Giới thiệu chợ Bến Thành bằng tiếng Hàn

Giới thiệu về cuốn sách này

Giới thiệu chợ Bến Thành bằng tiếng Hàn

Có lẽ trong số các chợ ở Sài Gòn, hiếm có nơi nào người bán mời khách hàng bằng tiếng nước ngoài nhiều hơn tiếng Việt như chợ Bến Thành. Đủ thứ ngôn ngữ, nhưng phổ biến nhất là tiếng Anh và tiếng Nhật. Lắng nghe những câu chuyện giao tiếp thường ngày trong chợ Bến Thành, người ta dễ dàng thấy được một phong cách “đa ngôn ngữ” rất riêng của ngôi chợ nổi tiếng này - thứ phong cách gắn liền với biểu tượng du lịch TP.HCM…

Chào khách

Bước chân vào chợ Bến Thành, cảnh tượng dễ đập vào mắt nhất là khách Tây nhiều hơn khách ta, khách địa phương không thể bì kịp với khách du lịch. Thế là dẫn đến một chuyện thường ngày ở ngôi chợ có bề dày hơn 90 năm của đất Sài Gòn: khách đa quốc tịch thì người bán cũng đa ngôn ngữ (chợ Bến Thành được xây mới hoàn toàn từ năm 1914). Nếu có cuộc thi giữa tiểu thương các chợ, chắc hẳn chợ Bến Thành sẽ giật giải với khả năng chào khách đặc biệt! Tại một quầy guốc gỗ, cô bán hàng đon đả chào khách hàng bằng…bốn thứ tiếng: Anh, Pháp, Hoa, Nhật. Ấy thế mà khi được hỏi, cô tỏ ra chưa hài lòng vì chưa biết chào bằng…tiếng Hàn! Cô bật mí thếm: “Nhiều người còn biết cả tiếng Thái, tiếng Mã Lai nữa chứ! Nhưng dù gì tiếng Anh và tiếng Nhật vẫn phổ biến nhất. Nói tiếng Anh thì khách nào cũng biết, nói tiếng Nhật thì khách Nhật rất thích mua hàng hóa Việt Nam”. Vì vậy cứ thấy khách tóc vàng thì người bán liền thoắng tiếng Anh, khách tóc đen thì xài ngay tiếng Nhật. Thế nên lắm lúc mới dẫn đến những tình huống chào phủ đầu rất buồn cười. Một cô bạn tóc nâu, mang kính đen vào dạo chợ thì các bà chủ sạp hai bên cứ thay nhau “Ohayo gozaimasu!”, “Ni hảo!” đến “Sa wat dee!”… phải nói là đủ kiểu chào châu Á. Đến khi cô bạn ấy thỏ thẻ “Chị ơi, quầy cô Liên quần áo ở đâu?” thì mọi người mới té ngửa khi cô là…người Việt chính hiệu! Vậy mà cái bệnh lo xa của người bán vẫn không thể bỏ được theo đúng phương châm: “Thà chào nhầm (tiếng) còn hơn bỏ sót (khách)!”. Biết sao được, buôn bán ở chợ Bến Thành thì phải thế thôi!

Nhưng trong câu chào của dân buôn bán ở chợ Bến Thành xem ra cũng có những nét rất riêng. Ông bà ta có câu: “Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Lời chào ở đây còn đồng nghĩa với…mâm cơm hàng ngày, thế nên nó cũng được chăm chút và có quy tắc hẳn hoi. Một chủ sạp lâu năm ở chợ này bật mí: “Muốn câu được khách dân chợ cũng phải có những nguyên tắc vàng. Thứ nhất, không gọi khách bằng “you”, mà phải lịch sự “sir,madam”. Thứ hai, không chèo kéo khách bằng tay chân. Mở màn phải là những câu hỏi thăm sức khỏe, sau đó mới… gạ gẫm!” Lắm lúc, lời chào còn đi kèm với những điệu bộ nịnh khách rất…chuyên nghiệp. Hai cô gái phương Tây chừng 20 tuổi, vừa vô tình liếc mắt vào quầy nước uống, lập tức nhận được lời chào “Madam, welcome!” cùng những lời khen ngợi dành cho…đôi chân mày của hai cô! Thế là cả khách lẫn chủ bỗng trở nên thân thiết. Hai vị khách Tây trẻ tuổi liền ngồi xuống vừa tranh thủ nghỉ mệt, vừa bàn về…cái đẹp, và tất nhiên cũng không quên uống nước ủng hộ cho cô chủ quán khéo nịnh mình. Mà nào có riêng gì hai cô, hầu hết du khách cả nam lẫn nữ khi tạt vào chợ Bến Thành ắt  hẳn thấy mình…đẹp, từ mái tóc, đôi mắt, mũi, miệng, đến cặp kính, quần áo…Thậm chí không ít quý ông nhờ…cái bụng bia khệ nệ mà được các chị bán hàng khen ngợi hết lời:” Oh, you’re so stately. In Viet Nam, anybody like you is called a kind-hearted man!” (Tạm dịch: Trông ông thật là đạo mạo. Ở Việt Nam, mọi người cho rằng những ai có tướng tá như ông thường là người rất tốt bụng đó!). Cả khách lẫn chủ đều cười sảng khoái. Và cũng từ những lời khen, câu chào khiến khách hàng mát ruột gan ấy mà nhiều chuyến bán mua coi như đã thành công đến một phần ba.

