Trận công đồn là gì

Thực hiện Kế hoạch số 129-KH/BCĐ, ngày 30 tháng 5 năm 2013 của Ban Chỉ đạo tổ chức kỷ niệm 65 năm trận công Đồn Phủ Thông. Ban Tuyên giáo Huyện uỷ xây dựng hướng dẫn tuyên truyền, kèm theo Đề cương, giới thiệu khái quát sự hình thành vị trí địa lý và tình hình diễn biến, ý nghĩa các trận đánh đồn Phủ Thông

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

– Thông qua các hoạt động Kỷ niệm 65 năm trận công Đồn Phủ Thông [25/7/1948-25/7/2013] nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc & các đoàn thể nhân dân về giáo dục truyền thống yêu nước, đoàn kết sáng tạo của nhân dân các dân tộc huyện Bạch Thông.

– Khơi dậy lòng yêu nước, truyền thống lịch sử của dân tộc; bồi dưỡng phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng và nâng cao nhận thức bảo tồn và phát huy giá trị của di tích lịch sử; góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, cán bộ chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn toàn huyện vào sự lãnh đạo của Đảng. Đồng thời, tạo không khí thi đua sôi nổi lập thành tích thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đề ra.

– Các hoạt động tuyên truyền kỷ niệm cần tổ chức với nhiều hình thức, đa dạng, mang tính quần chúng sâu rộng, tạo được khí thế cách mạng; đảm bảo tiết kiệm, tránh phô trương hình thức, lãng phí, gắn với việc tuyên truyền kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Chi bộ Chí Kiên và tiếp tục triển khai sâu rộng, có hiệu quả việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

II. NỘI DUNG TUYÊN TRUYỀN

1. Giới thệu khái quát về sự hình thành, vị trí địa lý và tình hình, diễn biến các trận đánh Đồn Phủ Thông [theo đề cương gửi kèm].

2. Tuyên truyền về vị trí, vai trò, ý nghĩa của trận công Đồn Phủ Thông trong công cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của quân và nhân dân ta; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc và xây dựng đất nước Việt Nam trong hơn 83 năm qua.

3. Tuyên truyền quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia trong giai đoạn cách mạng hiện nay, đặc biệt tuyên truyền về quyền, chủ quyền về biển đảo và cơ sở pháp lý, lịch sử, khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam.

4. Tuyên truyền nhiệm vụ, giải pháp, kết quả đạt được trong phát triển kinh tế – xã hội,  an ninh – quốc phòng, xây dựng Đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp đã đề ra; kết quả thực hiện Chỉ thị 03- CT/TW về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại các cơ quan, đơn vị, địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 1. Ban Tuyên giáo Huyện ủy xây dựng ban hành hướng dẫn và sao gửi đề cương tuyên truyền về diễn biến của trận công đồn Phủ Thông; theo dõi đôn đốc kiểm tra các hoạt động tuyên truyền.

2. Phòng Văn hóa – Thông tin chủ động chỉ đạo Ban văn hóa các xã, thị trấn tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền.

3. Các chi, đảng bộ trực thuộc xây dựng kế hoạch tuyên truyền tại địa phương, đơn vị mình; cụ thể hóa các hoạt động tuyên truyền trước, trong và sau ngày 25 tháng 7 năm 2013.

4. Đài Phát thanh – Truyền hình, Cổng thông tin điện tử huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường thời lượng tiếp và phát sóng, đăng bài tuyên truyền các hoạt động kỷ niệm 65 trận công Đồn Phủ Thông; các gương tập thể cá nhân tiêu biểu, điển hình trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

 5. Ủy ban Mặt trận và các hội, đoàn thể huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, hội viên, đoàn viên của tổ chức mình.

