Tại sao công tác xã hội là một nghề

Công tác xã hội [CTXH] được xem như là một nghề mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia từ gần thế kỷ nay. CTXH tồn tại và hoạt động khi xuất hiện những vấn đề cần giải quyết như tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng giới, và giúp đỡ những thành phần dễ bị tổn thương như trẻ mồ côi, người tàn tật, trẻ đường phố, trẻ bị lạm dụng…

Tuy nhiên ở Việt Nam, CTXH thường được nghĩ như là một việc làm từ thiện. Để cho thấy CTXH không phải là công việc đơn giản như công tác từ thiện, cần có cái nhìn đầy đủ ý nghĩa về CTXH. Có khá nhiều định nghĩa khác nhau về CTXH, dưới đây là một số định nghĩa về CTXH.

1. Khái niệm CTXH

Khái niệm 1: Theo Hiệp hội Quốc gia NVCTXH [NASW]: Công tác xã hội là hoạt động nghề nghiệp giúp đỡ các cá nhân, nhóm hay cộng đồng để nhằm nâng cao hay khôi phục tiềm năng của họ để giúp họ thực hiện chức năng xã hội và tạo ra các điều kiện xã hội phù hợp với các mục tiêu của họ [Zastrow, 1996: 5].
CTXH tồn tại để cung cấp các dịch vụ xã hội mang tính hiệu quả và nhân đạo cho cá nhân, gia đình, nhóm, cộng đồng và xã hội giúp họ tăng năng lực và cải thiện cuộc sống [Zastrow, 1999:..].

Khái niệm 2: Theo Cố Thạc sĩ Nguyễn Thị Oanh [trích từ tài liệu hội thảo 2004]: Định nghĩa cổ điển: CTXH nhằm giúp cá nhân và cộng đồng TỰ GIÚP. Nó không phải là một hành động ban bố của từ thiện mà nhằm phát huy sứ mệnh của hệ thống thân chủ [cá nhân, nhóm và cộng đồng] để họ tự giải quyết vấn đề của mình.

Khái niệm 3: Theo Liên đoàn Chuyên nghiệp Xã hội Quốc tế [IFSW] tại Hội nghị Quốc tế Montreal, Canada, vào tháng 7/2000: CTXH chuyên nghiệp thúc đẩy sự thay đổi xã hội, tiến trình giải quyết vấn đề trong mối quan hệ con người, sự tăng quyền lực và giải phóng cho con người, nhằm giúp cho cuộc sống của họ ngày càng thoải mái và dễ chịu. Vận dụng các lý thuyết về hành vi con người và các hệ thống xã hội. CTXH can thiệp ở những điểm tương tác giữa con người và môi trường của họ.

Khái niệm 4: Theo đề án 32 của Thủ tướng Chính phủ: CTXH góp phần giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa con người và con người, hạn chế phát sinh các vấn đề xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của thân chủ xã hội, hướng tới một xã hội lành mạnh, công bằng, hạnh phúc cho người dân và xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến.

2. Thân chủ của CTXH

Cũng như ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, các vấn đề xã hội mới nảy sinh cùng với sự phát triển kinh tế. Những thay đổi về cách thức làm việc đã bắt đầu ảnh hưởng tới cuộc sống gia đình, như sự di chuyển hay thời gian làm việc kéo dài làm cho thời gian để một gia đình ở bên nhau giúp đỡ lẫn nhau, chăm sóc những đứa trẻ bị tàn tật hay những người thân đã già yếu hạn chế. Thêm vào đó, vấn đề nghiện rượu, ma tuý, bạo lực trong gia đình và lạm dụng trẻ em cũng tăng lên. Trẻ em và phụ nữ thường có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi đói nghèo, trực tiếp hoặc là nạn nhân của bạo lực trong gia đình và lạm dụng. Họ cũng là nạn chân của tệ nạn buôn bán người khi gia đình muốn tìm cách thoát ra khỏi đói nghèo. Phụ nữ trẻ lên thành phố bị thất nghiệp có thể bị sa vào con đường mại dâm. Vấn đề “trẻ em lang thang” gắn với việc các em lên thành phố kiếm tiền bằng cách bán hàng trên đường phố hoặc đi xin ăn, nguy cơ mắc vào tệ nạn mại dâm, ma túy bất hợp pháp hay các tệ nạn khác cao.

