Nhiệm vụ Chủ tịch Hội phụ nữ xã

Năng động, trách nhiệm, sáng tạo, có nhiệt huyết và luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công, đó là nhận xét của Chị Đào Thị Kim Ngân, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Sơn Hà khi nói về chị Vũ Thị Cảnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Sơn Hà. 

Nhiệm vụ Chủ tịch Hội phụ nữ xã

Chị Vũ Thị Cảnh, Chủ tịch Hội LHPN Xã Sơn Hà tại gia đình

Tham gia phong trào phụ nữ từ năm 2000 với vai trò Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Nhị Hà, từ năm 2011 đến nay chị Vũ Thị Cảnh được bầu là chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Tiếp xúc với chị, ấn tượng đầu tiên với chúng tôi đó là một người nhanh nhẹn và luôn tràn đầy nhiệt huyết khi nói về công tác Hội và phong trào phụ nữ. Chị Cảnh tâm sự: Khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch Hội, chị đã lo lắng không biết mình có làm được không, song được sự ủng hộ của các chị em trong Ban chấp hành cũng như toàn thể hội viên, chị đã nỗ lực cố gắng, sắp xếp hài hòa công việc gia đình và học hỏi từ đội ngũ lãnh đạo Hội đi trước, tích cực tuyên truyền, vận động chị em hội viên đoàn kết thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, gương mẫu đi đầu trong mọi phong trào và các phong trào thi đua của Hội. Đặc biệt, năm 2018 là năm xã Sơn Hà đăng ký về đích NTM, xác định đây là chương trình mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, chị đã cùng Ban chấp hành tích cực vận động hội viên tham gia góp sức bằng những việc làm cụ thể như: Ngày công lao động, ủng hộ kinh phí, hiến đất, hiến vật liệu để xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa. Theo đó, trong năm 2018, được Nhà nước hỗ trợ xi măng, nhân dân xã Sơn Hà đã đóng góp được gần 2 tỷ đồng để làm được 5,3 km đường bê tông, trong đó hội viên phụ nữ đóng góp được 1,2 tỷ đồng. Hội LHPN xã cũng đã xây dựng quỹ “Xây dựng Nông thôn mới” được hơn 4,6 triệu đồng, mua 3.000 cây Chuỗi Ngọc với số tiền 3 triệu đồng để trồng làm hàng rào, Chị Cảnh cũng đã vận động hội viên các thôn Nhị Hà, Ngòi Na, Trường Sơn đóng góp được 115 triệu đồng xây dựng nhà văn hóa thôn và xây công trình phụ trợ... góp phần không nhỏ trong việc đưa Sơn Hà hoàn thành 19/19 tiêu chí Nông thôn mới và được công nhận xã đạt chuẩn NTM năm 2018.

Theo Chị Vũ Thị Cảnh, Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hà: Giữ trọng trách làm chủ tịch thì tôi cũng luôn luôn tuyên truyền vận động chị em phụ nữ phải đoàn kết, các chi hội cũng vận động để làm sao mà các chị em đóng hội phí, đóng các loại quĩ và thực hiện để đưa chi Hội cũng như Hội Phụ nữ càng ngày càng vững mạnh hơn, để phát triển kinh tế gia đình, phát triển tổ chức hội và kết nạp được hội viên, lúc nào mình cũng đi đầu để các chị em trong BCH cũng như hội viên noi theo.

Nhiệm vụ Chủ tịch Hội phụ nữ xã

Chi Vũ Thị Cảnh dẫn chị em hội viên phụ nữ thăm quan đường hoa do chị em phụ nữ xã làm chủ

          Với vai trò là Chủ tịch Hội, chị Cảnh luôn đổi mới cách làm, đưa ra những ý tưởng hay trong mọi phong trào, phù hợp với thực tế tại cơ sở để các chi hội triển khai có hiệu quả. Đặc biệt là trong thực hiện nhiệm vụ “Vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp, phát triển kinh tế”, phong trào “Phụ nữ giúp nhau giảm nghèo có địa chỉ”, bằng những cách làm khác nhau, như: Tổ chức Hội đã đứng ra tín chấp với Ngân hành chính sách xã hội cho hội viên vay vốn ưu đãi với lãi xuất thấp, vận động chị em đóng góp tiền cho vay luân phiên không lấy lãi hoặc hỗ trợ bằng cây con giống… giúp chị em phát triển kinh tế, từ năm 2011 đến nay Hội đã giúp cho 10 chị là chủ hộ thoát nghèo, riêng năm 2018, Hội đã hỗ trợ giúp đỡ cho 2 hội viên phụ nữ nghèo 30 cây giống Cam Canh và 6 vạn túi bóng đóng bầu trị giá 1.200.000 đồng và vay vốn hộ nghèo 100 triệu đồng của Ngân hàng CSXH huyện để các chị phát triển kinh tế; giúp 5 chị có hoàn cảnh khó khăn bằng hình thức như cho vay luân phiên không lấy lãi số tiền 50 triệu đồng và hỗ trợ làm hồ sơ vay vốn hộ nghèo của ngân hàng CSXH được 250 triệu đồng để phát triển kinh tế… đến nay Toàn Hội có 20 chị làm kinh tế giỏi thu nhập từ 100 - 400 triệu đồng, năm 2018, qua đánh giá cả 8/8 chi hội đều đạt vững mạnh, Hội LHPN xã được Hội LHPN huyện đánh giá đạt vững mạnh đứng đầu trên toàn huyện.

Chị Mai Thị Tình, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Ao Đẫu xã Sơn Hà:  Qua quá trình tôi công tác cùng với chị Vũ Thị Cảnh, thì chị là người chủ tịch nhiệt tình, năng nổ và những phong trào cấp trên đưa xuống đã nhiệt tình triển khai đến các chi Hội, Trong công tác, năm đầu tôi bắt đầu là Chi hội trưởng, khi vào bỡ ngỡ không biết một cái gì thì chị Cảnh đã tạo điều kiện giúp đỡ, tôi đã thực hiện các phong trào đổi mới ở trong Chi hội và khi tôi nhận là 97 hội viên đến giờ có 127 hội viên, chi hội trước là một Chi hội yếu thì đến nay luôn đạt chi hội vững mạnh.

Ngoài việc thực hiện phong trào thi đua, các cuộc vận động của địa phương và nhiệm vụ trọng tâm của Hội, với vai trò là thủ lĩnh của hội viên phụ nữ, chị Cảnh luôn gần gũi, gắn bó, tạo điều kiện để hội viên chia sẻ buồn vui, cùng nhau xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Bản thân chị cũng đã nhiều lần làm hòa giải viên cho các vụ mâu thuẫn giữa các thành viên trong gia đình hội viên… từ đó, tạo niềm tin để chị em ngày càng gắn bó và tích cực hưởng ứng các phong trào của Hội. Hàng năm, tỷ lệ thu hút hội viên vào hội luôn vượt chỉ tiêu, riêng trong năm 2018, Hội đã kết nạp được 21 hội viên mới vượt chỉ tiêu 11 hội viên huyện giao, nâng tỷ lệ thu hút hội viên theo hộ gia đình là 632/930 hộ bằng 68,27%, nhiều năm liền Hội LHPN xã Sơn Hà được Trung ương Hội và Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen, bản thân chị Vũ Thị Cảnh cũng đã được Trung ương Hội, Tỉnh Hội và các cấp ngành ghi nhận và tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen, gần đây nhất là năm 2018 chị được Hội LHPN tỉnh tặng Bằng khen Đạt danh hiệu Cán bộ Hội cơ sở giỏi trong thực hiện phong trào thi đua, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào phụ nữ, được Chủ tịch UBND huyện tặng Giấy khen đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước.

Theo Chị Đào Thị Kim Ngân, Phó bí thư thường trực Đảng ủy xã Sơn Hà cho biết: Đ.c Vũ Thị Cảnh là chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Hà, là cấp ủy viên, với vai trò và trách nhiệm của mình, đ.c luôn luôn là một người cán bộ hội gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động, năng động sáng tạo trong thực hiện mọi nhiệm vụ, đặc biệt là trong năm 2018, Hội LHPN xã cũng đã đóng góp một phần rất lớn trong việc thực hiện các tiêu chí về đích xây dựng NTM của xã nhà, Đ.c Cảnh đã triển khai được thực hiện được 1 mô hình thôn xanh, sạch, đẹp dưới sự chỉ đạo của Hội LHPN tỉnh Lạng Sơn cũng như Hội LHPN huyện, đến nay mô hình thôn xanh sạch, đẹp ở thôn Trường Sơn đã rất đẹp và đưa vào sử dụng, đã có nhiều đoàn đến tham quan, học tập, chia sẻ kinh  nghiệm và chúng tôi là những người lãnh đạo ở địa phương được theo sát trong quá trình lãnh đạo chỉ đạo thì khẳng định rằng, đ.c Vũ Thị Cảnh luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công tác.

Những tấm Bằng khen, Giấy khen và những lời đánh giá nhận xét của cấp ủy chính quyền địa phương và các chị em hội viên dành cho chị Vũ Thị Cảnh là minh chứng, sự ghi nhận và động viên để chị tiếp tục cống hiến và hết lòng với việc chung, góp phần đưa phong trào Phụ nữ xã Sơn Hà nói riêng huyện Hữu Lũng nói chung ngày càng phát triển lớn mạnh trong thời gian tới./.

Hoàng Hồng

Trung tâm VH, TT&TT

ĐIỀU LỆ HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
(Thông qua tại Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII)

PHẦN MỞ ĐẦU
 

            Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (Hội) là tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ Việt Nam; phấn đấu vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới.             Hội là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thành viên của Liên đoàn phụ nữ Dân chủ quốc tế và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN.             Từ những tổ chức tiền thân cho đến ngày nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, Hội đoàn kết, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp phụ nữ, phát huy truyền thống yêu nước, anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Chương I CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ

Điều 1. Chức năng 1. Đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ, tham gia xây dựng Đảng, tham gia quản lý Nhà nước. 2. Đoàn kết, vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới.

Điều 2. Nhiệm vụ

1. Tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng, lý tưởng cách mạng, phẩm chất đạo đức, lối sống; đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 2. Vận động các tầng lớp phụ nữ chủ động, tích cực thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế  - xã hội và bảo vệ Tổ quốc; vận động, hỗ trợ phụ nữ nâng cao năng lực, trình độ, xây dựng gia đình hạnh phúc, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của phụ nữ. 3. Tham mưu đề xuất, tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ. 4. Xây dựng, phát triển tổ chức Hội vững mạnh. 5. Đoàn kết, hợp tác với phụ nữ các nước, các tổ chức, cá nhân tiến bộ trong khu vực và thế giới vì bình đẳng, phát triển và hòa bình.

Chương II
HỘI VIÊN VÀ TỔ CHỨC THÀNH VIÊN

Điều 3. Điều kiện trở thành hội viên 1. Hội viên chính thức: Phụ nữ là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, nghề nghiệp, thành phần xã hội, nơi làm việc, nơi cư trú; tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện tham gia tổ chức Hội thì được công nhận là hội viên. 2. Hội viên danh dự: Là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có uy tín, tầm ảnh hưởng, có đóng góp tích cực cho phong trào phụ nữ và hoạt động Hội, tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện gia nhập Hội, được cấp có thẩm quyền công nhận là hội viên danh dự.

Điều 4. Hội viên là nữ cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động và nữ thanh niên

1. Hội viên là nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động là lực lượng nòng cốt trong phong trào phụ nữ. Nữ cán bộ, công chức, viên chức và công nhân lao động đang sinh hoạt trong tổ chức Công đoàn là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; việc thực hiện Nghị quyết và Điều lệ Hội đối với hội viên là đoàn viên Công đoàn do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam quy định. 2. Hội viên là nữ thanh niên là lực lượng xung kích trong phong trào phụ nữ. Việc thực hiện Nghị quyết và Điều lệ Hội đối với hội viên là nữ thanh niên do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quy định.

Điều 5. Hội viên trong lực lượng vũ trang

1. Phụ nữ trong các lực lượng vũ trang là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. 2. Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức phụ nữ trong Công an nhân dân Việt Nam do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Bộ Công an quy định. 3. Hệ thống tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức phụ nữ trong Quân đội nhân dân Việt Nam do Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam quy định.

Điều 6. Quyền của hội viên

1. Hội viên chính thức: a. Được dân chủ thảo luận và biểu quyết chủ trương, nhiệm vụ công tác Hội; góp ý, đề đạt nguyện vọng với tổ chức Hội; tham gia hoạt động, sinh hoạt Hội; b. Được Hội hướng dẫn, hỗ trợ và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng; c. Được ứng cử, đề cử, bầu cử các cơ quan lãnh đạo của Hội theo quy định. 2. Hội viên danh dự được thực hiện đầy đủ các quyền như hội viên chính thức trừ quyền biểu quyết, ứng cử và bầu cử vào các cơ quan lãnh đạo của tổ chức Hội.

Điều 7. Nhiệm vụ của hội viên

1. Hội viên chính thức: a. Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; b. Chấp hành Điều lệ Hội, tích cực tham gia sinh hoạt và các hoạt động Hội, đóng hội phí theo quy định của Điều lệ; c. Học tập nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt, giữ gìn uy tín và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh; d. Đoàn kết, giúp nhau trong công tác, học tập, lao động, đời sống, xây dựng gia đình hạnh phúc, phấn đấu thực hiện vì sự phát triển của phụ nữ và bình đẳng giới. 2. Hội viên danh dự: căn cứ điều kiện, khả năng thực tế để tham gia các hoạt động của Hội; giữ uy tín và xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.

Điều 8. Tổ chức thành viên

1. Các tổ chức phụ nữ Việt Nam hợp pháp ở trong nước tán thành Điều lệ Hội và tự nguyện gia nhập Hội thì được công nhận là tổ chức thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh có thẩm quyền xem xét quyết định việc công nhận và thôi công nhận tổ chức thành viên cùng cấp. 2. Hội viên của các tổ chức thành viên là hội viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. 3. Quyền của tổ chức thành viên: a. Được giới thiệu đại diện tham gia ứng cử vào cơ quan lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; b. Được Hội bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng; c. Được tham gia các hoạt động, đóng góp ý kiến đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và được Hội phản ánh nguyện vọng hợp pháp, chính đáng đến Đảng, Nhà nước. 4. Nhiệm vụ của tổ chức thành viên: a. Thực hiện Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Nghị quyết của Đại hội, Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ cùng cấp; b. Có trách nhiệm xây dựng tổ chức Hội, đóng hội phí theo quy định; c. Tham gia các hoạt động hỗ trợ hội viên, thành viên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; d. Phối hợp với các tổ chức thành viên khác của Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp triển khai các hoạt động nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp và xây dựng khối đại đoàn kết các tầng lớp phụ nữ; e. Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong công tác Hội và phong trào phụ nữ cùng cấp.

Chương III
NGUYÊN TẮC TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC, CƠ QUAN LÃNH ĐẠO CÁC CẤP HỘI

 
Điều 9. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dân chủ, liên hiệp, thống nhất hành động. Cơ quan lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp do bầu cử lập ra, tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ.

Điều 10. Hệ thống tổ chức và tư cách pháp nhân của các cấp Hội

1. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam gồm 4 cấp: a. Cấp Trung ương; b. Cấp tỉnh (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương); c. Cấp huyện (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương); d. Cấp cơ sở (bao gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn và tương đương). 2. Trung ương Hội; Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn có tư cách pháp nhân độc lập, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.

Điều 11. Cơ quan lãnh đạo và cơ quan chuyên trách các cấp Hội.

1. Cơ quan lãnh đạo các cấp Hội: a. Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội là Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc; b. Cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp Hội là Đại hội đại biểu hoặc Đại hội toàn thể hội viên của cấp đó; c. Giữa hai kỳ đại hội, cơ quan lãnh đạo mỗi cấp Hội là Ban Chấp hành cùng cấp; d. Giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, cơ quan lãnh đạo là Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ cùng cấp. 2. Cơ quan chuyên trách các cấp Hội:  Cơ quan chuyên trách Trung ương Hội; cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương; cơ quan chuyên trách Hội Liên hiệp Phụ nữ các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương là cơ quan tham mưu, giúp việc cho Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ cùng cấp.

Điều 12. Đại hội đại biểu Phụ nữ các cấp

1. Đại hội các cấp được tổ chức năm năm một lần. Trường hợp đặc biệt do Hội cấp trên trực tiếp xem xét, quyết định theo quy định. 2. Đại hội chỉ hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập tham dự. 3. Thành phần, số lượng đại biểu đại hội cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định và triệu tập. Thành phần đại biểu chính thức của đại hội mỗi cấp gồm: a. Ủy viên Ban Chấp hành đương nhiệm;  b. Đại biểu do đại hội cấp dưới trực tiếp bầu hoặc từ chi hội (đối với Đại hội cấp cơ sở), từ hội nghị của Đoàn Chủ tịch (Ban Thường vụ) hoặc Ban Chấp hành (đối với những nơi không có Ban Thường vụ) của tổ chức Công đoàn và hội nghị của Ban Thường vụ hoặc Ban Chấp hành (đối với những nơi không có Ban Thường vụ) của tổ chức thành viên cùng cấp bầu lên; c. Đại biểu chỉ định: số lượng không quá 10% tổng số đại biểu do Ban Chấp hành cấp triệu tập quyết định. 4. Nhiệm vụ của Đại hội cấp cơ sở, cấp huyện và cấp tỉnh: a. Đánh giá phong trào phụ nữ; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết đại hội; quyết định phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới; b. Kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành; c. Thảo luận dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu phụ nữ cấp trên trực tiếp và dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc; d. Quyết định số lượng, cơ cấu, nhân sự và bầu Ban Chấp hành đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định e. Bầu đại biểu dự đại hội cấp trên trực tiếp. 5. Nhiệm vụ của Đại hội toàn quốc          a. Đánh giá phong trào phụ nữ; kiểm điểm việc thực hiện Nghị quyết đại hội; thảo luận, quyết định phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ tới;             b. Kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành;            c. Quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội;              d. Quyết định số lượng, cơ cấu, nhân sự và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.

Điều 13. Bầu Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch các cấp Hội

1. Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó bầu ra đảm bảo tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định. 2. Số lượng, cơ cấu, thành phần Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ cấp nào do Ban Chấp hành cấp đó quyết định và bầu trong số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp. Số lượng ủy viên Đoàn Chủ tịch không quá 1/5, ủy viên Ban Thường vụ không quá 1/3 tổng số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp. 3. Chủ tịch, Phó Chủ tịch được bầu trong số ủy viên Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ Hội cấp đó. 4. Hội nghị Ban Chấp hành chỉ hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số đại biểu được triệu tập tham dự.

Điều 14. Bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Đoàn Chủ tịch hoặc ủy viên Ban Thường vụ và Chủ tịch, Phó Chủ tịch các cấp Hội

1. Ban Chấp hành được quyền bầu bổ sung ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Đoàn Chủ tịch hoặc ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch để đảm bảo đủ số lượng, cơ cấu đã được đại hội quyết định. 2. Ủy viên Ban Chấp hành, ủy viên Đoàn Chủ tịch hoặc ủy viên Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Hội các cấp khi có quyết định nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc thay đổi công tác mà không thuộc thành phần cơ cấu thì thôi tham gia Ban Chấp hành. 3. Khi cần thiết, Ban Chấp hành các cấp được quyền bầu bổ sung thêm ủy viên Ban Chấp hành ngoài số lượng đại hội đã quyết định (cấp Trung ương không quá 5%; cấp tỉnh, cấp huyện và cấp cơ sở không quá 10%).

Điều 15. Hình thức bầu cử và điều kiện trúng cử

1. Hình thức bầu cử: biểu quyết giơ tay hoặc bỏ phiếu kín. Chọn hình thức nào do Đại hội hoặc Ban Chấp hành cùng cấp quyết định. 2. Người trúng cử phải được trên 50% số đại biểu được triệu tập bầu, tính theo tỷ lệ phiếu bầu từ cao xuống thấp.

Điều 16. Chỉ định ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch các cấp Hội

1. Khi có thay đổi về địa giới hành chính hoặc khi có sự sắp xếp lại về tổ chức bộ máy, Hội cấp trên trực tiếp được quyền chỉ định Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch của Hội cấp dưới theo quy định. 2. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch và Phó Chủ tịch được chỉ định không nhất thiết đủ năm năm.

Điều 17. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội

1. Ban Chấp hành Trung ương Hội có nhiệm vụ và quyền hạn: a. Ban hành Nghị quyết, quyết định, chương trình, kế hoạch nhằm vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc; b. Lãnh đạo, chỉ đạo, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết, Điều lệ Hội; c. Đại diện tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước về công tác phụ nữ; d. Đại diện cho Hội Liên hiệp Phụ nữ, các tầng lớp phụ nữ Việt Nam trong hệ thống chính trị, trong quan hệ với các tổ chức khác trong nước và ngoài nước; đ. Bầu Đoàn Chủ tịch trong số ủy viên Ban Chấp hành, bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch trong số các ủy viên Đoàn Chủ tịch; bầu Ủy ban Kiểm tra; e. Chuẩn bị Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc nhiệm kỳ tiếp theo và Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc bất thường nếu có; chỉ đạo thực hiện Điều lệ Hội; f. Ban Chấp hành họp mỗi năm hai lần, khi cần có thể họp bất thường. 2. Đoàn Chủ tịch có nhiệm vụ và quyền hạn: a. Chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Hội; triệu tập và chuẩn bị nội dung hội nghị Ban Chấp hành; b. Quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp, thi hành kỷ luật cán bộ và một số vấn đề thuộc tổ chức Hội theo quy định; c. Đoàn Chủ tịch họp sáu tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường. 3.Thường trực Đoàn Chủ tịch (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) có nhiệm vụ và quyền hạn: a. Thay mặt Đoàn Chủ tịch điều hành công việc giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch; b. Chuẩn bị các nội dung hội nghị Đoàn Chủ tịch; c. Lãnh đạo, quản lý cơ quan chuyên trách Trung ương Hội và thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân theo quy định của pháp luật; được sử dụng con dấu của Ban Chấp hành trong điều hành hoạt động của cơ quan Trung ương Hội.

Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện

1. Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện có nhiệm vụ và quyền hạn: a. Ban hành Nghị quyết, chương trình, kế hoạch nhằm vận động phụ nữ thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ cùng cấp và cấp trên; b. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và kiểm tra việc chấp hành Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ cùng cấp và cấp trên; c. Đại diện cho tổ chức Hội và phụ nữ địa phương tham gia xây dựng, phản biện xã hội và giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, gia đình, trẻ em và bình đẳng giới; tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác phụ nữ; d. Bầu Ban Thường vụ trong số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp; bầu Chủ tịch và Phó Chủ tịch trong số ủy viên Ban Thường vụ cùng cấp; bầu Ủy ban Kiểm tra; đ. Ban Chấp hành họp sáu tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường. 2. Ban Thường vụ có nhiệm vụ và quyền hạn: a. Chỉ đạo tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Hội cấp trên và cùng cấp; triệu tập và chuẩn bị nội dung hội nghị Ban Chấp hành cùng cấp; b. Quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể tổ chức Hội cấp dưới trực tiếp, thi hành kỷ luật cán bộ và một số vấn đề thuộc tổ chức Hội cùng cấp theo quy định; c. Ban Thường vụ họp ba tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường. 3. Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh, cấp huyện (gồm Chủ tịch và các Phó Chủ tịch) có nhiệm vụ và quyền hạn: a. Thay mặt Ban Thường vụ điều hành công việc giữa hai kỳ họp Ban Thường vụ; b. Chuẩn bị các nội dung họp Ban Thường vụ cùng cấp; c. Lãnh đạo, quản lý cơ quan chuyên trách Hội cấp mình và thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân theo quy định của pháp luật; được sử dụng con dấu Ban Chấp hành trong điều hành hoạt động cơ quan chuyên trách cùng cấp.

Chương IV
HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ CẤP CƠ SỞ

 
Điều 19. Tổ chức Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở 1. Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở là nền tảng của tổ chức Hội. 2. Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở quyết định thành lập các chi hội; dưới chi hội có thể thành lập tổ phụ nữ. Chi hội, tổ phụ nữ sinh hoạt ít nhất ba tháng một lần. 3. Đối với một số địa phương, đơn vị đặc thù, nơi không có đơn vị hành chính cấp cơ sở và tương đương thì chi hội được coi tương đương Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở. 4. Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp có thể thành lập các tổ chức Hội cơ sở đặc thù theo ngành nghề, lứa tuổi, sở thích… thuộc sự quản lý, điều hành của Đoàn Chủ tịch hoặc Ban Thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ cùng cấp.

Điều 20. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp cơ sở

1. Ban Chấp hành có nhiệm vụ và quyền hạn:             a. Nắm tình hình đời sống, tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ, phản ánh, đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp trên;          b. Lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra việc thực hiện Điều lệ Hội, Nghị quyết đại hội, Nghị quyết Ban Chấp hành Hội cùng cấp và Hội cấp trên;             c. Đại diện cho tổ chức Hội và phụ nữ địa phương tham gia góp ý xây dựng chính sách, chương trình, kế hoạch, đề án và giám sát việc thực hiện; phát hiện, có biện pháp giải quyết kịp thời khi quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ bị vi phạm;            d. Công nhận hội viên; tuyên truyền, vận động và tổ chức cho hội viên thực hiện đầy đủ các quyền, nhiệm vụ của hội viên theo quy định Điều lệ;           đ. Bầu Ban Thường vụ trong số ủy viên Ban Chấp hành cùng cấp; bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch trong số ủy viên Ban Thường vụ cùng cấp; bầu Ủy ban Kiểm tra; e.  Ban Chấp hành họp ba tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường. 2. Ban Thường vụ có nhiệm vụ và quyền hạn:           a. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành; triệu tập và chuẩn bị nội dung họp Ban Chấp hành;           b. Quản lý, phát triển hội viên; xây dựng, quản lý quỹ hội; thu, chi, trích nộp hội phí và sử dụng các nguồn thu đảm bảo đúng quy định của pháp luật và quy định của tổ chức Hội; thực hiện quyền, nghĩa vụ pháp nhân theo quy định của pháp luật;             c. Ban Thường vụ họp một tháng một lần, khi cần có thể họp bất thường. 3. Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn là cán bộ chuyên trách chịu trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Hội, đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Chương V
CÔNG TÁC KIỂM TRA, GIÁM SÁT VÀ ỦY BAN KIỂM TRA CÁC CẤP

 
Điều 21. Công tác kiểm tra, giám sát 1. Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành Điều lệ, Nghị quyết, chủ trương của Hội; việc triển khai các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng liên quan đến tổ chức bộ máy, cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ và các quy định của tổ chức Hội các cấp; 2. Đối tượng kiểm tra, giám sát: tổ chức Hội, tổ chức thành viên, cán bộ Hội, hội viên.            

Điều 22. Uỷ ban Kiểm tra

  1. Uỷ ban Kiểm tra là cơ quan kiểm tra, giám sát do Ban Chấp hành cùng cấp bầu ra và được cấp có thẩm quyền công nhận. Số lượng uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra do Ban Chấp hành cùng cấp quyết định gồm một số uỷ viên trong Ban Chấp hành và một số uỷ viên ngoài Ban Chấp hành; số lượng uỷ viên Ban Chấp hành tham gia Uỷ ban Kiểm tra không vượt quá ½ tổng số uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra. 2. Nguyên tắc, thể lệ và hình thức bầu cử Uỷ ban Kiểm tra, Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm uỷ ban Kiểm tra thực hiện như bầu cử Ban Chấp hành. Nhiệm kỳ của Uỷ ban Kiểm tra thực hiện theo nhiệm kỳ của Ban Chấp hành. 3. Uỷ viên uỷ ban Kiểm tra các cấp khi nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu, thôi việc, chuyển công tác, nghỉ việc vì lý do cá nhân mà không thuộc thành phần cơ cấu thì thôi tham gia uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra. 4. Nguyên tắc làm việc và thẩm quyền của Ủy ban Kiểm tra: a. Ủy ban Kiểm tra các cấp làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, chịu sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Hội cùng cấp; b. Ủy ban Kiểm tra cấp trên có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra cấp dưới, có quyền yêu cầu tổ chức Hội cấp dưới và cán bộ, hội viên báo cáo, cung cấp tài liệu về những vấn đề liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát; tham mưu cho Ban Chấp hành cùng cấp thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định kỷ luật của Hội cấp dưới theo quy định. 5. Nhiệm vụ cuả Uỷ ban Kiểm tra: a. Tham mưu cho Ban Chấp hành kiểm tra, giám sát việc thi hành Điều lệ, Nghị quyết, chủ trương của Hội; Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng liên quan đến phụ nữ, trẻ em; b. Kiểm tra cán bộ, hội viên, tổ chức thành viên và tổ chức Hội cấp dưới khi có dấu hiệu vi phạm Điều lệ, Nghị quyết của Hội;    c. Kiểm tra, giám sát việc thu, quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của các cấp Hội cùng cấp và tổ chức Hội cấp dưới theo quy định;   d. Kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật của tổ chức Hội cấp dưới và giám sát việc thực hiện chủ trương, Nghị quyết, Điều lệ Hội của Ủy viên Ban Chấp hành các cấp; e. Giải quyết khiếu nại, tố cáo của cán bộ, hội viên phụ nữ và nhân dân; tham mưu cho Ban Chấp hành về việc thi hành kỷ luật Hội; g. Tổ chức bồi dưỡng, hướng dẫn nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức Hội đối với ủy viên Ủy ban Kiểm tra của tổ chức Hội cùng cấp và cấp dưới.

Chương VI
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

 
Điều 23. Khen thưởng 1. Đối tượng khen thưởng: tổ chức Hội, tổ chức thành viên, cán bộ Hội, hội viên, phụ nữ và những tập thể, cá nhân khác có thành tích đóng góp cho công tác phụ nữ được Hội xét khen thưởng hoặc đề nghị Nhà nước khen thưởng. 2. Hình thức khen thưởng của Hội gồm: kỷ niệm chương, giải thưởng, bằng khen, giấy khen và các hình thức công nhận khác.

Điều 24. Kỷ luật

1. Tổ chức Hội, tổ chức thành viên, cán bộ Hội, hội viên vi phạm Điều lệ Hội, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ chịu hình thức kỷ luật của Hội. 2. Hình thức kỷ luật: a. Đối với tổ chức Hội: khiển trách, cảnh cáo, giải thể; b. Đối với tổ chức thành viên: khiển trách, thôi công nhận; c. Đối với cán bộ Hội: khiển trách, cảnh cáo, cách chức hoặc thôi đảm nhiệm chức danh (đối với cán bộ Hội không phải là cán bộ, công chức); d. Đối với hội viên: khiển trách.

Chương VII
TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CỦA HỘI

 
Điều 25. Tài chính của Hội 1. Tài chính của Hội gồm:            a. Ngân sách Nhà nước cấp;         b. Hội phí: 2.000 đồng/hội viên/tháng;  c. Đóng góp của tổ chức thành viên;            d. Các nguồn thu hợp pháp khác. 2. Việc quản lý, sử dụng tài chính của Hội phải tuân theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội.

Điều 26. Tài sản của Hội

1.Tài sản của Hội gồm:            a. Tài sản được Nhà nước cấp;           b. Từ nguồn đóng góp của Hội viên, thành viên; c. Các nguồn khác theo quy định của pháp luật. 2. Việc quản lý, sử dụng tài sản của Hội phải tuân theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ban Chấp hành, Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội.

Chương VIII
CHẤP HÀNH ĐIỀU LỆ HỘI

 
Điều 27. Chấp hành Điều lệ Hội 1. Cán bộ Hội, hội viên, tổ chức Hội các cấp và các tổ chức thành viên có trách nhiệm chấp hành Điều lệ Hội. 2. Chỉ Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hội. 3. Ban Chấp hành Trung ương Hội có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ Hội.

4. Điều lệ này áp dụng thống nhất trong hệ thống Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.