6. Sau đợt kỷ niệm các chi, đảng bộ, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể huyện gửi báo cáo kết quả tuyên truyền của đơn vị, địa phương về Ban Tuyên giáo để tổng hợp báo cáo Thường trực Huyện ủy, thời gian gửi báo cáo trước ngày 05 tháng 8 năm 2013.

   III. KHẨU HIỆU TUYÊN TRUYỀN

1 . Nhiệt liệt chào mừng kỷ niệm 65 năm trận công Đồn Phủ Thông [25/7/1948-25/7/2013]!

2. Thi đua lập thành tích chào mừng kỷ niệm 65 năm trận công Đồn Phủ Thông [25/7/1948-25/7/2013]!

3. Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Bạch Thông ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015!

4. Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!

5. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!

6. Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!

7. Sống, chiến đấu, lao động, học tập theo gương Bác Hồ vĩ đại!

8. Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Bạch Thông quyết tâm đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh!

ĐỀ CƯƠNG

Giới thiệu khái quát sự hình thành vị trí địa lý và tình hình diễn biến,

ý nghĩa các trận đánh đồn Phủ Thông

—————-

I. Vài nét về sự hình thành Đồn Phủ Thông

Sau khi đánh chiếm tỉnh thành Thái Nguyên năm 1884, thực dân Pháp từng bước đánh chiếm các khu vực thuộc tỉnh Bắc Kạn. Ngày 13/02/1888, đạo quân Ba Bể do đại tá Xéc-vie chỉ huy tiến từ Bảo Lạc- Cao Bằng xuống chiếm Chợ Rã và đến ngày 17/02, đạo quân này đến Ngân Sơn, áp sát Bạch Thông.

Ngày 23 tháng 01 năm 1892, thực dân Pháp tiến công vào Bạch Thông từ hai hướng: một hướng do một toán quân tuần tiễu tiến từ Yến Lạc Na Rỳ sang, một hướng tiến xuống từ Ngân Sơn. Đến tháng 11 năm 1894, một đồn binh Pháp được thành lập tại Phủ Thông

Mục đích của thực dân Pháp trong xây dựng Đồn Phủ Thông

Chiếm đóng Phủ Thông, thực dân Pháp sẽ khống chế được toàn bộ khu vực xung quanh, kiểm soát được tuyến đường Quốc lộ 3 đoạn từ Bắc Kạn – Cao Bằng và đường tuyến 258 đi Chợ Rã. Từ vị trí này, chúng có thể nhanh chóng triển khai ứng cứu cho các nơi khác khi cần thiết.

Để tạo căn cứ liên hoàn với các căn cứ khác trong tỉnh Bắc Kạn hình thành một thế trận phòng thủ vững chắc, nhằm phục vụ cho mưu đồ xâm lược, cai trị toàn diện, nhanh chóng tạo sự ổn định để vơ vét nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú trong khu vực.

Khống chế, đàn áp sự nổi dậy của nhân dân và các phong trào cách mạng tại địa phương.

Tháng 9/1939, Chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ.

Tháng 6 năm 1940, Pháp đầu hàng Đức. Lợi dụng tình hình đó, 22/9/1940, phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương.

Đêm  9/3/1943, Nhật hất cẳng Pháp, độc chiếm Đông Dương.

Giữa tháng 3 năm 1945, Nhật chiếm đóng thị xã Bắc Kạn và mở rộng ra các địa phương khác trong tỉnh, xây dựng nhiều đồn bốt nhằm đàn áp phong trào Việt Minh, trong đó, Nhật đã thay Pháp chiếm đóng đồn Phủ Thông.

Ngày 23/3/1945, một đơn vị Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân do các đồng chí Đàm Quang Trung và Hoàng Sâm chỉ huy từ hướng Chợ Rã về đến Vi Hương và các xã lân cận thành lập chính quyền cách mạng và xây dựng Hội cứu quốc. Tên cai cơ Đồn Phủ Thông hoảng sợ, xin đầu hàng và nộp vũ khí cho quân giải phóng.[Sđd. Tr 84]

Ngay sau khi Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà [2/9/1945], núp bóng quân Anh giải giáp vũ khí quân đội Nhật, thực dân Pháp quay lại xâm lược nước ta. Ngày 19 tháng 12/1946, Hồ Chủ tịch ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Các cơ quan TW  chuyển lên Việt Bắc.

Nhằm phá tan cơ quan đầu não kháng chiến và bộ đội chủ lực của ta, dùng thắng lợi quân sự để thúc đẩy việc thành lập chính quyền bù nhìn và nhanh chóng kết thúc chiến tranh,khoá chặt biên giới Việt – Trung, cắt đứt liên lạc giữa ta với quốc tế,  tháng 10 năm 1947 thực dân Pháp mở cuộc tấn công lớn lên Việt Bắc. Trong cuộc tiến công này, Bắc Kạn là một trong những địa bàn có vị trí quan trọng trong ý đồ chiến lược của thực dân Pháp

Ngày 7/10/1947, khoảng 800 Pháp nhảy dù xuống chiếm thị xã Bắc Kạn và tích cực chiếm đóng, củng cố 5 cứ điểm trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Trong đó có Đồn Phủ Thông.

 Cuộc tiến công lên Việt Bắc thu đông năm 1947, thực dân Pháp thất bại, bị tổn thất khá nặng nề, nhưng chúng cũng gài được một mũi nhọn thọc sâu chia cắt căn cứ địa Việt Bắc đó là cứ điểm lớn Bắc Kạn và các hệ thống cứ điểm khác gồm: thị trấn Phủ Thông, Nà Phặc, Ngân Sơn, Bằng Khẩu nhằm cố giành thắng lợi quân sự, nhanh chóng kết thúc chiến tranh.

II. Vị trí Đồn Phủ Thông

Đồn Phủ Thông nằm trên địa bàn của thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông. Đây là một cứ điểm nằm gọn trên một quả đồi, cách thị xã Bắc Kạn 19 km về phía Bắc – Đông Bắc, nằm trên trục đường quốc lộ số 3 [Bắc Kạn – Cao Bằng] và trục đường 258 [Phủ Thông – Chợ Rã]. Toàn khu vực này là núi đất với độ cao trung bình 350m – 400m. Đồn được xây dựng trên một mỏm nhô ra của núi Nà Cọt, với độ cao 198m so với mực nước biển, cách Ngã ba Phủ Thông 300m về phía Bắc – Tây Bắc, xa xa là dãy núi Phia Bjoóc.

+ Phía Bắc đồn là bốn mỏm núi Nà Cọt. Bốn mỏm này đều cao hơn đồn, sườn dốc thoải, cây cối rậm rạp, có lợi thế về quân sự, tạo điều kiện cho việc cơ động và triển khai lực lượng của ta.

+ Phía đông, chạy sát hàng rào đồn là suối Nà Giàng, rộng 7 – 8 m. Từ suối tới đồn vách đứng khó lên xuống. Cách suối khoảng 200 mét là Quốc lộ 3, chạy theo hướng Bắc – Đông Bắc, sát dãy núi cao trên 400 mét.

+ Phía Nam Đồn, cách 150 mét là đường đi Chợ Rã. Cổng Đồn được mở ở hướng này. Phía trước cổng đồn có chợ Phủ Thông và khu phố Hoa kiều

+ Phía Tây Nam, cách đồn  khoảng 450m – 500m là chân điểm cao 398 [núi Nà Phải], trong đó có 2 mỏm núi pháo binh có thể ngắm bắn trực tiếp vào các mục tiêu trong đồn.

+ Phía Tây, cách đồn khoảng 250m có một khe suối rộng 3-4 mét [suối Chí Quảng]. Từ đồn xuống khe suối là đồi thấp và ruộng [lúc đó bỏ hoang, cây cối rậm rạp]. 

* Về vị trí chiến lược của Đồn Phủ Thông:

Nơi đây, có vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch, là tiền tiêu phía bắc thị xã Bắc Kạn, bảo vệ hành lang trên trục đường số 3 đi Ngân Sơn, Cao Bằng. Đồn tuy ở vị trí tương đối thấp nhưng có tầm quan sát và tầm khống chế bằng hoả lực rộng. Địa thế xung quanh Đồn có núi cao, rừng rậm nhưng ở khá xa, hoả lực khó với tới. Bờ đông dốc và sâu, khó lên xuống. Vì vậy,  Đồn có vị trí hiểm yếu, khá vững chắc trong phòng thủ… Tuy nhiên nếu bị tiến công, Đồn sẽ bị cô lập.

* Tình hình địch:

Lực lượng địch đóng ở đồn Phủ Thông có một đại đội bộ binh và một trung đội trợ chiến thuộc 3e/REI, quân số khoảng 150 tên, do một quan ba, 1 quan hai và 1 quan một chỉ huy [Q1= thiếu uý, q2= trung uý, q3= đại uý] đồn được trang bị nhiều phương tiện vũ khí hiện đại lúc bấy giờ, gồm 6 súng máy, 2 súng cối, còn lại là tiểu liên, súng trường, mỗi tên còn được trang bị từ 4-6 quả lựu đạn.

 Đồn có hình chữ nhật, dài 100m, rộng 50m. Có 1 cổng duy nhất làm bằng gỗ chắc chắn, quay về phía nam [nhìn thẳng ra chợ Phủ Thông]. Đồn có tường bao quanh đắp bằng đất, dày 1m, cao 2m; trong và ngoài tường ghép gỗ, bên ngoài có cọc chống, tứ phía có nhiều lỗ châu mai. Để quan sát, bảo vệ và đánh chiếm trận địa, chúng xây dựng ở xung quanh đồn nhiều lớp tường, rào, và hầm hào, công sự. Trong Đồn có 1 nhà gạch và một số lều bạt rải rác.

Như vậy, Đồn Phủ Thông là một cứ điểm mạnh, do lực lượng tinh nhuệ của địch chiếm giữ, được trang bị đầy đủ, có công sự phòng thủ khá kiên cố.

Thấy rõ được vị trí chiếm đóng và sự bố trí kiên cố của lực lượng địch tại đồn Phủ Thông. Ngày 08/10/1947, chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân, du kích và toàn thể đồng bào ra sức tiêu diệt địch. Người đã phân tích, vạch rõ những ý định và tình hình địch. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát huy khí thế tấn công địch. Riêng tại đồn Phủ Thông đã liên tiếp xẩy ra 4 trận công đồn:

– Trận đánh ngày 30 tháng 11 năm 1947.

– Trận đánh ngày 20 tháng 2 năm 1948.

– Trận đánh ngày 12 tháng 3 năm 1948.

– Trận đánh ngày 25 tháng 7 năm 1948

 Trận Phủ Thông đã được Trung ương Đảng, Bộ Tổng chỉ huy biểu dương, Tiểu đoàn 11 được mang danh hiệu “Tiểu đoàn Phủ Thông”. Sau trận Phủ Thông ngày 25/7/1948, quân địch ở các cứ điểm không dám càn quét, sục sạo các vùng xung quanh, ta giành được chủ động trên địa bàn Bắc Bạch Thông.

III. Các trận đánh Đồn Phủ Thông

1. Trận đánh tập kích lần thứ nhất  đêm 30/11/1947.

Lực lượng tham gia trận này gồm 2 trung đội của Đại đội 395, tiểu đoàn 16 thuộc trung đoàn bộ binh 72, do đồng chí Hạc Đình chỉ huy, 01 trung đội do đồng chí Nguyễn Quốc Cam chỉ huy, một trung đội do đồng chí Lư chỉ huy. Vũ khí có một súng máy, còn lại là súng trường, dao, kiếm, mỗi đồng chí có 2 quả lựu đạn. Phối hợp với trung đội du kích do đồng chí Tạ Đình Thùy chỉ huy, có 3 tiểu đội, quân số gần 30 người, với 01 khẩu trung liên, 05 khẩu súng trường, mỗi đồng chí có 2 quả lựu đạn, còn lại được trang bị gậy tre vót nhọn. Tiểu đội du kích xã Vi Hương làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu.

