Vì sao miền nam lại hay nghe cải lương

Tọa đàm “Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương”.

[Thanhuytphcm.vn] - Đó là nhận định chung của nhiều đại biểu tham dự tọa đàm “Theo dòng lịch sử sân khấu cải lương” do Hội Sân khấu TPHCM phối hợp Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM tổ chức nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương [1918 - 2018].

Nhìn lại để tiến tới

Tại tọa đàm, nhiều ý kiến đã phân tích sâu về những bước phát triển đỉnh cao của sân khấu cải lương để rút tỉa những bài học cho hôm nay. Theo đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, nhiều người xem giai đoạn 1955 - 1975 là “thời kỳ hoàng kim” của sân khấu cải lương khi đạt được tất cả mọi tiêu chí của nghệ thuật trình diễn: kịch bản có nội dung tốt được viết bởi những tác giả rất giỏi; diễn viên hát rất hay do được dàn nhạc tài hoa hỗ trợ và khán giả rất say mê ủng hộ nghệ sĩ; hình thức trình diễn cuốn hút khi biết ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cả các kỹ thuật mới của điện ảnh khiến bối cảnh, không gian sân khấu vô cùng đẹp mắt lại có nhiều trò diễn hấp dẫn thị giác.

Từ miền Nam, sân khấu cải lương lan tỏa ra đất Bắc và lưu lại đến hôm nay. Trên bước đường đó, Đoàn Cải lương Nam Bộ với sự đóng góp của nhiều nghệ sĩ miền Nam tập kết ra Bắc đã để lại những dấu son nghệ thuật không thể quên dù trong bối cảnh đất nước chia cắt và gặp rất nhiều khó khăn. Đạo diễn Thanh Hạp khẳng định vai trò đặc biệt quan trọng của dàn nhạc đối với nghệ thuật cải lương và những sáng tạo mới của Dàn nhạc Đoàn Cải lương Nam Bộ đưa nhiều tác phẩm cải lương thăng hoa từ hơn nửa thế kỷ trước. Với dàn nhạc hơn 10 người đủ loại nhạc cụ cổ kim: kìm, cò, tranh, độc huyền, sến, ghi-ta, violin, cello, dàn trống ta, sáo, tiêu, mõ, đàn t’rưng…, kết hợp thử nghiệm sáng tác nhạc nền cho vở diễn [nhạc mở màn, kết thúc, chuyển cảnh], chọn nhạc cụ làm chủ âm phù hợp với từng chất giọng diễn viên, tính cách nhân vật và tình huống trong tuồng đã phát huy đến tối đa hiệu quả âm nhạc cải lương, hỗ trợ đắc lực nhất cho ca diễn của nghệ sĩ. Đó cũng chính là cách sử dụng âm nhạc của nền sân khấu hiện đại!

TS Mai Mỹ Duyên và NSƯT Ca Lê Hồng đều khẳng định cải lương là loại hình nghệ thuật đặc biệt có khả năng giao thoa, dung hợp cao các loại hình nghệ thuật từ Hát bội, hý kịch phương Đông đến sân khấu phương Tây [kịch nghệ Pháp, opera…]. Bản chất cốt lõi của nghệ thuật cải lương là luôn luôn đổi mới, chủ động tiếp nhận các ảnh hưởng văn hóa bên ngoài mà cải tiến, sáng tạo để phù hợp với thị hiếu thẩm mỹ của dân tộc.

Vậy tại sao một loại hình nghệ thuật tượng trưng cho sự mới mẻ như cải lương lại lâm vào cơn “tai biến” trầm trọng như hiện nay?

Vở cải lương Hồn của đá, Huy chương bạc Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018, gây ấn ượng bởi dàn dựng mới lạ với nghệ thuật tranh cát được xử lý thay cho bối cảnh.

