Ví dụ về phương pháp dạy học theo góc

3.1. Tình trạng giải pháp đã biết

Trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực chủ động học tập của học sinh, thì phương pháp dạy học được xem như là một cách thức hoạt động của GV trong việc chỉ đạo tổ chức các hoạt động học tập nhằm giúp HS chủ động trong học tập và đạt các mục tiêu dạy học.

Trong nhà trường THPT nói chung và trường THPT Định An nói riêng thì dạy học dựa trên phát triển năng lực đã được thực hiện, song không thường xuyên và còn mang nặng tính hình thức vì thế tính hiệu quả chưa cao. Việc sử dụng các phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực nhằm rèn luyện các kỹ năng sống, kỹ năng giải quyết các tình huống thực tiễn cho học sinh chưa được thực sự quan tâm.

Dạy học theo góc có những điểm tương đồng với dạy học theo nhóm, theo cặp và một số phương pháp, kỹ thuật, thủ thuật dạy học khác. Ưu điểm của học theo góc trong dạy học là GV có thể giao nhiều nhiệm vụ với các mức độ và năng lực khác nhau theo từng nội dung học tập, mỗi cá nhân tự hoàn thành nhiệm vụ với sự tương tác của người dạy và thành viên trong nhóm. Mỗi góc phải chuẩn bị đầy đủ các phương tiện đáp ứng nội dung học tập và nhiệm vụ các góc cùng hướng tới mục tiêu bài học. Dạy học theo góc có thể áp dụng ở hầu hết các dạng bài học và các bài tập tích hợp kiến thức nhiều môn học.

Hoá học là môn học cung cấp cho HS những tri thức hoá học tương đối hoàn chỉnh về các chất, sự biến đổi giữa các chất. Khi HS học tốt môn Hoá học, HS có thể phát triển được nhiều năng lực cá nhân cần thiết như năng lực quan sát, so sánh, phân tích, tổng hợp, thực hành, dự đoán, lập kế hoạch, hợp tác làm việc, lập luận, thuyết trình, ... và ngược lại, khi các em có được những năng lực cần thiết, các em có thể học tập tốt không chỉ môn Hoá học mà hầu hết các môn học khác. Vì vậy tôi lựa chọn giải pháp này để áp dụng vào trong thực tế giảng dạy của bản thân, nhằm nâng cao hiệu quả dạy học.

3.2. Nội dung giải pháp đề nghị công nhận là sáng kiến

- Mục đích của giải pháp:

Dạy học theo góc là một phương pháp dạy học theo đó HS thực hiện các nhiệm vụ học tập khác nhau tại các vị trí cụ thể trong không gian lớp học nhưng cùng hướng tới chiếm lĩnh một nội dung học tập theo các phong cách học khác nhau.

Mục đích của giải pháp là để học sinh được thực hành, khám phá và trải nghiệm qua mỗi hoạt động. Dạy học theo góc đa dạng về nội dung và hình thức hoạt động. Dạy học theo góc kích thích HS tích cực học thông qua hoạt động.  Là một môi trường học tập với cấu trúc được xác định cụ thể.

- Nội dung giải pháp:

Học theo góc, người học được lựa chọn họat động và phong cách học khác nhau qua các góc học tập: Góc quan sát, góc trải nghiệm, góc phân tích, góc vận dụng, ... Do vậy, học theo góc kích thích người học tích cực thông qua hoạt động, mở rộng sự tham gia, nâng cao hứng thú và cảm giác thoải mái, đảm bảo học sâu, hiệu quả bền vững, tương tác mang tính cá nhân cao giữa thầy và trò.

Dạy học theo góc giúp cho HS hiểu sâu sắc, trọn vẹn bài học bằng chính năng lực của mình và biết vận dụng kiến thức thành kinh nghiệm của bản thân. Từ đó nâng cao hiệu quả của các phương pháp dạy học hóa học cũng như kỹ năng vận dụng, quan sát, thực hành và phân tích của học sinh, nâng cao chất lượng của việc dạy và học hóa học.

          Các bước thực hiện dạy học theo góc:

- Bước 1: Lựa chọn nội dung bài học phù hợp.

- Bước 2: Xác định nhiệm vụ cụ thể cho từng góc.

- Bước 3: Thiết kế các hoạt động để thực hiện nhiệm vụ ở từng góc bao gồm phương tiện/tài liệu.

- Bước 4 : Tổ chức thực hiện học theo góc

+ HS được lựa chọn góc theo sở thích

+ HS được học luân phiên tại các góc theo thời gian quy định để đảm bảo học sâu.

