Thông tư 23 2023 đánh giá năm 2024

Ngày 30 tháng 11 năm 2023, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký ban hành Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN (dưới đây gọi tắt là “Thông tư 23”) quy định chi tiết một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi và biện pháp thi hành Nghị định số 65/2023/NĐ-CP. Thông tư 23 này sẽ thay thế cho Thông tư 01/2007/TT-BKHCN.

Dưới đây là một số quy định mới cần lưu ý về xử lý đơn sáng chế và kiểu dáng công nghiệp.

  1. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Tài liệu chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên

Tài liệu chứng minh cơ sở hưởng quyền ưu tiên là tài liệu quan trọng để xin hưởng quyền ưu tiên khi người nộp đơn muốn nộp đơn ra nước ngoài theo công ước Paris sau khi đã nộp đơn đầu tiên tại Việt Nam.

Theo Điều 46 của Thông tư 23 về việc cấp bản sao tài liệu, xác nhận đơn đầu tiên để hưởng ưu tiên, người nộp đơn có quyền yêu cầu Cục sở hữu trí tuệ cấp bản sao và xác nhận vào bản sao của đơn đầu tiên dùng để hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn bị từ chối chấp nhận hợp lệ hoặc người nộp đơn đã rút đơn. Quy định chi tiết này cho thấy việc cấp bản sao tài liệu, xác nhận đơn đầu tiên sẽ không phụ thuộc vào tình trạng của đơn đăng ký và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nộp đơn đăng ký với các tài liệu tối thiểu để thiết lập quyền ưu tiên cho đơn đăng ký theo Công ước Paris.

2. Văn bản ủy quyền

Theo các quy định trước đây, văn bản ủy quyền hay còn gọi là giấy ủy quyền phải được nộp trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nộp đơn. Thông tư 23 đã loại bỏ thời hạn này.

Theo Điều 9 của Thông tư 23, văn bản ủy quyền có thể được nộp tại thời điểm bất kỳ trước khi đơn được chấp nhận hợp lệ. Trong quá trình thẩm định hình thức của đơn, nếu đơn còn thiếu văn bản ủy quyền, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ban hành Thông báo kết quả thẩm định hình thức yêu cầu người nộp đơn bổ sung văn bản ủy quyền trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày nộp đơn (có thể gia hạn một kỳ hạn là 02 tháng). Tuy nhiên, để không kéo dài thời gian thẩm định đơn, người nộp đơn nên chủ động bổ sung văn bản ủy quyền trước khi Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định đơn.

Lưu ý là quy định trên đây không áp dụng cho đơn sáng chế quốc tế có chỉ định Việt Nam. Thời hạn nộp văn bản ủy quyền đối với loại đơn này vẫn là 34 tháng kể từ ngày ưu tiên (hoặc ngày nộp đơn PCT nếu đơn không có ngày ưu tiên) như được quy định trước đây.

3. Ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Theo các quy định trước đây, ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chỉ được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý thẩm định đơn, tức là người phản đối không được thông báo về kết quả xử lý ý kiến phản đối cũng như kết quả thẩm định nội dung của đơn tương ứng.

Theo Điều 11.4 của Thông tư 23, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xử lý ý kiến phản đối và thông báo kết quả xử lý ý kiến phản đối cùng với kết quả thẩm định nội dung đơn tương ứng cho người phản đối.

4. Thông tin được công bố

Theo các quy định trước đây, thông tin được công bố của đơn đăng ký và bằng độc quyền chỉ bao gồm thông tin thư mục của đơn đăng ký và của bằng độc quyền mà không bao gồm thông tin liên quan đến Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ hoặc Quyết định cấp bằng. Do đó, bên thứ ba liên quan bất kỳ, tức là tổ chức/cá nhân có quyền khiếu nại sẽ không có thông tin về các Quyết định này. Khi bên thứ ba muốn khiếu nại, họ phải đề nghị Cục Sở hữu trí tuệ cung cấp thông tin về các Quyết định đó để điền vào Tờ khai khiếu nại. Quy trình này thường tốn thời gian và đôi khi có thể gây khó khăn cho người khiếu nại.

Theo Điều 10 và 33 của Thông tư 23, công bố đơn/bằng độc quyền sẽ bao gồm số Quyết định và ngày Quyết định của đơn đăng ký/bằng độc quyền. Cụ thể, công bố đơn sẽ bao gồm số và ngày của Quyết định chấp đơn hợp lệ, và công bố bằng độc quyền sẽ bao gồm số và ngày của Quyết định cấp bằng. Quy định mới này cho phép các bên liên quan có thể tiếp cận đầy đủ thông tin về đơn đăng ký/bằng độc quyền mà họ quan tâm. Ví dụ, khi phát hiện ra đơn đăng ký/bằng độc quyền nào đó có ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của mình, bên thứ ba có thể dễ dàng tự xác định được đối tượng khiếu nại.