Đổi mới nhưng phải đúng cách

Một tín hiệu vui là tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ là sinh viên, giảng viên trẻ. Duy Khang [sinh viên Khoa Sáng tác cổ điển Nhạc viện TPHCM] cho rằng cải lương hiện nay không hấp dẫn vì phần âm nhạc không đổi mới, không tiếp cận được thị hiếu của giới trẻ. Môi trường đào tạo sáng tác âm nhạc cũng không khuyến khích sự đổi mới, nếu phá cách sẽ bị đánh giá không đúng với chuẩn mực âm nhạc cải lương, nhưng nếu sáng tác như cũ thì lại bị cho là rập khuôn mà “đã không mới thì sáng tác để làm gì?”.

Đồng ý kiến, Nhựt Khánh [giảng viên Khoa Ngữ văn Anh] cũng cho rằng cải lương nên đổi mới nhiều ở hình thức biểu diễn, rất cần áp dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào vở diễn [như công nghệ 3D tái hiện bối cảnh ảo] hay giản lược, cải tiến phương thức biểu diễn sao cho gần gũi với khán giả trẻ và cả du khách quốc tế.

Chia sẻ với băn khoăn của những bạn trẻ theo đuổi sáng tác âm nhạc cải lương, nhạc sĩ Đức Trí, người có thời gian dài học nghề từ nhạc sĩ cải lương nổi tiếng Đức Phú, cho biết âm nhạc cải lương có đặc thù riêng nên muốn đổi mới thì trước hết phải nắm vững cái gốc âm nhạc đờn ca tài tử - cải lương truyền thống đã, rồi mới học hỏi cái hay từ bên ngoài mà kết hợp, sáng tạo sao cho nhuần nhuyễn, nghe mới mà vẫn không “mất gốc”.

NSƯT Ca Lê Hồng cũng nhấn mạnh cải lương muốn đổi mới phải từ cái gốc âm nhạc và cải lương hiện nay muốn hấp dẫn khán giả trẻ thì tiết tấu, giai điệu âm nhạc phải theo kịp thời đại, ca từ cũng phải hiện đại mà giàu chất văn học và phải được chính những nhạc sĩ thấu hiểu âm nhạc cải lương đặt tâm huyết phát triển.

Tuy nhiên, đây lại là việc không mới, cải lương trước đây vẫn luôn tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, cải tiến về âm nhạc, điển hình là những sáng tạo, thể nghiệm không ngừng của Dàn nhạc Đoàn Cải lương Nam Bộ suốt 20 năm thực hiện nhiệm vụ trên đất Bắc [1955 - 1975]. Nói như Th.S Nguyễn Thái Bình khi trao đổi bên lề tọa đàm là: “Cải lương vốn dĩ không cũ, chỉ có người làm cải lương cũ. Cải lương làm sao giữ được sức hút khi đã đánh mất những nền tảng làm nên thành công của mình. Việc đổi mới, đa dạng đề tài, cải tiến âm nhạc, áp dụng khoa học kỹ thuật… đều đã được các bậc tiền bối thực hiện từ mấy chục năm về trước. Đừng nghĩ đến những chuyện gì quá to tát, hãy làm cải lương chuyên nghiệp như trước đây đi đã!”.

Đáng lo hơn khi tại tọa đàm, nhiều ý kiến, quan điểm từ các bạn trẻ đã thể hiện rõ sự mơ hồ, mông lung về nghệ thuật cải lương, thậm chí không phân rõ được loại hình “ca kịch” của cải lương với nhạc kịch theo hình mẫu phương Tây, hay nhầm lẫn những giá trị cải lương từ các sản phẩm làm lệch lạc, bôi bẩn cải lương trôi nổi trên mạng… Một lần nữa vai trò của nhà quản lý lại được đặt ra, nhất là ngành văn hóa và ngành giáo dục, với việc quan tâm giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc cho người trẻ.

