù địch.

Cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ không chỉ là cạnh tranh về ngôi vị quyền lực toàn cầu mà còn ở khả năng “đặt chương trình nghị sự” để dẫn dắt thế giới. Cuộc cạnh tranh này đang diễn ra quyết liệt trên tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế-thương mại, công nghệ, ngoại giao, văn hóa, quân sự đến dân chủ, nhân quyền... trong đó, lĩnh vực nóng gắt nhất thời gian gần đây là kinh tế-thương mại và công nghệ.

Thế giới đã chứng kiến các màn áp thuế đáp trả nhau lên tới hàng trăm tỷ USD với những lời công kích nhau rất nặng nề, gần đây tuy có hạ nhiệt nhưng vẫn lấp ló bóng ma một cuộc chiến tranh thương mại khốc liệt giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới. Đẩy mạnh Chương trình “Made in China 2025”, Trung Quốc nuôi tham vọng trở thành “cường quốc chế tạo” vào năm 2025 và đến năm 2049, mốc lịch sử kỷ niệm 100 năm thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Trung Quốc sẽ thống lĩnh thị trường sản phẩm công nghệ cao toàn cầu.

Theo Washington, nguy cơ lớn từ Chương trình “Made in China 2025” không chỉ là tham vọng thống lĩnh của Trung Quốc mà còn là việc Bắc Kinh sử dụng các “thủ đoạn phi pháp ” để đạt tham vọng đó.

Để đối đáp lại “Made in China 2025”, Mỹ quyết củng cố vị thế cường quốc công nghiệp số 1 thế giới bằng Chương trình “Made in America”. Washington ráo riết thực hiện hàng loạt biện pháp, như: Ngăn chặn hoạt động tình báo công nghiệp của Trung Quốc, tăng cường giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc ở Mỹ, tăng cường kiểm soát việc Trung Quốc mua lại doanh nghiệp công nghệ mũi nhọn của Mỹ, kiểm soát chặt chẽ việc chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc, trực tiếp là các hợp đồng ký với hai tập đoàn sản xuất và kinh doanh công nghệ cao hàng đầu của Trung Quốc là ZTE và Huawei. Đây là các mũi đột kích của một cuộc chiến rộng lớn nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận các kỹ thuật công nghệ mũi nhọn, cản phá “Made in China 2025”, quyết không để Trung Quốc bắt kịp và vượt Mỹ.

Nhìn rộng hơn, Sáng kiến “Vành đai và Con đường” do ông Tập Cận Bình khởi xướng là một chiến lược đầy tham vọng để hiện thực hóa “giấc mơ Trung Hoa”. Để cạnh tranh với “Vành đai và Con đường”, Mỹ đã điều chỉnh chiến lược “xoay trục” tới châu Á-Thái Bình Dương thành chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Washington đã thành lập liên minh "Bộ tứ kim cương” gồm: Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để hình thành mối liên kết “tứ giác Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”.

Cũng theo hướng đó, đồng thời với việc cảnh báo rằng Sáng kiến “Vành đai và Con đường” sẽ khiến nhiều quốc gia sa vào “bẫy nợ” của Bắc Kinh, Mỹ đã công bố Dự án “Mạng lưới Điểm Xanh” nhằm hối thúc các nước ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tham gia xây dựng mạng lưới cơ sở hạ tầng bền vững. Rõ ràng, cạnh tranh giữa Sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc và Chiến lược “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ là một cuộc đối đầu có tầm vóc chiến lược, vừa trực tiếp, vừa lâu dài giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Sự ổn định và trật tự thế giới sẽ chịu tác động mạnh của cuộc đối đầu chiến lược này.

Trong không gian rộng mở của một cuộc cạnh tranh chiến lược như vậy, dư luận đặc biệt quan tâm tới cuộc gặp cấp cao trực tuyến giữa Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Biden ngày 16-11-2021 vừa qua. Thế nhưng, kết quả đáng kể nhất của cuộc gặp này chỉ là hai bên vẫn duy trì được kênh đối thoại cấp cao để biết quan điểm của nhau chứ chưa đạt được một bước tiến thực chất nào.

Thậm chí, theo báo chí quốc tế, hai nhà lãnh đạo còn chưa đồng thuận với nhau về cách xưng hô khi ông Tập Cận Bình gọi ông Biden là “lão bằng hữu”, còn ông Biden sau đó lại nói rằng ông nhiều lần tiếp xúc với ông Tập Cận Bình chỉ là trong công việc chứ ông và ông Tập Cận Bình không phải là “bằng hữu”.