- Bước 5: Tổ chức trao đổi, chia sẻ, kết luận.

Những vấn đề trên, bản thân tiến hành vận dụng trong thời gian qua, và đã thấy được hiệu quả. Sau đây, tôi xin minh họa qua các hoạt động dạy học qua bài Sắt – Hóa học 12:

▪ Hoạt  động 1: Chuẩn bị cho việc học tập theo góc. Chuẩn bị nghiên cứu hoạt động ở các góc.

          - GV Ổn định tổ chức, giới thiệu các góc và các nhiệm vụ cụ thể ở mỗi góc [3 góc]. Hướng dẫn HS nghiên cứu và lựa chọn các góc.

          - HS ngồi theo nhóm, quan sát và lắng nghe. Nghiên cứu các nhiệm vụ cụ thể và lựa chọn góc theo nhóm.

▪ Hoạt động 2: Thực hiện các nhiệm vụ theo các góc

- GV yêu cầu các nhóm thực hiện nhiệm vụ ở các góc mỗi góc trong thời gian 7 phút rồi luân chuyển sang góc khác. Hướng dẫn các tổ thực hiện nhiệm vụ và trưng bày sản phẩm.

- HS thực hiện nhiệm vụ theo nhóm tại các góc học tập. Trưng bày sản phẩm theo nhóm tại góc học tập.

▪ Hoạt động 3: Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ ở các góc

- GV hướng dẫn HS báo cáo kết quả: Gọi lần lượt từng nhóm trình bày kết quả theo từng góc, 2 nhóm còn lại nhận xét, phản hồi. Mỗi góc thực hiện thời gian tối đa 6 phút.

- GV công bố đáp án trên máy chiếu và kết luận chung về kết quả thực hiện nhiệm vụ ở các góc.

- Yêu cầu các tổ nhóm quan sát đáp án của nhiệm vụ này trên máy chiếu.

▪ Hoạt động 4: Tổng kết

- Cho HS ghi vở những nội dung đã được GV kết luận và chốt lại. GV tổng kết, đánh giá tiết học, nhấn mạnh kiến thức trọng tâm và giao nhiệm vụ cho tiết học sau.

- HS ghi vở những nội dung đã được GV kết luận và chốt lại. Rút kinh nghiệm và phân công thực hiện nhiệm vụ cho tiết học tới.

Nội dung cụ thể cho từng hoạt động được trình bày phần phụ lục "Giáo án bài Sắt" theo phương pháp dạy học theo góc.

3.3. Khả năng áp dụng của sáng kiến

Việc vận dụng giải pháp đã được tôi thể hiện trong các giáo án lên lớp. Qua các giáo án, bản thân tôi nhận thấy đây là một trong những phương án dạy học nhằm làm phát triển tối đa trí lực của học sinh. HS được tìm hiểu học tập theo các phong cách khác nhau, theo các dạng hoạt động khác nhau, do đó HS hiểu sâu, nhớ lâu kiến thức. Các em được chọn góc theo sở thích và tương đối chủ động, độc lập trong việc thực hiện các nhiệm vụ, do đó các em cảm thấy thấy thoải mái và hứng thú hơn, tạo được nhiều không gian cho thời điểm học tập mang tính tích cực. Đáp ứng được sự khác biệt của HS về sở thích, phong cách, trình độ và nhịp độ học tập.

Sáng kiến đã được áp dụng có  hiệu quả tại trường THPT Định An và có thể nhân rộng ở các đơn vị khác trong tỉnh.

Giải pháp này không đòi hỏi quá nhiều các trang thiết bị hiện đại cũng như đòi hỏi những kiến thức và kĩ năng rộng rãi của giáo viên. Chỉ cần giáo viên chịu khó dành thời gian tìm hiểu và nghiên cứu thì có thể áp dụng cho mọi đối tượng học sinh và với tất cả các trường THPT với những đặc thù khác nhau.

3.4. Hiệu quả, lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng sáng kiến

Bản thân tôi nhờ vận dụng giải pháp này đã đạt được một số kết quả nhất định. Học sinh trở nên thích học Hóa hơn, thích những giờ dạy của tôi nhiều hơn. Trong giờ học, tôi đã kết hợp hài hòa trong phong cách dạy của mình có thể làm cho giờ học mang không khí rất thoải mái, nhưng khả năng tiếp thu bài cũng rất tốt.

