Nhược điểm của phương pháp bảng câu hỏi

+ Nội dung phương pháp: Gởi bảng câu hỏi đã soạn sẵn, kèm phong bì đã dán tem đến người muốn điều tra qua đường bưu điện. Nếu mọi việc trôi chảy, đối tượng điều tra sẽ trả lời và gởi lại bảng câu hỏi cho cơ quan điều tra cũng qua đường bưu điện.

Áp dụng khi người mà ta cần hỏi rất khó đối mặt, do họ ở quá xa, hay họ sống quá phân tán, hay họ sống ở khu dành riêng rất khó vào, hay họ thuộc giới kinh doanh muốn gặp phải qua bảo vệ thư ký…; khi vấn đề cần điều tra thuộc loại khó nói, riêng tư (chẳng hạn: kế hoạch hoá gia đình, thu nhập, chi tiêu,…); khi vấn đề cần điều tra cực kỳ hấp dẫn đối với người được phỏng vấn. (chẳng hạn: phụ nữ với vấn đề mỹ phẩm, nhà quản trị với vấn đề quản lý,…); khi vấn đề cần điều tra cần thiết phải có sự tham khảo tra cứu nhất định nào đó…

+ Ưu điểm:

Có thể điều tra với số lượng lớn đơn vị, có thể đề cập đến nhiều vấn đề riêng tư tế nhị, có thể dùng hình ảnh minh hoạ kèm với bảng câu hỏi. Thuận lợi cho người trả lời vì họ có thời gian để suy nghĩ kỹ câu trả lời, họ có thể trả lời vào lúc rảnh rỗi. Chi phí điều tra thấp; chi phí tăng thêm thấp, vì chỉ tốn thêm tiền gởi thư, chứ không tốn kém tiền thù lao cho phỏng vấn viên.

Các trả lời không bị tác động bởi sự hiện diện của phỏng vấn viên. Tránh sự tự điền trả lời của phỏng vấn viên

+ Nhược điểm:

Tuy nhiên tỷ lệ trả lời thường thấp, mất nhiều thời gian chờ đợi thư đi và thư hồi âm, không kiểm soát được người trả lời , người trả lời thư có thể không đúng đối tượng mà ta nhắm tới…

• Phương pháp phỏng vấn bằng điện thoại (telephone interview):

+ Nội dung phương pháp: Nhân viên điều tra tiến hành việc phỏng vấn đối tượng được điều tra bằng điện thoại theo một bảng câu hỏi được soạn sẵn.

Áp dụng khi mẫu nghiên cứu gồm nhiều đối tượng là cơ quan xí nghiệp, hay những người có thu nhập cao (vì họ đều có điện thoại); hoặc đối tượng nghiên cứu phân bố phân tán trên nhiều địa bàn thì phỏng vấn bằng điện thoại có chi phí thấp hơn phỏng vấn bằng thư. Nên sử dụng kết hợp phỏng vấn bằng điện thoại với phương pháp thu thập dữ liệu khác để tăng thêm hiệu quả của phương pháp.

+ Ưu điểm:

Dễ thiết lập quan hệ với đối tượng (vì nghe điện thoại reo, đối tượng có sự thôi thúc phải trả lời). Có thể kiểm soát được vấn viên do đó nâng cao được chất lượng phỏng vấn. Dễ chọn mẫu (vì công ty xí nghiệp nào cũng có điện thoại, nên dựa vào niên giám điện thoại sẽ dễ dàng chọn mẫu). Tỷ lệ trả lời cao (có thể lên đến 80%). Nhanh và tiết kiệm chi phí. Có thể cải tiến bảng câu hỏi trong quá trình phỏng vấn (có thể cải tiến để bảng câu hỏi hoàn thiện hơn, hoặc có thể thay đổi thứ tự câu hỏi).

Tuy không gặp trực tiếp đối tượng nghiên cứu nhưng phỏng vấn viên vẫn có khả năng giải thích, kích thích sự hợp tác của người trả lời mà ít làm ảnh hưởng đến các trả lời của họ.

+ Nhược điểm:

Tuy nhiên thời gian phỏng vấn bị hạn chế vì người trả lời thường không sẵn lòng nói chuyện lâu qua điện thoại, nhiều khi người cần hỏi từ chối trả lời hay không có ở nhà…Không thể trình bày các mẫu minh hoạ về mẫu quảng cáo, tài liệu… để thăm dò ý kiến.Nếu đối tượng nghiên cứu không có điện thoại thì không thể thực hiện được dạng phỏng vấn này

• Phương pháp phỏng vấn cá nhân trực tiếp (personal interviews):

+ Nội dung phương pháp: Nhân viên điều tra đến gặp trực tiếp đối tượng được điều tra để phỏng vấn theo một bảng câu hỏi đã soạn sẵn.