Mặc dù cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc sẽ còn tồn tại như một thuộc tính của mối quan hệ nhiều xung khắc giữa hai cường quốc này nhưng hai bên đều nhận thấy những “lằn ranh đỏ” để họ không bị cuốn vào những cuộc xung đột. Trong bối cảnh hiện nay, nếu Mỹ và Trung Quốc không hợp tác mà tiếp tục tấn công làm suy yếu nhau thì sẽ gây hậu quả rất nghiêm trọng không chỉ với chính nền kinh tế hai nước mà còn với nền kinh tế toàn cầu.

Theo dõi diễn biến quan hệ Trung Quốc-Mỹ trong vòng một năm qua có thể thấy, Tổng thống Biden tuy vẫn tiếp tục thi hành chính sách cứng rắn nhưng đã có điều chỉnh nhất định về cách thức tiếp cận để linh hoạt và mềm dẻo hơn, nhất là đối với những vấn đề Mỹ không thể đơn phương giải quyết được như biến đổi khí hậu, ngăn chặn sự lây lan của đại dịch Covid-19... Còn các nhà lãnh đạo Bắc Kinh cũng nhấn mạnh rằng, chiến lược phát triển của Trung Quốc không nhằm tranh hùng xưng bá với ai mà chỉ để cho người dân Trung Quốc được sống tốt hơn mà thôi.

Quan hệ Mỹ-Trung Quốc rồi đây sẽ đi theo chiều hướng nào: Hợp tác, cạnh tranh hay đối đầu? Đây là phương châm hành xử của Washington: “Hợp tác khi có thể, cạnh tranh khi cần thiết, đối đầu khi bắt buộc”, được gói gọn trong công thức “3C” [Cooperation-hợp tác, Competition-cạnh tranh, Confrontation-đối đầu]. Tổng thống Biden đã nói trước Quốc hội Mỹ ngày 29-4-2021 rằng: “Mỹ sẵn sàng cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng không tìm kiếm xung đột. Bảo vệ lợi ích của Mỹ trên mọi lĩnh vực”. Mỹ dự định sẽ thúc đẩy đàm phán để gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [CPTPP] trong khi Trung Quốc cũng đang xem xét và đàm phán để gia nhập hiệp định này trong tương lai gần.

Đông Nam Á có vị trí chiến lược ngày càng quan trọng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Đặc biệt, nơi đây là địa bàn trọng điểm của cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc. Hòa bình, ổn định, tự do, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trên Biển Đông đang đứng trước thách thức lớn, tiềm ẩn nguy cơ xung đột. Tranh giành ảnh hưởng và sự lôi kéo của các nước lớn để tập hợp lực lượng ở khu vực này khiến sự đoàn kết và tính đồng thuận của ASEAN phải đối mặt với nhiều thách thức.

Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 34 tại Bangkok, Thái Lan, tháng 6-2019 đã thông qua Tuyên bố “Tầm nhìn của ASEAN về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương”, trong đó khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực và lập trường không đứng về bất kỳ cường quốc nào trong tranh giành ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á. Đây là một quyết định phù hợp để các nước ASEAN ứng phó tốt hơn, hiệu quả hơn với các thách thức do cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc gây ra tại khu vực giàu tiềm năng nhưng đầy bão tố này của thế giới.

Sau Chiến tranh lạnh, là siêu cường duy nhất, Mỹ có một ảnh hưởng toàn cầu có tính bao trùm. Cho dù Trung Quốc đang trỗi dậy với một tốc lực đáng gờm, Nga cũng đang vươn dậy để tìm lại bóng dáng siêu cường đã mất nhưng ít nhất trong khoảng 10 năm tới, Mỹ vẫn nắm giữ sức mạnh điều tiết và khống chế thế giới. Cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc luôn nằm trong hệ quy chiếu rất nhạy cảm của "tam giác chiến lược" Mỹ-Trung-Nga.

Washington không muốn cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung Quốc bị đẩy căng thẳng tới mức biến thành đối đầu Mỹ-Trung Quốc vì điều đó có thể khơi mào cho một kiểu “quan hệ liên minh” giữa Trung Quốc và Nga để đối phó với Mỹ. Mối bang giao Trung Quốc-Nga được lãnh đạo hai nước gần đây ca ngợi là “phát triển tốt đẹp nhất từ trước đến nay” đang làm cho Mỹ không thật sự yên lòng.

Đồng thời, trong không gian của một cục diện quốc tế mới đang hình thành, người ta còn nhìn thấy Liên minh châu Âu đang nỗ lực sắp xếp lại ngôi nhà chung rối bời của mình sau khi nước Anh rời đi với biết bao vật vã, nhìn thấy bóng dáng của Nhật Bản cất công đi tìm cho mình một chiếc áo chính trị mới tương xứng với sức vóc của cường quốc kinh tế thế giới và bóng dáng của Ấn Độ-đất nước hơn một tỷ dân đang cựa mình bước ra khỏi không gian truyền thống cổ xưa của nền văn minh sông Hằng.

Thế giằng kéo quyền lực đang đan cài hết sức phức tạp giữa các cường quốc. Trong cuộc đua tranh quyền lực toàn cầu, cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc là quyết liệt nhất, có ảnh hưởng sâu xa nhất. Nhưng đấu trường này không thể là một chiếc nồi cao áp bị bịt kín, nhiệt độ cứ tăng mãi, tăng mãi do sự va chạm, cọ xát của các cuộc tranh chấp. Dung hòa lợi ích ở những thời điểm cần thiết chính là cái van xì hơi để tránh cho chiếc nồi khỏi bị lật tung.

Trong thời hiện đại, không một quốc gia nào, dù đó là một siêu cường, dám theo đuổi ý đồ loại trừ hoàn toàn đối tác cũng như đối thủ của mình ra khỏi cuộc chơi. Việc dung hòa lợi ích giữa các cường quốc, các trung tâm quyền lực quốc tế bảo đảm cho thế giới ở trạng thái cân bằng, không để tranh chấp biến thành xung đột, xung đột biến thành chiến tranh. Đã có người nói rằng, tại các vùng biển tranh chấp về đánh cá, nếu xảy ra xung đột thì một cân cá đắt hơn một cân vàng, nên điều cần kíp nhất là chớ có biến các tàu đánh cá thành tàu chiến.

Nằm ở vùng xung yếu và vô cùng nhạy cảm của cuộc đua tranh quyền lực toàn cầu, trực tiếp là cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc, đất nước Việt Nam phải luôn tìm cách ứng xử phù hợp nhất, linh hoạt nhất các mối quan hệ quốc tế, các tầng lợi ích đan xen, nhất là giữa các nước lớn. Đó là bài toán đối ngoại rất nhạy cảm và khó khăn. Nó đòi hỏi bản lĩnh, trí tuệ và sự năng cảm.

Nhưng thách thức này cũng chính là cơ hội để Việt Nam khẳng định mạnh mẽ đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế của mình, khẳng định tư thế đối ngoại, nâng cao vai trò và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo môi trường hòa bình bền vững, hợp tác hiệu quả để phát triển đất nước.

“Dĩ bất biến ứng vạn biến” là sự đúc kết quý báu về phương sách đối ngoại của cha ông ta để chúng ta tiếp tục bồi đắp và phát huy sức mạnh, hiệu quả của nền ngoại giao Việt Nam linh hoạt, mềm dẻo nhưng kiên cường như cây tre Việt Nam-điều mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh rất sâu sắc tại Hội nghị đối ngoại toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng diễn ra ngày 14-12-2021.

Những thành công nổi bật trên mặt trận đối ngoại trong năm qua đang tăng thêm sức mạnh tổng hợp, thế và lực của đất nước. Ngoại lực đang được chuyển hóa mạnh thành nội lực. Bước vào năm 2022, Việt Nam đang ở trên một vị thế chiến lược mới, tự tin hơn, mạnh mẽ hơn. Từ một cách nhìn tổng thể về sức vóc quốc gia và thế cuộc khu vực, toàn cầu, càng thấy rõ hơn những vấn đề đối nội và đối ngoại trên con đường phát triển.

Một trong những mấu chốt quan trọng bậc nhất là Việt Nam phải xây dựng và vận hành được một thể chế quản trị quốc gia tốt hơn nữa với những cơ chế có thể giải phóng sức lao động sáng tạo sung mãn của người Việt Nam, kết hợp được sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại để hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh và hạnh phúc.

HỒ QUANG LỢI

Video liên quan

Chủ Đề