Bánh trôi tàu và bánh trôi nước

Sau những ngày dài đằng đẵng chờ mong, cuối cùng thì những đợt gió lạnh đầu tiên đã về trên đất Bắc. Tiết trời này tự dưng thèm một món gì đó ấm nóng, dẻo ngọt, thơm cay mùi gừng để mà hít hà, để mà xuýt xoa. Thế rồi đầu óc cứ miên man những hàng bánh trôi tàu ở Hàng Giầy, Hàng Cân…

Nhưng bạn có biết, bánh trôi tàu còn có những người anh em họ hàng xa từ khắp các vùng miền không? Cùng điểm danh đi này.

Bánh Coong Phù [Lạng Sơn]

Coong Phù hay còn gọi Coóng Phù, là một món ăn truyền thống của người Tày xứ Lạng. Giống như bánh trôi, Coong Phù được làm từ bột gạo nếp. Sau khi nhào bột thật dẻo, người ta lấy một miếng bột nhỏ, dàn mỏng và thêm chút nhân đậu xanh sên đường đỏ.

Từng viên bánh tròn xinh đều được điểm tô một chút vừng trắng. Để những chiếc bánh thêm phần bắt mắt, một nửa phần bột sẽ được thêm gấc chín để tạo thành màu đỏ cam. Khi có khách, người bán mới bắt đầu thả những chiếc bánh vào nồi nước đường đang sôi. Lúc bánh bắt đầu nổi lên, nồng thơm mùi gừng hòa quyện cùng mùi nếp mới cũng là lúc Coong Phù vừa chín tới. Người bán múc từng viên cam trắng xen kẽ ra bát, chan thêm nước đường gừng, điểm thêm dừa nạo, lạc rang và chút tinh dầu chuối là thực khách có thể bắt đầu thưởng thức. Ngồi bên bếp lửa hồng, húp một chút nước và cắn một miếng bánh dẻo thơm, tự dưng thấy cái lạnh tê tái nơi xứ Lạng như bay biến đâu mất.

Sủi Dìn [Hải Phòng]

Nếu ghé Hải Phòng vào một ngày đông, du khách có thể dễ dàng bắt gặp sủi dìn bên những gánh hàng rong nghi ngút khói. Vỏ bánh sủi dìn được làm từ bột nếp thơm, nhân làm từ vừng đen. Vừng đen và lạc được rang chín tới, giã nhuyễn và sên cùng dừa nạo tạo nên phần nhân thơm, béo, bùi cho chiếc bánh.

Nguồn ảnh:@yummie_lady,@immasamie

Dưới bàn tay tỉ mẩn của người thợ bánh, từng chiếc bánh xin xắn lần lượt hiện ra. Khi đã nặn xong, từng mẻ sủi dìn sẽ được thả vào nồi nước đang sôi. Sau "bảy nổi ba chìm", bánh sẽ được vớt ra ăn cùng với thứ nước riêng được chuẩn bị trước đó. Thứ nước sóng sánh màu cánh gián của mật mía, thơm dậy mùi cay nồng của gừng níu chân người thực khách ngồi xuống và gọi cho mình một bát sủi dìn. Để rồi bị những thứ mềm dai, dẻo thơm của vỏ bánh, những thứ ngậy thơm của vừng dừa, lạc rang cùng nước dùng ngọt thanh gây thương nhớ hoài.

Bánh Ngào [Nghệ An]

Vẫn là vỏ nếp dẻo thơm, nhân đậu xanh mềm bùi, ngập trong thứ nước ngọt ngào, nóng hổi, thơm lừng mùi gừng nhưng người dân xứ Nghệ lại có món bánh ngào. Chiếc bánh này lại là một khúc biến tấu đậm đà hơn về mặt màu sắc so với những người anh em xứ Bắc khi khoác trên mình một màu nâu cánh gián của mật mía.

Ngoài ra, bánh ngào cũng được nặn dẹt và có phần nhỉnh hơn về mặt kích thước. Giữa những ngày mưa phùn gió bấc, khi miếng bánh trôi qua cổ họng, lập tức như có một luồng hơi ấm bao phủ toàn cơ thể, tạo ra một cảm giác vô cùng khoan khoái, dễ chịu.

