Áp dụng những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại vào các ngành kinh tế là một trong

Nghiên cứu khoa học gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế xã hội

Xác định nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động KH&CN, hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, những năm qua Sở KH&CN thành phố đã ưu tiên mọi nguồn lực để phát triển hoạt động nghiên cứu, gắn kết hoạt động nghiên cứu với đào tạo.

Nhiều văn bản, cơ chế chính sách được Sở KH & CN ban hành đã định hướng và tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy phát triển KH&CN như Chiến lược phát triển KH&CN; Quy hoạch tổng thể phát triển ngành KH&CN; Chương trình hành động số 01-CTr/TU ngày 9/1/2006 của Thành ủy về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.


Thành Đoàn và Sở Khoa học và Công nghệ thành phố ký kết thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo giai đoạn 2022 – 2025. Ảnh: Thanh Thảo

Từ năm 2016, thực hiện Quyết định số 844/QĐ-TTg ngày 18/05/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, Sở KH&CN đã tham mưu thành phố ban hành 17 văn bản cơ chế chính sách và triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo [KNĐMST].

Song song đó, các nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ tập trung nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, gắn kết với doanh nghiệp luôn được Sở KH & CN quan tâm, chú trọng.

Đa số các nhiệm vụ được ứng dụng vào thực tiễn và mang lại hiệu quả tốt như: nghiên cứu đánh giá, nâng cao hiệu quả điều trị đột quỵ, nhồi máu não; kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm; các vấn đề liên quan đến phát triển kinh tế. Trong đó có sự chú trọng đầu tư các nghiên cứu về tư liệu quần đảo Hoàng Sa, chủ quyền biển đảo, qua đó thu thập và tổng hợp được các nguồn tư liệu quý phục vụ công tác nghiên cứu và đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước...

Với những thành tích đạt được, những năm qua thành phố Đà Nẵng đã khen thưởng, tôn vinh 31 công trình khoa học đạt giải thưởng cấp Quốc gia, cấp Bộ; 18 sáng chế, giải pháp hữu ích được cấp văn bằng bảo hộ và 525 bài báo khoa học công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín với tổng kinh phí khen thưởng gần 1,5 tỷ đồng.

Hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo góp phần tăng trưởng, phục hồi kinh tế

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo [KNĐMST] được coi là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo.

Do đó, những năm qua, việc hỗ trợ doanh nghiệp KHĐMST là vấn đề luôn được thành phố và Sở KH&CN đặc biệt ưu tiên. Trên cơ sở chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của thành phố ban hành vào năm 2016, Sở KH&CN đã hỗ trợ 51 lượt doanh nghiệp đổi mới công nghệ nhằm phát triển sản phẩm của doanh nghiệp, kết nối đầu tư.

Trong đó có các dự án nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị công nghệ mới phục vụ sản xuất, thay thế hàng nhập khẩu đem lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất và phát triển trong bối cảnh khó khăn do dịch bệnh. Tiêu biểu như sản phẩm máy đột V- CNC, Máy sản xuất khẩu trang tự động, Robot chuyển hàng do Công ty TNHH Châu Đà nghiên cứu phát triển.


Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ các tổ chức ươm tạo doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Ảnh: Huỳnh Sang

Một số sản phẩm của các doanh nghiệp được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ nghiên cứu, phát triển giúp thay thế hàng nhập khẩu, hạ giá thành sản phẩm, giảm chi phí mua thiết bị công nghệ cho doanh nghiệp đến 80% và làm chủ công nghệ góp phần đảm bảo an ninh kinh tế. Có thể kể đến các sản phẩm Máy lốc thép tấm của Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường nghiên cứu phát triển thay thế được các sản phẩm nhập khẩu; Máy Nướng bánh từ trường của Công ty Cổ phần Công nghệ QCM thay thế dây chuyền nướng bánh truyền thống, tiết kiệm năng lượng, cải thiện môi trường làm việc, đảm bảo an toàn cho người lao động; Bộ chuyển mạch SDN của Công ty TNHH giải pháp Acronics có khả năng thay thế sản phẩm nhập khẩu, đảm bảo an toàn an ninh mạng; Công ty VPBO đã cung cấp giải pháp nhắn tin xếp lịch tiêm chủng vacxin, tổng đài truy vết F0 và F1, cách ly F0 và F1 tại nhà...

Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, tự động hóa, tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí sản xuất, thân thiện môi trường giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, phát triển sản phẩm mới, cải thiện môi trường làm việc cho người lao động được Sở chú trọng, triển khai đến các doanh nghiệp. Trong đó, Công ty CP Điện Trường Giang với sản phẩm Máy cắt laser Amanda LCJ 3510, Công ty CP Đức Huy với hệ thống gia công kính cường lực phẳng tôi nhiệt giúp doanh nghiệp phát triển thêm sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường.

Cùng với đó, trong những năm qua Sở đã triển khai áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở, đánh giá chứng nhận sản phẩm hợp chuẩn, hợp quy giúp cho doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường.


Máy lốc thép tấm loại vừa do Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường nghiên cứu, chế tạo. Ảnh: Sưu tầm

Tổng số kinh phí hỗ trợ từ kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ của thành phố gần 6,5 tỷ đồng. Các dự án đổi mới công nghệ chủ yếu tập trung từ năm  2020 đến nay [chiếm trên 50% số lượt doanh nghiệp được hỗ trợ] cho thấy năng lực hấp thụ, ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được nâng cao, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ của thành phố được triển khai có hiệu quả, tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, tạo ra sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trên thị trường.

Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo [KNĐMST] được coi là một trong những động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế, là “chìa khóa” để Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình tăng trưởng mới dựa trên năng suất và đổi mới sáng tạo.

Từ năm 2020, Sở KH&CN đã hỗ trợ trực tiếp 17 doanh nghiệp KNĐMST với tổng kinh phí 2,836 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp KH&CN để phát triển sản phẩm, hoàn thiện công nghệ, sản xuất thử sản phẩm mẫu, thương mại hóa sản phẩm và hình thành, phát triển doanh nghiệp KNĐMST trên địa bàn thành phố.

Thông qua việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, KNĐMST đã phát triển các doanh nghiệp KH&CN. Tính đến thời điểm hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 15 doanh nghiệp KH&CN, chủ yếu được hình thành từ năm 2019 đến nay, đứng thứ 7 trong cả nước về số lượng doanh nghiệp KH&CN. Nhiều sản phẩm KH&CN của các doanh nghiệp đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ, đạt được các giải thưởng lớn về KH&CN, được thương mại hóa, đem lại doanh thu cho doanh nghiệp và có khả năng thay thế hàng nhập khẩu.


Từ năm 2020, Sở KH&CN đã hỗ trợ trực tiếp 17 doanh nghiệp KNĐMST với tổng kinh phí 2,836 tỷ đồng từ nguồn sự nghiệp KH&CN. Ảnh: Lê Thị Thục

Nhờ những hoạt động hỗ trợ tích cực, đã có nhiều nhóm dự án của Đà Nẵng tham gia các cuộc thi có uy tín trong và ngoài nước về KNĐMST. Trong đó, dự án/doanh nghiệp của Đà Nẵng đã đạt Quán quân năm 2019, Á quân năm 2020 tại Cuộc thi tìm kiếm tài năng khởi nghiệp quốc gia.

Ngoài ra, để phát triển mạnh mẽ hơn nữa các hoạt động KNĐMST, Sở KH&CN đã cùng với các đơn vị tổ chức các sự kiện lớn về KNĐMST, như Ngày hội KNĐMST, thu hút trên 6000 lượt khách tham dự; phối hợp với Bộ KH&CN để tổ chức sự kiện quốc gia; Hỗ trợ Thành đoàn, Đại học Đà Nẵng, các Vườn ươm tổ chức các Festial, Diễn đàn, Cuộc thi về KNĐMST để kết nối mạng lưới, thu hút đầu tư. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, đơn vị luôn duy trì tổ chức Triển lãm trên nền tảng thực tế ảo với gần 100 gian hàng và hàng ngàn lượt khách truy cập tham quan.

Hợp tác quốc tế được duy trì và mở rộng kết nối thêm nhiều đối tác mới như Ấn Độ, Singapore, Úc, Hoa Kỳ, Pháp, Hiệp Hội các thị trưởng nói tiếng Pháp làm tiền đề hợp tác sâu rộng về KNĐMST sau đại dịch; Mô hình hợp tác công tư được đẩy mạnh để huy động nguồn lực xã hội phục vụ phát triển KNĐMST như hợp tác hỗ trợ Tập đoàn Vicoland hình thành quỹ đầu tư mạo hiểm, khai thác cơ sở vật chất, nguồn lực tư nhân phục vụ ươm tạo và không gian làm việc [Cơ sở hạ tầng của Vicoland, DNES, Vườn ươm Sông Hàn...]. Phối hợp với các trường đại học, Thành đoàn thúc đẩy mạnh mẽ KNĐMST trong sinh viên, thanh niên.


