Luật cư trú 2022 quy định như thế nào về thủ tục đăng ký thường trú

Xét về địa chỉ của một cá nhân, chúng ta thường biết đến địa chỉ thường trú, tạm trú, nơi cư trú, lưu trú. Không ít người còn nhầm lẫn với các khái niệm này. Trong đó, tất cả các giấy tờ tùy thân của chúng ta đều có thông tin liên quan đến địa chỉ thường trú, chứng tỏ rằng, so với các nơi ở khác địa chỉ thường trú quan trọng hơn cả. Vậy, địa chỉ thường trú là gì? Thủ tục đăng ký thường trú như thế nào? Chúng ta hãy cùng tìm hiểu về vấn đề này.

Câu hỏi: Thưa luật sư, Quê tôi ở Hà Giang, tôi vừa kết hôn. Nhà chồng tôi ở Hà Nội, tôi có ý định thay đổi đăng ký thường trú theo chồng về Hà Nội. Được biết Luật cư trú 2020 sắp có hiệu lực từ ngày 01/07/2021, vậy về thủ tục đăng ký thường trú có gì thay đổi không? Mong luật sư giải đáp giúp tôi.

Luật sư tư vấn: Cảm ơn câu hỏi của bạn. Thay mặt Luật Minh Khuê tôi sẽ giải đáp vấn đề như sau:

1, Thường trú là gì?

Pháp luật Việt Nam chia nơi cư trú của cá nhân thành 02 loại là “thường trú” và “tạm trú”. Nơi thường trú của bạn chính là nơi bạn sinh sống thường xuyên, ổn định, không bị giới hạn vể thời hạn sinh sống và bạn hoặc bố mẹ bạn đã đăng ký với cơ quan công an địa phương nơi cư trú này là nơi thường trú. Bạn cũng có thể hiểu theo cách đơn giản hơn, nơi thường trú của bạn chính là nơi được ghi trên Sổ hộ khẩu của gia đình bạn.

Như đã nêu bên trên, nơi thường trú chính là nơi một cá nhân sinh sống thường xuyên, ổn định và không bị giới hạn về thời hạn sinh sống. Do đó, về nguyên tắc, mỗi cá nhân trong xã hội đều có một nơi thường trú cụ thể. Khi còn nhỏ thì bạn thường sẽ sống chung với bố mẹ, ông bà nên nơi thường trú của bạn thường cũng sẽ là nơi mà bạn cư trú với bố mẹ, ông bà. Vào giai đoạn này thì hầu như việc đăng ký thường trú không phải là mối bận tâm của bạn vì bố mẹ hoặc ông bà với tư cách là chủ hộ sẽ đăng ký nơi thường trú cho cả hộ gia đình, trong đó có cả bạn. Việc đăng ký thường trú sẽ chỉ trở thành mối bận tâm của bạn khi bạn đã lập gia đình và ra ở riêng tại nơi cư trú khác hoặc bạn đến một địa phương khác để lập nghiệp và định cư lầu dài.

Việc đăng ký thường trú sẽ được thực hiện theo cá nhân [riêng bản thân bạn] hoặc theo hộ gia đình. Trong trường hợp đăng ký theo hộ gia đình, thì các thành viên trong hộ thường cần phải có quan hệ gia đình là ông, bà, cha, mẹ, vợ, chổng, con và anh, chị, em ruột, cháu ruột với nhau. Kết quả của việc đăng ký thường trú là “Sổ hộ khẩu”. Tùy thuộc vào việc bạn đăng ký thường trú cho riêng bản thân bạn hoặc cho cả hộ gia đình của bạn mà Sổ hộ khẩu sẽ ghi nhận thông tin bạn là chủ hộ có địa chỉ thường trú hợp pháp tại nơi mà bạn đăng ký và kèm theo đó là các thông tin của những thành viên trong hộ gia đình cùng cư trú với bạn.

2, Điều kiện để đăng ký thường trú

Một trong những quy định đáng chú ý của Luật Cư trú [sửa đổi] là xóa điều kiện riêng khi muốn nhập khẩu các thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng nghĩa, công dân khi muốn đăng ký thường trú vào TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không bị phân biệt về điều kiện.

