Học qua truyền hình nghĩa là gì

BT- Dạy học trực tuyến, qua truyền hình được xem là giải pháp tối ưu trong thời điểm dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên đối với bậc tiểu học, phương pháp này có quá nhiều bất cập khó thực hiện hiệu quả. 

Nhiều bất cập khi học sinh tiểu học học trực tuyến.

Dạy học online khó khăn

TP. Phan Thiết triển khai phương pháp dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 3 - 5 từ ngày 25/10, nhưng em Huỳnh Thị Kim Hương - học sinh lớp 5B Trường TH Phú Hài 1 vẫn chưa tiếp cận được với hình thức học tập này do không có thiết bị. Hoàn cảnh Hương rất đáng thương, em không có cha, mẹ đi bước nữa bỏ em sống cùng bà ngoại già yếu. Cuộc sống của 2 bà cháu bữa đói bữa no lấy đâu ra tiền để mua điện thoại, máy tính cho em học online. Bà ngoại Hương chia sẻ: “Thấy các bạn học online cháu cũng ham học, nhưng bà không có tiền để mua điện thoại hay máy tính cho cháu. Nay bà già yếu, bệnh đau không đi làm kiếm tiền được, mẹ cháu lấy chồng hoàn cảnh cũng rất khó khăn. Hai bà cháu sống dựa vào hàng xóm, người thân, nay người này cho mấy ký gạo, mai người khác hỗ trợ ít tiền cho bà cháu”.

Hương không phải là trường hợp duy nhất tại Trường TH Phú Hài 1 không có thiết bị để học trực tuyến mà còn rất nhiều học sinh khác gia đình không có điều kiện để mua trang thiết bị học online cho con. Cô Huỳnh Thị Thu  Nguyệt - Hiệu trưởng Trường TH Phú Hài 1 cho biết: Đặc thù học sinh của trường là con em lao động biển, phụ huynh ít quan tâm đến việc học tập của con. Nhiều gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn, không đủ điều kiện để trang bị phương tiện cho học sinh học trực tuyến. Do vậy, khi triển khai nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, bất cập. Theo thống kê, còn hơn 30% học sinh chưa tham gia học trực tuyến do thiếu thiết bị học tập hoặc chưa thể liên lạc. Cái khó hiện nay là phường Phú Hài đang là “vùng đỏ”, nhiều học sinh không liên lạc được qua điện thoại, nhưng giáo viên không thể đi đến tận từng nhà học sinh để vận động phụ huynh cho con tham gia học tập hoặc gửi phiếu bài tập cho các em.

Thiếu phương tiện đã đành nhưng những gia đình có điều kiện, trang bị đầy đủ phương tiện cho con học trực tuyến cũng gặp nhiều khó khăn do internet yếu hoặc không có người lớn bên cạnh để theo sát các em học tập.  Một buổi học trực tuyến của em Anh Khôi - lớp 4, Trường TH Xuân An [TP. Phan Thiết] diễn ra khá vất vả. Ở độ tuổi này, em chưa thể sử dụng thành thạo máy tính nên được sự giúp đỡ của mẹ. Tuy nhiên, buổi học liên tục bị ngắt quãng do đường truyền internet yếu, mẹ em phải tắt mở máy nhiều lần mới vào được phòng học trực tuyến lớp em. Mẹ Khôi tỏ ra lo lắng: “Con chưa biết cách mở máy tính để vào học nên rất cần người lớn bên cạnh để hỗ trợ. Mặt khác, con còn nhỏ ý thức tự học chưa cao nếu không có cha mẹ ở cạnh là mất tập trung, không chịu học. Nhưng cha mẹ cũng phải đi làm không thể ở nhà quản lý con học online mãi được mà để con ở nhà tự học thì không an toàn”.

Chia sẻ khó khăn về dạy học online nhiều giáo viên cho rằng, việc dạy học trực tuyến khiến giáo viên khó quản lý học sinh, khó giám sát việc học, nếu không có người lớn bên cạnh có em mở máy điểm danh rồi không tham gia học. Trong giờ học xảy ra nhiều tình huống “dở khóc dở cười” như học sinh quên tắt micro, cha mẹ cãi nhau cả lớp đều nghe… Phức tạp hơn, đã xảy ra tình trạng người lạ xâm nhập vào lớp học chia sẻ hình ảnh nhạy cảm và nói bậy gây ảnh hưởng giờ dạy.