Áp dụng khi hiện tượng nghiên cứu phức tạp, cần phải thu thập nhiều dữ liệu; khi muốn thăm dò ý kiến đối tượng qua các câu hỏi ngắn gọn và có thể trả lời nhanh được,…

+ Ưu điểm:

Do gặp mặt trực tiếp nên nhân viên điều tra có thể thuyết phục đối tượng trả lời, có thể giải thích rõ cho đối tượng về các câu hỏi, có thể dùng hình ảnh kết hợp với lời nói để giải thích, có thể kiểm tra dữ liệu tại chỗ trước khi ghi vào phiếu điều tra.

+ Nhược điểm:

sự hiện diện của phỏng vấn viên có thể làm ảnh hưởng tới câu trả lời của đối tượng nghiên cứu. Chi phí cho dạng phỏng vấn này rất cao. Có thể xảy ra hiện tượng phỏng vấn viên tự điền vào bảng câu hỏi

• Phương pháp phỏng vấn qua mạng:

+Ưu điểm:

Thuận tiện cho người phỏng vấn và người được phỏng vấn

Chi phí thấp

Có thể sử dụng để hỏi các câu hỏi riêng tư.

Có thể thu được lượng câu trả lời cao với những trang web có uy tín

+ Nhược điểm:

Do phỏng vấn qua mạng nên không biết rõ được tính cách người phỏng vấn

Xác định vấn đề cần phỏng vấn không được chính xác do người phỏng vấn được suy nghĩ, có thể trả lời theo hướng tốt nhất chứ không phải là thực tế diễn ra. Rất nhiểu đối tượng trả lời không thuộc vào thị trường nghiên cứu.

Trong thập kỷ vừa qua, việc áp dụng các phương pháp trực tuyến vào nghiên cứu thị trường đã tăng trưởng rất mạnh mẽ. Do công nghệ ngày càng tiến bộ, nó giúp các nhà nghiên cứu có thể tự thiết kế, tiến hành và phân tích các cuộc điều tra riêng của họ với chi phí và thời gian nhỏ hơn nhiều so với trước đây.

Nhưng liệu nó có bất kỳ hạn chế nào so với các phương pháp truyền thống (ví dụ như dùng mail, điện thoại và phỏng vấn cá nhân)? Hôm nay tôi sẽ cung cấp danh sách một số ưu điểm và nhược điểm chính của việc tiến hành khảo sát nghiên cứu thị trường qua môi trường internet.

Trong khi lựa chọn hình thức là hoàn toàn phụ thuộc vào chủ đề cụ thể, mục đích và mục tiêu của bạn, đặt câu hỏi thông qua mạng internet là một lựa chọn tuyệt vời trong nhiều trường hợp.

Ưu điểm

Chi phí thấp. Việc thu thập dữ liệu không làm bạn phải tốn hàng ngàn đô la. Đây có lẽ là một trong những điều hấp dẫn nhất đối với các nhà nghiên cứu không có nhiều kinh phí. Chi phí tiết kiệm được có thể là do bạn sẽ không phải thuê địa điểm, thuê người phỏng vấn, hoặc tốn thời gian công sức chạy đôn chạy đáo để khảo sát.

Tự động hóa và truy cập thời gian thực. Người trả lời cung cấp dữ liệu đầu vào riêng của họ, và nó sẽ được lưu trữ tự động. Phân tích như thế do vậy trở nên dễ dàng hơn và có thể được sắp xếp hợp lý, và có sẵn ngay lập tức. Ngược lại các cuộc khảo sát không có sự hỗ trợ của các phương tiện điện tử có thể đòi hỏi rất nhiều công sức phân tích dữ liệu.

Tốn ít thời gian. Triển khai nhanh chóng và lặp lại là có thể với các cuộc điều tra trực tuyến, điều mà các phương pháp truyền thống khó đạt được. Nếu bạn có thông tin phản hồi có vấn đề với một số người trả lời, bạn sẽ biết điều đó gần như ngay lập tức sau khi bạn đã thực hiện một cuộc điều tra.

Thuận tiện cho người trả lời. Người trả lời không cần phải đến một địa điểm cụ thể, họ có thể thực hiện ở nhà, ở trường,..Họ có thể trả lời câu hỏi vào thời gian họ thuận tiện, theo tốc độ của họ, và thậm chí có thể bắt đầu cuộc điều tra tại một thời điểm, rồi sau đấy dừng lại vì bận việc gì đó, rồi lại hoàn thành nó sau này.

Thiết kế linh hoạt. Khảo sát có thể được lập trình ngay cả khi nó rất phức tạp. Mẫu phức tạp và logic có thể được sử dụng liên tục. Bạn cũng có thể yêu cầu người trả lời chỉ cung cấp một câu trả lời cho những câu hỏi đơn lựa chọn, điều đó giúp giảm bớt lỗi.

Không có người phỏng vấn. Người trả lời có thể sẽ sẵn sàng chia sẻ thông tin cá nhân vì họ không tiết lộ nó trực tiếp cho người khác. Người phỏng vấn cũng có thể ảnh hưởng đến người trả lời trong một số trường hợp, do vậy thiếu vắng người phỏng vấn đôi khi tốt hơn.

Nhược điểm

Lấy mẫu hạn chế và sẵn sàng trả lời. Một số người ít có khả năng truy cập internet và do vậy sẽ không trả lời được các bảng câu hỏi trực tuyến (ví dụ bạn muốn điều tra xem người già đang quan tâm, lo lắng về những vấn đề gì nhất thì cuộc khảo sát qua internet sẽ không thích hợp, vì nhiều người có tuổi không sử dụng mạng). Đó cũng chính là khó khăn để tạo ra mẫu xác suất dựa trên các địa chỉ e-mail hoặc người viếng thăm website.

Vấn đề hợp tác tốt. Mặc dù các cuộc điều tra trực tuyến trong nhiều lĩnh vực có thể đạt được tốc độ phản ứng bằng hoặc cao hơn so với các phương thức truyền thống, người sử dụng internet hiện nay đang liên tục bị bắn phá bởi các thông điệp và có thể dễ dàng thờ ơ với các tiến bộ của bạn.

Không có người phỏng vấn. Thiếu một người phỏng vấn được đào tạo để làm rõ và thăm dò sâu hơn có thể dẫn đến dữ liệu không đáng tin cậy.

Mặc dù danh sách trên không đầy đủ, bạn có thể thấy rằng những lợi ích có thể lớn hơn những hạn chế đối với các nhà nghiên cứu trong hầu hết các tình huống, đặc biệt là đối với các dự án ngắn và đơn giản.

(Kiến càng lược dịch từ Cevent – có thêm mắm dặm muối)

(Last Updated On: 27/06/2021 By Lytuong.net)

Bảng hỏi là gì?

Bảng hỏi là một tập hợp gồm nhiều câu hỏi được sắp xếp theo một trật tự dựa trên những nguyên tắc logic, tâm lý và nội dung đề ra. Với sự giúp đỡ của bảng hỏi ta có thể thu nhập được thông tin đáp ứng mục tiêu nghiên cứu của đề tài.

Vai trò của bảng hỏi trong nghiên cứu định hướng:

  • Là công cụ chủ yếu cho nghiên cứu định lượng trong xã hội học thực nghiệm.
  • Bảng hỏi là sự thể hiện bề ngoài của chương trình nghiên cứu:

+ Là công cụ để lưu giữ thông tin và thực hiện việc đo đạc các hiện tượng xã hội.

+ Là cơ sở dữ liệu để ta tiến hành xử lý thông tin.

Các loại câu hỏi trong bảng hỏi

Căn cứ vào sự có sẵn hay không có sẵn các phương án trả lời trước người ta chia câu hỏi thành câu hỏi đóng và câu hỏi mở và câu hỏi hỗn hợp.

– Câu hỏi mở: là loại câu hỏi không có sẵn các phương án trả lời trước, người trả lời đơn thuần chỉ nhận câu hỏi.

+ Ưu điểm: Người trả lời không bị phụ thuộc vào các phương án đã được trả lời trước, họ tự do trả lời những gì mà họ muốn hoặc họ nghĩ đến. Vì thế chúng có khả năng chỉ ra được các khía cạnh của các hướng xã hội mà đôi khi tác giả nghiên cứu chưa nghĩ đến. Vì lý do này mà câu hỏi mở thường sử dụng trong nghiên cứu phát hiện hay nghiên cứu thử để kiểm tra về chất lượng câu hỏi đó.

+ Nhược điểm: Kết quả trả lời rất khác nhau điều đó gây khó khăn lớn cho việc xử lý thống kê, đôi khi người ta không thể xử lý được (người trả lời dùng các từ đa nghĩa), muốn xử lý bắt buộc phải thêm thao tác phân tích nội dung.