          Năm học 2018 – 2019, tôi tiến hành giảng dạy lớp 12A2 [thực nghiệm] có vận dụng giải pháp và lớp 12A4 dạy theo phương pháp bình thường [đối chứng]. Qua tiết sau, cho các em làm bài kiểm tra 15 phút thu được kết quả điểm số lớp 12A2 tỉ lệ trung bình trở lên đạt 85,71% trong khi đó lớp 12A4 chỉ đạt 69,45%.

          Việc vận dụng thường xuyên giải pháp này trong HK2 cho thấy đạt kết quả tốt hơn rất nhiều so với HK1. Cụ thể: tỉ lệ giỏi đạt 11,17% [tăng 2,33% so HK1]; khá 36,87% [tăng 15,32%]; trung bình 34,64% [giảm 9,56%] và yếu kém 17,32% [giảm 8,09%].

Trong thời gian tới, bản thân tôi sẽ cố gắng phát huy giải pháp vừa nêu và tìm tòi để có những giải pháp mới và hay hơn để nâng dần chất lượng môn Hóa nói chung và bộ môn Hóa 12 nói riêng.

3.5. Tài liệu kèm theo gồm:

Giáo án và các phiếu học tập của HS khi học nội dung về kim loại Sắt.

Học theo góc có nghĩa là học sinh của một lớp được học  tại các vị trí/khu vực khác nhau để thực hiện các nhiệm vụ được giao. Học sinh được khuyến khích hoạt động và các hoạt động có tính đa dạng  về nội dung và bản chất, hướng tới việc thực hành, khám phá và thực nghiệm.

Các giai đoạn của quá trình dạy học theo góc:

GIAI ĐOẠN 1: CHUẨN BỊ

Bước 1: Xem xét các yếu tố cần thiết để học theo góc đạt hiệu quả

Nội dung bài học phù hợp: không phải bài học nào cũng có thể tổ chức cho học sinh học theo góc có hiệu quả. Tùy theo môn học, chủ đề bài học, giáo viên cần cân nhắc xác định những nội dung học tập sao cho việc áp dụng dạy học theo góc có hiệu quả hơn so với việc sử dụng phương pháp dạy học khác.

Thời gian học tập: Việc học theo góc không chỉ tính đến thời gian học sinh thực hiện nhiệm vụ học tập mà giáo viên cần tính đến thời gian giáo viên hướng dẫn giới thiệu,  thời gian học sinh lựa chọn góc xuất phát, thời gian học sinh luân chuyển góc,…

Không gian lớp học: Nếu không gian lớp học quá nhỏ sẽ khó có thể bố trí các góc/khu vực học tập riêng biệt.

Sĩ số học sinh: Nếu số lượng học sinh quá đông thì giáo viên sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức và quản lý các hoạt động học tập của học sinh ở mỗi góc.

Ý thức và khả năng học độc lập của  học sinh: Mức độ tự định hướng và mức độ học độc lập của học sinh như thế nào chỉ có thể trả lời một cách thỏa đáng khi tổ chức cho học sinh học theo góc. Khả năng tự định hướng, tính tự giác của học sinh càng cao thì việc tổ chức lớp học theo góc càng thuận tiện.

Bước 2: Xác đinh nhiệm vụ và hoạt động cụ thể cho từng góc

Đặt tên góc sao cho thể hiện rõ đặc thù của hoạt động học tập ở mỗi góc và hấp dẫn với học sinh.

Thiết kế nhiệm vụ ở mỗi góc, quy định thời gian tối đa cho hoạt động ở mỗi góc và các cách hướng dẫn để học sinh chọn góc, luân chuyển góc cho hiệu quả [nếu bài học yêu cầu học sinh học  theo hệ thống quay vòng các góc].

Biên soạn phiếu học tập, văn bản hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ, bản hướng dẫn tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng, đáp án, phiếu hỗ trợ học tập ở các mức độ khác nhau [nếu cần]…

Ví dụ: Văn bản hướng dẫn cần đề cập đến các việc sau :

+ Những nhiệm vụ học sinh phải làm và nhiệm vụ học sinh có thể làm.

+ Ai sẽ chữa bài tập.

+ Có thể tìm tài liệu cần thiết ở đâu.

+ Học sinh làm bài tập cá nhân hay theo nhóm.

+ Sản phẩm học sinh cần có sau hoạt động tại góc này.

+ …

Xác định và chuẩn bị những thiết bị, đồ dùng, phương tiện cần thiết cho học sinh hoạt động.

GIAI ĐOẠN 2: TỔ CHỨC CHO HỌC SINH HỌC THEO GÓC

Bước 1: Sắp xếp không gian lớp học

Bố trí góc/khu vực học tập phù hợp với nhiệm vụ, hoạt động học tập và phù hợp với không gian lớp học. Việc này cần tiến hành trước khi có tiết học.

