Có nên học tiếng Anh và tiếng Pháp cũng lúc

Th.năm, 15/09/2016, 07:00 Lượt xem: 11060

Với mong muốn làm thế nào để con mình nói thành thạo càng nhiều ngoại ngữ càng tốt, nhiều bậc phụ huynh đã “ép” trẻ học một lúc nhiều ngôn ngữ, dẫn đến tình trạng “loạn ngôn” ở trẻ…

Ngủ cũng mơ học ngoại ngữ

Là người có thời gian học tập và làm việc ở nước ngoài, chị Nguyễn Hồng Hạnh, ở phường Quảng An, quận Tây Hồ, Hà Nội luôn cho rằng ngoại ngữ là một trong những kỹ năng không thể thiếu để tiếp cận với thế giới. Theo quan điểm của chị Hạnh, trẻ càng nhỏ tuổi thì khả năng tiếp thu ngôn ngữ càng tốt, nên chị đã quyết tâm cho cô con gái mới lên 5 tuổi học 4 thứ tiếng cùng một lúc.

Mới đầu, việc học diễn ra khá suôn sẻ bởi những bài học đơn giản kiểu học mà chơi, chơi mà học. Nhưng sau một năm “ép” con theo đuổi giấc mơ trở thành người biết nhiều ngoại ngữ, chị Hạnh đã nhận ra mình sai lầm. “Hai vợ chồng tôi đều có năng khiếu về ngoại ngữ. Chồng tôi có thể đọc thông, viết thạo tiếng Anh, tiếng Đức, tiếng Trung Quốc và tiếng Pháp, nên tôi nghĩ con gái mình có chút gene của bố. Lúc đầu việc học không có gì khó khăn, bởi cháu tỏ ra là đứa trẻ có năng khiếu và thông minh. Mỗi tối chúng tôi đều dành thời gian nói chuyện với cháu bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Trung Quốc.

Tuy nhiên, thời gian gần đây cháu có biểu hiện lẫn lộn về ngôn ngữ. Do chỉ nói chuyện tiếng Anh và tiếng Pháp được với bố mẹ nên cháu vẫn nói chuyện với bà ngoại và người thân bằng tiếng Việt. Song không ít lần tôi nhận thấy trong nhiều cuộc hội thoại, cháu không tìm được từ tiếng Việt diễn đạt cho bà ngoại hiểu, nên đã sử dụng ngôn ngữ khác, nhưng lại sai và không phù hợp văn cảnh. Thấy cháu có biểu hiệu không bình thường, tôi đã tìm đến bác sĩ tư vấn và được biết cháu bị mắc chứng rối loạn ngôn ngữ. Hiện giờ, việc học thêm ngoại ngữ của cháu đã tạm dừng, thay vào đó hàng ngày tôi phải đưa cháu đến lớp học đặc biệt để điều chỉnh ngôn ngữ…”, chị Hạnh buồn bã cho biết.

Có nên học tiếng Anh và tiếng Pháp cũng lúc
Nếu bị ép học nhiều quá có thể sẽ dẫn đến chứng rối loạn ngôn ngữ ở trẻ.

Chị Phạm Thu Thuỷ, ở phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy cũng cho rằng: “Giai đoạn tốt nhất cho trẻ học thêm ngoại ngữ song song với ngôn ngữ mẹ đẻ là từ 3 đến 10 tuổi. Trong 10 năm đầu tiên của cuộc đời, việc dạy nhạc, ngôn ngữ và những kỹ năng cuộc sống khác sẽ dễ dàng hơn. Vì vậy nếu bỏ qua giai đoạn học ngoại ngữ của trẻ ở lứa tuổi này thì quả là một sự lãng phí lớn…”. Do vậy, chị Thuỷ quyết định đầu tư cho cậu con trai lớp 1 học thêm tiếng Anh và tiếng Pháp, thậm chí cả tiếng Nhật. Bỏ ngoài tai những lời phân tích của chồng, chị Thuỷ hi vọng biến con trở thành thần đồng về ngôn ngữ. Tuy nhiên, do không hứng thú với việc học mà mẹ “áp đặt” nên chỉ trong một thời gian ngắn cậu bé đã sợ học ngoại ngữ. Cứ đến giờ giáo viên đến dạy kèm là cậu bé lại giả vờ đau bụng, rồi vào nhà vệ sinh nôn thốc, nôn tháo. “Từ giả vờ thành thật lúc nào không hay, hơn một tháng nay, cháu bỏ ăn, người gầy rộc đi vì lo lắng phải học ngoại ngữ. Thậm chí, nhiều đêm ngủ, tôi còn nghe cháu nằm mơ, miệng lẩm bẩm toàn tiếng nước ngoài mà chính tôi cũng không biết phải dịch ra thứ ngôn ngữ gì…”, chị Thuỷ có vẻ hối hận.

Không nên ép buộc trẻ

Theo cô giáo Nguyễn Thị Minh Hoà, người có kinh nghiệm nhiều năm trong việc giảng dạy ngoại ngữ tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, học ngoại ngữ như thế nào để phát huy tốt khả năng và tạo cho trẻ niềm thích thú, đam mê khi tham gia học tiếng mới là điều quan trọng. Đặc biệt, trẻ phải tìm được niềm vui thích trong việc học thì mới có kết quả. Không chỉ riêng trẻ từ 3-6 tuổi mà không ít học sinh THPT cũng thường than phiền, học tiếng Pháp khiến các em khó khăn khi phát âm tiếng Anh. Phương Anh, học chuyên Anh từ cấp 2, do vậy đến lớp 11 khả năng tiếng Anh của Phương Anh thuộc diện “siêu”. Không để phí thời gian, Phương Anh chuyển sang học thêm lớp tiếng Pháp, nhưng cũng từ đó, cô bé nói tiếng Anh không đúng ngữ điệu, dễ viết sai từ. “Bản thân em đã thành thạo tiếng Anh, học ngoại ngữ thứ hai còn “trắc trở” như vậy nữa là đối với những em nhỏ mới biết nói đã bị bố mẹ bắt học đến vài ba ngoại ngữ cùng một lúc thì sẽ quá sức …”, Phương Anh chia sẻ

Về vấn đề này, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Phát triển cộng đồng nhận xét: “Với những năm tháng đầu đời của trẻ, ưu tiên số 1 vẫn là việc phát triển ngôn ngữ mẹ đẻ. Trẻ từ 3 - 5 tuổi, các bậc phụ huynh có thể nghĩ tới việc dạy ngoại ngữ cho con, nhưng không nên gò ép chúng vào những giờ học cứng nhắc. Nếu quyết định cho con học ngoại ngữ ngay từ lứa tuổi này, cha mẹ cần tìm nơi hội tụ các điều kiện thích hợp như: chương trình giảng dạy phù hợp với lứa tuổi, thời gian học đều đặn, trình độ ngoại ngữ và sư phạm của giáo viên tốt.

Thực tế việc học nhiều thứ tiếng cùng một lúc có thể khiến trẻ chậm nói so với những trẻ học đơn ngữ. Tuy nhiên, sự chênh lệch này chỉ là vấn đề tạm thời và không có quy luật chung. Việc trẻ học và kết hợp hai, thậm chí nhiều ngôn ngữ khác nhau là có hại. Bởi, nếu trẻ thường xuyên dùng kết hợp hai ngôn ngữ, nhưng lại không phân biệt được chúng thì đó có thể là bằng chứng cho thấy trẻ không có khả năng học song ngữ. Nếu chỉ chú trọng dạy song song hai hay nhiều ngôn ngữ cho trẻ mà không phân biệt rạch ròi những ngôn ngữ sẽ dẫn đến tình trạng lẫn lộn ngôn ngữ, thậm chí “loạn ngôn” ở trẻ. Khi đó, bộ não trẻ không phân biệt được các ngôn ngữ khác nhau và sẽ mất đi khả năng phản xạ cần thiết khi giao tiếp"

Source: ANTD

(TVHT) - Tiếng Anh là ngoại ngữ phổ biến và thông dụng nhất hiện nay. Ngoài tiếng Anh, nhiều người còn muốn học thêm một hoặc một vài thứ tiếng khác. Các bạn băn khoăn không biết có nên học đồng thời nhiều thứ tiếng? Ngoài tiếng Anh, mình nên học thêm ngoại ngữ gì thì phù hợp? Và nên học như thế nào để đạt hiệu quả cao? Dưới đây sẽ là một vài lời khuyên bổ ích cho bạn.

Có nên học tiếng Anh và tiếng Pháp cũng lúc

Lợi ích

Khi bạn đã nắm khá vững một ngoại ngữ rồi, việc học thêm ngoại ngữ thứ hai là không khó, bởi bản thân đã có phương pháp học tiếng. Đa số các bạn sinh viên hiện nay học tiếng Anh là ngoại ngữ chính, và sau đó học thêm một ngoại ngữ cũng phổ biến khác như tiếng Nhật, tiếng Hàn, tiếng Trung… 

Học một ngoại ngữ khác bằng sách song ngữ với tiếng Anh khá thú vị, tuy không thể tránh khỏi không ít cách diễn đạt hay từ mới không hoàn toàn tương đồng giữa hai ngôn ngữ. Song, chỉ cần có vốn tiếng Anh vững thì không sợ ảnh hưởng bởi ngôn ngữ khác. 

Mặt khác, khi học đồng thời hai, ba thứ tiếng sẽ giúp bạn tiết kiệm được thời gian và nhanh chóng đạt được mục tiêu của mình nếu có phương pháp học phù hợp. Có sự liên hệ hợp lý, khoa học khi học đồng thời các ngoại ngữ khác nhau sẽ giúp bạn nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình một cách tốt nhất.

Khó khăn

Bất cập đầu tiên có thể nhận thấy khi học nhiều ngoại ngữ cùng lúc là sự mệt mỏi và áp lực. Ví dụ như trường hợp của Diệu Linh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Từ khi đăng kí theo học lớp tiếng Trung và tiếng Anh, lịch học của Linh luôn dày đặc vì phải học 3 ca/ngày, cô bạn còn có ý định đi học tiếng Đức và tiếng Ý. Buổi sáng học trên lớp, buổi chiều học tiếng Anh, buổi tối học tiếng Trung nên ngày nào đến lớp Linh cũng ở trong trạng thái mệt mỏi, buồn ngủ. Linh tâm sự: “Có hôm đến lớp mình chỉ ngủ thôi, vì tối đi học về cũng gần 10h, rồi lại làm bài tập nữa nên sáng nào đi học cũng buồn ngủ”. Học trên lớp đã vậy, tại các trung tâm, tình hình cũng không được cải thiện là bao. Linh cho biết: “Ở lớp tiếng Trung của mình, nhiều bạn cũng chạy sô với lịch học, đến lớp tranh thủ ăn, tranh thủ ngủ cho đỡ mệt”.

Có nên học tiếng Anh và tiếng Pháp cũng lúc

Không chỉ có mệt mỏi, nhiều người không còn thời gian để thực hành những ngoại ngữ đang học, ít có thời gian nghỉ ngơi, giao lưu với bạn bè. Quỳnh Nga – bạn học tiếng Anh với Linh cho hay: “Có hôm, tớ về nhà người mệt rũ, không muốn làm gì, tắm giặt xong là đi ngủ, bỏ cả bài tập trên lớp chính”.

Bên cạnh đó, nhiều thứ tiếng không có tính ứng dụng cao, nhất là các loại ngoại ngữ “hiếm” như tiếng Ý, tiếng Tây Ban Nha... Một số người học ngoại ngữ vì yêu thích song có nhiều người đi học theo đám đông, thấy bạn bè học thì cũng học. Có nhiều bạn, học ngoại ngữ vì sở thích nhất thời dù nó không có tính ứng dụng cao. Trong khi đó, những ngoại ngữ thông dụng, cần thiết cho công việc sau này lại không được các bạn đầu tư nhiều. Tất nhiên việc biết nhiều ngoại ngữ thì càng tốt, nhưng việc học nhiều ngoại ngữ cùng lúc không chỉ khiến bạn tốn tiền mà còn lãng phí thời gian, ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học chính của mình.

Lựa chọn phương pháp học phù hợp

Học và biết nhiều ngoại ngữ là bước đệm quan trọng cho mỗi sinh viên trước khi ra trường. Có nhiều người học ngoại ngữ song số người biết phương pháp học hiệu quả, không làm ảnh hưởng đến các hoạt động khác thì không nhiều. 

Học ngoại ngữ cần phải trau dồi vốn từ và kết hợp với thực hành tốt. Thay vì bạn bỏ hàng giờ ngồi đọc những cấu trúc câu, cấu trúc ngữ pháp… bạn hãy tham gia vào những câu lạc bộ tiếng Anh, tiếng Trung… Ở đó, bạn không chỉ được nâng cao phản xạ khi nói chuyện với người nước ngoài mà còn được luyện nghe, nói, trau dồi thêm vốn từ của người bản địa, nâng cao kĩ năng giao tiếp…

Bên cạnh đó, bạn cần phải sắp xếp thời gian hợp lí, cần cân bằng giữa công việc học chính tại trường và việc học thêm nhiều ngoại ngữ. Bạn Lan Anh – ĐH Ngoại ngữ Hà Nội cho hay: “Theo kinh nghiệm của mình, muốn học ngoại ngữ thì nên chuyên sâu về một hoặc hai loại nào đó, không nên học lan man, vừa tốn tiền lại không đem lại kết quả. Hơn nữa, nên lựa chọn những loại ngoại ngữ phổ biến, thông dụng và có tính ứng dụng cao”.

Kỹ năng chọn ngoại ngữ phù hợp

Khả năng của bạn đến đâu?

Hãy xác định trước điều này và tìm hiểu sơ về phương pháp học, kĩ năng học, các từ vựng, ngữ pháp cơ bản. Hiện nay có rất nhiều ngoại ngữ lạ và nhiều bạn thường thích học theo trào lưu, nhưng được một thời gian thì chán vì không có khả năng học tốt. Mỗi thứ tiếng có mức độ khó khác nhau về ngữ pháp và từ vựng. Nếu bạn là một người có trí nhớ không tốt, tránh học những ngôn ngữ không phải kí tự La-tinh (Trung Quốc, Nhật, Hàn…). Nếu bạn là một người thiếu tập trung, tránh học những ngôn ngữ có cấu trúc ngữ pháp phức tạp (Pháp, Ý…)

Bạn có thật sự đam mê và yêu thích?

Khi có đam mê, đó sẽ là động lực để bạn học tốt ngoại ngữ đó. Nếu bạn thật sự yêu thích bạn mới có thể “bám trụ” lâu dài với ngôn ngữ này. Việc học ngoại ngữ đòi hỏi cần kiên nhẫn, nỗ lực, và có mục đích nhất định (học để tìm hiểu về nước đó, để đi du học, để mở mang kiến thức, để giao tiếp, để đi làm…). Hãy tìm một lí do thật sự chính đáng để bạn học một ngôn ngữ bất kì. Có như vậy bạn sẽ xác định được bạn thích hợp với ngoại ngữ nào.

Bạn hiểu về văn hóa nước đó đến đâu?

Khi học ngôn ngữ của một nước, bạn phải hiểu luôn về văn hóa và con người của quốc gia đó. Vì việc học ngoại ngữ là để giao tiếp, ứng dụng. Hãy tìm hiểu về văn hóa của những nước mà bạn cảm thấy thích. Khi bạn thấy nước nào có nền văn hóa đúng sở thích của bạn, khiến bạn cảm thấy hứng thú tìm hiểu, hãy chọn học ngôn ngữ của nước đó.

Có nên học tiếng Anh và tiếng Pháp cũng lúc

Mức độ ứng dụng ra sao?

Mọi ngôn ngữ, nếu không có sự thực hành, bạn sẽ rất dễ quên. Nếu bạn thích làm cho một công ty Pháp, hãy học tiếng Pháp. Nếu bạn có ý định sống ở Nga một thời gian, hãy học tiếng Nga. Tóm lại, hãy tìm sự liên hệ giữa bạn và ngôn ngữ bạn chọn.

Bạn sẽ thu được những lợi ích gì?

Sau khi bỏ thời gian để học ngoại ngữ đó, bạn sẽ được gì? Hãy thử liệt kê ra những lợi ích mà bạn có được. Chẳng hạn như rèn luyện kĩ năng, hiểu thêm về văn hóa, cơ hội xin việc làm tốt hơn, việc học tập dễ dàng hơn. Còn nếu bạn học chỉ vì “bạn bè ai cũng đi học”, “muốn học thử cho biết”, “học để ra oai” thì khó gắn bó lâu dài.

Ban biên tập Cổng thông tin Tư Vấn Hỗ Trợ - www.tuvanhotro.vn