Hình ảnh ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ gợi liên tưởng đến nhân vật nào trong truyện tài sao

Học sinh:……………………..      Đọc – hiểu: CHỮ NGƯỜI TỬ TÙ (Đề 01)

    Thầy thơ lại rút chiếc hèo hoa ở giá gươm, phe phẩy roi, đi xuống phía trại giam tối om. Nơi góc chiếc án thư cũ đã nhạt màu vàng son, một cây đèn đế leo lét rọi vào một khuôn mặt nghĩ ngợi. Ngục quan băn khoăn ngồi bóp thái dương. Tiếng trống thành phủ gần đấy đã bắt đầu thu không. Trên bốn chòi canh, ngục tốt cũng bắt đầu điểm vào cái quạnh quẽ của trời tối mịt, những tiếng kiểng và mõ đều đặn thưa thớt. Lướt qua cái thăm thẳm của nội cỏ đẫm sương, vẳng từ một làng xa đưa lại mấy tiếng chó cắn ma. Trong khung cửa sổ có nhiều con song kẻ những nét đen thẳng lên nền trời lốm đốm tinh tú, một ngôi sao Hôm nhấp nháy như muốn trụt xuống phía chân trời không định. Tiếng dội chó sủa ma, tiếng trống thành phủ, tiếng kiểng mõ canh nổi lên nhiều nhiều. Bấy nhiêu thanh âm phức tạp bay cao lần lên khỏi mặt đất tối, nâng đỡ lấy một ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ.

  1. Đoạn văn trên mô tả cảnh tượng gì?

……………………………………………………………………………………………………………………

  1. Tại sao ngục quan lại “băn khoăn ngồi bóp thái dương”?

……………………………………………………………………………………………………………………

  1. Tác giả đã sử dụng biện pháp nghệ thuật gì ở đoạn văn trên?

……………………………………………………………………………………………………………………

  1. Hình ảnh “ngôi sao chính vị muốn từ biệt vũ trụ” gợi liên tưởng đến nhân vật nào trong truyện? Tại sao anh/chị lại có liên tưởng như thế?

……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

 Câu 2:

    Người ngồi đấy, đầu đã điểm hoa râm, râu đã ngả màu. Những đường nhăn nheo của một bộ mặt tư lự, bây giờ đã biến mất hẳn. Ở đấy, giờ chỉ còn là mặt nước ao xuân, bằng lặng, kín đáo và êm nhẹ. (*)

    Trong hoàn cảnh đề lao, người ta sống bằng tàn nhẫn, bằng lừa lọc; tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay của viên quan coi ngục này là một thanh âm trong trẻo chen vào giữa một bản đàn mà nhạc luật đều hỗn loạn xô bồ.

    Ông Trời nhiều khi hay chơi ác đem đầy ải những cái thuần khiết vào giữa một đống cặn bã. Và những người có tâm điền tốt và thẳng thắn, lại phải ăn đời ở kiếp với lũ quay quắt.

  1. Đoạn văn trên miêu tả nhân vật nào?

……………………………………………………………………………………………………………………

  1. Biện pháp nghệ thuật nào đã được tác giả sử dụng? Chỉ ra câu văn có chưa biện pháp nghệ thuật đó?

…………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

  1. Hãy giải thích rõ hơn đặc điểm: “Tính cách dịu dàng và lòng biết giá người, biết trọng người ngay”?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

  1. Hình ảnh “bản đàn mà mọi nhạc luật đều hỗn loạn, xô bồ” gợi anh/chị liên tưởng đến điều gì?

………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………

  1. Hãy nêu cảm nhận về nhân vật được miêu tả trong đoạn văn?

 Câu 3:

    Cánh cửa đề lao mở rộng. Sáu người né mình tiến vào như một bọn thợ nề thận trọng khiêng cái thang gỗ đặt ngang trên vai. Trái với phong tục nhận tù mọi ngày, hôm nay viên quan coi ngục nhìn sáu tên tù mới vào với cặp mắt hiền lành. Lòng kiêng nể, tuy cố giữ kín đáo mà cũng đã rõ quá rồi. Khi kiểm điểm phạm nhân, ngục quan lại còn có biệt nhỡn đối riêng với Huấn Cao. Bọn lính lấy làm lạ, đều nhắc lại:

    – Bẩm thầy, tên ấy chính là thủ xướng. Xin thầy để tâm cho. Hắn ngạo ngược và nguy hiểm nhất trong bọn.

    Mấy tên lính, khi nói chữ “để tâm” có ý nhắc viên quan coi ngục còn chờ đợi gì mà không giở những mánh khóe hành hạ thường lệ ra. Ngục quan ung dung:

    – Ta biết rồi, việc quan ta đã có phép nước. Các chú chớ nhiều lời.

    Bọn lính rãn cả ra, nhìn nhau mà không hiểu. Sáu tên tử tù có ngạc nhiên về thái độ quản ngục.

  1. Việc nhận tù “hôm nay” có điều gì trái với phong tục nhận tù mọi ngày?
  2. Việc nhận tù như thế đã gây sự ngạc nhiên cho những ai? Tại sao họ lại ngạc nhiên?
  3. Cách hành xử của quản ngục đã cho thấy thái độ của ông đối với Huấn Cao như thế nào?
  4. Đoạn văn đã được tác giả sử dụng những phương thức biểu đạt nào?

Câu 4:

    Ông Huấn Cao vẫn thản nhiên nhận rượu và ăn thịt, coi như đó là một việc vẫn làm trong cái hứng sinh bình lúc chưa bị giam cầm. Rồi đến một hôm, quản ngục mở khóa cửa buồng kín, khép nép hỏi ông Huấn:

    – Ðối với những người như ngài, phép nước ngặt lắm. Nhưng biết ngài là một người có nghĩa khí, tôi muốn châm chước ít nhiều. Miễn là ngài giữ kín cho. Sợ đến tai lính tráng họ biết, thì phiền lụy riêng cho tôi nhiều lắm. Vậy ngài có cần thêm gì nữa xin cho biết. Tôi sẽ cố gắng chu tất. (**)

    Ông đã trả lời quản ngục:

    – Ngươi hỏi ta muốn gì? Ta chỉ muốn có một điều. Là nhà ngươi đừng đặt chân vào đây.

    Khi nói câu mà ông cố ý làm ra khinh bạc đến điều, ông Huấn đã đợi một trận lôi đình báo thù và những thủ đoạn tàn bạo của quan ngục bị sỉ nhục. Ðến cái cảnh chết chém, ông còn chẳng sợ nữa là những trò tiểu nhân thị oai này. Ngục quan đã làm cho ông Huấn bực mình thêm, khi nghe xong câu trả lời, y chỉ lễ phép lui ra với một câu: ” Xin lĩnh ý “. Và từ hôm ấy, cơm rượu lại vẫn đưa đến đều đều và có phần hậu hơn trước nữa; duy chỉ có y là không đặt chân vào buồng giam ông Huấn. Ông Huấn càng ngạc nhiên nữa: năm bạn đồng chí của ông cũng đều được biệt đãi như thế cả.

  1. Phương thức biểu đạt nào được sử dụng ở đoạn văn trên?
  2. Hành động thản nhiên nhận rượu thịt cho thấy Huấn Cao là người như thế nào?
  3. Anh chị hiểu như thế nào về cụm từ “tiểu nhân thị oai”?
  4. Hành động và lời nói của Huấn Cao và quản ngục trong đoạn trích này có điều gì khác thường? Sự khác thường đó đã nói lên điều gì về phẩm chất của hai nhân vật?

Câu 5:

            Biết đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền, từ những ngày nào, cái sở nguyện của viên quan coi ngục này là có một ngày kia được treo ở nhà riêng mình một đôi câu đối do tay ông Huấn Cao viết. Chữ ông Huấn Cao đẹp lắm, vuông lắm. Tính ông vốn khoảnh, trừ chỗ tri kỷ, ông ít chịu cho chữ. Có được chữ ông Huấn mà treo, là có một vật báu trên đời. Viên quản ngục khổ tâm nhất là có một ông Huấn Cao trong tay mình, dưới quyền mình mà không biết làm thế nào mà xin được chữ. Không can đảm giáp lại mặt một người cách xa y nhiều quá, y chỉ lo mai mốt đây ông Huấn bị hành hình mà không kịp xin được mấy chữ, thì ân hận suốt đời nữa.

  1. Chủ đề chính của đoạn văn trên là gì?
  2. Anh/chị hiểu như thế nào là một người “đọc vỡ nghĩa sách thánh hiền”?
  3. Hãy giải thích nghĩa của từ “khoảnh”. Tìm hai từ đồng nghĩa với nó.
  4. Quản ngục “khổ tâm” vì điều gì? Sự khổ tâm nó đã nói lên điều gì ở phẩm chất của quản ngục?

Câu 6:

            Ông Huấn Cao lặng nghĩ một lát rồi mỉm cười: ” Về bảo chủ ngươi, tối nay, lúc nào lính canh trại về nghỉ, thì đem lụa, mực, bút và một bó đuốc xuống đây rồi ta cho chữ. Chữ thì quý thực. Ta nhất sinh không vì vàng ngọc hay quyền thế mà phải ép mình viết câu đối bao giờ. đời ta cũng mới viết có hai bộ tứ bình và một bức trung đường cho ba người bạn thân của ta thôi. Ta cảm cái tấm lòng biệt nhỡn liên tài của các người. Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy. Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ “.