Bánh trôi tàu bề ngoài nhìn có vẻ giống với chè trôi nước quen thuộc mà chúng ta thường thấy. Thế nhưng, nó đều có những đặc sắc rất riêng. Người Hoa thường dùng bánh trôi tàu hay sủi dìn trong ngày Tết Hàn Thực. Gạo Vinh Hiển sẽ hướng dẫn bạn cách làm bánh trôi tàu đặc biệt này. Cùng xem nhé.

Nguyên liệu:

Vỏ bánh: 250gr bột nếp [tuỳ lượng người ăn mà tăng lên, 250gr được khoảng 13 cái bánh], ngoài ra có thể dùng bột nếp tươi người ta bán sẵn thì càng ngon.

Nhân bánh: 50gr vừng đen [mè đen], 50gr lạc rang, 50gr dừa nạo, 150 ml nước ấm, 70gr đường cát trắng, 150gr đường phên hoặc mật mía, đường thốt nốt là ngon nhất [không dùng đường vàng hoa mai, có thể tăng ngọt hoặc giảm ngọt theo ý thích].
Gừng củ: 1 nhánh, nước cốt dừa: 200ml

Cách làm:

Phần nhân bánh:

Lạc, vừng rang chín, dừa nạo để lại một ít để lát rắc lên mặt bánh còn lại đem cho hết vào máy xay sinh tố cho thêm chút nước cho dễ xay rồi xay nhỏ. Hoặc có thể đem giã mịn vừng đen và lạc, còn dừa nạo thái thật nhỏ.

Vừng, lạc, dừa nạo sau khi xay nhỏ cho lên bếp cùng 70gr đường cát trắng sên lửa nhỏ cho đặc lại thành một khối như sên nhân bánh trung thu, đến khi sờ vào không dính tay có thể vê tròn được là đạt.

Trường hợp ngại sên đường thì giã vừng, lạc cho mịn, dừa nạo thái nhỏ, đem trộn chung với đường, 1 thìa canh bột nếp tạo độ kết dính và chút nước ấm cho phần nhân hơi ẩm lại rồi vo tròn nhân bánh.

Phần vỏ bánh:

Bột nếp đổ vào bát to, từ từ đổ 150ml nước ấm vào nhào đến khi bột dẻo mịn [bột nếp có thể dùng bột khô hoặc bột ướt tuỳ ý, mua được bột người ta xay ướt như bột làm bánh trôi là ngon nhất].

Chia bột thành các viên nhỏ đều nhau, ấn dẹt đặt miếng nhân vào giữa vo tròn lại, tuỳ sở thích mọi người có thể để hình tròn hoặc hình bầu dục đều được.

Nguồn ảnh: Internet

Đun sôi một nồi nước, đợi nước thật sôi thả các viên bánh vào luộc đến khi bánh nổi lên thì vớt bánh ra một bát nước lạnh.

Dùng một cái nồi khác cho vào 1l nước, đường phên hoặc mật mía, thêm nhánh gừng thái sợi hoặc đập dập, đun sôi nhớ hớt bọt, cho càng nhiều gừng càng ngon và thơm, không thích có sợi gừng thì xay nhỏ gừng ép lấy nước cốt [độ ngọt của nước đường có thể tự điều chỉnh cho hợp với khẩu vị]

Sau đó vớt hết các viên bánh vào nồi nước đường gừng, đợi sôi trở lại tắt bếp đậy vung kín cho bánh được nóng. Khi ăn múc ra bát thêm chút nước cốt dừa, lạc rang và dừa bào sợi lên trên.

Cách làm cốt dừa:

200ml nước cốt dừa đóng lon, cho vào nồi, thêm 20gr đường cát trắng và 1 chút muối, 2 thìa canh bột béo nếu có, 50ml sữa tươi không đường và 5gr bột năng hoà tan tất cả các nguyên liệu, bật lửa nhỏ vừa khuấy đều cho tan, đến khi hơi sôi lăn tăn tắt bếp.

Video liên quan

Chủ Đề