II. QUY ĐỊNH RIÊNG ĐỐI VỚI ĐƠN SÁNG CHẾ

5. Căn cứ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ – Vượt quá phạm vi bộc lộ ban đầu

Vượt quá phạm vi bộc lộ ban đầu là một trong số các căn cứ hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ được bổ sung vào Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi mà đã có hiệu lực từ ngày 01/01/2023.

Điều 34 của Thông tư 23 đã làm rõ khái niệm thế nào là vượt quá phạm vi bộc lộ ban đầu. Cụ thể là, văn bằng bảo hộ sáng chế bị hủy bỏ hiệu lực do sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế trong các trường hợp so với bản mô tả ban đầu và đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng, bản mô tả sáng chế có sự thay đổi về nội dung và sự thay đổi này làm xuất hiện thông tin không có nguồn gốc trực tiếp và rõ ràng từ bản mô tả ban đầu của đơn.

Thông tư 23 cũng nêu ra các trường hợp bị coi là vượt quá phạm vi bộc lộ ban đầu (cũng là các trường hợp đã được đề cập trong Quy chế thẩm định sáng chế). Chẳng hạn, trong quá trình sửa đổi, bổ sung đơn, người nộp đơn đưa vào bản mô tả dấu hiệu kỹ thuật hoặc các dấu hiệu kỹ thuật không thể xác định được một cách trực tiếp và rõ ràng từ bản mô tả ban đầu.

6. Sử dụng kết quả tra cứu thông tin và kết quả thẩm định đơn đăng ký sáng chế của cơ quan sáng chế nước ngoài

Theo Điều 16.9 của Thông tư 23, người nộp đơn có thể yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ sử dụng kết quả thẩm định nội dung của một đơn sáng chế nộp ở nước ngoài để đánh giá khả năng bảo hộ của đơn tương ứng nộp ở Việt Nam. Nếu yêu cầu không phù hợp, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo từ chối yêu cầu sử dụng kết quả của nước ngoài và đơn đăng ký sáng chế được thẩm định theo thủ tục thông thường. Nếu yêu cầu là phù hợp, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tham khảo kết quả thẩm định nội dung đó trong quá trình thẩm định đơn và ra thông báo kết quả thẩm định nội dung đơn trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu của người nộp đơn.

Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ ban hành danh mục các cơ quan sáng chế nước ngoài có thể áp dụng quy định trên. Cho đến nay, danh mục này chưa được ban hành. Tuy nhiên, dự kiến danh mục sẽ có tên của ít nhất 05 cơ quan bao gồm Cơ quan sáng chế Châu Âu (EPO), Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO), Cơ quan Sáng chế Nhật Bản (JPO) và Cục Sở hữu trí tuệ Trung Quốc (CNIPA).

Dưới đây là các điều kiện để có thể nộp yêu cầu sử dụng kết quả thẩm định nội dung của đơn đăng ký sáng chế nộp ở nước ngoài theo Thông tư 23.

♦ Đơn đăng ký sáng chế nộp tại Việt Nam chưa có thông báo kết quả thẩm định nội dung;

♦ Trong kết quả thẩm định nội dung của đơn đăng ký sáng chế nộp ở nước ngoài nêu trên có ít nhất một điểm yêu cầu bảo hộ được đánh giá là đáp ứng các điều kiện bảo hộ, và

♦ Các điểm yêu cầu bảo hộ của đơn nộp tại Việt Nam ban đầu hoặc sau khi sửa đổi phải trùng với các điểm yêu cầu bảo hộ được đánh giá là đáp ứng các điều kiện bảo hộ trong kết quả thẩm định nội dung của đơn đăng ký sáng chế nộp ở nước ngoài.

Cũng giống như các quy trình thúc đẩy thẩm định nội dung khác, chẳng hạn Chương trình thẩm định nhanh đơn sáng chế (Chương trình PPH – Patent Prosecution Highway) và Chương trình hợp tác thẩm định Sáng chế ASEAN (ASPEC), việc nộp yêu cầu sử dụng kết quả thẩm định nước ngoài là miễn phí.

Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là quy định này sẽ được áp dụng đối với các đơn đăng ký sáng chế được nộp từ ngày 23 tháng 08 năm 2023 (ngày Nghị định số 65/2023/NĐ-CP có hiệu lực) hoặc hay từ ngày 01 tháng 01 năm 2023 (ngày Luật SHTT sửa đổi có hiệu lực).