Đảm bảo có đủ tài liệu phương tiện, đồ dùng học tập cần thiết ở mỗi góc.

Lưu ý đến lưu tuyến di chuyển giữa các góc.

Bước 2: Giới thiệu bài học/nội dung học tập và các góc học tập

Giới thiệu tên bài học/nội dung học tập; Tên và vị trí các góc.

Nêu sơ lược nhiệm vụ mỗi góc, thời gian tối đa thực hiện nhiệm vụ tại các góc.

Dành thời gian cho học sinh chọn góc xuất phát, giáo viên có thể điều chỉnh nếu có quá nhiều học sinh cùng chọn một góc.

Giáo viên có thể giới thiệu sơ đồ luân chuyển các góc để tránh lộn xộn. Khi học sinh đã quen với phương pháp học tập này, giáo viên có thể cho học sinh lựa chọn thứ tự các góc:

 Bước 3: Tổ chức cho học sinh học tập tại các góc

học sinh có thể làm việc cá nhân, cặp hay nhóm nhỏ tại mỗi góc theo yêu cầu của hoạt động.

giáo viên cần theo dõi, phát hiện khó khăn của học sinh để hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời.

Nhắc nhở thời gian để học sinh hoàn thành nhiệm vụ và chuẩn bị luân chuyển góc.

Bước 4: Tổ chức cho học sinh trao đổi và đánh giá kết quả học tập [nếu cần]

Xem thêm phương pháp dạy học theo dự án

Một số điểm cần lưu ý

Tổ chức: Có nhiều hình thức tổ chức cho học sinh học theo góc. Ví dụ :

•            Tổ chức góc theo phong cách học  dựa vào chu trình học tập của Kolb:

•            Tổ chức học theo góc dựa vào việc hình thành các kỹ năng môn học [ví dụ: các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết trong môn Ngữ văn, Ngoại ngữ].

•            Tổ chức học theo góc liên hệ chặt chẽ với học theo hợp đồng trong đó bao gồm các góc “phải” thực hiện và góc “có thể” thực hiện.

•            Đối với môn hóa học thường sử dụng 4 góc:

Ưu điểm và hạn chế của dạy học theo góc:

Ưu điểm:

•            Học sinh được học sâu và hiệu quả bền vững : học sinh được tìm hiểu nội dung học tập theo các phong cách khác nhau, theo các dạng hoạt động khác nhau, do đó, học sinh hiểu sâu, kiến thức nhớ lâu.

•            Tăng cường sự tham gia, nâng cao hứng thú và cảm giác thoải mái của học sinh: học sinh được chọn góc theo sở thích và tương đối chủ động, độc lập trong việc thực hiện các nhiệm vụ. Do đó, các em cảm thấy hứng thú và thoải mái hơn.

•            Tạo được nhiều không gian cho thời điểm học tập mang tính tích cực : Các nhiệm vụ và hình thức học tập thay đổi tại các góc tạo cho học sinh nhiều cơ hội khác nhau [khám phá, thực hành, áp dụng, sáng tạo, chơi…]. Điều này cũng giúp gây hứng thú tích cực cho học sinh.

•            Tăng cường sự tương tác cá nhân giữa giáo viên và học sinh, học sinh và học sinh; giáo viên luôn theo dõi trợ giúp, hướng dẫn khi học sinh yêu cầu. Điều đó tạo ra sự tương tác cao giữa giáo viên và học sinh, đặc biệt là học sinh TB, yếu. Ngoài ra học sinh được tạo điều kiện để hỗ trợ, hợp tác với nhau trong quá trình thực hiện nhiệm vụ học tập.

•            Đáp ứng được sự khác biệt của học sinh về sở thích, phong cách, trình độ và nhịp độ :

Hạn chế:

•            Học theo góc đòi hỏi không gian lớp học rộng với số lượng học sinh vừa phải.

•            Cần nhiều thời gian cho hoạt động học tập.

•            Không phải bài học/nội dung nào cũng áp dụng được phương pháp học theo góc.

•            Đòi hỏi giáo viên phải có kinh nghiệm trong việc tổ chức, quản lý và giám sát hoạt động học tập cũng như đánh giá được kết quả học tập của học sinh.

[Tài liệu tập huấn Dạy học và kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; môn Hóa học cấp trung học phổ thông; Vụ GDTH, 2014]

Dạy học theo gócGiáo viênHọc sinhHọc theo gócPhương pháp dạy học

Video liên quan

Chủ Đề