Người biết nhận lỗi là người như thế nào năm 2024

Kể từ khi bắt đầu triển khai chuyên mục “Dear Guy”, tôi nhận được rất nhiều lá thư từ bạn đọc hỏi tôi vì lí do vì sao có những người mà trong suốt cuộc đời họ dường như không thể nói một câu xin lỗi? Thậm chí trong trường hợp rõ ràng họ là người làm sai. Phải chăng là do họ cứng đầu? Hay là điều gì trong tâm lý đã ngăn cản họ chịu trách nhiệm cho hành động của mình và đơn giản là nói ra câu xin lỗi?

Sự thật là, thậm chí những người tận tâm nhất trong số chúng ta thỉnh thoảng cũng gặp khó khăn trong việc xin lỗi. Có 2 lý do để giải thích cho điều này. Một là, chúng ta không quá quan tâm tới người đối diện hay mối quan hệ hiện tại để mà phải chịu cảm xúc không mấy dễ chịu khi nhận lỗi về mình và xin lỗi cho điều đó. Còn lý do thứ hai đó là chúng ta cho rằng lời xin lỗi có hay không thì đều không ảnh hưởng gì.

Giả dụ như bạn cáu gắt với một đồng nghiệp đã làm phiền bạn khi bạn đang chạy đua với thời gian để hoàn thành deadline. Khi bạn nhận định người đồng nghiệp đó đã có ác cảm với bạn từ trước, bạn cho rằng mình có thể chả cần phải xin lỗi về chuyện đã xảy ra vì nó chả giúp mối quan hệ của hai bạn khá khẩm hơn.

Thế còn những người không bao giờ thừa nhận là họ sai dù trong bất kì hoàn cảnh nào? Điều gì khiến cho họ không thể nói lời xin lỗi dù cho rõ ràng họ đã phạm sai lầm? Đối với những người này, việc thừa nhận mình sai và xin lỗi người khác như hành hạ tâm lý của họ vậy. Họ mặc định rằng nói lời xin lỗi ám chỉ cho việc họ đã làm tổn thương người khác theo một cách nào đó, điều này khiến họ cảm thấy vô cùng xấu hổ.

Người biết nhận lỗi là người như thế nào năm 2024

Những người không thể nói lời xin lỗi thường tự ti sâu sắc đến mức mà cái tôi mỏng manh của họ không thể chịu đựng được việc thừa nhận bản thân mình đã sai. Bởi vậy, họ đã kích hoạt các cơ chế tự bảo vệ - đôi khi, một cách vô thức - và họ có thể đổi lỗi cho bất kì điều gì, thậm chí là phạm vào các sự thật căn bản nhất để ngăn chặn việc phải hạ mình đi xin lỗi. Khi nhân đôi sai lầm của mình bằng cách đổ lỗi cho hoàn cảnh, phủ định sự thật, “tấn công” những người có liên quan, họ cảm thấy sức mạnh của bạn thân được tăng cường hơn là giảm sút.

Thật không may, nhiều người trong chúng ta hiểu nhầm cơ chế tự phòng vệ của những người này như là dấu hiệu của người có nội tâm mạnh mẽ. Sở dĩ như vậy là bởi vì bề ngoài họ tỏ ra là một người rất cứng rắn và không bao giờ chịu đầu hàng. Tuy nhiên, điều đó không thể hiện họ là kẻ mạnh - mà thực ra là kẻ yếu thì hơn.

Về mặt tâm lý, việc thừa nhận mình sai đem lại cảm xúc chẳng mấy dễ chịu và có thể gây ra cả nỗi đau nữa. Để đứng ra nhận trách nhiệm và xin lỗi, lòng tự tôn cần phải đủ lớn để chấp nhận sự khó chịu này. Thật vậy, nếu lòng tự trọng đủ cao và giữ được ổn định, chúng ta hoàn toàn có thể chịu đựng sự tổn thương tạm thời đến từ việc chấp nhận mình sai đem lại mà không tạo ra những bức tường tâm lý chắn quanh cái tôi của chính mình.

Nhưng nếu như lòng tự tôn trông thì có vẻ lớn nhưng thật ra lại rất non yếu, tổn thương đó có khả năng xuyên qua được “bức tường bảo vệ” và đánh thằng vào nội tâm của chúng ta. Bởi vậy, như một quy luật tâm lý, cơ chế tự bảo vệ của một người càng cứng rắn thì sâu thẳm bên trong là một cái tôi rất mỏng manh.

Sai lầm mà chúng ta thường mắc phải khi đối diện với những người không có khả năng xin lỗi đó là nổi giận với họ (tất nhiên là có lý do) và cố giành chiến thắng trong cuộc tranh luận với những người này (vì ta mới là người đúng!). Nhưng sự thật là chúng ta chẳng thể thắng nổi họ. Dù cho chúng ta có đưa ra các sự thật không thể chối cãi, họ vẫn sẽ phủ định những điều này hoặc chuyển hướng “tấn công” bằng cách nói những lời như: “Tại sao bạn cứ phải làm mọi thứ phức tạp và khó khăn hơn thế?”

Người biết nhận lỗi là người như thế nào năm 2024

Trong hoàn cảnh như vậy, điều tốt nhất chúng ta có thể làm đó là đưa ra lập luận của mình một cách bình tĩnh và thuyết phục nhất có thể và sau đó rút khỏi cuộc tranh luận khi cuộc nói chuyện dần trở nên kém hiệu quả - bắt đầu khi họ phủ định sự thật, đưa ra những lời bào chữa vô lý hoặc xoáy vào những điểm tranh cãi vụn vặt. Đến lúc họ đã bình tĩnh lại và không còn muốn “tấn công" nữa, chúng ta khi đó có thể trông chờ sự hối lỗi. Họ bỗng nhiên thân thiện và quan tâm đến bạn nhiều hơn? Đó chính là cách những người này đang vô thức nỗ lực hàn gắn mối quan hệ với chúng ta làm sao để không gây tổn hại đến cảm xúc của họ. Bằng cách làm một số việc sau khi sai lầm, họ cảm thấy ổn với chính mình hơn.

OK, vậy bạn có thể làm gì đối với những người không thể xin lỗi xuất hiện trong cuộc đời mình? Đặc biệt nếu họ là người thân đồng nghiệp hay bạn bè? Chà, nếu họ là người mà bạn không tương tác thường xuyên, bạn có thể cân nhắc đến việc giảm tiếp xúc với họ. Nhưng nếu bạn với họ có mối quan hệ gần gũi, hãy tìm cách làm hòa.

Cách tốt nhất trong chuyện này là chấp nhận cách cư xử của họ - phiền phức, đương nhiên rồi - và hiểu rằng họ đơn giản là không có khả năng xin lỗi về mặt tâm lý. Hơn nữa, chuyện này rất khó thay đổi. Học cách chấp nhận sẽ giúp bạn tránh được những cuộc cãi vã vô nghĩa và hạn chế bớt tâm trạng buồn phiền và giận dữ. Và nếu những người không thể nói lời xin lỗi đó có mối quan hệ thân thiết với bạn, hãy đồng cảm và bao dung cho họ. Nhắc nhở bản thân mình rằng đằng sau vỏ bọc cứng đầu như chú bò tót ấy, họ rất dễ bị tổn thương.

Mỗi chúng ta đều có những lúc không chịu thừa nhận bản thân mình đã sai. Và khi một ai đó không bao giờ nhận trách nhiệm và có thói quen không nói lời xin lỗi, đó là dấu hiệu cho thấy họ có một nội tâm mong manh và cảm xúc yếu đuối.

Người biết nhận lỗi là người như thế nào năm 2024

Tác giả: Guy Winch

---

Dịch giả: Khánh Linh

Biên tập: BranDy

Nguồn ảnh: google.com, unsplash.com, iStock.com

Link bài gốc: We all know people who just can’t apologize — well, here’s why

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về YBOX.VN. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Tên dịch giả - Nguồn: Tâm Lý Học Tuổi Trẻ”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(***) Follow Instagram tamlyhoctuoitre_ybox tại https://www.instagram.com/tamlyhoctuoitre_ybox/ để đọc thêm nhiều quotes hay mỗi ngày.