Hùng biện và ngã giá

Sau khi thành công một phần ba với lời chào, hai phần ba còn lại sẽ phụ thuộc vào khả năng hùng biện của người bán hàng trước những vị khách không cùng ngôn ngữ. Thuyết phục khách hàng bằng tiếng mẹ đẻ đã khó, huống hồ gì là tiếng Nhật, tiếng Anh. Thế mà lắm lúc người bán hàng thấy người mua ngạc nhiên đến mức thích thú trước những màn hùng biện rất duyên dáng và đầy thuyết phục. Tại sạp hàng thuê phía cửa Tây, năm du khách nước ngoài đang săm soi những túi thêu tay vẻ lưỡng lự:

Giới thiệu chợ Bến Thành bằng tiếng Hàn

-    Chiếc túi này có vẻ chưa được đẹp lắm! Mà nước tôi cái tương tự chỉ nửa giá này.

-    Tui không tin loại bà mua là loại thêu tay thật đâu. Giá đó chưa bằng giá tui mua vào. Thử nghĩ xem để thêu một chiếc túi tinh xảo thế này, bà sẽ mất bao nhiêu ngày? Và phải là một người giỏi tay nghề mới có thể làm được. Chỉ tính riêng chuyện đó, chiếc túi này đã đáng giá để bà mua…

Mất mười lăm phút cho cuộc trò chuyện một chọi năm bằng tiếng Anh. Cuối cùng, cuộc trả giá kết thúc bằng mức giá giảm một phần ba so với ban đầu, trong câu dỗi của người bán: “Chỉ vì thấy bà thích, chứ giá thấp như vậy tôi chưa bán bao giờ”. Nói thế nhưng cả chủ lẫn khách đều cười tươi rói. Nghe qua quy trình ngã giá trên, không ít người nghĩ sao mà đơn giản. Nhưng thực tế, mỗi cuộc thương thảo giữa khách nước ngoàii mua hàng và người bán thường được ví von là mỗi lần đấu trí với đủ thứ thủ thuật. Lại nhắc đến cái cuộc thi tưởng tượng giữa tiểu thương các chợ ban đầu, nếu có một giải nghệ thuật dụ khách đa dạng và độc đáo nhất, thì có lẽ chợ Bến Thành cũng sẽ chẳng chịu nhường cho ai, bởi đúng là nhiều cảnh thuyết phục ngỡ rằng chỉ có trong tưởng tượng lại xuất hiện từ đầu đến cuối chợ! Ở một quầy quần áo may sẵn đầu cửa Bắc, cô bán hàng trẻ trung đang làm ra vẻ giận lẫy một vị khách Tây với lý do… vẫy chào một đằng, vào mua một nẻo! Sau đó là một màn thuyết phục kèm …năn nỉ, bớt giá, khiến người khách gãi đầu cười, than thở một câu: “Làm sao tôi nỡ bỏ đi…” rồi đành chiều lòng người đẹp. Cầm túi đồ trên tay, người khách vừa hớn hở quay đi vừa không quên giải thích ngắn gọn với người bạn đồng hành: “Cô bán hàng làm tôi không thể không mua!”. Cách đó không xa, cô chủ hàng thổ cẩm vừa ngọt ngào thuyết phục, vừa luôn tay…quạt cho vị khách Nhật trẻ tuổi đang vã mồ hôi vì cái nắng Sài Gòn. Có lẽ vì cảm động trước vẻ nhiệt tình của cô chủ, anh chàng không ngần ngại mua liền hơn chục chiếc túi mini. Ở khu giữa chợ, một bà chủ quầy giày dép đang trao đổi hào hứng với khách về chủ đề …mát xa! Lý do là để dụ ông khách mua một đôi xan-dan với đế giày giúp lưu thông máu. Đến cuối cửa Nam, lại bắt gặp khách và chủ trả giá bằng cách…oẳn tù tì, ai thua phải nghe theo mức giá của người thắng cuộc…