  • Thang đo được sử dụng cho loại câu hỏi mở: Open-ended: người trả lời tự điền câu trả lời, không bị bó buộc theo các phương án sẵn có.
  • Câu hỏi đóng: là loại câu hỏi có sẵn các phương án trả lời trước.
  • Ưu điểm: Các câu trả lời chuẩn bị trước, giải thích và bổ sung cho câu hỏi, định hướng mọi người hiểu câu hỏi theo một nghĩa. Tính khuyết danh đảm bảo cao hơn câu hỏi mở (rất quan trọng trong nghiên cứu xã hội học thực nghiệm, thông tin rất khách quan). Dễ trả lời và rất thuận tiện cho việc xử lý thống kê.
  • Nhược điểm: Người trả lời thường bị bó hẹp trong phạm vi câu trả lời trước, hạn chế khả năng tư duy và đánh giá của họ.
  • Các thang đo thường được sử dụng trong loại câu hỏi đóng:

+ Thang Likert (do Rensis Likert phát triển): là thang đo cho điểm mà có thể cộng điểm được. Thang đo này bao gồm 1 phát biểu thể hiện 1 thái độ ưa thích/không ưa thích, tốt/xấu về 1 đối tượng. Người tham dự được hỏi để trả lời đồng ý/không đồng ý với từng câu phát biểu. Mỗi trả lời được cho 1 điểm phản ánh mức độ ưa thích, và các điểm số có thể tổng hợp được để đo lường thái độ chung của người tham dự.

Thang đo Likert có thể là 5, 7 hoặc 9 điểm. Ví dụ cho phần trả lời của thang 5 điểm:

  • Hoàn toàn không đồng ý;
  • Không đồng ý;
  • Không có ý kiến;
  • Đồng ý;
  • Hoàn toàn đồng ý”.

+ Choice-one answers: các phương án trả lời có sự loại trừ nhau.

+ Choice-multiple answers: các phương án trả lời không loại trừ nhau và người trả lời có thể lựa chọn nhiều phương án.

+ Thang định danh: các câu hỏi về tên và địa chỉ.

+ Yes/no: người trả lời chỉ có hai phương án cho câu hỏi.

– Câu hỏi hỗn hợp: là loại câu hỏi về hình thức là câu hỏi đóng, nhưng về nội dung thực chất là câu hỏi mở. Có nghĩa là câu hỏi này luôn luôn có sẵn một vài phương án trả lời trước, song phương án cuối cùng bao giờ cũng là “các cái khác” (xin nêu ra, xin chỉ ra). Loại câu hỏi này thường được sử dụng cho nghiên cứu với các hiện tượng chúng ta chưa bao quát hết các khía cạnh của nó hoặc còn nghi ngờ ở một khía cạnh mới nào đó.

Căn cứ vào chức năng của câu hỏi người ta có thể chia câu hỏi thành: Câu hỏi lọc, câu hỏi kiểm tra.

+ Câu hỏi lọc: là câu hỏi có mục đích chia đối tượng nghiên cứu ra thành các nhóm khác nhau và sau đó ta tiếp tục tìm hiểu sâu hơn từng nhóm một.

– Ví dụ:

Câu 12: Bạn hãy cho biết chỗ bạn ở hiện nay?

  1. Ở nhà riêng □ (1)
  2. Ở nhà người quen □ (2)
  3. Ở nhà trọ □ (3)
  4. Ở ký túc xá □ (4)

+ Nếu bạn ở nhà riêng xin trả lời các câu hỏi sau từ 13 – 16.

+ Nếu bạn ở nhà người quen xin trả lời các câu hỏi từ 17 – 20.

+ Còn lại, bạn trả lời từ 21- 24.

+ Câu hỏi kiểm tra: Thường những câu hỏi này có chức năng để kiểm tra tính khách quan của các thông tin mà người trả lời cung cấp. Ta có thể hỏi về một cái gì đó hư cấu nhưng về hình thức là gắn liền với vấn đề thực tiễn.

Kết cấu của một bảng hỏi

Kết cấu của bảng hỏi nên theo trình tự sâu dần của vấn đề, không tản mát, làm người trả lời không tập trung suy nghĩ để trả lời.

Phần đầu của bảng hỏi là phần trình bày mục đích của cuộc nghiên cứu điều tra, tên cơ quan hiện hành nghiên cứu. Phải hướng dẫn cho người được phỏng vấn cách thức trả lời các câu hỏi trong bảng hỏi, đồng thời khẳng định tính danh của cuộc điều tra.

Phần nội dung chính của bảng hỏi thường được bắt đầu bằng những câu hỏi tiếp xúc, làm quen, sau đó mới đến các câu hỏi nội dung.

Các câu hỏi nội dung thường được bố trí xen kẽ với các câu hỏi tiếp xúc, câu hỏi kiểm tra và câu hỏi chức năng.

Trong phần các câu hỏi nội dung, các câu hỏi biểu thị sự quan tâm của cuộc nghiên cứu đến công ăn việc làm nên đặt trước để gây ra một tâm lý thoải mái, còn các câu hỏi đi sâu vào cuộc sống của cá nhân nên xếp ở phía sau bảng hỏi.