  1. Anh/chị hiểu những người có “tấm lòng biệt nhỡn liên tài” là người như thế nào?
  2. Tại sao Huấn Cao lại nói: “Nào ta có biết đâu một người như thầy quản đây mà lại có những sở thích cao quý như vậy.” Câu nói đó có hàm ý gì?
  3. Khi Huấn Cao nói “Thiếu chút nữa, ta đã phụ mất một tấm lòng trong thiên hạ ” là ông đang nói đến ai. Suy nghĩ và lời nói của Huấn Cao cho thấy ông là người như thế nào?

Câu 7:

            Ðêm hôm ấy, lúc trại giam tỉnh Sơn chỉ còn vẳng có tiếng mõ trên vọng canh, một cảnh tượng xưa nay chưa từng có, đã bày ra trong một buồng tối chật hẹp, ẩm ướt, tường đầy mạng nhện tổ rệp, đất bừa bãi phân chuột phân gián.

            Trong một không khí khói tỏa như đám cháy nhà, ánh sáng đỏ rực của một bó đuốc tẩm dầu rọi lên ba cái đầu người đang chăm chú trên một tấm lụa bạch còn nguyên vẹn lần hồ. Khói bốc tỏa cay mắt, họ dụi mắt lia lịa.

            Một người tù cổ đeo gông, chân vướng xiềng, đang dậm tô nét chữ trên tấm lụa trắng tinh căng phẳng trên mảnh ván. Người tù viết xong một chữ, viên quản ngục lại vội khúm núm cất những đồng tiền kẽm đánh dấu ô chữ đặt trên phiến lụa óng. Và cái thầy thơ lại gầy gò, thì run run bưng chậu mực.

  1. Đoạn văn trên mô tả cảnh tượng gì? Tại sao tác giả lại nói đó là “một cảnh tượng xưa nay chưa từng có”?
  2. Tác giả đã sử dụng những thủ pháp nghệ thuật nào ở đoạn văn trên? Hiệu quả của những thủ pháp nghệ thuật đó?
  3. Có ý kiến cho rằng ở đoạn văn trên có một sự đảo lộn về “vị thế” của các nhân vật, anh/chị hãy làm rõ ý kiến đó?
  4. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn văn?

Câu 8

                Ở đây lẫn lộn. Ta khuyên thầy Quản nên thay chốn ở đi. Chỗ này không phải là nơi để treo một bức lụa trắng trẻo với những nét chữ vuông vắn tươi tắn nó nói lên những cái hoài bão tung hoành của một đời con người. Thoi mực, thầy mua ở đâu tốt và thơm quá. Thầy có thấy mùi thơm ở chậu mực bốc lên không?…Tôi bảo thực đấy: thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã, thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chữ. Ở đây, khó giữ thiên lương cho lành vững và rồi cũng đến nhem nhuốc mất cái đời lương thiện đi.

  1. Từ “ở đây” trong đoạn văn trên là chỉ nơi nào? Tại sao tác giả lại nói “ở đây lẫn lộn”, theo anh/chị đó là sự lẫn lộn giữa cái gì với cái gì?
  2. Huấn Cao đã khuyên quản ngục điều gì? Tại sao ông lại khuyên như thế?
  3. Anh/chị có suy nghĩ gì về câu hỏi của Huấn Cao đối với quản ngục: “Thầy có thấy mùi thơm từ chậu mực bốc lên không?”
  4. Qua câu lời khuyên của Huấn Cao: “Tôi bảo thực đấy: thầy Quản nên tìm về nhà quê mà ở đã,thầy hãy thoát khỏi cái nghề này đi đã, rồi hãy nghĩ đến chuyện chơi chứ”, Nguyễn Tuân đã thể hiện quan niệm như thế nào về cái đẹp?

Câu 9:

    Lửa đóm cháy rừng rực, lửa rụng xuống nền đất ẩm phòng giam, tàn lửa tắt nghe xèo xèo. Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau. Ngục quan cảm động, vái người tù một vái, chắp tay nói một câu mà dòng nước mắt rỉ vào kẽ miệng làm cho nghẹn ngào: ” Kẻ mê muội này xin bái lĩnh “.

  1. Hình ảnh “Ba người nhìn bức châm, rồi lại nhìn nhau” gợi cho anh/chị suy nghĩ gì?
  2. Câu nói của ngục quan: “Kẻ mê muội này xin bái lĩnh” đã thể hiện điều gì
  3. Tại sao quản ngục lại nhận mình là kẻ “mê muội”?
  4. Hành động “bái lĩnh” của quản ngục đối với Huấn Cao đã thể hiện nội dung tư tưởng của tác phẩm như thế nào?