CTXH hướng tới các thân chủ có hoàn cảnh khó khăn và dễ bị tổn thương gồm

Trợ giúp người già, người tàn tật và người nhiễm HIV/AIDS;

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị bạo hành, bị sao nhãng;

Các nhóm người đặc biệt – dễ bị tổn thương [khuyết tật, người lang thang kiếm sống, người nghiện ma tuý, người nhiễm HIV, người già, phụ nữ bị bạo hành]

Các cá nhân, cộng đồng hoặc các gia đình có vấn đề, mâu thuẫn, khủng hoảng;

Học sinh, sinh viên có vấn đề trong các trường học;

Các bệnh nhân và gia đình của người bệnh, kể cả người tâm thần [tai các bệnh viện và phòng khám];

Bất bình đẳng và bình đẳng giới.

CTXH dưới nhiều hình thức đa dạng của nó, nhằm vào vô số các tương tác phức hợp giữa con người và các môi trường của họ. Sứ mạng của nó là tạo năng lực giúp người dân phát triển tối đa tiềm năng, làm phong phú đời sống của họ, và ngăn ngừa các trục trặc. CTXH chuyên nghiệp tập trung vào quá trình giải quyết các vấn đề và sự thay đổi. Do đó, nhân viên CTXH là những tác nhân đổi mới trong xã hội, trong đời sống của các cá nhân, gia đình, cộng đồng mà họ phục vụ. CTXH là một hệ thống liên kết các giá trị, lý thuyết và thực hành.

CTXH phát triển như là một chuyên ngành khoa học ứng dụng, cung cấp một lượng kiến thức có cơ sở thực tiễn và xây dựng những kỹ năng chuyên môn bao gồm: các giá trị, nguyên tắc, và những kỹ thuật nhằm giúp đỡ những thành phần yếu kém trong xã hội có được các dịch vụ xã hội mong muốn, và các liệu pháp tâm lý cho cá nhân, gia đình, và nhóm có vấn đề, hỗ trợ cộng đồng cải thiện các dịch vụ y tế và xã hội.

Nguồn: SDRC – CFSI

Trên thế giới, Công tác xã hội [CTXH] đã được xem như là một nghề mang tính chuyên nghiệp ở nhiều quốc gia từ nhiều thế kỷ qua, khởi đầu cũng mang đậm tính nhân đạo, nhưng về sau, xuất phát từ các vấn đề xã hội mới nảy sinh cùng với sự phát triển kinh tế, xuất hiện những vấn đề cần giải quyết cho xã hội như tình trạng nghèo đói, bất bình đẳng giới, và giúp đỡ những thành phần dễ bị tổn thương như trẻ mồ côi, người tàn tật, trẻ đường phố, trẻ bị lạm dụng… Vì lí do này, công tác xã hội đã bắt đầu xuất hiện, tồn tại và hoạt động nhằm hỗ trợ và giúp đỡ những người gặp khó khăn, bệnh tật hoặc những người kém may mắn, không có nơi nương tựa [người nghèo, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, phụ nữ, người già …], giúp cho xã hội cùng tiến bộ hơn, không chỉ ở các nước phương tây, mà gần đây còn bắt đầu ở các nước Đông Âu, Châu Phi và Châu Á. Thực tế, công tác xã hội đã bắt đầu chuyên nghiệp hóa, và ngày nay, nó tồn tại như một nghề chính thống tại 90 quốc gia [theo định nghĩa của Hiệp hội Quốc tế Công tác xã hội].

Theo Hiệp hội công tác xã hội thế giới, công tác xã hội là những hoạt động nhằm tạo ra sự phát triển của xã hội thông qua việc tham gia quá trình giải quyết các vấn đề xã hội, giúp cho con người phát triển đầy đủ, hài hòa và đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi người dân, có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, bảo vệ quyền con người, nhân phẩm, giá trị con người, công bằng và bình đẳng xã hội, thúc đẩy xây dựng một xã hội hài hòa vì hạnh phúc của tất cả mọi người.

Tại Việt Nam, CTXH được ra đời trong một bối cảnh nhiều khó khăn hơn. Trước năm 1975, nghề công tác xã hội phát triển theo hai hướng khác nhau ở hai miền Nam, Bắc. Ở miền Nam, công tác xã hội khi đó đang chuyên nghiệp hóa theo ảnh hưởng của mô hình Pháp và Mỹ, có các chương trình đào tạo công tác xã hội ở các bậc cao đẳng và cử nhân, như trường Công tác xã hội Caritas. Ngược lại, ở miền Bắc, công tác xã hội được hiểu như một hoạt động liên quan đến các công tác từ thiện, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ trẻ em mồ côi và chăm sóc người già, người khuyết tật [đặc biệt là những người có công với Cách mạng]. Sau năm 1975, mô hình của miền Bắc đã được nhân rộng ra toàn quốc, vì thế nghề công tác xã hội có đào tạo bài bản ở miền nam đã ngừng hoạt động.

Sau khi thống nhất đất nước, sự phát triển kinh tế làm xuất hiện trong xã hội thành phần người giàu và người nghèo rỏ rệt, người nghèo chủ yếu tập trung ở nông thôn với điều kiện cơ sở hạ tầng còn thấp kém. Ngoài ra, còn những vấn đề sức khỏe, bệnh tật do di chứng chiến tranh, các vấn nạn : nghiện rượu, ma túy, nạn bạo hành trong gia đình, thất nghiệp, lạm dụng trẻ em, sức khỏe tâm thần, người cao tuổi cô đơn…..từ đó, nhu cầu xã hội đòi hỏi sự can thiệp và trợ giúp từ đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp.

Tại thời điểm đó, cũng tại thành phố Hồ Chí Minh, công tác Tư vấn và Nghiên cứu Phát triển Cộng đồng và Công tác Xã hội đã được hình thành, một số tổ chức dân sự xã hội cũng tham gia cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở một mức độ nhỏ. Tại Hà Nội, một vài Tổ chức phi chính phủ quốc tế và cơ quan phát triển của Liên Hợp quốc đã bắt đầu giới thiệu công tác xã hội vào các khóa đào tạo cho cán bộ của Hội Liên hiệp Phụ nữ và Công đoàn. Năm 2004, Bộ GĐ-ĐT đã phê duyệt chương trình giảng dạy công tác xã hội bậc cử. Năm 2005, Việt Nam đã tổ chức nghiên cứu cấp quốc gia về nhu cầu nhân sự và đào tạo công tác xã hội ở Việt Nam [UNICEF/Bộ LĐTBXH, 2005]. Năm 2009, nghiên cứu về cơ cấu dịch vụ công tác xã hội đã được thực hiện, kết quả của nghiên cứu này đã được sử dụng để làm cơ sở xây dựng khung Đề án cho Phát triển Công tác Xã hội [2009].

Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, lâu nay Công tác xã hội chỉ được hiểu trên ý nghĩa làm từ thiện, các thành viên làm CTXH với tính chất tự phát, chủ yếu là của các tổ chức đoàn thể như Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Người cao tuổi, Hội Cựu chiến binh, cán bộ phường, xã đôi khi là những người dân tự nguyện…. Họ làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo các kỹ năng mềm, các khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững.

Như vậy, CTXH trước tiên phải là một hoạt động chuyên nghiệp, được đào tạo chuyên môn và là một ngành nghề được xã hội công nhận. CTXH giúp cho người dân nâng cao năng lực, khả năng ứng phó và kỹ năng giải quyết khó khăn, kết nối người dân được tiếp cận các nguồn hỗ trợ, các dịch vụ xã hội để cải thiện chất lượng cuộc sống, mang đến sự phát triển đồng bộ và hài hòa giữa người và xã hội, góp phần ngăn ngừa các vấn nạn xã hội, từ đó hướng tới một xã hội công bằng, bình đẳng và dân chủ toàn diện.

Từ thực trạng trên, đặt mục tiêu phát triển CTXH thành một nghề ở Việt Nam, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010- 2020 với mục tiêu: “Phát triển công tác xã hội trở thành một nghề ở Việt Nam; nâng cao nhận thức toàn xã hội về nghề công tác xã hội; xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ về số lượng, đạt về yêu cầu chất lượng, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội ở các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến”. Từ đó, công tác xã hội đã chính thức được coi là một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã ngạch viên chức. Theo Đề án, hiện số người cần trợ giúp của các dịch vụ CTXH chiếm khoảng 40% dân số cả nước, đây là một con số không hề nhỏ cho trách nhiệm của ngành CTXH nói chung và của các nhân viên CTXH nói riêng.

Với mục đích tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận những đóng góp của người làm công tác xã hội, góp phần đảm bảo thực hiện quyền con người, công bằng, tiến bộ xã hội và hạnh phúc của nhân dân, ngày 15/9/2016, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định lấy ngày 25/3 hằng năm là Ngày Công tác xã hội Việt Nam.

Đây cũng là dịp để nhìn nhận, đánh giá  tôn vinh giá trị cao quý, ý nghĩa nhân văn của nghề công tác xã hội; ghi nhận vai trò và đóng góp của người làm công tác xã hội trong việc tham gia giải quyết các vấn đề của cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội, đồng thời góp phần phát huy truyền thống “Lá lành đùm lá rách” và tinh thần thương yêu, tương trợ và giúp đỡ lẫn nhau của người Việt Nam, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trợ giúp các cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp hoàn cảnh khó khăn và phát huy vai trò của người làm công tác xã hội để cùng nhau hướng tới một xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

PHÒNG CÔNG TÁC XÃ HỘI
BỆNH VIỆN NHI ĐỒNG THÀNH PHỐ

Video liên quan

Chủ Đề