Theo kinh nghiệm truyền khẩu của dân Bến Thành, mỗi cuộc thương thảo chỉ thành công khi khách và chủ đã “tám tới bến” (nói chuyện lang bang) với nhau. Họ nói ngoại ngữ tương đối thoải mái, lắm lúc nói kiểu ráp từ, biết gì nói đó và quan trọng nhất là… không sợ sai. Khi người viết lân la đến hỏi bí quyết hùng biện của bà chủ hàng thêu ban đầu, bà cười thổ lộ: “Bán ở chợ mười mấy năm rồi, nói riết thì quen. Đảm bảo trình độ giao tiếp của tui còn ăn đứt mấy đứa bằng C. Đó là tại tui lớn tuổi, chứ nhiều đứa nhỏ nhỏ bây giờ ra bán chừng nửa năm cũng rành hết trọi. Trường học khác trường đời là chỗ đó…”. Hay nói như chị Ngọc Liên, chủ một sạp quần áo thì “không khác gì mấy đứa học sinh đi hùng biện. Có khi “năn nỉ” bằng tiếng Anh, tiếng Nhật gần cả mười phút mà còn chưa ăn thua!”. Thực tế trong buổi sáng, người viết rảo một vòng chợ, chứng kiến gần một chục cuộc ngã giá thì đã có đến bảy, tám cuộc thành công. Lý do phần lớn là các vị khách nước ngoài không thể cưỡng nổi những lời thuyết phục đầy lý lẽ và tình cảm của các cô gái bán hàng. Cũng phải thêm rằng, người bán hàng ở chợ Bến Thành đa phần là nữ nên rất kiên nhẫn, lại trẻ trung và xinh đẹp. Dù khách là nam hay nữ, từ Đông hay Tây tới, có lẽ cũng đều bị dụ như nhau. Hãy thử nghe một đọan hùng biện điển hình một nhóm khách nước ngoài và cô chủ quầy hàng thổ cẩm:

-   Hai áo thổ cẩm này giá 500 ngàn. Thấy mấy chị thích nên em lấy rẻ 400 thôi.

-   Nó khá vừa với tôi, nhưng 300 thôi nhé?

-   Không, nó đáng giá hơn. Chị không mua được món tương tự rẻ như giá này đâu.

-   350 ngàn?

-   Chị vừa quên những gì mình nói rồi. Chị bảo nó hợp với chị, mà 400 ngàn là giá rẻ như bèo. Chị không nên tiếc ba, bốn đô vì nó sẽ giúp chị rất, rất xinh đẹp!”

-   Cuộc thỏa thuận kết thúc bằng câu nói pha tiếng Việt lơ lớ của vị khách: “Trời ơi, I can’t refuse to buy!”,. Cả nhóm cùng phá lên cười vui vẻ. Có lẽ không riêng vì hai vị khách nọ, mà bất cứ ai cũng sẽ bị chinh phục trước những lý lẽ đến duyên là thế!

Giới thiệu chợ Bến Thành bằng tiếng Hàn

“Đi chợ vui ghê!”

Đoán chắc rằng đó sẽ là câu trả lời của phần đông du khách khi được hỏi “Đi chợ Bến Thành thấy thế nào?”. Người nước ngoài vốn thích vui đùa, đặc biệt là người Nhật. Thế nên gặp những người bán hàng vui tính, biết ngoại ngữ và luôn chiều khách, ai lại nỡ bỏ đi? Thử làm quen và đi theo một nhóm khách gồm bốn cô gái Nhật trẻ trung rảo một vòng quanh chợ Bến Thành, chúng tôi đã suýt …ngất khi chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ, các cô đã thăm hỏi đến bốn sạp hàng (tất nhiên là không hề bước ra mà không có gì trong tay)! Thấy tôi tỏ vẻ thán phục trước khả năng shopping của các vị khách thì một cô bạn tên Misao vui vẻ: “ Họ mời khéo quá, không mua không được! Tính ra nãy giờ bốn đứa mình xài hết có …100 USD!”. Nếu cứ với tốc độ đó, rảo hết một vòng chợ, họ sẽ xài hết bao nhiêu tiền? Lời giải đáp là: “Lẽ ra tụi mình định qua khu Đồng Khởi mới mua nhiều, nhưng không khí và người bán hàng ở chợ này vui quá, biết đâu xài hết tiền ở đây không chừng. Cứ thấy hàng nào vui vui thì…tấp vô!”. Xem ra danh sách các hàng “vui vui” sẽ rất đông đảo, bởi đến hàng nào, các cô cũng gặp những người bán hàng tươi như hoa, chuyện trò như sáo. Cái việc mua sắm của các cô rồi sẽ tiếp diễn dài dài…