Quy định này nhằm tạo sự bình đẳng trong quản lý cư trú đối với mọi công dân; bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân theo quy định của Hiến pháp 2013 và bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố trực thuộc Trung ương nhưng chưa được đăng ký thường trú mặc dù có chỗ ở hợp pháp.

Căn cứ Điều 20. Điều kiện đăng ký thường trú

"1. Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

2. Công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp không thuộc quyền sở hữu của mình khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý trong các trường hợp sau đây:

a] Vợ về ở với chồng; chồng về ở với vợ; con về ở với cha, mẹ; cha, mẹ về ở với con;

b] Người cao tuổi về ở với anh ruột, chị ruột, em ruột, cháu ruột; người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không có khả năng lao động, người bị bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi về ở với ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, cháu ruột, người giám hộ;

c] Người chưa thành niên được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý hoặc không còn cha, mẹ về ở với cụ nội, cụ ngoại, ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột, bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; người chưa thành niên về ở với người giám hộ.

3. Trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, công dân được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a] Được chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý cho đăng ký thường trú tại địa điểm thuê, mượn, ở nhờ và được chủ hộ đồng ý nếu đăng ký thường trú vào cùng hộ gia đình đó;

b] Bảo đảm điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không thấp hơn 08 m2 sàn/người.

4. Công dân được đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a] Người hoạt động tôn giáo được phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử, thuyên chuyển đến hoạt động tôn giáo tại cơ sở tôn giáo;

b] Người đại diện cơ sở tín ngưỡng;

c] Người được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng đồng ý cho đăng ký thường trú để trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng;

d] Trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo đồng ý cho đăng ký thường trú.

5. Người được chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp được đăng ký thường trú tại cơ sở trợ giúp xã hội khi được người đứng đầu cơ sở đó đồng ý hoặc được đăng ký thường trú vào hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng khi được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đồng ý.

6. Người sinh sống, người làm nghề lưu động trên phương tiện được đăng ký thường trú tại phương tiện đó khi đáp ứng các điều kiện sau đây:

a] Là chủ phương tiện hoặc được chủ phương tiện đó đồng ý cho đăng ký thường trú;

b] Phương tiện được đăng ký, đăng kiểm theo quy định của pháp luật; trường hợp phương tiện không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi phương tiện thường xuyên đậu, đỗ về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở;

c] Có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc phương tiện đã đăng ký đậu, đỗ thường xuyên trên địa bàn trong trường hợp phương tiện không phải đăng ký hoặc nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ.

7. Việc đăng ký thường trú của người chưa thành niên phải được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp nơi cư trú của người chưa thành niên do Tòa án quyết định."

3, Chuẩn bị hồ sơ đăng ký thường trú

Tùy từng trường hợp mà công dân chuẩn bị hồ sơ đăng ký thường trú khác nhau. Cụ thể:

1. Trường hợp công dân sở hữu nhà ở hợp pháp:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh việc sở hữu chỗ ở hợp pháp [sổ đỏ, sổ hồng].

2. Trường hợp vợ về ở với chồng, chồng về ở với vợ, con về ở với cha mẹ…

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ, thành viên hộ gia đình, trừ trường hợp đã có thông tin thể hiện quan hệ này trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu về cư trú;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh các điều kiện về người khuyết tật, tâm thần… [nếu thuộc trường hợp này].

3. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp được cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Hợp đồng cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ hoặc văn bản về việc cho mượn, cho ở nhờ chỗ ở hợp pháp đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đủ diện tích nhà ở để đăng ký thường trú theo quy định.

4. Trường hợp đăng ký thường trú tại cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo… [trừ trường hợp trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo cho đăng ký thường trú]:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú [trường hợp thường trú để trực tiếp quản lý, tổ chức hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản];

- Giấy tờ, tài liệu chứng minh là nhà tu hành, chức sắc, chức việc hoặc người khác hoạt động tôn giáo và được hoạt động tại cơ sở tôn giáo đó hoặc giấy tờ, tài liệu chứng minh là người đại diện cơ sở tín ngưỡng;

- Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở.

5. Trường hợp trẻ em, người khuyết tật đặc biệt nặng, người khuyết tật nặng, người không nơi nương tựa được người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo đồng ý cho đăng ký thường trú:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú, trong đó ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng hay người đứng đầu hoặc người đại diện cơ sở tôn giáo, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc người đăng ký thường trú đúng đối tượng và việc trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo có công trình phụ trợ là nhà ở.

6. Trường hợp được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người được cá nhân, hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ hộ nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Văn bản đề nghị của người đứng đầu cơ sở trợ giúp xã hội đối với người được cơ sở trợ giúp xã hội nhận chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp;

- Giấy tờ, tài liệu xác nhận về việc chăm sóc, nuôi dưỡng, trợ giúp.

7. Trường hợp sinh sống, làm nghề lưu động trên phương tiện:

- Tờ khai thay đổi thông tin cư trú; đối với người đăng ký thường trú không phải là chủ phượng tiện thì trong tờ khai phải ghi rõ ý kiến đồng ý cho đăng ký thường trú của chủ phương tiện hoặc người được ủy quyền, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản;

- Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện và giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện hoặc văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc sử dụng phương tiện đó vào mục đích để ở đối với phương tiện không thuộc đối tượng phải đăng ký, đăng kiểm;

- Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về địa điểm phương tiện đăng ký đậu, đỗ thường xuyên trong trường hợp phương tiện không phải đăng ký hoặc nơi đăng ký phương tiện không trùng với nơi thường xuyên đậu, đỗ.

Lưu ý: Trường hợp người đăng ký thường trú là người chưa thành niên thì trong tờ khai thay đổi thông tin cư trú phải ghi rõ ý kiến đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ, trừ trường hợp đã có ý kiến đồng ý bằng văn bản.

Trường hợp người đăng ký thường trú là người Việt Nam định cư ở nước ngoài còn quốc tịch Việt Nam thì trong hồ sơ đăng ký thường trú phải có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng; trường hợp không có hộ chiếu Việt Nam còn giá trị sử dụng thì phải có giấy tờ, tài liệu khác chứng minh có quốc tịch Việt Nam và văn bản đồng ý cho giải quyết thường trú của cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh của Bộ Công an.

4, Trình tự đăng ký thường trú theo quy định Luật cư trú 2020

Bước 1: Nộp hồ sơ

Người đăng ký thường trú nộp hồ sơ đăng ký thường trú đến cơ quan đăng ký cư trú nơi mình cư trú.

Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký thường trú, cơ quan đăng ký cư trú kiểm tra và cấp phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đăng ký; trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ thì hướng dẫn người đăng ký bổ sung hồ sơ.

Bước 2: Nhận kết quả

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thẩm định, cập nhật thông tin về nơi thường trú mới của người đăng ký vào Cơ sở dữ liệu về cư trú và thông báo cho người đăng ký về việc đã cập nhật thông tin đăng ký thường trú; trường hợp từ chối đăng ký thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5, Các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú

Theo quy định tại Điều 7 Luật Cư trú 2020 thêm các hành vi bị nghiêm cấm về cư trú gồm:

- Không tiếp nhận, trì hoãn việc tiếp nhận hồ sơ, giấy tờ, tài liệu, thông tin đăng ký cư trú hoặc có hành vi nhũng nhiễu khác; không thực hiện, thực hiện không đúng thời hạn đăng ký cư trú cho công dân khi hồ sơ đủ điều kiện đăng ký cư trú; xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú trái với quy định của pháp luật [hiện hành không có quy định này].

- Làm giả giấy tờ, tài liệu, dữ liệu về cư trú; sử dụng giấy tờ, tài liệu, dữ liệu giả về cư trú; cung cấp thông tin, giấy tờ, tài liệu sai sự thật về cư trú; khai man điều kiện, giả mạo hồ sơ, giấy tờ, tài liệu để được đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú; thuê, cho thuê, mua, bán, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại giấy tờ, tài liệu về cư trú.

[Quy định mới khác so với khoản 1 Điều 1 Luật Cư trú sửa đổi 2013 quy định cấm thuê, cho thuê, làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung sổ hộ khẩu, sổ tạm trú, giấy tờ khác có liên quan đến cư trú; sử dụng giấy tờ giả về cư trú; cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về cư trú; giả mạo điều kiện để được đăng ký thường trú].

- Truy nhập, khai thác, hủy hoại, làm cản trở, gián đoạn hoạt động, thay đổi, xóa, phát tán, cung cấp trái phép thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú [hiện hành không có quy định này].

Video liên quan

Chủ Đề