 Truyền hình bất khả thi

Nếu từ lớp 3 - 5 dạy học bằng hình thức trực tuyến thì lớp 1, 2 được dạy học qua truyền hình trên tinh thần không kiểm tra, đánh giá định kỳ cho đến khi học sinh trở lại trường. Hình thức này được các trường tiểu học phối hợp với cha mẹ học sinh để triển khai thực hiện theo thông báo lịch phát sóng và các hướng dẫn đã được ngành giáo dục triển khai. Tuy nhiên, việc áp dụng giải pháp học tập này tại một số trường tiểu học trên địa bàn TP. Phan Thiết chưa đúng hướng dẫn gây khó khăn, áp lực cho phụ huynh. Vợ chồng chị Lan đều là công chức nhà nước, làm việc trong giờ hành chính nhưng mấy hôm nay nhóm zalo lớp 1 của con cô giáo liên tục gửi link bài giảng, bài tập để phụ huynh dạy con khiến chị vừa mất tập trung làm việc vừa sốt ruột vì chưa sắp xếp được thời gian để dạy con học. Chị Lan bức xúc: “Học tập kiểu này khác nào giao nhiệm vụ dạy học cho phụ huynh. Trong khi con chưa một ngày được đến trường, dạy con tập đọc, tập viết cũng đã mệt, đằng này giáo viên còn giao bài tập, quay video con đọc bài, chụp bài tập gửi cho cô giáo kiểm tra, tạo áp lực cho phụ huynh”.

Cùng cảnh có con học qua truyền hình, hết giờ làm việc chị Nga hối hả trở về nhà lấy điện thoại của mình kết nối zalo với nhóm lớp cho con gái lớp 2 tương tác với các bạn và cô giáo. Chị Nga chia sẻ: “Ngoài gửi địa chỉ, link bài giảng qua zalo nhóm lớp để phụ huynh dạy cho con, hàng tuần vào lúc 18 - 20 giờ thứ 2, 4, 6 giáo viên sẽ tương tác với học sinh như học trực tuyến. Ngoài ra, cô giáo còn yêu cầu phụ huynh quay video con học bài để gửi cô kiểm tra, giao bài tập làm xong chụp lại gửi qua zalo cho cô. Nhưng cả ngày vợ chồng tôi đều bận đi làm không có thời gian để mở bài giảng cho con học, mà giao tivi cho con tự học thì con sẽ chuyển sang kênh hoạt hình để xem. Buổi tối học trực tuyến thì con buồn ngủ, ngáp ngắn, ngáp dài, mất tập trung, lớp học thì ồn ào không thể nghe được. Theo tôi nên chờ thêm thời gian sau khi dịch bệnh ổn định các con trở lại trường học trực tiếp chứ học qua truyền hình vừa khó khăn, áp lực cho cả học sinh và phụ huynh mà không hiệu quả”. Chưa kể với những phụ huynh lao động phổ thông, đi làm về tối, sử dụng công nghệ chưa rành, trình độ dân trí hạn chế… thì không thể nào đáp ứng các yêu cầu của giáo viên đề ra.

Trường hợp của chị Hương buôn bán ở chợ Phú Thủy là một ví dụ như thế. Chị Hương cho biết: “Con tôi năm nay học lớp 1, mấy hôm nay cô giáo cũng gửi bài giảng, bài tập qua zalo để phụ huynh hướng dẫn cho con. Nhưng nói thật với cô, mấy tháng nghỉ dịch không buôn bán được gia đình cũng túng thiếu. Bây giờ cuộc sống trở lại bình thường mới, chúng tôi phải đi buôn bán đến tối mới về làm sao có thời gian kèm con học được. Chỉ còn cách gửi con cho ông bà ngoại trông nom giúp nhưng ông bà già, không rành công nghệ nên cũng đành thua”. Hay như hoàn cảnh của anh Bích làm phụ hồ ở phường Phú Trinh gia đình khó khăn, nhà có 3 đứa con tuổi ăn học. Anh Bích tâm sự: “Mấy hôm nay cô giáo gọi điện cho tôi hỏi xem có điện thoại hay máy tính không để cho đứa con học lớp 3 và lớp 1 học trực tuyến. Tôi không đi phụ hồ từ mấy tháng nay, vợ cũng không đi làm thuê được nên không có thu nhập, tiền ăn còn không có lấy đâu mua điện thoại cho con. Tôi thì học hành thấp, tụi nhỏ bây giờ học kiến thức mới nên cũng không chỉ dạy cho con được. Chỉ còn cách chờ dịch bệnh ổn định để các con đi học lại”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngành giáo dục không chỉ đạo việc yêu cầu phụ huynh quay video con học bài gửi cho cô giáo kiểm tra, hay giao bài tập nhiều cho học sinh… mà đây là ý kiến riêng của giáo viên. Bà Nguyễn Thị Toàn Thắng – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: “Sở đã ban hành hướng dẫn cụ thể trong việc tổ chức dạy học đối với bậc tiểu học. Các Phòng Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn các cơ sở giáo dục chủ động xây dựng các phương án, kịch bản tổ chức dạy học cụ thể với hình thức tổ chức dạy học linh hoạt, phù hợp với khả năng đáp ứng của cơ sở giáo dục và điều kiện thực tế của người học đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch. Trên tinh thần không bắt buộc học sinh không đủ điều kiện phải tham gia học trực tuyến, sau khi trở lại trường học giáo viên sẽ dạy bù, phụ đạo cho các em. Về những phản ánh triển khai chưa đúng theo hướng dẫn, chúng tôi sẽ chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Phan Thiết rà soát, kiểm tra lại để chấn chỉnh kịp thời”.

