Trận chi lăng xương giang diễn ra ở đâu

Hình thức: vây thành diệt viện; với các hình thức tác chiến: vận động, phục kích, tập kích, công kích địch phòng ngự dã ngoại.

Không gian: từ Đông Quan [Hà Nội] tới biên giới Việt – Trung [Đông Bắc và Tây Bắc], mà khu vực chủ yếu là trục Chi Lăng – Xưong Giang [Bắc Giang].

Thời gian: từ 8-10-1427 đến 3-11-1427.

Lực lượng tham chiến: phía ta khoảng 80.000 quân; phía địch khoảng 150.000 quân.

Kết quả: ta diệt và bắt 120.000 tên địch, trong đó gồm toàn bộ các tướng chỉ huy chủ yếu. Kết cục chiến lược trực tiếp là đánh bại hoàn toàn cuộc xâm lược 20 năm của quân Minh trên đất nước ta, bắt buộc nhà Minh phải thừa nhận nền độc lập của dân tộc ta.

II – Diễn biến chính

Cuối năm 1427, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi – Nguyễn Trãi lãnh đạo chống quân Minh xâm lược bước sang năm thứ 10 và đã đứng trước cửa ngõ thắng lợi hoàn toàn. Tuyệt đại bộ phận đất nước được giải phóng, địch chỉ còn co về chiếm giữ Thành Đông Quan [Hà Nội] và một số thành lũy khác. Trước nguy cơ hoàn toàn thất bại, và để cứu đạo quan Vương Thông đang bị vây hãm ở Đông Quan, giặc Minh đã quyết định phái sang nước ta mội đạo quân viện lớn do Liễu Thăng chỉ huy. Đạo quân này được tổ chức thành hai cánh tiến quân: cánh thứ nhất gồm 100.000 tên, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Liễu Thăng, tiến theo ngả Quảng Tây vào Lạng Sơn, Xương Giang. Cánh thứ hai gồm 50.000 tên do Mộc Thạch chỉ huy, tiến theo ngả Vân Nam vào Lào Cai, Việt Trì. Hai cánh này sẽ hợp vây tiêu diệt khối chủ lực chủ yếu của quân Lam Sơn đứng chân ở Đông Bắc Đông Quan, giải toả Đông Quân tạo bàn đạp tiến về phía Nam.

Chủ trương của Lê Lợi – Nguyễn Trãi là tập trung chủ lực tiêu diệt cánh quân Liễu Thăng trước. Kiềm chế, ngăn chặn cánh quân Mộc Thạch bằng lực lượng thứ yếu để tạo điều kiện tiêu diệt ở bước tiếp theo. Đồng thời, ta dùng một lực lượng tiếp tục vây hãm Vương Thông, không cho chúng hợp quân với các cánh viện binh.

Trong bước chuẩn bị, ngày 28-9-1427, ta hạ thành Xương Giang, xóa sổ dinh lũy cuối cùng của địch ở phía Bắc Đông Quan, làm chủ hoàn toàn chiến trường dự kiến tác chiến trên hướng chủ yếu.

Ngày 8-10, cánh quân Liễu Thăng tiến vào nước ta. Ngày 10-10, đội tiền quân do chính Liễu Thăng dẫn đầu chủ quan khinh địch, rơi vào trận địa phục kích của Lê Sát ở cửa Ải Chi Lăng. Toàn bộ 10.000 tên của đội quân này cùng với chủ tướng Liễu Thăng bị tiêu diệt dưới chân Mã Yên – Chi Lăng.

Ngày 15-10, tướng Lương Minh vừa lên thay Liễu Thăng cùng hàng vạn quân nữa bị đạo quân Lê Lý tập kích diệt ở Cần Trạm. Ngày 18-10, thêm 10.000 tên địch nữa bỏ mạng trong trận phục binh của ta ở Phố Cát. Lực lượng còn lại, dưới sự chỉ huy của Thôi Tụ – Hoàng Phúc tiến đến gần thành Xương Giang mới biết thành đã bị thất thủ. Địch buộc phải hạ trại trú đóng trên cánh đồng Xương Giang, nơi ta đã bố trí sẵn một lực lượng vây hãm từ các hướng.

Ngày 3-11, ta tổng công kích vào cụm quân địch phòng ngự dã ngoại ở khu vực này. Sau một ngày chiến đấu, ta đã giành được thắng lợi giòn giã: diệt và bắt hơn 60.000 địch, bao gồm toàn bộ tướng chỉ huy của chúng. Đạo viện binh chủ yếu của nhà Minh bị tiêu diệt hoàn toàn.

Trong khi đó ở phía Tây, nhận được tin thất bại của đạo quân Liễu Thăng, Mộc Thạch vội vàng cho quân rút chạy. Quân ta dưới sự chỉ huy của Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả đã truy kích tiêu diệt hàng vạn tên, làm tan rã hoàn toàn cánh quân này.

Đạo quân viện bị tiêu diệt, Vương Thông bị vây ở Thành Đông Quan phải đầu hàng và buộc nhà Minh phải chấp nhận rút các lực lượng còn lại về nước, thừa nhận nền độc lập của chúng ta.

III – Những phát triển của nghệ thuật quân sự

Chủ trương vây hãm Đông Quan và tập trung lực lượng tiêu diệt quân viện, tạo nên một trận đồ vây thành diệt viện ở quy mô chiến lược. Là kế sách hay và là điểm đặc sắc của nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Lam Sơn. Trước so sánh lực lượng có lợi cho địch, một mặt ta vận dụng các hình thức tác chiến thích hợp mặt khác dùng mưu kế kích thích thói ngạo mạn của kẻ xâm lược. Ta lừa chúng vào nơi hiểm, ngay từ đầu và liên tiếp tiến công vào đội hình của chúng, tạo nên những thắng lợi vang dội khiến địch hoang mang, rối loạn. Việc kết hợp tiến công quân sự với nghi binh, địch vận, kết hợp và vân dụng thành công các hình thức chiến thuật phục kích, tập kích, truy kích, công thành, tác chiến trận địa… trong trận Chi Lăng – Xương Giang đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc trong nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Lam Sơn.

Almanach,

- 1 November 2017

Cuối năm 1406, khi triều đình nhà Minh nhận được cấp báo của Vương Thông xin viện binh thì ở Đại Việt, địch đã chỉ còn giữ được một số thành Đông Quan [Hà Nội], Điêu Diêu [thị trấn Gia Lâm], Xương Giang [thị xã Bắc Giang], Chí Linh [Phả Lại], Cổ Lộng [Ý Yên-Nam Định], Thị Cầu [Bắc Ninh], Tây Đô [Thanh Hóa]. Số quân trong các thành đó vẫn còn khá đông, đông nhất là thành Đông Quan, 5 vạn, nhưng đều đã bị bao vây, không dám ra phản kích và hết sức lo lắng, bị động. Sở chỉ huy của Lê Lợi – Nguyễn Trãi đã tiến ra Bồ Đề [Gia Lâm]. Lực lượng nghĩa quân đông, khí thế mạnh mẽ, hăng hái, sẵn sàng bước vào cuộc tổng tiến công.

Có được hình thái chiến lược này là do Bộ chỉ huy nghĩa quân đã sớm phát hiện ra tình thế mới của cuộc chiến tranh và triển khai ứng xử thích hợp với tình thế ấy. Từ hiện tượng địch phá vây ở thành Nghệ An, cố đưa một bộ phận vượt biển ra tăng cường cho Đông Quan, lãnh đạo nghĩa quân có ngay nhận định: sức mạnh và tinh thần của binh sĩ và bọn chỉ huy chóp bu ở Đông Quan đã lung lay đến mức ta có thể đánh đòn cuối cùng, kết thúc chiến tranh và lập tức quyết định chuyển trọng tâm của cuộc kháng chiến từ Thanh – Nghệ ra Bắc, tạo, nắm thời cơ chuẩn bị đột phá tiêu diệt Đông Quan.

Đầu năm 1427, khi hai đạo viện binh quân Minh với tổng số 15 vạn quân đã áp sát biên giới đối diện với Lạng Sơn, Lào Cai, thì Bộ chỉ huy nghĩa quân Lam Sơn đứng trước ba câu hỏi lớn: Một là, diệt quân địch ở Đông Quan trước, hay diệt quân viện trước? Hai là, cùng lúc diệt quân viện ở cả hai hướng, hay chỉ tập trung diệt một hướng; nếu diệt một hướng thì chọn hướng nào? Ba là, cách triển khai kế hoạch đánh địch ra sao?

Để trả lời đúng được ba câu hỏi trên trong thực tế, Bộ chỉ huy nghĩa quân đã căn cứ vào tương quan so sánh lực lượng; tương quan so sánh sức mạnh chiến đấu; căn cứ vào mức độ nguy hiểm của từng đối tượng và yêu cầu chiến thuật. Cụ thể: Địch ở Đông Quan còn đông tới 5 vạn, có một bộ phận lực lượng tinh nhuệ, lại được sự bảo vệ của thành cao, hào sâu, trong khi ta ít kinh nghiệm, ít vũ khí, phương tiện để công thành. Nếu đột phá, chắc chắn phải tổn thất lớn và kéo dài, gặp tình huống gay cấn, đột phá chưa xong mà viện binh đã ập tới thì nguy hiểm vô cùng. Nhưng vây Đông Quan, triệt tiếp tế, bức hàng, đồng thời mai phục, lợi dụng địa hình, phát huy sở trường đánh địch ngoài công sự: phục kích, tập kích quân viện thì nghĩa quân có thể đánh thắng mà ít bị tổn thất, thương vong. Mặt khác, giữa hai đối tượng quân viện thì đạo quân của Liễu Thăng nguy hiểm hơn đạo quân của Mộc Thạnh, vì đạo quân này đông và mạnh hơn [10 vạn so với 5 vạn], phải vượt chặng đường ngắn hơn [160 so với 320 cây số], Liễu Thăng hung hăng hơn, không chỉ là tổng chỉ huy quân viện mà còn là tướng chỉ huy trực tiếp hướng chủ yếu, đang muốn khẳng định vị trí, vai trò. Còn Mộc Thạnh đã 2 lần thua trận ở Đại Việt, nỗi sợ chưa thể quên. Nhưng đoạn đường Lạng Sơn-Đông Quan có nhiều khúc quanh và đèo dốc hiểm trở, đặc biệt là ải Chi Lăng vẫn được truyền gọi là “Bách nhị cửa quan” [cửa quan hai người trấn giữ có thể ngăn cản được một trăm người tiến công]. Liễu Thăng lại quá tự tin, chủ quan, hiếu thắng, dễ sơ suất, sai lầm. Cho nên ta hoàn toàn đủ sức tiêu diệt đạo quân này. Hơn nữa, nếu ta tiêu diệt được đạo quân Liễu Thăng thì chẳng những có ý nghĩa quyết định đến trận Chi Lăng – Xương Giang mà còn có ý nghĩa quyết định đến việc đánh đuổi đạo quân của Mộc Thạnh và hơn nữa đến công cuộc giải phóng hoàn toàn đất nước.

Về yêu cầu chiến thuật, muốn rảnh tay tập trung đánh quân viện thì nhất thiết phải tiêu diệt hết và tiêu diệt trước các lực lượng địch trên đường mà quân viện sẽ đi qua, phải thường xuyên đánh cắt giao thông, làm gián đoạn tiếp tế để làm rối loạn phía sau, khó khăn phía trước. Theo chủ trương ấy, khi địch đã tới cánh đồng Xương Giang mà Pha Luỹ, Chi Lăng, Bàng Quan, huyết mạch vận chuyển của chúng vẫn thường xuyên bị quân ta tập kích, thành Xương Giang bị hạ vào cuối tháng 9, rồi biến thành trận địa chốt chặn rất quan trọng của ta. Để hạ được thành này, Lê Lợi đã phải phái tướng giỏi nhất của mình là Trần Nguyên Hãn trực tiếp chỉ huy, với tinh binh, mọi vũ khí, phương tiện và phương pháp chiến đấu tiên tiến nhất mà nghĩa quân có thể có.

Từ trận thành Xương Giang, ta lại thấy sự linh hoạt, uyển chuyển của Lê Lợi - Nguyễn Trãi khi vận dụng nghệ thuật quân sự. Theo các ông “Đánh thành là hạ sách”, nhưng nếu ta không đánh và hạ thành Xương Giang trước, đẩy Thôi Tụ, Hoàng Phúc vào hoàn cảnh mất chỗ trú quân an toàn, phải lâm thời phòng ngự giữa cánh đồng, công sự dã chiến thì cũng không có trận tập kích đại quân địch thắng lợi trên cánh đồng Xương Giang [diệt 5 vạn, bắt 3 vạn, bắt cả chủ tướng], không triệt tiêu được gọng kìm nguy hiểm thứ hai của 5 vạn quân Mộc Thạnh và cũng không có chuyện Tổng chỉ huy Vương Thông cùng 5 vạn quân phải đầu hàng, đưa tới kết thúc mỹ mãn cuộc kháng chiến mười năm chống quân Minh xâm lược. Tìm hiểu những nguyên nhân dẫn tới sự đầu hàng của Vương Thông, ta thấy ngoài những chiến thắng quân sự giòn giã, còn có sự đóng góp quan trọng của đòn tiến công địch vận, kết hợp giữa đòn tiến công của nghĩa quân, với đòn nổi dậy phối hợp khắp nơi của dân chúng, khiến quân địch khiếp sợ, lực lượng bị căng, kéo, phân tán, tiêu hao đến đuối sức, phải cố thủ trong thành rồi bị vây hãm, chờ chết; trong khi chủ lực ta có điều kiện tập trung, đánh những trận quyết định, giành thắng lợi quyết định.

Đến tháng 10, 11 năm nay, trận Chi Lăng – Xương Giang đã đi vào lịch sử gần 580 năm, nhưng chiến công hiển hách, quyết định số phận của giặc Minh xâm lược, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, cùng những cống hiến xuất sắc về nghệ thuật quân sự của nghĩa quân Lam Sơn, mãi mãi vẫn là niềm tự hào to lớn cho chúng ta, mãi mãi vẫn là những kinh nghiệm, bài học có giá trị, giúp chúng ta có cơ sở để nghiên cứu, phát triển, vận dụng sáng tạo, hiệu quả vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc tương lai.

Video liên quan

Chủ Đề