Hướng dẫn lập bảng câu hỏi khảo sát

Bảng khảo sát là một công cụ để tiến hành thu thập thông tin sơ cấp phục vụ cho nghiên cứu khoa học. Bảng khảo sát gồm tập hợp các câu hỏi được trình bày theo một trình tự nhất định để người được hỏi trả lời dễ dàng và chính xác. Thế nhưng, thực tế để khảo sát hàng trăm, hàng ngàn đối tượng là điều không dễ. Chẳng hạn, bạn tiến hành thu thập số liệu 5000 mẫu qua bảng câu hỏi, nhưng kết quả thu được 100 mẫu thật sự có giá trị. Vậy làm thế nào để thiết kế bảng câu hỏi chất lượng góp phần nâng cao hiệu quả trong việc thu thập số liệu? Theo Phó GS.TS Nguyễn Đình Thọ và Nguyễn Thị Mai Trang, khi tiến hành thiết kế bảng khảo sát, người nghiên cứu cần thực hiện 8 bước chính:

Hướng dẫn lập bảng câu hỏi khảo sát

Bước 1: Xác định cụ thể dữ liệu cần thu thập

Khi thiết kế bảng câu hỏi chúng ta phải dựa vào vấn đề nghiên cứu và nhu cầu thông tin đã xác định để thiết kế các câu hỏi cho việc thu thập dữ liệu.

Bước 2: Xác định dạng phỏng vấn

Có bốn dạng phỏng vấn chính dùng trong nghiên cứu, đó là phỏng vấn trực diện, phỏng vấn qua điện thoại, phỏng vấn bằng cách gửi thư và phỏng vấn thông qua mạng Internet (bao gồm thư điện tử e-mail).

Bước 3: Đánh giá nội dung câu hỏi

Nội dung câu hỏi ảnh hưởng đến khả năng hợp tác của người trả lời, tạo điều kiện cho họ mong muốn tham gia và trả lời trung thực. Cần chú ý là người trả lời không được chuẩn bị trước về vấn đề chúng ta muốn hỏi. Hơn nữa, có những dữ liệu người trả lời rất miễn cưỡng cung cấp như tuổi tác, thu nhập… chúng ta cần có cách hỏi thích hợp nhưng thỏa mãn mục tiêu nghiên cứu của mình. Để đánh giá nội dung các câu hỏi, nhà nghiên cứu phải tự trả lời các câu hỏi sau:

  1. Người trả lời có hiểu câu hỏi không?
  2. Họ có thông tin để trả lời không?
  3. Họ có cung cấp thông tin không?
  4. Thông tin họ cung cấp có đúng là dữ liệu cần thu thập không?

Bước 4: Xác định hình thức trả lời

Có hai hình thức trả lời chính: trả lời cho câu hỏi đóng (closed-ended questions) và trả lời cho câu hỏi mở (open-ended questions). Câu hỏi đóng là các câu hỏi có sẵn câu trả lời và người trả lời sẽ chọn một hay nhiều trả lời. Câu hỏi mở là các câu hỏi không có sẵn câu trả lời, người trả lời hoàn toàn tự do diễn đạt các trả lời của mình.

Bước 5: Xác định cách dùng thuật ngữ

Khi sử dụng thuật ngữ trong bảng câu hỏi cần chú ý những nguyên tắc cơ bản sau:

  • Dùng từ đơn giản và quen thuộc, sử dụng thuật ngữ phù hợp với từng thị trường nghiên cứu, từng vùng khác nhau;
  • Tránh câu hỏi dài dòng, từ ngữ càng chi tiết, cụ thể và rõ ràng càng tốt;
  • Tránh câu hỏi cho hai hay nhiều trả lời cùng một lúc (double-barreled question);
  • Tránh câu hỏi gợi ý (leading question) kích thích người trả lời phản xạ theo hướng đã dẫn trong câu hỏi;
  • Tránh câu hỏi có thang trả lời không cân bằng (loaded question);
  • Tránh câu hỏi bắt người trả lời phải ước đoán.

Bước 6: Xác định cấu trúc bảng câu hỏi

Một bảng câu hỏi được chia ra thành nhiều phần, mỗi phần có những mục đích khác nhau. Một cách tổng quát, một bảng câu hỏi thường có ba phần chính: phần gạn lọc, phần chính và phần nhân khẩu học.

Bước 7: Xác định hình thức bảng câu hỏi

Hình thức của bảng câu hỏi cũng góp phần cho sự thành công của việc thu thập dữ liệu. Bảng câu hỏi có hình thức đẹp sẽ kích thích sự hợp tác của người trả lời. Hơn nữa các phần nên được trình bày phân biệt để hỗ trợ phỏng vẫn viên trong quá trình phỏng vấn.

Bước 8: Thử lần thứ nhất -> sửa chữa -> bản nháp cuối cùng

Để có được một bảng câu hỏi đạt chất lượng cao thì sau khi thiết kế xong bảng câu hỏi phải qua nhiều lần thử và sửa chữa để hoàn chỉnh trước khi phỏng vấn. Lần thử đầu tiên (pretest) được thực hiện thông qua việc phỏng vấn, tham khảo ý kiến một số thành viên nghiên cứu khác trong đơn vị và điều chỉnh lại. Sau khi sửa chữa, bảng câu hỏi này được gọi là bảng nháp cuối cùng (final draft questionnaire).

Khi thực hiện nghiên cứu, bảng khảo sát là một công cụ để thu thập thông tin nhằm đạt được các mục tiêu nghiên cứu đã đề ra. Muốn có một kết quả khảo sát tốt nhất, nhất thiết người nghiên cứu phải có một bảng câu hỏi hoàn chỉnh và logic thì đối tượng được phỏng vấn mới hiểu và trả lời một cách chính xác, đúng theo mong muốn của người nghiên cứu.

Quy trình thiết kế bảng câu hỏi phục vụ nghiên cứu định lượng tổng quát được trình bày ở Hình 1.

Hướng dẫn lập bảng câu hỏi khảo sát

[Nguồn: nghiencuukhoahoc.edu.vn, 2017]

Hình 1. Quy tình thiết kế bảng câu hỏi

Bảng câu hỏi nháp

Bảng câu hỏi nháp là cơ sở để hình thành bảng câu hỏi sơ bộ. Cần dựa trên mô hình lý thuyết nghiên cứu và kinh nghiệm của nhà nghiên cứu để xây dựng. Không có một cơ sở khoa học nào có thể đảm bảo một bảng câu hỏi được thiết kế là tốt nhất. Muốn tìm được cơ sở lý thuyết phù hợp thì nhà nghiên cứu cần xác định rõ chủ đề và mục tiêu nghiên cứu. Cơ sở lý thuyết bao gồm khái niệm, lý thuyết, các công trình liên quan. Nhiệm vụ cốt yếu là dựa trên lý thuyết để đề xuất những khái niệm, phát biểu phù hợp với vấn đề nghiên cứu.

Sau khi xác định được bảng câu hỏi nháp, nhà nghiên cứu cần điều chỉnh bằng phương pháp định tính. Tiến hành phỏng vấn chuyên sâu, trao đổi với những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu. Những người đó bao gồm những người trong ban giám đốc, nhân viên lâu năm của doanh nghiệp, các giáo sư, tiến sĩ chuyên ngành… Mục đích kiểm tra nội dung, bổ sung kiến thức, từ ngữ, tránh câu hỏi khó…

Cần tối thiểu 3 câu hỏi để biểu diễn 1 yếu tố. Ngoài ra, trong quá trình đánh giá thang đo, có thể xảy ra trường hợp cần loại biến đầu vào (câu hỏi) để tăng độ tin cậy thang đo. Vậy nên nhà nghiên cứu cần đưa ra ít nhất 4 đến 5 câu hỏi cho một yếu tố khi xây dựng bảng câu hỏi nháp.

Ngoài ra, nhà nghiên cứu nên tuân theo 6 tiêu chí sau đây để hoàn thiện bảng câu hỏi.

1. Nội dung hỏi;

2. Câu hỏi khó;

3. Kiểu câu hỏi;

4. Chọn từ hỏi;

5. Trình tự câu hỏi;

6. In ấn.

1. Nội dung hỏi

Mỗi câu hỏi trong bảng câu hỏi nên xác định một thông tin cần thiết hoặc phục vụ một mục đích nhất định. Nếu kết quả dữ liệu không thỏa mãn yêu cầu sử dụng thì câu hỏi nên bị loại bỏ.

Để đánh giá nội dung câu hỏi, nhà nghiên cứu cần tự trả lời các câu hỏi sau: Người trả lời có hiểu câu hỏi không? Họ có thông tin để trả lời câu hỏi không? Họ sẽ cung cấp thông tin không? Thông tin họ cung cấp có đúng là dữ liệu cần thu thập không?

2. Câu hỏi khó

Người được hỏi thường không muốn cung cấp thông tin nhạy cảm, cá nhân vì nó ảnh hưởng hình ảnh và lợi ích của chính họ. Nếu phải trả lời trong hoàn cảnh không được thoải mái như vậy, người được hỏi sẽ bỏ qua bảng câu hỏi hoặc trả lời không chính xác. Những chủ đề nhạy cảm như tiền bạc, cuộc sống gia đình, chính trị, tôn giáo nên được hỏi theo một trong những cách sau.

Đặt câu hỏi nhạy cảm ở cuối bảng câu hỏi.

Câu hỏi bày tỏ thái độ hoặc sự quan tâm đối với mục được hỏi. Ví dụ muốn khai thác thông tin về mức nợ của người được hỏi, nhà nghiên cứu có thể hỏi “Thực tế gần đây cho thấy mức nợ nần của người dân thành phố rất trầm trọng?”

Sử dụng kỹ thuật người thứ ba. Ví dụ để khai thác thông tin về mức nợ của người được hỏi, nhà nghiên cứu nên đặt câu hỏi “Người hàng xóm cho rằng mức nợ nần của bạn rất trầm trọng?”.

Cung cấp nhóm trả lời gợi ý thay vì hỏi trực tiếp. Đừng hỏi: “Thu nhập hằng năm của bạn bao nhiêu?”. Thay vào đó, yêu cầu người trả lời tích chọn nhóm thu nhập ở câu trả lời.

• Dưới 25.000$;

• 25.001$ đến 50.000$;

• 50.001$ đến 75.000$;

• 75.001$ đến 100.000$;

• Trên 100.000$.

3. Kiểu câu hỏi

Câu hỏi có thể có cấu trúc (đóng) hoặc phi cấu trúc (mở).

Câu hỏi phi cấu trúc là kiểu câu hỏi mở, người trả lời hoàn toàn tự do diễn đạt câu trả lời của mình tùy theo phạm vi mà người phỏng vấn dành cho họ. Câu hỏi không có sẵn câu trả lời.

Bất lợi lớn nhất của bảng câu hỏi phi cấu trúc là thu được dữ liệu định danh hoặc thứ tự nên không thể xử lý bởi các công cụ phân tích thống kê, đánh giá thang đo, lọc nhiễu dữ liệu sử dụng hệ số Cronbach’s Alpha hay phân tích nhân tố khám phá EFA.

Câu hỏi cấu trúc hay câu hỏi đóng, có tập hợp những câu trả lời để người được hỏi lựa chọn. Cấu trúc có thể là câu hỏi nhiều lựa chọn, đề nghị người trả lời chọn một, hoặc câu hỏi dạng thang đo.

Câu hỏi cấu trúc sử dụng cho nghiên cứu định lượng có câu trả lời là thang đo và các yêu cầu câu hỏi chính phải có cùng kiểu thang đo. Tuy nhiên, ngoài những câu hỏi chính với gợi ý trả lời là thang đo, nhà nghiên cứu có thể sử dụng một số câu hỏi lựa chọn hoặc mở để khám phá thêm một vài điểm nào đó (dạng nghiên cứu hỗn hợp).

Kết luận:

Sử dụng câu hỏi phi cấu trúc cho nghiên cứu thăm dò, định tính. Sử dụng câu hỏi cấu trúc, câu hỏi chính có câu trả lời kiểu thang đo cho nghiên cứu định lượng, khẳng định.

