Bình gas và ống ga cái nào an toàn hơn

Hiện nay, bếp gas đang được dùng khá phổ biến trong nấu ăn, do việc sử dụng bếp gas rất thuận lợi, sạch sẽ, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật chế biến các món ăn; đặc biệt là các món ăn có yêu cầu gia nhiệt cao...

Bình gas và ống ga cái nào an toàn hơn

Lữ đoàn 144 (BTTM) đã nhiều năm sử dụng bếp gas an toàn, hiệu quả. Ảnh: Đình Thảo

Hiện nay, bếp gas đang được dùng khá phổ biến trong nấu ăn, do việc sử dụng bếp gas rất thuận lợi, sạch sẽ, đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật chế biến các món ăn; đặc biệt là các món ăn có yêu cầu gia nhiệt cao. Tuy nhiên, nếu sử dụng không đúng qui trình kỹ thuật sẽ gây lãng phí gas, dễ xảy ra cháy, nổ, mất an toàn cho người sử dụng. Thực tế trong một số năm gần đây cho thấy, cả nước ta có tới hàng trăm vụ cháy nổ bình gas, gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Để giúp các đơn vị và gia đình sử dụng bếp gas tiết kiệm, an toàn, hiệu quả, chúng tôi cung cấp một số thông tin và qui trình kỹ thuật cơ bản khi sử dụng bếp gas như sau:

Bếp gas sử dụng chất đốt là khí dầu mỏ hóa lỏng, thành phần gồm propan (C3H8) và butan (C4H10). Khí gas hóa lỏng không màu, không mùi, không độc, nhưng được pha thêm chất etylmecaptan có mùi đặc trưng để người sử dụng dễ phát hiện khi khí gas rò rỉ. Khi nhiệt độ môi trường tăng thì áp suất của gas trong bình cũng tăng và ngược lại. áp suất gas trong bình dao động trong khoảng từ 4 ¸ 7 kg/cm2. Tỉ trọng của khí gas nặng hơn không khí từ 1,5 ¸ 2 lần, nên khi gas bị rò rỉ sẽ bị tích tụ trong không khí ở tầng thấp. Đặc biệt lưu ý, gas rất dễ bắt cháy khi gặp tia lửa điện, nguồn nhiệt cao hoặc khi nhiệt độ môi trường đạt đến nhiệt độ cháy của gas. Chính vì vậy, để bảo đảm sử dụng bếp gas an toàn và hiệu quả, cần làm tốt một số quy trình kỹ thuật sau:

Cách lắp đặt bình gas, ống dẫn, bếp gas

Bếp và bình gas phải đặt ở vị trí bằng phẳng, chắc chắn, nơi có không gian thoáng rộng. Bình gas đặt thấp hơn bếp để gas lưu thông đến bếp được tốt và tránh đọng gas dưới đáy bình khi sử dụng gần hết bình gas. Bình gas để cách xa bếp gas và các nguồn nhiệt, tia lửa điện (bếp lửa, công tắc, phích cắm điện) tối thiểu 1,5m. Với bếp ăn tập thể thường sử dụng nhiều bình gas lớn nên cần phải thiết kế một khu riêng ở bên ngoài khu vực nấu để đặt bình gas. Bếp gas phải đặt cách tường hoặc các vật chắn khác ít nhất 15 ¸ 20cm và xa các vật liệu dễ cháy nổ, tránh gió lùa trực tiếp để bảo đảm an toàn, hiệu quả trong quá trình sử dụng. Ống dẫn gas được nối từ bình gas chứa đến họng lửa của bếp. Với nhà ăn tập thể, do nhu cầu nấu ăn lớn nên phải lắp nhiều bình gas, bếp gas. Do vậy nên lắp kết hợp giữa đường ống dẫn gas bằng kim loại và ống mềm, có van khoá tổng và van khoá nhánh đến từng bếp nấu, giúp người sử dụng thuận tiện trong quá trình nấu nướng. ống dẫn gas bằng kim loại phải chống được han rỉ, sự ăn mòn của gas. ống dẫn gas mềm nên dùng ống cao su lưu hóa, không được dùng ống làm bằng chất dẻo (PVC, PE) vì loại này dễ bị lão hóa, hư hỏng do tác động cơ học, nhiệt độ cao và dễ bị cháy. Khi lắp ống dẫn gas, các khớp nối phải bảo đảm kín khít, gắn chặt hai đầu ống bằng dụng cụ kẹp ống; lắp ống cao su dẫn gas không được chạm vào các bộ phận của bếp để tránh sự tác động cơ học.

Cách sử dụng bếp gas an toàn

Trước hết, khi mua bình gas cần chọn đại lý chính hãng, có uy tín, có địa chỉ cụ thể, rõ ràng. Khi nhận gas, phải kiểm tra tem niêm phong trên nắp bình gas; tem chính hãng được in bằng công nghệ laser nên các hoa văn rất sắc nét, không nhòe, không bị nhăn. Tuyệt đối không sử dụng các bình gas quá hạn hoặc bị rỉ sét do ăn mòn kim loại, van khóa rơ lỏng.

Khi đang thay bình gas, tuyệt đối không được sử dụng hoặc vận hành các thiết bị có thể phát sinh ra tia lửa ở gần như: bật lửa, diêm quẹt, sử dụng các ổ cắm điện, hút thuốc, khởi động mô tô, xe máy… vì dễ làm gas bắt lửa, cháy. Cần giám sát chặt chẽ quá trình thay gas của nhân viên bán hàng trong việc lắp đặt đúng kỹ thuật bình gas, van điều áp, ống dẫn gas, các khớp nối và họng lửa, mâm chia lửa.

Trước khi dùng bếp, người sử dụng cần thực hiện đúng qui trình mở, tắt bếp an toàn để phòng ngừa rò rỉ gas. Khi mở bếp, phải mở van ở đầu bình gas trước (chỉ cần vặn 1 đến 2 vòng); đối với bếp ăn sử dụng nhiều bếp gas phải mở van khoá gas tổng rồi mở van nhánh, sau đó mới mở van của từng bếp. Khi tắt bếp, khóa van đầu bình gas trước, sau đó khoá van tổng, rồi van nhánh (đối với bếp ăn sử dụng nhiều bếp gas), chờ ngọn lửa ở bếp tắt hẳn rồi mới khóa van. Thực hiện đúng trình tự thao tác trên để tránh hiện tượng khí gas vẫn còn trong ống dẫn. Trong thực tế, do phải làm nhiều động tác, người sử dụng thường ngại đóng mở van bình gas, nên van khoá bình gas luôn mở, đường dẫn gas luôn có gas, dễ gây mất an toàn. Quá trình nấu ăn, phải thường xuyên có người trực tại bếp để kịp thời xử trí các sự cố xảy ra gây thoát gas như: nước trong nồi nấu tràn xuống bếp; gió lùa làm tắt bếp nhưng khoá gas của bếp vẫn mở. Sau khi kết thúc nấu ăn, cần kiểm tra lại các van khoá bình, bếp gas để bảo đảm an toàn.

Quá trình sử dụng, nếu thấy bếp gas cháy không bình thường hoặc bị tắt, cần khóa van bình gas ngay, rồi tiến hành kiểm tra an toàn bếp, bình gas và ống dẫn, van điều áp, khớp nối, họng lửa, mâm chia lửa. Vì hỏng bất kỳ bộ phận nào của bếp cũng làm gas bị thoát ra ngoài theo mức độ khác nhau. Đặc biệt chú ý, đối với bếp gas mini không nên dùng nồi nấu có diện tích đáy lớn hơn bệ bếp vì ngọn lửa có thể trùm xuống bình gas, làm tăng nhiệt gây cháy, nổ.

Người sử dụng bếp gas phải biết cách phát hiện và xử trí trường hợp rò rỉ gas. Nếu ngửi thấy mùi gas, nhanh chóng khóa van ở đầu bình gas. Tuyệt đối không được làm phát sinh tia lửa, như: bật công tắc đèn, cầu dao điện, khởi động xe máy, gọi điện thoại di động, hút thuốc lá; tắt các nguồn nhiệt ở khu vực xung quanh. Mở hết các cửa trong nhà để tản khí gas ra ngoài, sau đó kiểm tra độ kín của các van gas, ống dẫn, các khớp nối bằng cách quét nước xà phòng; tuyệt đối không được dùng ánh sáng lửa để tìm vị trí gas rò rỉ.