Với sự phối hợp này, quân ta bí mật hành quân chiếm lĩnh trận địa chiến đấu, diệt lính gác dũng cảm xung phong vào đồn thực hiện “cướp súng giặc giết giặc”, làm chủ hoàn toàn khu lều bạt. Địch phản kích chiếm lại, nhưng bị hoả lực của ta bắn chặn mãnh liệt. Thấy tình hình bất lợi bộ đội và du kích chủ động rút ra ngoài.

Trong trận này ta tiêu diệt 15 tên địch và làm bị thương 35 tên khác, thu được 02 súng máy, 01 súng trường. Về phía ta cũng có sự tổn thất: hi sinh 5 đ/c thuộc đại đội 395 [1 trung đội trưởng, 1 tiểu đội trưởng, 1 tiểu đội phó và 2 chiến sĩ].

Chiến thắng Phủ Thông đêm 30/11/1947 có ý nghĩa rất quan trọng. Trận tập kích đã tiêu hao một lực lượng địch, thực hiện được một phần nhiệm vụ đề ra, góp phần vào thắng lợi chung của quân và dân ta trong chiến dịch Việt Bắc. Trên mặt trận đường số 3 đây là trận đầu tiên quân địch bị diệt ngay tại sào huyệt, đòn trừng phạt này làm rung động cả hệ thống đồn bốt địch. Đồng thời trận đánh đã khẳng định khr năng tập kích, tiến công đồn của bộ đội và du kích ta trong những năm đầu kháng chiến; thể hiện quyết tâm, lòng dũng cảm, táo bạo của chiến sỹ ta. Chiến thắng này đã cố vũ tinh thần chiến đấu của bộ độ, du kích và nhân dân trong tỉnh Bắc Kạn, củng cố lòng tin yêu của đồng bào dân tộc trong tỉnh đối với đại đội 395 và trung đôi du kích thị xã.

[Riêng trận đánh ngày 20/2/1948 chưa sưu tầm được tài liệu nào ghi lại chi tiết]

2. Trận đánh lần 3 đêm 12/3/1948

Đêm 12/3/1948, tiểu đoàn 45 có pháo binh yểm trợ đã tập kích đồn Phủ Thông lần thứ 3. Tuy ta không đột nhập vào đồn được nhưng đại pháo binh của ta đã diệt 30 tên địch, làm bị thương 40 tên khác, phá hỏng nặng hầm hào, công sự và doanh trại của địch. Bọn địch ở thị xã Bắc Kạn lên ứng cứu, bị đại đội Cẩm Lý phối hợp với một phân đội của tiểu đoàn 55, trung đoàn 72 và trung đội du kích tập trung huyện Bạch Thông phục kích địch tại km 8 phía Bắc thị xã. Trận phục kích đã tiêu diệt và làm bị thương nhiều tên, buộc địch phải quay về thị xã, 3 ngày sau mới cho quân tăng cường lên Phủ Thông.

3. Trận cường tập ngày 25/7/1948

3.1 Tình hình địch

Sau 3 lần bị ta tập kích [30/11/1947, 20/02/1948 và 12/3/1948 ], Đồn Phủ Thông đã được địch xây dựng thành một cứ điểm vững chắc, có nhiều lớp rào tre, nứa, dây thép gai và tường rào cao hơn đầu người bao quay. Đồn có nhiều dãy gạch với những ụ súng, lô cốt, hầm ngầm kiên cố.Lực lượng địch ơ đây được tăng cường và trang bị thêm nhiều vũ khí. Thông tin vô tuyến điện của đồn có thể liên lạc với chỉ huy tiểu đoàn địch ở Bắc Kạn, liên lạc trong đồn bằng máy điện thoại. Địch làm việc theo thời gian biểu định sẵn, mỗi ngày chúng thường phái các tổ tuần tiễu dọc đường quốc lộ 3 và đường đi Chợ Rã. Ban đêm địch tổ chức canh gác ở 4 lô cốt, cổng ra vào và chòi quan sát, thỉnh thoảng cho một trung đội sục sạo các vùng lân cận.

3.2 Tình hình ta và diễn biến trận đánh

Ta chủ trương mở chiến dịch Đường số 3 nhằm mụch đích bức địch rút khỏi Bắc Kạn và Đường số 3. Ban Chỉ huy chiến dịch chủ trương trong thời kỳ thứ nhất [từ 25-27/7/1948] mở cuộc tổng công kích trên đường Cao Bằng – Bắc Kạn, tiêu diệt 2 cứ điểm Phủ Thông, Bằng Khẩu, phục kích tiêu diệt quân tiếp viện từ Bắc Kạn lên, làm chủ đường số 3. Tiểu đoàn 55 và đại đội Ba Bể được giao nhiệm vụ phục kích trên đường quốc lộ 3. Chặn quân tiếp viện từ Ngân Sơn, Nà Phặc hỗ trợ cho tiểu đoàn 11 trực tấn công tiêu diệt cứ điểm

Theo quy định, đúng 19h, pháo binh mới bắt đầu bắn, đồng chí chỉ huy pháo binh đề nghị cho bắn sớm hơn để dễ quan sát và sửa bắn, đồng chí Vũ Yên đồng ý.

 Đúng 18 giờ 45 phút, ngày 25 tháng 7 năm 1948, pháo binh ta bắt đầu bắn quả đạn đầu tiên mở màn trận đánh. phá sập một phần khu thông tin, phá hủy đường rào giao thông hào bao quanh cứ điểm. Tiểu đoàn 11 chia làm 2 mũi tiến công vào đồn.

Mũi nhọn thứ nhất do đại đội 245 đảm nhiệm, tấn công vào hướng cổng chính, bị địch tập trung hỏa lực bắn ra dữ dội. Ta tập trung súng cho mũi thứ 2 do đại đội 243 đảm nhiệm, tiến công ở phía bên phải, cắt hàng rào dây thép gai, phá các hàng rào tre, nứa, mở đường cho tổ xung kích bắc thang cho bộ đội vượt tường tiến công vào đồn.

Giữa ta và địch dành giật từng lô cốt, ta lần lượt chiếm các lô cốt công sự của chúng. Trận đánh kéo dài đến 23giờ, ta bị thương vong nhiều cán bộ chiến sỹ. Mặc dù không chiếm được cứ điểm nhưng ta đã tiêu diệt và làm bị thương hơn 100 tên địch chiếm 3/4 số quân trong đồn, trong đó có tên đồn trưởng và tên đồn phó, phá hủy nặng hệ thống công sự, vật cản, nhà ở trong đồn. Thu được 5 trung liên, 4 tiểu liên, 10 súng trường, một số đạn, lựu đạn. Đến 23 giờ 30 phút ta rút khỏi đồn, trận tập kích lần 3 kết thúc.