Triển lãm khởi nghiệp Đà Nẵng mở rộng - Surf 2021 được tổ chức trực tuyến trên nền tảng thực tế ảo

Với các kết quả tích cực về KNĐMST, thành phố đã được các Bộ, ngành ghi nhận, các thành tố trong hệ sinh thái đã đạt được các giải thưởng trong và ngoài nước; Thành phố đạt gải thưởng Thành phố hấp dẫn KNĐMST năm 2020 do Hiệp hội công nghệ phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam [VINASA] trao tặng.

Đảm bảo thực hiện tốt công tác Quản lý nhà nước

Trong những năm qua, Sở Khoa học và công nghệ thành phố tập trung cho công tác quản lý nhà nước của ngành. Trong đó, đối với công tác quản lý tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm hàng hoá trên địa bàn đã đảm bảo thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, góp phần tích cực trong việc chống gian lận thương mại, ngăn chặn hàng giả, hàng kém chất lượng. Công tác kiểm tra được chú trọng, ngành đã thường xuyên kiểm tra về đo lường chất lượng đối với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm, các mặt hàng đóng gói sẵn ... để kịp thời phát hiện sai phạm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân được triển khai chặt chẽ, quản lý tốt các cơ sở X-quang y tế, bảo đảm tỷ lệ cấp phép đạt 100%, rà soát kiểm tra nguồn phóng xạ, không để xảy ra sự cố về an ninh an toàn bức xạ trên địa bàn; xây dựng cơ sở dữ liệu về phông phóng xạ môi trường, kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân cấp thành phố phục vụ cho công tác quản lý an toàn bức xạ và hạt nhân trên địa bàn và tổ chức diễn tập hàng năm để đảm bảo việc xử lý khi có tình huống xảy ra.


Sở KH&CN diễn tập ứng phó sự cố bức xạ hạt nhân. Ảnh: Thủy Thanh

Các đơn vị sự nghiệp thuộc Sở KH&CN không ngừng phát triển, ứng dụng và chuyển giao công nghệ vào thực tiễn sản xuất kinh doanh, mở rộng cung cấp các dịch vụ về KH&CN trong các lĩnh vực năng lượng, công nghệ sinh học, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, tư vấn chuyển giao công nghệ trên địa bàn thành phố và các địa phương trong khu vực.

Trong bối cảnh suy giảm kinh tế chung do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, hoạt động chuyên môn KH&CN vẫn giữ mức tăng trưởng dương. Theo số liệu tính toán, năm 2020, hoạt động chuyên môn KH&CN tăng 5,80% so với năm 2019, tỷ lệ tương ứng cho năm 2021 là tăng 5.65% so với năm 2020, là ngành có điểm % đóng góp vào tăng trưởng 2021 thực tế đứng vị trí thứ 5/20 nhóm ngành kinh tế cấp 1. Điều này cho thấy, ngành KH&CN luôn có đóng góp ổn định bền vững, tham gia vào sự phát triển của tất cả các ngành, lĩnh vực khác, từ đó đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của thành phố.

Với những cố gắng nỗ lực của toàn thể công chức viên chức lao động, Sở KH&CN đã luôn đứng trong nhóm được đánh giá từ tốt đến rất tốt về ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và đã nhận được nhiều bằng khen của UBND thành phố, Bộ KH&CN, Chính phủ. Năm 2020 Sở KH&CN đã được nhận Cờ Thi đua Đơn vị xuất sắc dẫn đầu ngành của Chính phủ.

Để phát huy những thành tựu đạt được, trong thời gian đến ngành KH&CN tiếp tục phát triển dựa trên nguyên tắc lấy ứng dụng và chuyển giao công nghệ là chủ yếu, lấy doanh nghiệp làm trung tâm. Đồng thời, có nghiên cứu đón đầu một số lĩnh vực công nghệ có xu thế phát triển trên thế giới phù hợp với đặc thù của thành phố. Nghiên cứu theo hướng tập trung, không phân tán, bám sát các chương trình nghiên cứu trọng điểm và tập trung phục vụ phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố.

LÊ ĐỨC VIÊN

Video liên quan

Chủ Đề