Cũng lắm lúc cái việc đi chợ mua sắm ấy được kết hợp thêm nhiều chức năng: tranh thủ học thêm tiếng Việt hay hỏi han về văn hóa, đặc biệt là tín ngưỡng của người mua bán. Có người nói tiếng Việt không sõi, người bán chủ động chuyển qua nói tiếng Nhật cho thuận tiện thì bị…giận lẫy. Có khách tán gẫu một ngày chưa “đã”, hôm sau dẫn thêm bạn đến cho bà chủ để có cơ hội tán tiếp! Cũng từ điểm đó mà không ít nhân viên sau giờ bán còn trở thành thông dịch viên, hướng dẫn viên bất đắc dĩ, đưa khách hàng bát phố Sài Gòn (tất nhiên là được trả lương hẳn hoi). Về điểm này phải khâm phục cái tài…tán chuyện của những cô bán hàng! Thế nên tiếng Anh, tiếng Nhật trở thành vũ khí. Theo một thống kê nhanh với sự giúp sức của các nhân viên quản lý chợ thì: 100% quầy mỹ nghệ, thổ cẩm có thể giao tiếp thuần thục tiếng Anh và tiếng Nhật, tỷ lệ này ở các hàng quần áo, giày dép…thấp hơn, nhưng cũng ở mức…80-90%. Riêng những quầy có tỷ lệ này dưới 70% như rau quả, ăn uống… thì đã thuộc diện phải tích cực nâng cao”! Trong trường hợp thuộc diện thứ ba, người bán thua thiệt mọi bề. Không dụ được khách đã đành, có những tình huống còn oái ăm hơn. Có vị khách Tây nói bập bõm tiếng Việt, kêu món ăn rõ hùng hồn nhưng khi đưa tới thì nhất định không ăn, cho rằng không phải là thứ ông kêu mà chủ thì không sao cãi được. Có khách làm bể ly chén, người bán bắt đền nhưng họ cũng cương quyết không đền, đành phải mời Ban quản lý đến phân giải. Khổ nỗi, Ban quản lý cũng không rành tiếng Anh. Đến lúc phải chạy tất tả xuôi ngược để tìm một người có thể đứng ra cãi lý.

Ấy vậy, chứ dân buôn bán lắm người nói như gió, nhưng bảo viết thì nhiều khi..chịu chết! Rồi cũng có những lần họ bị tổ trác cũng vì..ngoại ngữ. Điển hình như trường hợp chị Ngọc Liên: “Có lần vì quá tự tin, thay vì ra giá chiếc áo là fifty (50 ngàn), tôi lại nói lộn thành fifteen (15 ngàn)! Người khách ngạc nhiên hỏi lại, tui vẫn hùng hồn “fitteen”. Khách mừng rỡ khen mình bán rẻ, rồi mua luôn hai cái. Đến lúc đưa tiền tui mới biết mình sai đã muộn. May mà họ chỉ mua hai áo, nếu không thì…chết chắc”. Thế nên, dù có thuyết phục cỡ nào, kinh nghiệm nằm lòng thì khi ra giá người bán luôn phải kè kè thêm…máy tính cho chắc ăn!

Nhưng dẫu sao cũng phải thừa nhận nếu như không có phong cách đa ngôn ngữ trên, chợ Bến Thành sẽ không còn nét đặc trưng. Tiếng Anh, tiếng Nhật là thứ để cả khách lẫn chủ đạt được một điều: đó là niềm vui. Kẻ được mua, người được bán, nhưng quan trọng hơn là được tán gẫu, được thư giãn bằng cái không khí vui vẻ cả làng (thật hiếm có khu chợ nào khách bị “móc túi” liên tục mà vẫn cười tươi như nơi đây). Bởi cái sự mua và bán kia thật ra cũng là một hình thức giao lưu văn hóa, trao đổi một chút không khí giữa quốc tế và địa phương. Thế thì cái giá phải trả cho những bài học văn hóa trên đâu hề đắt?

Ngày lại ngày, chợ Bến Thành vẫn không bao giờ ngớt những câu chuyện đời, chuyện người, chuyện bán buôn – mà phần nhiều trong số đó không phải được bắt đầu bằng tiếng Việt,…

Theo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần