Cuốn theo chiều gió tthuộc thể loại truyện nào năm 2024

Nói tới nền văn học Hoa Kỳ, không thể không nói tới Margaret Mitchell, tác giả của bộ tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió (Gone with the wind). Trong thế giới văn chương nghệ thuật Mỹ, Cuốn theo chiều gió chiếm vị trí đặc biệt. Tính từ đầu năm 1936, khi Nhà xuất bản MacMillan xuất bản Cuốn theo chiều gió, đến nay tròn 65 năm, Cuốn theo chiều gió đã liên tục cuốn hút tâm hồn của hàng trăm triệu người thuộc nhiều thế hệ người đọc trên toàn thế giới.

Lấy bối cảnh từ cuộc nội chiến vô cùng khốc liệt giữa Bắc và Nam Mỹ, Cuốn theo chiều gió với cốt truyện rõ ràng, logic, dễ hiểu, đã khắc họa một cách tài tình tâm trạng, tính cách và thân phận của nhiều lớp người trong chiến tranh và thời hậu chiến. Nhân vật chính của tiểu thuyết là cô gái Scarlett O’Hara cùng với Rehtt Butler trở thành cặp nhân vật điển hình, thuộc loại thành công nhất trong văn học Hoa Kỳ. Cuốn theo chiều gió có sức hấp dẫn mãnh liệt giới trẻ ở Mỹ cũng như trên toàn thế giới vì đây là cuốn tiểu thuyết tình yêu đặc sắc. Lạ kỳ thay, trong chiến tranh và những năm hậu chiến vô cùng gian khổ, tình yêu lại luôn luôn chói ngời, trở thành động lực giúp cho con người vượt qua chết chóc, đói khổ và sự hèn hạ… Không chỉ có tình yêu trai gái, Cuốn theo chiều gió còn là bài ca của tình yêu quê hương đất nước, tình tương thân tương ái. Ba năm sau khi tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió ra đời, bộ phim cùng tên dựng theo tác phẩm của Margaret Mitchell được công chiếu đã trở thành sự kiện lớn, thành niềm tự hào của điện ảnh Mỹ.

Do nhãn quan chính trị của tác giả, Cuốn theo chiều gió bộc lộ những quan điểm về lịch sử và chính trị chưa khoa học. Tuy thế, sức sống mãnh liệt của Cuốn theo chiều gió chứng tỏ tác giả của nó là một nhà văn lớn mà các thế hệ độc giả trên toàn thế giới không thể nào quên.

Margaret Mitchell sinh năm 1900 tại thành phố Atlanta thuộc tiểu bang Georgia. Cha bà là một luật sư, chuyên nghiên cứu lịch sử. Margaret Mitchell đang học ngành y tại trường đại học Smith thì phải bỏ dở vì mẹ chết. Bà làm báo một thời gian ngắn rồi chuyên tâm viết văn. Năm 1925, Margaret Mitchell lấy chồng, và cuối năm đó bắt tay vào viết bộ tiểu thuyết Cuốn theo chiều gió. Bà viết liên tục, ròng rã mười năm trời đến 1935 thì xong bản thảo. (Trước khi viết Cuốn theo chiều gió, bà đã viết một số truyện ngắn nhưng không nơi nào in cho bà). May mắn thay, Cuốn theo chiều gió đã lọt vào mắt xanh của nhà xuất bản MacMillan – một trong những nhà xuất bản hàng đầu của Mỹ. Ngay sau khi sách được phát hành, Cuốn theo chiều gió đã trở thành một sự kiện văn học lớn, được tái bản nhiều lần trên đất Mỹ, được dịch và in ở nhiều nước trên thế giới. Trong khi đó, tác giả của Cuốn theo chiều gió vẫn sống giản dị như bà muốn. Cuốn theo chiều gió là bộ tiểu thuyết duy nhất của bà. Ngày 16-8-1949, khi sánh vai cùng chồng băng qua đường, bà bị tai nạn xe hơi, năm ngày sau thì trút hơi thở cuối cùng giữa lòng thành phố quê hương. Năm ấy Margaret Mitchell tròn bốn mươi chín tuổi.

Ở Việt nam, Cuốn theo chiều gió đã được nhiều người dịch và được xuất bản nhiều lần. Nay, theo yêu cầu của bạn đọc, chúng tôi tái bản Cuốn theo chiều gió. Trân trọng giới thiệu tác phẩm cùng bạn đọc.

PHẦN MỘT:

Một

SCARLETT O’HARA không đẹp, nhưng nam giới ít nhận ra điều đó mỗi khi bị cuốn hút bởi sự duyên dáng của nàng, như trường hợp hai anh em song sinh Tarleton. Khuôn mặt nàng là một sự kết hợp hài hòa giữa những đường nét kiều diễm của mẹ, người quý tộc miền duyên hải thuộc dòng dõi Pháp, và những góc cạnh thô kệch của người cha Ái Nhĩ Lan, da dẻ hồng hào. Tuy thế, đó là khuôn mặt ưa nhìn với cằm thon, hàm nở rộng. Đôi mắt xanh biếc của nàng được viền bởi những hàng mi dài rậm uốn cong vút. Bên trên đôi mắt đó là hai vệt mày chênh chếch vạch thành hai đường nghiêng đậm nét trên làn da trắng trong của hoa mộc lan – màu da mà phụ nữ miền Nam vô cùng quý trọng và cẩn thận giữ gìn bằng những chiếc nón rộng vành, mạng che mặt và bao tay để chống lại ánh nắng gay gắt của xứ Georgia.

Ngồi với Stuart và Brent Tarleton dưới bóng mát của mái hiên Tara, đồn điền của cha nàng, giữa một chiều nắng tháng Tư năm 1861, Scarlett là hiện thân của hình ảnh yêu kiều. Chiếc áo mới bằng satanh có điểm hoa xòe rộng mười một thước trên những viền đai, xứng hợp hoàn toàn với đôi giày da bê thuộc màu xanh mà cha nàng vừa mua từ Atlanta. Chiếc áo làm nổi bật tột cùng cái vòng eo bốn mươi hai phân rưỡi, vòng eo thon mảnh nhất của địa hạt xứ Georgia, và chiếc yếm bó sát vừa vặn để lộ bộ ngực tròn trịa của một thiếu nữ mười sáu tuổi. Tuy nhiên, dẫu tà áo đã được khép kín đáo phủ quanh, dẫu mái tóc láng mịn đã được búi gọn đúng vẻ trang nghiêm, và dẫu hai bàn tay trắng nhỏ đã được xếp tréo trên đùi, Scarlett cũng không che giấu nổi con người thật sự của nàng. Trên khuôn mặt cố giữ nét đoan trang, đôi mắt màu lam vẫn không ngớt lóng lánh ánh nhiệt cuồng, bướng bỉnh và khát sống, tương phản rõ rệt với cái vẻ bề ngoài cố làm ra thùy mị. Phong cách của nàng là kết tinh những lời khuyên dạy nhẹ nhàng của mẹ và kỷ luật nghiêm khắc của Mammy, nhưng đôi mắt vẫn là mắt của riêng nàng.

Mỗi người một bên Scarlett, hai anh em sinh đôi nhàn nhã ngồi trên ghế, vừa nói cười, vừa lơ đãng nhìn ánh nắng chiếu xuyên hai ly rượu ngọt bạc hà to tướng, và hững hờ bắt tréo đôi chân dài mang giày ống cao tới gối, cuồn cuộn những bắp thịt rắn chắc của người quen sống trên lưng ngựa. Cùng mười chín tuổi, cùng cao một thước tám mươi lăm, xương dài, thịt chắc, hai anh em cùng giống nhau như hai bành bông vải, cũng những khuôn mặt sạm nắng, cũng tóc đỏ hoe, cũng ánh mắt tươi vui và ngạo nghễ, cũng mặc một loại áo màu xanh và quần kỵ mã màu hột cải.

Bên ngoài, nắng chiều chiếu nghiêng xuống khoảnh sân, ném những tia sáng chói chang lên hàng cây dương đào với từng chùm hoa trắng nổi rõ trên bối cảnh xanh um. Ngựa của hai anh em song sinh được cột ngoài mã lộ, hai con vật cao lớn, bộ lông hung đỏ không khác gì tóc chủ. Vơ vẩn quanh chân ngựa là một lũ chú chó mảnh khảnh, hung hăng, đang gầm gừ nhau, và bất cứ lúc nào cũng theo sát Stuart với Brent. Xa hơn một chút, dường như để ra điều quý phái, một con chó lông lốm đốm đen nằm gác mõm lên hai chân trước, nhẫn nại đợi chủ trở về dùng bữa tối.

Giữa đàn chó, đôi ngựa và hai anh em song sinh nảy sinh một mối thân tình còn sâu đậm hơn cả mối tình của những kẻ luôn khăng khít bên nhau. Tất cả đều cường tráng, vô tư, lành lặn, duyên dáng và dũng cảm, hai gã con trai cũng hung hăng như ngựa họ, hung hăng và nguy hiểm nhưng đồng thời cũng ngoan ngoãn với những ai khéo xử.

Mặc dù được sinh trưởng giữa cuộc sống dễ dãi ở đồn điền, được săn sóc hầu hạ từ lúc bé nhưng cả ba khuôn mặt dưới mái hiên không có gì uể oải hay mềm yếu. Họ vẫn có đủ nghị lực và sự mẫn tiệp của dân quê đã từng quen sống ngoài trời và không một mảy may bận trí bởi những điều nhạt nhẽo trong sách vở. Cuộc sống ở hạt Clayton, miền Bắc Georgia hãy còn mới mẻ và có phần sống sượng so với trình độ ở các hạt Augusta, Savannah và Charleston. Người miền Nam kỳ cựu và nghiêm trang nhất thường nhìn dân sống ở cao nguyên Georgia với con mắt khinh thường, nhưng ở đây, tại miền Bắc Georgia, vấn đề thiếu sót những điểm cầu kỳ trong nền giáo dục cổ điển chẳng có gì đáng cho là xấu hổ, miễn là một người đàn ông có đủ khả năng để thực hiện những việc thích nghi. Và trồng bông vải, cưỡi ngựa hay, bắn giỏi, khiêu vũ nhẹ nhàng, biết hầu chuyện nữ giới một cách lịch thiệp và biết uống rượu như một khách hào hoa là tất cả những gì đáng kể.