3.3 Ý nghĩa lịch sử trận cường tập Đồn Phủ Thông ngày 25/7/1948

Qua chiến thắng này, quân dân ta càng hiểu rõ hơn đối tượng tác chiến và tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong chiến đấu. Trận cường tập Phủ Thông là một trận đánh công kiên bằng hoả lực, quy mô cấp tiểu đoàn đầu tiên. Tuy không giành được thắng lợi hoàn toàn, song trận Phủ Thông ngày 25/7/1948 có ý nghĩa quan trọng. “Chiến thắng Phủ Thông” là trận đầu tiên bộ đội ta tiêu diệt đại đội tăng cường tinh nhụê của Pháp phòng ngự với công sự vững chắc. Chiến thắng đã mang lại niềm tin, kinh nghiệm và có cống hiến lớn cho bộ đội ta tiến lên trên con đường đánh công kiên, đặc biệt là trong chiến dịch giải phóng biên giới và trong chiến dịch Điện Biên Phủ, nói chung trong 30 năm kháng chiến” [trích thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi các đại biểu cựu chiến binh Tiểu đoàn Phủ Thông ngày 22/7/1998].

Đây là trận tập dượt của quân đội ta nhằm chống lại chiến thuật phòng ngự kiểu “cứ điểm nhỏ” của thực dân Pháp, đồng thời đánh dấu bước trưởng thành và phát triển của quân đội ta về khả năng, phương pháp tác chiến. Trận đánh đã để lại cho ta nhiều bài học kinh nghiệm quý về khâu điều tra trinh sát địch, sử dụng hoả lực trong điều kiện vũ khí trang bị còn thiếu; thời cơ sử dụng lực lượng; tổ chức chỉ huy bảo đảm thông tin liên lạc, hiệp đồng tác chiến giữa bộ binh, pháo binh được tổng kết và phổ biến kịp thời trong toàn quân. Trận Phủ Thông ngày 25/7/1948 đã được Trung ương Đảng, Bộ Chỉ huy biểu dương. Tiểu đoàn 11 được mang danh hiệu “Tiểu đoàn Phủ Thông”. Bài hát ca ngợi Chiến thắng Phủ Thông của quân đội ta được ra đời từ đây. Bản nhạc bất hủ đó vang mãi trong trang lịch sử hào hùng của quân và dân ta

Trận tập kích giáng một đòn mạnh vào mắt xích quan trọng của địch trên tuyến đường số 3. Cùng với những trận đánh khác, trận cường tập đồn Phủ Thông phá vỡ âm mưu củng cố “mũi dùi” cắm vào lòng Việt Bắc của thực dân Pháp. Sau trận Phủ Thông ngày 25/7/1948 quân địch ở các cứ điểm không dám càn quét, sục sạo các vùng xung quanh, ta giành được chủ động trên địa bàn Bắc Bạch Thông, cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vuc trang ta mãi mãi ghi nhớ trận Phủ Thông.

Chiến thắng Phủ Thông làm cho quân Pháp ở Bắc Kạn thêm cô lập, lúng túng; một lần nữa làm rung động hệ thống cứ điểm của địch. Chiến thắng này còn được tô thắm thêm bởi dòng máu của những đồng đội đã ngã xuống, hiến dâng cuộc sống để dập tắt mọi âm mưu của kẻ thù, nó đã đi vào lịch sử, gắn liền với chiến công vang dội của quân và dân ta. Kế hoạch mở rộng vị trí chiếm đóng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn của địch bị thất bại. Từ đây địa phương tiếp tục có điều kiện củng cố căn cứ địa cách mạng.

Trận cường tập Phủ Thông đã gây một tiếng vang lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, ghi dấu sự xâm lược của thực dân Pháp và sự đấu tranh của bộ đội, du kích ta, có giá trị lịch sử to lớn. Ngày nay, trước tình hình và nhiệm vụ mới, chúng ta tiếp bước thế hệ cha ông trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đó là vinh dự, tự hào, song cũng là trách nhiệm to lớn, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực cống hiến sức lực bằng những hành động thiết thực, không ngừng phát huy truyền thống cách mạng, tích cự học tập, lao động sáng tạo góp phần hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội của địa phương, xây dựng quê hương Bạch Thông ngày càng giàu đẹp, xứng với địa danh anh hùng, cái nôi của quê hương cách mạng.

Video liên quan

Chủ Đề