Nguyên nhân gây rò rỉ gas thường gặp là: dây dẫn gas dùng lâu ngày bị lão hóa, bị chuột cắn hoặc bị các tác động cơ học gây thủng, nứt dây; các khớp nối ống dẫn lắp chưa được lắp kín khít; do van khoá gas dùng lâu ngày bị mòn hoặc do tác động cơ học làm hư hỏng. Do vậy, cần phải kiểm tra định kỳ dây dẫn gas, các khớp nối dây dẫn, các van khoá gas để kịp thời phát hiện hư hỏng; không sử dụng ống dẫn gas đã mòn, cũ, mất độ đàn hồi vì dễ gây rò rỉ gas. Đối với bếp ăn sử dụng hệ thống bình, bếp gas, người sử dụng cần chú ý tới van điều áp, vì van này chịu sức ép của áp suất gas đi qua dây dẫn vào bếp; nhiều trường hợp van dùng quá lâu sẽ gây ra hiện tượng rò rỉ gas hoặc gãy van gây nguy cơ cháy nổ cao. Để sử dụng bếp gas, bình gas an toàn, tốt nhất nên kiểm tra van định kỳ từ 6 tháng -1 năm/lần. Tốt nhất nên thay thế theo khuyến cáo của nhà sản xuất: khoảng 2 ¸ 3 năm đối với ống dẫn gas, 5 năm đối với van điều áp.

Cách sử dụng bếp gas hiệu quả

Để sử dụng bếp gas bảo đảm an toàn, tiết kiệm gas khi đun nấu, ngoài việc đặt bình, bếp và thực hiện đúng qui trình kỹ thuật trong vận hành người sử dụng cần làm tốt một số nội dung sau:

Nên sơ chế lương thực, thực phẩm xong rồi mới bật bếp để quá trình đun nấu được liên tục; hạn chế bật bếp, tắt bếp sẽ giảm được lượng hơi gas thoát ra ngoài. Điều chỉnh độ cao ngọn lửa hợp lý sẽ nâng cao hiệu suất đun nấu và tiết kiệm gas. Ngọn lửa bếp gas được chia làm 3 phần: trên, giữa và dưới; trong đó phần giữa của ngọn lửa có nhiệt độ cao nhất, đây cũng là phần tiếp xúc trực tiếp với nồi. Vì vậy, cần điều chỉnh cho ngọn lửa cháy vừa đủ quanh đáy nồi, có thể dùng lưới chuyên dùng quây quanh nồi để nâng cao hiệu suất sử dụng nhiệt.

Khi đun nấu, thấy hiện tượng ngọn lửa có màu vàng hoặc đang cháy thì bị tắt; ngọn lửa cháy bùng lên kèm theo tiếng phựt lửa là do thiếu hoặc thừa không khí hòa trộn với khí gas để thực hiện phản ứng cháy, cần điều chỉnh bộ phận cung cấp không khí (lá gió) ở đầu ngoài của họng lửa đến khi ngọn lửa có màu xanh là được; do bếp đặt không thăng bằng, họng lửa, mâm chia lửa lắp chưa đúng vị trí hoặc bị tắc bẩn, cần kiểm tra tháo rời, dùng bàn chải đánh rửa sạch, lau khô rồi lắp lại đúng vị trí; do bếp sử dụng lâu ngày, họng lửa bị han rỉ, thủng rách, mâm chia lửa bị nhiệt làm cong vênh, mất độ khít nên cần thay thế kịp thời. Hiện tượng gas không bắt lửa khi bật công tắc, cần tiến hành kiểm tra bộ phận đánh lửa, nếu bị bẩn thì dùng vải khô để lau sạch.

Tóm lại, để sử dụng bếp gas an toàn và hiệu quả, người sử dụng cần thao tác đúng qui trình kỹ thuật, kịp thời khắc phục hư hỏng thông thường và xử trí an toàn khi gas bị rò rỉ nhằm phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.