Thanh Thủy

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại, Nghiên cứu viên liên kết Phòng thí nghiệm liên ĐH về khoa học giáo dục và truyền thông, ĐH Strasbourg [Pháp] đã chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên những đề xuất xung quanh việc tiếp cận dạy học trực tuyến thời Covid-19, trong đó có hình thức dạy học trên truyền hình.

Theo ông vấn đề chưa ổn của việc tiếp cận dạy học trực tuyến hiện nay là gì?

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại: Từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát năm ngoái cho đến nay, có thể nhận thấy có một xu hướng ở nhiều trường học thuộc mọi bậc học, đó là bê nguyên bài giảng trên lớp lên trên mạng hay lên truyền hình. Một mặt, chuyển tải bài giảng trên truyền hình là một trong những cách làm được các tổ chức giáo dục quốc tế như UNESCO tổng hợp thành kinh nghiệm tốt chia sẻ giữa các quốc gia. Nhưng mặt khác, đây là cách làm dành cho những quốc gia và vùng lãnh thổ có điều kiện hạ tầng công nghệ thiếu thốn.

Đối với các quốc gia có hạ tầng viễn thông và internet tốt, biến sóng truyền hình địa phương hay quốc gia thành các lớp học từ xa hàng ngày hàng giờ sẽ gây tốn kém nhiều chi phí và công sức nhưng hiệu quả rất thấp. Thay vào đó, hoàn toàn có thể đầu tư cho những việc khác có ý nghĩa hơn. Về mặt phương pháp sư phạm, tổ chức giảng bài theo kiểu truyền thống rồi ghi hình và phát trên truyền hình hay internet thể hiện lối giáo dục truyền thụ một chiều. Trong ứng dụng công nghệ giáo dục tại các nước phát triển, người ta đã thay đổi cách tiếp cận này từ trên dưới 50 năm nay, chúng ta không nên “đi ngược thời đại”.

Ở bậc ĐH, từ nhiều năm qua hầu hết các trường đều có ít nhất một hệ thống quản lý dạy học trực tuyến [LMS]. Tuy nhiên, phần lớn các trường chỉ khai thác những chức năng cơ bản nhất của hệ thống LMS như cung cấp tài liệu học tập, tạo diễn đàn thảo luận… Trong khi đó, rất nhiều các loại hình hoạt động học tập đa dạng, có khả năng phát huy tính tích cực chủ động học tập của người học, thì dường như chưa được hiểu rõ và khai thác triệt để.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại:

"Cơ sở hạ tầng tất nhiên là quan trọng, nhưng nói đến dạy học trực tuyến trước tiên cần nói đến phương pháp. Cho dù có đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại đến đâu đi nữa, mà giáo viên không nắm vững phương pháp thì sẽ không thể dạy học trực tuyến được hiệu quả và lâu bền".

Bài giảng ở hình thức dạy học trực tuyến cần được thiết kế ra sao về mặt nội dung, đặc biệt là thời lượng tối đa của mỗi bài giảng, thưa ông?

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại: Một trong những nguyên tắc quan trọng hàng đầu của tài nguyên học liệu trực tuyến là cần phải được phân đoạn, chia nhỏ. Khi học tập trung, một giáo viên giỏi thuyết giảng có thể nói liên tục hàng giờ mà vẫn thu hút người học. Ngược lại, một giáo viên giảng bài nhàm chán mà nói không nghỉ thì người học sẽ ngủ gục hoặc quay sang làm việc riêng.

Do đó, nguyên tắc phân đoạn và chia nhỏ tài nguyên có yêu cầu là mỗi đơn vị tài nguyên học liệu phải được thiết kế sao cho có tính độc lập tương đối. Thời lượng để người học tiếp nhận nội dung cần đủ ngắn, không đòi hỏi người học phải tập trung xem - hiểu, nghe - hiểu hay đọc - hiểu liên tục quá 15 phút. Mỗi phân đoạn tài nguyên học liệu như vậy luôn phải được cung cấp kèm theo các thông tin chỉ dẫn về cách thức sử dụng, hoạt động cần thực hiện sau khi xem/ nghe/ đọc xong, thời hạn thực hiện, yêu cầu cần đạt, hoặc ít nhất là bài tập kiểm tra đánh giá mức độ hiểu các nội dung cung cấp trong tài nguyên học liệu.

Các bài tập trắc nghiệm tương tác có vai trò quan trọng trong việc giúp người học hiểu bài nhanh chóng. Đặc biệt, cần soạn luôn các lời phản hồi tức thời cho từng phương án trả lời, giúp người học hiểu rõ khi chọn phương án đúng thì vì sao đúng, khi chọn phương án sai thì vì sao sai. Nhờ đó, mặc dù giáo viên không hiện diện đồng thời, nhưng thông điệp của giáo viên luôn có sẵn bên trong bài tập, tạo một cảm giác gần gũi, thân thuộc, gắn bó với người học.

Như vậy, một môn học sẽ có nhiều bài học, một bài học sẽ có nhiều phân đoạn, vừa bảo đảm tính thống nhất hoàn chỉnh, vừa cho phép người học tùy nghi sử dụng một cách cơ động, linh hoạt tối đa [qua LMS, e-mail, website, blog, mạng xã hội, ứng dụng di động...] Người học không bắt buộc phải tập trung cùng lúc để nghe giáo viên giảng bài theo lịch cố định, hoạt động dạy và học không quá lệ thuộc vào một phương tiện duy nhất. Những khó khăn về trang thiết bị, máy móc, hạ tầng công nghệ sẽ phần nào được khắc phục, góp phần hạn chế bất công đối với nhóm người học có điều kiện kinh tế xã hội không thuận lợi.

Việc tạo ra động lực để giúp người học có khả năng tự học khi học từ xa là yếu tố quan trọng và không dễ thực hiện, ông có đề xuất nào với người đứng lớp?

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại: Một thực tế nhiều người đã nói đến là hiện nay ý thức và tinh thần tự chủ của người học có ít nhiều hạn chế, nên dạy học trực tuyến không hiệu quả. Tuy nhiên, một thực tế khác có lẽ ít người nhận thấy hơn, đó là nhà giáo dục nói chung và giáo viên nói riêng đã làm đúng và làm đủ để đặt người học vào tâm thế học tập chủ động hay chưa?

Với quan điểm truyền thụ, giáo viên sẽ cho rằng nếu mình không trực tiếp giảng giải thì người học sẽ không thể hiểu bài; người học bị đặt vào tâm thế tiếp nhận hoàn toàn thụ động. Còn dạy học trực tuyến đúng nghĩa sẽ giúp người học tự kiến tạo tri thức cho mình, thông qua việc biệt hóa lộ trình học tập theo cấu trúc phân đoạn. Người học có thể chọn nhịp điệu học tập linh hoạt, nhanh chậm tùy thích, xem đi xem lại nhiều lần được. Các bài tập tự đánh giá ngắn kèm theo các phản hồi tức thời giúp họ hiểu rõ ngay từng bài học nhỏ.

Quan điểm kiến tạo chuyển trọng tâm về phía người học, cả trong biên soạn tài nguyên học liệu lẫn tổ chức hoạt động học tập và kiểm tra đánh giá. Bất kể người học ở trình độ nào, họ luôn được khuyến khích chủ động tương tác với kiến thức và với bạn cùng học, được phép mắc sai sót trong quá trình học tập và tự học từ chính các sai sót đó. Một cách khách quan, khi giáo viên chưa bắt đầu một phương pháp dạy học tích cực thì không thể đòi hỏi sự tích cực học tập từ phía người học.

Cuối cùng, về phía cơ sở đào tạo theo ông cần đầu tư cơ sở hạ tầng ra sao để việc dạy học trực tuyến đạt hiệu quả cao hơn?

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Đại: Cơ sở hạ tầng tất nhiên là quan trọng, nhưng nói đến dạy học trực tuyến trước tiên cần nói đến phương pháp. Cho dù có đầu tư máy móc trang thiết bị hiện đại đến đâu đi nữa, mà giáo viên không nắm vững phương pháp thì sẽ không thể dạy học trực tuyến được hiệu quả và lâu bền. Trong khi đó, giáo viên nắm vững phương pháp thì sẽ có rất nhiều cơ hội thành công dù điều kiện máy móc kỹ thuật có những hạn chế nhất định.

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề