Các sản phẩm dịch vụ chủ yếu của ngân hàng đại lý

Đại lý ngân hàng – ‘cuộc chơi’ mới đang thành hình

Thụy Lê

[KTSG] – Ngoài định hướng phát triển của Chính phủ và lợi ích lớn hơn trong mối tương quan với rủi ro, có lẽ đã đến lúc các ngân hàng đẩy mạnh kênh đại lý ngân hàng. Trong khi một số ngân hàng có thể tận dụng mạng lưới của doanh nghiệp có quan hệ sẵn, các ngân hàng còn lại sẽ phải cạnh tranh để lựa chọn những đối tác ưng ý cho riêng mình.

Techcombank sẽ tích hợp các dịch vụ tài chính tại các cửa hàng vừa giúp tăng độ phủ kênh phân phối vừa nhằm nâng trải nghiệm của khách hàng. Ảnh: HOÀNG TÂN

Định hướng được khuyến khích

Kết hợp triển khai dịch vụ tài chính với One Mount Group, Vinmart và Vinshop đang là bước đi kế tiếp của Techcombank. Theo đó ngân hàng này sẽ tích hợp các dịch vụ tài chính tại các cửa hàng Vinmart và Vinmart+, vừa giúp tăng độ phủ kênh phân phối vừa nhằm nâng trải nghiệm của khách hàng. Có thể nói đây là hình thức phát triển kênh đại lý ngân hàng của Techcombank cho giai đoạn tới.

Về cơ bản, hoạt động đại lý ngân hàng thường được triển khai tại những khu vực vùng sâu vùng xa. Theo đó, các ngân hàng sẽ cộng tác với các đại lý bán lẻ phi ngân hàng để cung cấp những dịch vụ tài chính cơ bản cho khách hàng, trong đó việc phát triển và cung ứng sản phẩm, quản lý, duy trì tài khoản khách hàng và quản trị rủi ro vẫn thuộc trách nhiệm chính của ngân hàng, còn nhiệm vụ phân phối sẽ thuộc về các đại lý.

Mô hình đại lý ngân hàng không còn xa lạ ở nhiều quốc gia, nhưng mới được chú ý phát triển tại Việt Nam trong những năm gần đây, đặc biệt từ khi Chính phủ ban hành Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, với mục tiêu đến cuối năm 2025 đạt được ít nhất 50% tổng số xã có điểm cung ứng dịch vụ tài chính.

Để đạt được mục tiêu trên, một trong những nội dung quan trọng mà Thủ tướng đã phê duyệt chính là việc hướng tới phát triển mô hình đại lý ngân hàng nhằm mở rộng phạm vi cung ứng dịch vụ ngân hàng đến gần với người dân ở các vùng chưa hoặc ít có dịch vụ ngân hàng.

Giai đoạn 2014-2015, Ngân hàng Nhà nước [NHNN] đã triển khai thí điểm phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại khu vực nông thôn với ba mô hình đại lý ngân hàng, gồm MBBank-Viettel, PG Bank-Petrolimex, Vietcombank-M_Serive [chủ sở hữu ví điện tử Momo]. Hay như LienVietPost Bank cũng đã tận dụng các điểm giao dịch bưu cục liên kết để phát triển dịch vụ tiết kiệm bưu điện, dịch vụ thu hộ, chi hộ,…

Lợi ích và rủi ro

Lợi ích đầu tiên dễ thấy nhất của chiến lược phát triển kênh đại lý ngân hàng là giúp các ngân hàng mở rộng thêm kênh phân phối các sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng, đặc biệt là nhóm khách hàng nông thôn, vùng sâu vùng xa chưa được khai thác.

Lợi ích thứ hai là tiết kiệm đáng kể chi phí. Nếu như việc mở thêm các chi nhánh, phòng giao dịch thường đi kèm với chi phí đầu tư ban đầu lẫn chi phí vận hành khá tốn kém, trong khi hiệu suất có thể ở mức thấp do khu vực nông thôn chủ yếu là các giao dịch nhỏ lẻ với giá trị thấp, thì chính sách mở đại lý ngân hàng sẽ tối ưu hơn, do chi phí thành lập một đại lý chỉ bằng 2-4% chi phí của một chi nhánh ngân hàng, trong khi hiệu suất hoạt động cũng có thể tốt hơn.

Lợi ích thứ ba là giúp giảm áp lực tăng vốn điều lệ cho các ngân hàng. Theo Thông tư 21/2013/TT-NHNN, số lượng chi nhánh được thành lập phải đi theo vốn điều lệ của ngân hàng [chi nhánh tại TPHCM và Hà Nội quy định vốn điều lệ tối thiểu phải 300 tỉ đồng/chi nhánh, các tỉnh thành khác là 50 tỉ đồng/chi nhánh].

Cuối cùng, không thể không kể đến những lợi ích về tài chính, từ việc có thể gia tăng nguồn vốn không kỳ hạn cho đến tăng cường các nguồn thu phí dịch vụ như phí thanh toán, chuyển tiền, thu chi hộ,… Như ông Danny Le, CEO Masan Group, từng chia sẻ đến năm 2025, nếu thành công trong việc đưa hệ thống siêu thị mini trở thành điểm giao dịch tài chính, Masan và Techcombank có thể thu hút 2 tỉ đô la tiền gửi không kỳ hạn [CASA] của 50 triệu khách hàng.

Tuy mô hình đại lý ngân hàng có rủi ro thấp do hoạt động đại lý ngân hàng chỉ cung cấp những dịch vụ cơ bản và hạn chế, nhưng dĩ nhiên các đại lý này cũng không thể tránh khỏi những rủi ro hiện tại mà bất kỳ một đơn vị giao dịch nào của ngân hàng cũng phải đối mặt, từ rủi ro thanh toán, tín dụng, hoạt động, pháp lý, tài chính, danh tiếng, cho đến các rủi ro liên quan đến công nghệ, rửa tiền/tài trợ khủng bố… Đáng lưu ý là tổ chức chủ quản, tức ngân hàng, phải chịu trách nhiệm đối với việc quản lý có hiệu quả tất cả những rủi ro phát sinh trong hoạt động đại lý cho ngân hàng.

Ngoài ra, những rủi ro này sẽ tùy thuộc vào phạm vi chức năng hoạt động của đại lý được ủy quyền, cũng như khả năng được đào tạo mà các đại lý nhận được từ ngân hàng [nếu có]. Gần đây, NHNN cũng đã cho phép mở rộng phạm vi các dịch vụ ngân hàng mà bên đại lý ngân hàng thay mặt ngân hàng cung cấp cho khách hàng, thay vì chỉ hai dịch vụ thanh toán và chuyển tiền như cấp phép thí điểm hiện nay, do thực tế cho thấy hai dịch vụ cơ bản này dù tiềm ẩn không ít rủi ro nhưng đều được báo cáo lên NHNN là an toàn và không phát sinh rủi ro sau giai đoạn triển khai nhiều năm qua.

Song song đó, NHNN cũng đang sửa đổi các quy định khác có liên quan đến hoạt động của mô hình đại lý ngân hàng cho phù hợp, đặc biệt là những quy định về phòng chống rửa tiền/tài trợ khủng bố, những quy định về tiền điện tử, quy trình nhận biết khách hàng [KYC].

Cuộc chơi mới

Ngoài định hướng phát triển của Chính phủ và lợi ích lớn hơn trong mối tương quan với rủi ro, có lẽ đã đến lúc thích hợp để các ngân hàng đẩy mạnh kênh đại lý ngân hàng. Thứ nhất là hiện nay với các ứng dụng công nghệ phát triển vượt bậc, tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại thông minh gia tăng, đã giúp mô hình đại lý ngân hàng khả thi hơn và hiệu quả hơn.

Như đã nói, do các đại lý này thường hoạt động ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nên cần phải có những ứng dụng, hệ thống thông tin, các thiết bị như máy POS để có thể kết nối trực tuyến với ngân hàng chủ quản và thực hiện các giao dịch theo thời gian thực, đảm bảo cho sự vận hành suôn sẻ của mô hình cũng như phục vụ tốt cho công tác quản lý và giám sát.

Ngoài ra, hiện nay các ngân hàng đều đã phát triển mạnh mẽ các ứng dụng E-banking, một số ngân hàng còn tự mình phát triển những nền tảng ngân hàng số, nên việc phát triển mô hình đại lý ngân hàng không chỉ để cung cấp các sản phẩm tài chính cơ bản, mà còn là tiền đề để gia tăng lượng khách hàng sử dụng E-banking hay ngân hàng số, hướng tới mục tiêu phát triển dịch vụ ngân hàng không chi nhánh trong tương lai.

Với việc đại lý ngân hàng được chọn thường là các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc, bưu điện hoặc cửa hàng bán lẻ xăng dầu, số lượng các doanh nghiệp có hệ thống phân phối đồng bộ, rộng khắp và đủ điều kiện để các ngân hàng lựa chọn làm đối tác không phải là số nhiều.

Trong khi một số ngân hàng có thể tận dụng mạng lưới của doanh nghiệp có quan hệ sẵn, đơn cử như Bắc Á có thể phát triển đại lý ngân hàng từ các cửa hàng TH Milk; TPBank với các tiệm vàng của Doji, thì các ngân hàng còn lại có thể phải cạnh tranh để lựa chọn những đối tác ưng ý, trong số những đối tác tiềm năng như chuỗi bán lẻ của Thế giới Di động, chuỗi nhà thuốc/bán lẻ của FTP, cửa hàng Vinamilk, các hệ thống cửa hàng tiện lợi, mạng lưới của MobiFone, VinaFone,…

Thực tế là trong Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, Chính phủ cũng nêu hướng nghiên cứu, tạo điều kiện cho các tổ chức không phải ngân hàng có mạng lưới rộng khắp hoặc địa bàn hoạt động tại vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trở thành đại lý của ngân hàng nhằm nhanh chóng mở rộng phạm vi các điểm cung ứng dịch vụ tài chính.

Tuy nhiên, cũng cần biết rằng trong hoạt động đại lý ngân hàng, ngoài mô hình ngân hàng làm chủ còn có mô hình các tổ chức phi ngân hàng làm chủ, với sự khác biệt chính ở chỗ tổ chức chủ quản đại lý là một tổ chức vận hành mạng viễn thông/điện thoại di động và thực hiện giao dịch thông qua tài khoản tiền điện tử của khách hàng thay vì tài khoản ngân hàng.

Với kế hoạch triển khai Mobile Money tại Việt Nam trong thời gian tới, không loại trừ khả năng mô hình thứ hai cũng sẽ được đẩy mạnh phát triển hơn, điều đã từng diễn ra tại nhiều quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Do đó, mạng lưới của MobiFone hay VinaFone có lẽ sẽ dành riêng để phục vụ cho chính kế hoạch phát triển tiền di động của các tổ chức này.

Trước tình thế này, các ngân hàng càng có động lực để nhanh chóng triển khai mô hình đại lý ngân hàng để đi trước một bước nhằm giữ vững thị phần. Rõ ràng không phải ngân hàng nào cũng có mạng lưới rộng khắp như Agribank hoặc có sẵn mạng lưới các bưu cục để sau đó nâng cấp thành phòng giao dịch như LienVietPost Bank, trong khi nhu cầu mở rộng thị phần vẫn là mục tiêu quan trọng, trước mắt là trong nước và sau đó có thể là vươn ra quốc tế.

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm Ngân hàng thương mại
  • 2. Các hoạt động của ngân hàng thương mại
  • 2.1 Hoạt động huy động vốn
  • 2.2 Hoạt động tín dụng
  • 2.3 Hoạt động dịch vụ thanh toán và ngân quỹ
  • 2.4 Các hoạt động khác
  • 3. Dịch vụ ngân hàng thương mại và dịch vụ ngân hàng bán lẻ
  • 3.1 Khái niệm dịch vụ ngân hàng thương mại
  • 3.2 Dịch vụ ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng thương mại
  • 3.2.1 Khái niệm dịch vụ ngân hàng bán lẻ
  • 3.2.2 Đặc điểm của dịch vụ ngân hàng bán lẻ
  • 4. Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ
  • 4.1 Huy động vốn
  • 4.2 Tín dụng bán lẻ
  • 4.3 Dịch vụ thanh toán
  • 4.4 Dịch vụ thẻ
  • 4.5 Dịch vụ bảo lãnh
  • 3.6 Dịch vụ khác

1. Khái niệm Ngân hàng thương mại

Ngân hàng thương mại đã hình thành và phát triển hàng trăm năm gắn liền với sự phát triển của kinh tế hàng hoá. Sự phát triển hệ thống Ngân hàng thương mại đã có tác động rất lớn và quan trọng đến quá trình phát triển của nền kinh tế hàng hoá. Ngược lại, khi kinh tế hàng hoá phát triển đến giai đoạn cao nhất là nền kinh tế thị trường thì Ngân hàng thương mại ngày càng được hoàn thiện và trở thành những định chế tài chính không thể thiếu được.

Theo Đạo luật của Ngân hàng Cộng hòa Pháp năm 1941 định nghĩa: “Ngân hàng thương mại là những cơ sở mà nghề nghiệp thường xuyên là nhận tiền bạc của công chúng dưới hình thức ký thác, hoặc dưới các hình thức khác và sử dụng nguồn lực đó cho chính họ trong các nghiệp vụ về chiết khấu, tín dụng và tài chính”.

Theo Luật các tổ chức tín dụng Việt Nam khoản 2 điều 20: “Ngân hàng là loại hình tổ chức tín dụng được thực hiện toàn bộ hoạt động của ngân hàng và các hoạt động kinh doanh khác có liên quan”.

Từ những định nghĩa trên về ngân hàng, có thể rút ra được ngân hàng thương mại là loại hình ngân hàng giao dịch trực tiếp với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và cá nhân thông qua nghiệp vụ tiền gửi, tiền tiết kiệm rồi sử dụng số vốn đó để cho vay, chiết khấu, cung cấp các phương tiện thanh toán và cung ứng các dịch vụ ngân hàng cho các đối tượng trên.

2. Các hoạt động của ngân hàng thương mại

2.1 Hoạt động huy động vốn

Ngoài nguồn vốn tự có, hoạt động huy động vốn có ý nghĩa quan trọng đối với ngân hàng thương mại trong việc tạo lập nguồn vốn để hoạt động kinh doanh. Trong hoạt động này, ngân hàng thương mại được sử dụng các công cụ và biện pháp mà pháp luật cho phép để huy động các nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội làm nguồn vốn tín dụng cho vay đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế. Hoạt động huy động vốn của ngân hàng thương mại bao gồm:

- Nhận tiền gửi và phát hành giấy tờ có giá.

- Vay vốn.

- Huy động vốn khác.

2.2 Hoạt động tín dụng

Hoạt động tín dụng là hoạt động cấu thành nên tài sản có và có ý nghĩa quan trọng đối với khả năng tồn tại và phát triển của mỗi ngân hàng. Hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại bao gồm:

- Cho vay.

- Chiết khấu, tái chiết khấu, cầm cố thương phiếu và các giấy tờ có giá.

- Bảo lãnh ngân hàng.

- Cho thuê tài chính.

2.3 Hoạt động dịch vụ thanh toán và ngân quỹ

- Dịch vụ cung ứng các phương tiện thanh toán

- Dịch vụ thanh toán trong nước cho khách hàng

- Dịch vụ thanh toán quốc tế và kinh doanh ngoại tệ, vàng bạc, đá quý.

- Thực hiện dịch vụ thu hộ, chi hộ các các tổ chức và cá nhân.

- Phát triển các sản phẩm ngân hàng điện tử

- Các sản phẩm khác như tư vấn tài chính, giữ hộ tài sản, thanh toán séc...

2.4 Các hoạt động khác

- Góp vốn đầu tư, mua cổ phần của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng khác từ nguồn vốn tự có để đa dạng hoá danh mục đầu tư, hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả kinh doanh.

- Tham gia thị trường tiền tệ: Thị trường đấu giá tín phiếu kho bạc, thị trường nội tệ và ngoại tệ liên ngân hàng, thị trường giấy tờ có giá ngắn hạn khác theo quy định của ngân hàng nhà nước.

- Hoạt động uỷ thác và đại lý liên quan đến hoạt động ngân hàng, kể cả việc quản lý tài sản, vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân theo hợp đồng.

- Hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

- Hoạt động dịch vụ chứng khoán.

- Các hoạt động khác như bảo quản vật quý hiếm, giấy tờ có giá, cho thuê két, dịch vụ cầm đồ và các dịch vụ khác theo quy định của Pháp luật.

3. Dịch vụ ngân hàng thương mại và dịch vụ ngân hàng bán lẻ

3.1 Khái niệm dịch vụ ngân hàng thương mại

Theo Tổ chức Thương mại thế giới [WTO], dịch vụ tài chính là bất kỳ dịch vụ nào có tính chất tài chính được cung cấp bởi nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Dịch vụ tài chính bao gồm mọi dịch vụ bảo hiểm và dịch vụ liên quan tới bảo hiểm, mọi dịch vụ ngân hàng và dịch vụ tài chính khác [ngoại trừ bảo hiểm]. Như vậy, dịch vụ ngân hàng được đặt trong nội hàm của dịch vụ tài chính.

Theo Hiệp định chung về thương mại dịch vụ [GATS]: dịch vụ ngân hàng là nhận tiền gửi, cho vay, cho thuê tài chính, chuyển tiền và thanh toán thẻ, séc,…, bảo lãnh và mua các công cụ thị trường tài chính, phát hành chứng khoán, môi giới tiền tệ, quản lý tài sản, dịch vụ thanh toán và bù trừ, cung cấp và chuyển giao thông tin tài chính, dịch vụ tư vấn, trung gian và hỗ trợ về tài chính.

Theo Luật các tổ chức tín dụng do NHNN ban hành, tại khoản 1 và khoản 7 - Điều 20, hoạt động kinh doanh tiền tệ và dịch vụ ngân hàng bao gồm cả 3 nội dung: nhận tiền gửi, cấp tín dụng và cung ứng dịch vụ thanh toán nhưng không phân biệt cụ thể lĩnh vực nào là kinh doanh tiền tệ, lĩnh vực nào là dịch vụ ngân hàng.

Kết hợp với thực tế cung cấp các dịch vụ ngân hàng tại các Ngân hàng thương mại Việt Nam, có thể thống nhất cách hiểu về dịch vụ ngân hàng như sau: Dịch vụ ngân hàng theo nghĩa rộng là toàn bộ các hoạt động tiền tệ, tín dụng, thanh toán, ngoại hối…của hệ thống ngân hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng và vì mục tiêu lợi nhuận.

3.2 Dịch vụ ngân hàng bán lẻ của Ngân hàng thương mại

3.2.1 Khái niệm dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Thuật ngữ “Ngân hàng bán lẻ” có từ gốc tiếng Anh là Retail banking. Theo nghĩa đen, cung cấp dịch vụ ngân hàng bán lẻ nghĩa là cung cấp các sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng với số lượng nhỏ. Nó ngược với bán buôn là việc cung cấp cho người trung gian với số lượng lớn.

Theo Tổ chức thương mại thế giới [WTO]: dịch vụ ngân hàng bán lẻ là loại hình dịch vụ điển hình của ngân hàng nơi mà khách hàng cá nhân có thể đến giao dịch tại những chi nhánh hoặc phòng/điểm giao dịch của các ngân hàng để thực hiện các dịch vụ như: tiền gửi tiết kiệm và kiểm tra tài khoản, thế chấp vay vốn, dịch vụ thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ và một số dịch vụ khác …

Theo các chuyên gia của học viện Công nghệ Châu Á – AIT: ngân hàng bán lẻ là ngân hàng cung ứng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tới từng cá nhân riêng lẻ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua mạng lưới chi nhánh, hoặc là việc khách hàng có thể tiếp cận trực tiếp với sản phẩm dịch vụ ngân hàng thông qua các phương tiện công nghệ thông tin, điện tử viễn thông.

Theo từ điển Ngân hàng và tin học: Retail banking – dịch vụ ngân hàng bán lẻ là dịch vụ ngân hàng dành cho đông đảo quần chúng, thường là một nhóm các dịch vụ tài chính gồm cho vay trả dần, vay thế chấp, tín dụng chứng khoán, nhận tiền gửi và các tài khoản cá nhân khác …

Vì vậy, có thể đi đến một định nghĩa thống nhất và khái quát về dịch vụ Ngân hàng bán lẻ như sau: dịch vụ ngân hàng bán lẻ có thể được hiểu là dịch vụ ngân hàng được cung ứng đến từng cá nhân riêng lẻ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua mạng lưới chi nhánh; hoặc khách hàng có thể tiếp cận trực tiếp với sản phẩm dịch vụ ngân hàng thông qua các phương tiện công nghệ thông tin, điện tử vi tính, hoạt động viễn thông.

3.2.2 Đặc điểm của dịch vụ ngân hàng bán lẻ

- Số lượng khách hàng lớn: Đối tượng phục vụ của ngân hàng bán lẻ là các khách hàng cá nhân, hộ gia đình, các DNNVV. Do đó, đối tượng phục vụ rất lớn, gồm nhiều thành phần trong xã hội, ngân hàng cũng phải tìm hiểu khách hàng là ai, cần gì để đưa ra những sản phẩm và chính sách chăm sóc khách hàng phù hợp nhất.

- Quy mô giao dịch: Số lượng các giao dịch lớn nhưng giá trị những khoản giao dịch lại nhỏ. Số lượng giao dịch lớn là do phạm vi khách hàng rộng, đa dạng; còn giá trị các khoản giao dịch nhỏ vì mục đích cung cấp dịch vụ chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng. Tuy nhiên, muốn mở rộng quy mô của giao dịch thì phải thu hút khách hàng bởi sự đa dạng về chủng loại giao dịch và có nhiều hình thức khuyến mại cũng như nhiều tiện ích đi kèm.

- Nhu cầu khách hàng mang tính thời điểm: Đối tượng khách hàng của ngân hàng bán lẻ chủ yếu là cá nhân. Nhóm khách hàng này không giống như các tổ chức kinh tế thường xuyên có nhu cầu đối với ngân hàng. Cá nhân thì ngược lại, nhu cầu của họ mang tính thời điểm do họ không biết trước được trong tương lai sẽ phát sinh nhu cầu gì như đi du học, mua xe ô tô, hoặc khi có những món tiền nhàn rỗi gửi vào ngân hàng…

- Độ phức tạp cao: Nền tảng các sản phẩm ngân hàng bán lẻ dựa vào sự hỗ trợ rất nhiều của hệ thống công nghệ hiện đại, độ phức tạp cao, các công nghệ mới như: Internet, mobile phone... Vì thế, đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải có kỹ năng và kiến thức để có thể ứng dụng tốt sản phẩm dựa trên nhiều công nghệ cao. Bên cạnh đó, những sản phẩm dịch vụ này cần độ bảo mật cao để đảm bảo an toàn trong mọi giao dịch ngân hàng cũng như quyền lợi của khách hàng. Đối với khách hàng, những sản phẩm dịch vụ của ngân hàng bán lẻ rất đa dạng và dựa trên công nghệ cao nên đòi hỏi phải có kiến thức nhất định để có thể sử dụng sản phẩm một cách hiệu quả nhất.

- Hệ thống kênh phân phối: Để cung ứng sản phẩm dịch vụ cho một phạm vi khách hàng rộng khắp, các ngân hàng cần phải có nhiều chi nhánh, địa điểm giao dịch, cùng số lượng nhân viên đủ để tiếp cận và đáp ứng nhu cầu lớn của khách hàng. Bên cạnh các kênh phân phối truyền thống, các NHBL hiện nay cần phát triển những kênh phân phối mới nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng và giảm chi phí cố định cho ngân hàng.

Trên cơ sở đó, dịch vụ Ngân hàng bán lẻ có thể được phân biệt với dịch vụ Ngân hàng bán buôn theo các tiêu chí sau:

4. Các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ

4.1 Huy động vốn

NHBL tập trung huy động nguồn vốn nhàn rỗi từ khu vực dân cư, hộ gia đình và những DNNVV. Tuy nhiên, nguồn tiền gửi huy động chủ yếu từ khách hàng cá nhân, hộ gia đình. Đây là nguồn tiền được sử dụng để tiết kiệm, thanh toán, chi trả các nhu cầu thông thường. Nguồn vốn huy động từ khu vực dân cư giữ vai trò hết sức quan trọng:

- Cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, đời sống dân cư ngày càng được cải thiện và điều này dẫn đến sự gia tăng tỷ lệ tiết kiệm trong dân cư. Từ đó, góp phần tạo nguồn vốn ổn định trong tương lai cũng như đảm bảo an toàn đối với thanh khoản của ngân hàng.

- Gia tăng giá trị các sản phẩm dịch vụ ngân hàng khác thông qua việc bán chéo các sản phẩm, đa dạng các kênh phân phối dịch vụ.

4.2 Tín dụng bán lẻ

Đây là sản phẩm truyền thống của NHTM, góp phần tăng thu nhập của các ngân hàng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội, tỷ trọng cho vay bán lẻ trong tổng dư nợ vay của các NHTM ngày càng cao. Điều này đồng nghĩa với việc gia tăng nguồn thu nhập ổn định cho ngân hàng.

Dịch vụ tín dụng bán lẻ bao gồm: cho vay cá nhân [như cho vay du học, cho vay mua nhà trả góp, cho vay mua ô tô, bất động sản…], cho vay hộ gia đình và cho vay các DNNVV [cho vay từng lần, cho vay thấu chi, cho vay theo hạn mức...].

Đặc điểm của sản phẩm tín dụng bán lẻ:

- Sự phát triển của kinh tế xã hội và quy mô dân số ngày càng tăng nên nhu cầu đối với sản phẩm này không ngừng mở rộng và đầy tiềm năng.

- Khả năng trả nợ đôi lúc có biến động lớn khi điều kiện làm việc và sức khỏe của khách hàng thay đổi. Khả năng bù đắp từ các nguồn khác trong trường hợp có thể xảy ra hầu như không có. Ngân hàng cần có những biện pháp phòng ngừa để hạn chế rủi ro.

- Giá trị từng món vay thường nhỏ lẻ, phân tán nên làm gia tăng chi phí quản lý của ngân hàng đối với từng khoản vay này.

- Việc tư vấn, thẩm định và đánh giá khách hàng đòi hỏi cán bộ ngân hàng phải hiểu đa dạng các sản phẩm bán lẻ liên quan cũng như có kinh nghiệm trong nghiệp vụ chuyên môn.

4.3 Dịch vụ thanh toán

Trong nền kinh tế ngày càng phát triển và toàn cầu hóa, dịch vụ thanh toán luôn giữ vai trò quan trọng trong mọi hoạt động giao dịch giữa khách hàng và ngân hàng, giữa các ngân hàng và giữa các khách hàng với nhau. Hiện ngân hàng đang cung cấp dịch vụ thanh toán cho các khách hàng có tài khoản giao dịch tại ngân hàng bao gồm tài khoản tiền gửi thanh toán và tiền gửi tiết kiệm dưới nhiều hình thức. Khi đó, khách hàng được đáp ứng các nhu cầu thanh toán thông qua các sản phẩm dịch vụ ngân hàng như: thanh toán séc, ủy nhiệm chi, lệnh chuyển tiền…

- Séc là lệnh chuyển tiền vô điều kiện của người phát hành lập trên mẫu in sẵn theo quy định, yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán trích một số tiền từ tài khoản tiền gửi của mình để trả cho người thụ hưởng có tên ghi trên séc hoặc trả cho người cầm séc. Séc có thể sử dụng để lĩnh tiền mặt trực tiếp từ ngân hàng [séc lĩnh tiền mặt], hoặc dùng để thanh toán cho người bán thay vì trả trực tiếp bằng tiền mặt [séc bảo chi, séc chuyển khoản].

- Ủy nhiệm thu, ủy nhiệm chi, nhờ thu, chuyển tiền, thanh toán L/C… là những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt truyền thống của các Ngân hàng thương mại.

Với việc cung cấp các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, NHTM đem đến cho các cá nhân, hộ gia đình và DNNVV nhiều tiện ích trong việc thanh toán. Vì vậy, NHTM có thể tăng thêm thu nhập từ thu phí dịch vụ và là tiền đề để phát triển các dịch vu khác đi kèm như: thẻ ATM, Internet – Banking, BIDV mobile …

4.4 Dịch vụ thẻ

Dịch vụ thẻ là một trong những nguồn thu phí dịch vụ quan trọng của ngân hàng. Bên cạnh các dịch vụ thanh toán khác, thẻ ngân hàng đang được khách hàng sử dụng như một công cụ thanh toán thông minh và ngày càng đáp ứng các nhu cầu thông thường của khách hàng. Thẻ có thể sử dụng để rút tiền, gửi tiền, cấp tín dụng, thanh toán hoá đơn dịch vụ hay để chuyển khoản. Ngoài ra, thẻ cũng được sử dụng cho nhiều dịch vụ phi tài chính như truy vấn thông tin tài khoản, các khoản chi phí sinh hoạt…

Việc phân loại thẻ thanh toán có thể dựa trên một trong các tiêu chí sau:

- Xét theo tính chất thanh toán:

+ Thẻ tín dụng [credit card]: cho phép chủ thẻ sử dụng một hạn mức tín dụng để mua sắm hàng hóa, dịch vụ tại những đơn vị kinh doanh [nhà hàng, khách sạn, siêu thị, đại lý vé máy bay…]. Các thẻ này thường do các tổ chức quốc tế phát hành [Visa, Master …] hoặc các ngân hàng trong nước liên kết phát hành.

+ Thẻ ghi nợ [Debit card]: là loại thẻ có quan hệ trực tiếp và gắn liền với tài khoản thanh toán của chủ thẻ. Khách hàng chỉ có thể thanh toán, rút tiền mặt… khi có số dư trong tài khoản.

- Xét theo phạm vi lãnh thổ:

+ Thẻ quốc tế: là loại thẻ được chấp nhận trên thế giới và sử dụng ngoại tệ mạnh để thanh toán. Hiện nay, phổ biến là các loại thẻ mang thương hiệu Visa, Master.

+ Thẻ nội địa: do các ngân hàng hoặc tổ chức của 1 quốc gia phát hành và chỉ được chấp nhận thanh toán tại quốc gia đó với đơn vị tiền tệ của quốc gia có ngân hàng phát hành thẻ trên.

- Xét theo công nghệ phát hành:

+ Thẻ khắc chữ nổi: dựa trên công nghệ khắc chữ nổi. Loại thẻ này hiện không còn được sử dụng vì dễ bị giả mạo.

+ Thẻ băng từ: dựa trên kỹ thuật thư tín với hai băng từ chứa thông tin đằng sau mặt thẻ. Loại thẻ này không được áp dụng kỹ thuật mã hóa, chứa ít dữ liệu và không bảo mật được thông tin.

+ Thẻ thông minh: đây là loại thẻ đang được các ngân hàng tích cực triển khai do áp dụng công nghệ chip điện tử và gia tăng tính bảo mật thông tin cho khách hàng.

4.5 Dịch vụ bảo lãnh

Bảo lãnh ngân hàng là cam kết của ngân hàng bảo lãnh được lập trên một văn bản để cam kết với bên có quyền [gọi là bên thụ hưởng bảo lãnh]. Đây là hình thức tín dụng bằng văn bản, không thực hiện giải ngân ngay khi phát hành nhưng mức độ rủi ro không thấp và tùy vào từng loại hình bảo lãnh. Dịch vụ bảo lãnh đáp ứng chủ yếu nhu cầu của DNNVV. Một số loại hình bảo lãnh: bảo lãnh dự thầu, thực hiện hợp đồng, hoàn tiền ứng trước, thanh toán, bảo hành…; trong đó bảo lãnh thanh toán có mức độ rủi ro tương đương một khoản vay thông thường.

3.6 Dịch vụ khác

Cùng với việc phát triển nhanh chóng của CNTT, các sản phẩm dịch vụ ngân hàng cũng từng bước được hiện đại hóa. Nhiều ngân hàng đã cho ra đời các sản phẩm dịch vụ ngân hàng hiện đại với nhiều tiện ích nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của các khách hàng là cá nhân, hộ gia đình và DNNVV. Một số sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ điển hình đang triển khai mạnh trong thời gian qua như:

- Dịch vụ tư vấn tài chính: ngân hàng có thể cung cấp các dịch vụ tư vấn dựa trên khối lượng thông tin và trình độ cán bộ được đào tạo chuyên sâu về nghiệp vụ. Một số lĩnh vực tư vấn cung cấp cho khách hàng như: tư vấn thuế, tư vấn thành lập doanh nghiệp, tư vấn đầu tư bất động sản, tư vấn cho hoạt động kinh doanh chứng khoán….

- Dịch vụ quản lý ủy thác đầu tư: ngân hàng sẽ thay mặt khách hàng đứng tên trên các danh mục đầu tư và giải quyết các vấn đề phát sinh…

- Dịch vụ ngân hàng tự động qua điện thoại [Mobile Banking]: khách hàng có thể kiểm tra số dư tài khoản, kiểm tra các giao dịch gần nhất, nghe các thông tin về tỷ giá và lãi suất, yêu cầu ngân hàng gửi fax các bản sao kê, tỷ giá, lãi suất cho khách hàng.

- Dịch vụ ngân hàng qua Internet [Internet Banking]: khách hàng có thể xem thông tin về sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng; truy vấn số dư tài khoản; thực hiện các giao dịch chuyển tiền và yêu cầu các dịch vụ khác liên quan đến ngân hàng…

Trân trọng!

Bộ phận tư vấn pháp luật dân sự- Công ty Luật Minh Khuê

Video liên quan

Chủ Đề