III. QUY ĐỊNH RIÊNG ĐỐI VỚI ĐƠN KIỂU DÁNG

7. Trì hoãn công bố đơn

Người nộp đơn lần đầu tiên được phép yêu cầu trì hoãn công bố đơn. Theo Điều 110 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, người nộp đơn có thể yêu cầu trì hoãn công bố tại thời điểm nộp đơn đăng ký kiểu dáng, nhưng thời gian trì hoãn không được vượt quá 07 tháng kể từ ngày nộp đơn.

Thông tư 23 nêu rõ trong trường hợp người nộp đơn yêu cầu trì hoãn công bố, việc công bố đơn được thực hiện như sau:

♦ Nếu đơn được chấp nhận hợp lệ trước khi hết thời gian người nộp đơn yêu cầu công bố muộn, đơn sẽ được công bố vào tháng tiếp theo của tháng kết thúc thời hạn yêu cầu công bố muộn, và

♦ Nếu đơn được chấp nhận hợp lệ sau khi hết thời gian người nộp đơn yêu cầu công bố muộn, đơn sẽ được công bố trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ.

Quy định nêu trên chỉ áp dụng đối với các đơn kiểu dáng nộp trực tiếp tại Việt Nam. Đối với các đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp chỉ định Việt Nam hiện vẫn không có lựa chọn trì hoãn công bố đơn.

8. Định nghĩa kiểu dáng

Để tuân thủ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam- Châu Âu (EU-Vietnam Free Trade Agreement – EVFTA), định nghĩa về kiểu dáng đã được sửa đổi để loại trừ các sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp. Cụ thể, kiểu dáng được định nghĩa là hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoặc bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp, được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp. Định nghĩa này đã đưa ra một số khái niệm cần làm rõ.

Điều 23.2 của Thông tư 23 đưa ra định nghĩa: Khai thác công dụng của sản phẩm, sản phẩm phức hợp được hiểu là đưa các sản phẩm đó vào sử dụng theo đúng tính năng, công dụng, không kể các công việc bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa sản phẩm, sản phẩm phức hợp.

Theo đó, điều quan trọng cần lưu ý ở đây là khả năng nhìn thấy được là không được xem xét đối với quá trình bảo trì, bảo dưỡng hoặc sửa chữa sản phẩm, sản phẩm phức hợp.

Điều 21.2 của Thông tư 23 cũng đưa ra các định nghĩa:

♦ Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng;

♦ Bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp là bộ phận có khả năng lưu thông độc lập, có thể tháo rời khỏi sản phẩm phức hợp, và

♦ Sản phẩm phức hợp là sản phẩm được tạo thành bởi nhiều bộ phận có thể thay thế được, có thể tháo ra và lắp lại được. Sản phẩm và bộ phận để lắp ráp, hợp thành sản phẩm phức hợp dưới đây được gọi chung là sản phẩm trừ những quy định riêng.

Như vậy, chỉ sản phẩm hoàn chỉnh và các bộ phận của sản phẩm có thể tách rời để lưu thông độc lập mới có thể được bảo hộ tại Việt Nam. Nếu một phần trên sản phẩm không thể tách rời khỏi sản phẩm thì không có khả năng lưu thông độc lập và do đó không được bảo hộ. Ví dụ, kiểu dáng riêng phần của phần thân chai thuộc đối tượng không được bảo hộ do phần thân chai không có khả năng lưu thông độc lập (nếu thân chai được lấy ra khỏi chai, chai sẽ bị phá hủy, do đó thân chai sẽ không còn phù hợp để lưu thông và bán độc lập).

IV. LỜI BÌNH

Về cơ bản, Thông tư 23 đã đưa ra các quy định chi tiết để làm rõ một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi cũng như các biện pháp thi hành một số điều của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP. Tuy nhiên, Thông tư 23 vẫn bỏ ngỏ một số vấn đề liên quan đến việc cấp văn bằng bảo hộ dưới dạng bản điện tử, chẳng hạn (i) liệu người nộp đơn có thể yêu cầu nhận văn bằng bảo hộ dạng bản điện tử cho các đơn đăng ký sở hữu trí tuệ đã nộp trước thời điểm hiệu lực của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP hay không, (ii) nếu người nộp đơn không yêu cầu bản điện tử tại thời điểm nộp đơn, liệu có thể thực hiện yêu cầu này trong giai đoạn thẩm định đơn sau đó hay không, và (iii) nếu người nộp đơn ban đầu yêu cầu bản giấy nhưng sau đó muốn thay đổi, liệu có thể hủy yêu cầu này và yêu cầu dạng bản điện tử hay không.