Có mặt tại tọa đàm, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết Sở đang có kế hoạch triển khai đề án Bảo tồn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa phi vật thể Đờn ca tài tử đến tất cả các trường học và địa phương trên địa bàn TP, tạo điều kiện để Đờn ca tài tử - cải lương tiếp cận nhiều hơn với công chúng. Cùng với đó là các giải pháp có hệ thống cho sân khấu cải lương, như: kiến nghị các bộ, ngành Trung ương có cơ chế, chính sách ưu tiên nguồn lực, hỗ trợ cho nghệ thuật truyền thống [chính sách miễn giảm thuế, hỗ trợ cơ sở vật chất, điểm diễn, tăng cường công tác bảo hộ quyền tác giả…]; đầu tư đào tạo nguồn nhân lực, hoạt động sáng tác trọng tâm, trọng điểm, chú trọng việc đặt hàng để có tác phẩm đỉnh cao; xây dựng cơ chế đặc thù hỗ trợ sinh viên ngành kịch hát dân tộc, đảm bảo chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng nhân tài xứng đáng…

Ngọc Tuyết

Tin liên quan

Những thập niên 60 và 70 [thế kỷ XX] có lẽ là thời hoàng kim của cải lương. Lúc bấy giờ cải lương là món ăn tinh thần được người dân yêu chuộng nhất, vượt trội hơn cả ca nhạc và thoại kịch. Vé chợ đen luôn có mặt ở tại cửa rạp với giá có khi gấp đôi mà người xem vẫn chấp nhận. Hiện tượng “mua dàn” thường xảy ra, vì người “mua dàn” cầm chắc tiền lời trong tay. Câu hỏi đặt ra là: Tại sao cải lương thời ấy lại được yêu chuộng như vậy?

* Thứ nhất là, đào kép có thực tài, diễn xuất nhập vai, ca hay, múa giỏi, khá gần gũi với quần chúng, được quần chúng ái mộ và đã phong cho họ những mỹ danh xứng đáng với tài năng của họ.

Đó là “Đệ nhất danh ca miền Nam” cho Út Trà Ôn; “Sầu nữ” cho Út Bạch Lan; “Cải lương chi bảo” cho Bạch Tuyết; “Thanh sắc vẹn toàn” cho Thanh Nga; “Tiếng ca huyền diệu” cho Minh Cảnh…

* Thứ hai là, nhờ nhiều soạn giả tài hoa, mang nhiều tâm huyết, đã cho ra nhiều kịch bản [vở tuồng] xuất sắc, nội dung khai phóng, gây ấn tượng mạnh cho người xem.

Đó là Hà Triều Hoa Phượng với Tấm lòng của biển, Nửa đời hương phấn, Tuyệt tình ca [viết chung với Ngọc Điệp]…. và nhất là Con gái chị Hằng. Vở này đã diễn suốt 21 đêm liên tục tại rạp Nguyễn Văn Hảo [Rạp Công Nhân ở TP. Hồ Chí Minh ngày nay]. Đó là Thu An với Nắng chiều trên sông Dịch, Hai chiều ly biệt, Lá của rừng xanh. Đó là Qui Sắc với Người vợ không bao giờ cưới, Khi rừng mới sang thu… Đó là Nguyên Thảo với Tâm sự loài chim biển…

Những nhân vật của những vở tuồng ấy đã “bình dân hóa” trong quảng đại quần chúng: Người ta đã gán tên những nhân vật trong vở tuồng cho những ai ngoài đời có những hoàn cảnh tương tự, như “Phà Ca” [trong Người vợ không bao giờ cưới], “Áo Vũ Cơ Hàn” [trong Tâm sự loài chim biển], “Ông Cò quận chín” [trong Tuyệt tình ca]…

Tuồng tích đã hay mà “văn chương” trong các vở tuồng cũng được các soạn giả trau chuốt kỹ càng; lại được đưa vào nhạc càng bóng bẩy, dịu êm, làm người xem [nghe] mê mệt:

“Lòng hẹn lòng, khi chia tay, như xé nát tâm hồn ai.
Trời lạnh lùng, mây cô đơn, buồn giăng khắp miền quan tái…”. [Mắt em là bể oan cừu]

Hay: “...Thì chị cũng sẽ về với em, Để mừng ngày em xuất giá. Cho vui lòng ba với má,

Chị cũng nở mặt nở mày với lối xóm bà con...”. [Nửa đời hương phấn]

Lại có những lời văn đẹp như một bài thơ:

“Mới đầu hôm mà tóc ta bạc gần nửa mái, Mới đầu hôm mà rượu cạn mấy mười ly.

Mới đầu hôm mà sự thế đổi thay...”. [Thuyền ra cửa biển]

Hơn thế nữa, có những câu xứng đáng là danh ngôn:

“Thà ngu như con thiêu thân mà chết ngoài ánh sáng,
Còn hơn khôn như con chuột mà chết trong ống cống”. [Tấm lòng của biển] Chúng tôi nhớ, sau khi vai Tấn [Hữu Phước đóng], nói câu nầy thì cả rạp vỗ tay rần rần. Một ông ngồi kế bên buộc miệng: “Coi cải lương mà nghe “văn chương” không cũng đủ đồng tiền!”.

Những bài ca như vậy, đến nay đã hơn bốn mươi năm mà vẫn còn có người thuộc lòng và thường hát.
Xã hội càng phát triển thì tầm thưởng thức nghệ thuật của khán giả cũng có sự đòi hỏi cao hơn, nếu các tác giả thời nay không chịu nắm bắt điều nầy thì khó thành công; ngược lại, vô hình trung coi thường khán giả và tất nhiên sẽ bị khán giả quay lưng!

Sau năm 1975, nhất là các thập niên gần đây cải lương bị mai một dần, biểu hiện dễ thấy nhất là cảnh khán giả chen nhau mua vé ngày càng xa lạ. Tại sao vậy? Có người đổ cho khách quan với lý do chỉ vì băng đĩa quá tiện lợi và rẻ tiền nên người ta không đến rạp nữa.

Nói như vậy thì có phần thiếu thuyết phục và có ý bênh vực cho môn nghệ thuật trên đường suy tàn. Hỏi lại, dù không đến rạp, ở nhà họ vẫn coi cải lương trên tivi? Câu trả lời rất sượng sùng là... rất ít người coi! [mà người coi là những lứa tuổi già nua còn sót lại].

Tại sao thế? Như đã phân tích ở trên, cải lương lúc trước được ưa chuông là nhờ ba yếu tố: Diễn viên thiện nghệ, soạn giả tài ba và kịch bản xuất sắc.

Cải lương ngày nay, với nghệ sĩ, có người cũng có huy chương vàng nầy nọ, nhưng lối diễn và giọng ca chưa làm người xem vừa ý. Ví dụ như một nữ nghệ sĩ quá “điệu”, làm duyên làm dáng thái quá, khiến người coi phải “mắc cở giùm”; hay có một nam nghệ sĩ giọng ca eo éo như con gái, diễn xuất với chân tay cứng ngắt, diễn như vậy làm sao tồn tại với tầng lớp khán giả có tầm mức thưởng thức như hiện nay? Mới hay, huy chương là một đường, còn ca diễn đi vào lòng người mới là đích thực.

Về soạn giả và kịch bản [thường vốn đi đôi] thì rõ là một vấn đề đã bàn nhiều, song vở tuồng để lại trong lòng công chúng thì không đáng kể!

Điều cần nói thêm là, người xem cải lương ngày nay rất bực mình về câu vọng cổ đã bị soạn giả phá đi nét truyền thống, nhào nắn thành dị hình dị dạng: Ca sĩ phải nổi gân cổ “nuốt” hơn một trăm chữ trước khi “xuống hò” [câu 1]. Đó là sự chế biến lập dị, làm người ca mệt, mà người nghe/xem cũng “mệt”, ngao ngán, chán chường! Các soạn giả ấy đã cố tình “làm cho lạ”, nhưng đã vô tình làm cho bản vọng cổ hết... “muồi”, vốn là sở trường của cổ nhạc.

Cải lương càng ngày càng vắng khách, kể cả những người lớn tuổi ở quê, vốn là thành phần “mê” cải lương nhất, giờ họ cũng lơ là.

Trên đây là những cảm nhận từ hàng ghế khán giả hơn là người trong nghề, vì vậy sự chủ quan sẽ không tránh khỏi. Thế nhưng, với ý thức dân tộc về một loại hình nghệ thuật - cải lương - bài viết này như tiếng lòng.

KHA TIỆM LY

.

Video liên quan

Chủ Đề