Bị quá tải công việc tiếng anh là gì

Có người cho rằng, khi cảm thấy bị quá tải tức là thời điểm vàng để tăng giới hạn của bản thân. “Không có áp lực, không có kim cương”, thế nhưng liệu từ một nguyên liệu thô có kịp trở thành viên kim cương trước khi chúng ta – những người thợ kim hoàn gục ngã bởi sự đè nén của áp lực?

Kiên trì, bền bỉ, không ngại gian khổ là những phẩm chất tốt giúp mang đến sự thành công. Tuy nhiên khi cơ thể đã mệt nhoài, dù bạn cố gắng đến mấy cũng không thể đáp ứng công việc một cách hiệu quả. Trong thời gian này bạn hãy cùng YouMed tìm hiểu về 5 dấu hiệu cảnh báo bạn đang bị quá tải trong công việc để điều chỉnh kịp thời nhé!

1. Thư giãn một cách mệt mỏi

Mệt mỏi khi thư giãn là một dấu hiệu điển hình khi làm việc quá sức, hay thậm chí là kiệt sức. Điều này xuất phát chủ yếu từ việc cơ thể luôn trong trạng thái phải hoạt động, và khóa mình trong chế độ sẵn sàng liên tục để có thể xử lý những vấn đề phát sinh trong công việc. Tình trạng này thường xảy ra khi bạn đang thực hiện một công việc căng thẳng, hay đòi hỏi nhiều thời gian làm xóa nhòa đi ranh giới giữa công việc và cuộc sống cá nhân.

Bạn có thể gặp khó khăn khi thư giãn vì lý do khá đơn giản, bạn không thể có thời gian cho việc này. Sự thư giãn thường là một vấn đề luôn bị đánh giá thấp. Để hoạt động với hiệu suất cao nhất trong công việc, bạn cần có những khoảng thời gian thư giãn thường xuyên để sạc lại năng lượng cho cơ thể. Điều này giúp làm mới thể chất và tâm trí để hoàn thành tốt công việc của mình.

2. Mất đi động lực làm việc

Cho dù bạn yêu thích công việc của mình đến đâu, nếu không học hỏi được thêm hay công việc trở nên quá sức, niềm vui đó sẽ bắt đầu phai nhạt. Khi quá tải trong công việc, bạn thường cảm thấy ít động lực hơn để hoàn thành những nhiệm vụ được giao.

Mọi thứ gần như đều có mức độ tăng dần. Ban đầu bạn trì hoãn, lười bắt đầu công việc, hay thậm chí ngán ngẩm, chán ghét công việc mình đã từng yêu thích. Sau cùng là cảm giác chỉ cần bước chân lên đến vị trí ngồi làm việc cũng đủ khiến bạn bức bối đến nhường nào.

3. Cảm giác luôn thiếu thời gian

Nhiều công việc yêu cầu bạn phải thực hiện khối lượng của hai hoặc ba người. Điều này thường xảy ra các các công ty nhỏ, có đội ngũ nhân viên ít, hoặc đồng nghiệp của bạn vừa nghỉ và cần có người san sẻ khối lượng công việc tồn đọng.

Một dấu hiệu điển hình mà bạn thường cảm nhận được, chính là gần như phải làm việc mọi lúc mọi nơi. Bạn không thể hoàn thành tất cả các công việc của mình trong vòng 8 tiếng hành chính thông thường và buộc phải làm việc ngoài giờ [overtime] tại văn phòng hoặc tại nhà.

Có những công ty sẽ hỗ trợ thêm chi phí nếu bạn làm việc ngoài giờ. Nhưng cũng có công ty cho rằng đó là nghĩa vụ và trách nhiệm phải hoàn thành, và bạn không nhận được thêm sự hỗ trợ nào. Những lợi ích và thu nhập thêm phụ thuộc vào điều khoản bạn thảo luận trước khi bắt đầu làm việc tại công ty.

4. Khó tập trung, mau quên

Hầu hết các công ty đều đào tạo rõ quy trình và cách thức thực hiện công việc về mặt chuyên môn. Khi bạn bắt đầu quen việc, danh sách việc làm sẽ bắt đầu tăng lên. Chẳng hạn như thông thường, bạn cần thực hiện 5 công việc trong một ngày, nhưng tuần kế tiếp bạn lại phải đảm nhận thêm 2 – 3 công việc nữa.

Và cứ thế công việc tăng dần cho đến khi bạn chẳng thể tự quản lý công việc chính mình, không biết bắt đầu từ đâu trong ngày mới. Bạn bắt đầu lãng quên nhẹ và thiếu tập trung, sau cùng là tình trạng không thể hoàn thành công việc đúng kỳ hạn và mọi thứ bắt đầu chồng chất.

Khi làm việc quá sức, đôi khi tâm trí của bạn bù đắp bằng cách đưa bạn ra khỏi công việc ngày càng thường xuyên hơn. Nếu bạn mơ mộng hay suy nghĩ miên man ngoài công việc, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy tâm trí của bạn đang bảo vệ khỏi sự căng thẳng.

5. Sức khỏe đang xấu đi rõ rệt

Sức khỏe của bạn sẽ có các ảnh hưởng bao gồm:

  • Giảm cân: Bạn căng thẳng đến nỗi không muốn ăn.
  • Tăng cân: Bạn không còn thời gian tập thể dục hoặc ăn uống đúng thời điểm.
  • Dễ mắc bệnh: Stress khiến cơ thể bạn dễ dàng mắc bệnh hơn.
  • Suy nhược cơ thể: Bạn thường xuyên mệt mỏi, ngay cả vào những ngày không làm việc.
  • Tâm trạng “đi xuống”: Sự quan tâm của bạn đối với tất cả mọi thứ xung quanh như gia đình, bạn bè gần như không có.

Một số mẹo nhỏ có thể giúp bạn xử lý khi bị quá tải trong công việc bao gồm:

• Sắp xếp công việc theo thứ tự: Bạn hãy ưu tiên sắp xếp thứ tự công việc theo thời gian và mức độ quan trọng.

• Thư giãn khi cần: Khi cảm thấy mệt mỏi, bạn có thể dành ra từ 10 – 15 phút để thả lỏng cơ thể, nghe nhạc hay đi ăn cùng đồng nghiệp.

• Nhờ sự hỗ trợ: Bạn có thể nhờ đồng nghiệp hỗ trợ, san sẻ thực hiện công việc khi không thể hoàn toàn đúng hạn.

• Trò chuyện cùng sếp: Bạn nên trao đổi về những vấn đề đang gặp phải cùng sếp để tìm ra hướng giải quyết chung. Tuy nhiên, bạn cần lưu ý không nên than vãn hay chỉ trích.

Có rất nhiều lý do vì sao lượng công việc tăng lên dồn dập khiến bạn bị quá tải, người cho rằng họ được công ty tin tưởng và giao thêm những trọng trách nhằm chuẩn bị đà thăng tiến tiếp theo. Người lại nghĩ khác rằng công ty đang cố gắng “vắt” hết sức những chi phí họ bỏ ra để tuyển dụng bạn. Dù sự thật nằm ở đâu đi chăng nữa, khi cảm thấy đuối sức, quá tải trong công việc, bạn hãy cất lên tiếng nói của chính mình để tự bảo vệ quyền lợi bản thân nhé!

Chủ Đề