4. Chọn từ hỏi

Từ hỏi dùng để diễn tả nội dung. Từ hỏi không đúng dẫn đến người trả lời không hiểu đúng nội dung câu hỏi và kết quả trả lời không chính xác.

5. Trình tự câu hỏi

Trình tự câu hỏi có tác động đến việc phát triển bảng câu hỏi. Hỏi về ý kiến của người trả lời về một chủ đề có thể là những câu hỏi mở đầu tốt vì một người thường thích thể hiện tâm sự của họ. Câu hỏi mở đầu có thể xác định liệu người trả lời có đúng là đối tượng cần thu thập dữ liệu không.

Dữ liệu thu được từ một bảng câu hỏi được phân thành 3 loại, (1) dữ liệu quan trọng, (2) dữ liệu phân loại và (3) dữ liệu đồng nhất. Dữ liệu quan trọng có liên hệ trực tiếp đến vấn đề nghiên cứu nên được ưu tiên thu thập trước. Dữ liệu phân loại bao gồm các đặc điểm kinh tế - xã hội và nhân khẩu học được dùng để phân loại người trả lời và để hiểu hơn về kết quả điều tra. Dữ liệu đồng nhất bao gồm tên, địa chỉ và số điện thoại… cũng cần có để biết liệu người trả lời có đúng đối tượng nghiên cứu không.

Những câu nhạy cảm, phức tạp nên đặt ở cuối bảng câu hỏi và kế tiếp nhau, thông tin phân loại và đồng nhất cũng nên được đặt ở phần cuối này.

6. In ấn

Cách một bảng câu hỏi được in ra cũng có tác động đến kết quả. Nếu bảng câu hỏi được in ra bằng giấy kém chất lượng thì người trả lời sẽ nghĩ rằng dự án không quan trọng và các trả lời sẽ bị tác động bất lợi.

Khi in bảng câu hỏi, nên giữ hình thức như của một cuốn sách nhỏ hơn là một tập giấy vì cuốn sách thì dễ lật hơn. Một câu hỏi nên được in ra trên cùng một mặt giấy (hay trên một trang giấy), nên tránh việc chia câu hỏi ra thành nhiều phần. Việc chia như vậy sẽ làm cho người trả lời nhầm là câu hỏi đã kết thúc ở cuối trang và không hoàn thành câu trả lời.

Bảng câu hỏi sơ bộ

Thực hiện chỉnh sửa câu hỏi ở bảng câu hỏi nháp, người thực hiện nghiên cứu thu được Bảng câu hỏi sơ bộ. Ngoài ra, bảng câu hỏi hay phiếu khảo sát cần được bổ sung câu hỏi gạn lọc, thông tin về mã số phiếu và ngày phỏng vấn.

Bảng câu hỏi sơ bộ nghiên cứu cần lấy ý kiến của một số đối tượng khảo sát (khoảng 30 đến 50) rồi sử dụng các phương pháp định lượng để kiểm định. Lần thu thập này không vì mục đích dữ liệu mà là để đánh giá bảng câu hỏi sơ bộ.

Sau khi thu thập dữ liệu bằng cách yêu cầu đối tượng trả lời các phiếu khảo sát sơ bộ, kết quả khảo sát được nhập vào phần mềm SPSS (Statistical Package for the Social Sciences – Phần mềm thống kê khoa học xã hội) để xử lý. Đánh giá độ tin cậy thang đo bằng cách sử dụng hệ số Cronbach’s Alpha và phân tích nhân tố khám phá EFA để đánh giá giá trị hội tụ thang đo (tham khảo thêm bài viết ĐÁNH GIÁ THANG ĐO NGHIÊN CỨU).

Bên cạnh đó, mục đích của phân tích nhân tố khám phá EFA là để tái phân nhóm cho các câu hỏi dựa trên kết quả khảo sát sơ bộ. Nói cách khác là tái phân nhóm (nhân tố) cho các câu hỏi khảo sát dựa vào kiến thức, kinh nghiệm về vấn đề nghiên cứu của các đối tượng được khảo sát.