Xử lý đất ô nhiễm thuốc bảo vệ thực vật

Thuốc bảo vệ thực vật [BVTV] có khả năng ngăn chặn sâu bệnh một cách nhanh chóng và mạnh mẽ, mang lại hiệu quả rõ rệt, ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, chất lượng cây trồng. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, việc lạm dụng hoặc sử dụng chúng không đúng phương pháp đã và đang gây ra hậu quả nghiêm trọng. Sau khi được đưa vào sử dụng, thuốc BVTV đã để lại một lượng tồn dư khá lớn trong đất, nước, không khí và cây trồng. Lượng thuốc này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường sinh thái cũng như sức khỏe con người. Phân tích số liệu thu được từ điều tra, kết quả phân tích hàm lượng hóa chất BVTV được tích lũy trong đất trồng rau qua nhiều vụ cho thấy: các thuốc BVTV thường được dùng như Fenobucarb, Cartap, Dimethoate, Trichlorphon,… Lượng dung dịch dùng cho 1 lần phun lên đến hàng nghìn lít/ha. Lượng thuốc BVTV ngấm vào đất trong 1 vụ cũng không nhỏ, lên tới hàng nghìn lít/ha. Biện pháp phân huỷ hợp chất hóa học bằng tác nhân sinh học dựa trên cơ sở sử dụng nhóm vi sinh vật có sẵn môi trường đất, các sinh vật có khả năng phá huỷ sự phức tạp trong cấu trúc hoá học và hoạt tính sinh học của các loại thuốc hóa học. Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng trong môi trường đất quần thể vi sinh vật trong môi trường đất luôn luôn có khả năng thích nghi đối với sự thay đổi điều kiện sống.

 

Hình 1: Người dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cho vườn rau

Việc loại bỏ có hiệu quả tồn dư hợp chất bảo vệ thực vật là một trong các khó khăn chính mà nền nông nghiệp phải đối mặt. Vi sinh vật đất được biết đến như những cơ thể có khả năng phân huỷ rất nhiều hợp chất hóa học dùng trong nông nghiệp. Trong những năm gần đây xu hướng sử dụng vi sinh vật để phân huỷ lượng tồn dư các chất trừ sâu một cách an toàn được chú trọng nghiên cứu. Phân huỷ sinh học tồn dư hợp chất bảo vệ thực vật trong đất, nước, rau quả là một trong những phương pháp loại bỏ nguồn gây ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng và nền kinh tế. Theo tiến sĩ Phạm Văn Toản - Trưởng bộ môn vi sinh vật [VSV] [Viện Khoa học kỹ thuật Nông nghiệp Việt Nam] cho biết: Từ lâu, các nhà khoa học trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu và đánh giá ảnh hưởng của dư lượng thuốc BVTV đối với môi trường, đồng thời, cũng tiến hành nghiên cứu tìm ra các giải pháp xử lý lượng tồn dư thuốc BVTV trong đất sau mỗi vụ trồng với mong muốn hạn chế được những ảnh hưởng xấu của nó. Cho đến nay, nhiều phương pháp lý, hóa học để xử lý tồn dư thuốc BVTV trong đất đã và đang được tiến hành tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, các biện pháp đó thường đòi hỏi chi phí đầu tư cao, vận hành phức tạp, mặt khác thường gây ô nhiễm thứ cấp đối với không khí và nguồn nước ngầm. Cùng với những tiến bộ vượt bậc của khoa học và công nghệ, xu hướng xử lý tồn dư thuốc BVTV trong đất trồng bằng phương pháp sinh học đang được nhiều nhà khoa học trên thế giới và Việt Nam quan tâm nghiên cứu.

 

Hình 2: Vi khuẩn

Ở trong đất, thuốc trừ sâu bị phân huỷ thành các hợp chất vô cơ nhờ các phản ứng ôxy hoá, thuỷ phân, khử oxy xảy ra ở mọi tầng đất và tác động quang hoá xảy ra ở tầng đất mặt. Tập đoàn vi sinh vật đất rất phong phú và phức tạp. Chúng có thể phân huỷ hợp chất bảo vệ thực vật và dùng thuốc như là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng, cung cấp cacbon, nitơ và năng lượng để chúng xây dựng cơ thể. Qúa trình phân huỷ của vi sinh vật có thể gồm một hay nhiều giai đoạn, để lại các sản phẩm trung gian và cuối cùng dẫn tới sự khoáng hóa hoàn toàn sẩn phẩm thành CO2, H2O và một số chất khác. Một số loại thuốc thường chỉ bị một số loài vi sinh vật phân huỷ. Nhưng có một số loài vi sinh vật có thể phân huỷ được nhiều hợp chất bảo vệ thực vật trong cùng một nhóm hoặc ở các nhóm thuốc khá xa nhau. Các nghiên cứu cho thấy trong đất tồn tại rất nhiều nhóm vi sinh vật có khả năng phân huỷ các hợp chất lân hữu cơ, ví dụ như nhóm Bacillus mycoides, B.subtilis, Proteus vulgaris,…, đó là những vi sinh vật thuộc nhóm hoại sinh trong đất.

Rất nhiều vi sinh vật có khả năng phân huỷ 2,4-D, trong đó có Achrombacter, Alcaligenes, Corynebacterrium, Flavobaterium, Pseudomonas,… Yadav J. S và cộng sự đã phát hiện nấm Phanerochaete chrysosporium có khả năng phân huỷ 2,4- D và rất nhiều hợp chất hữu cơ quan trọng có cấu trúc khác như Clorinated phenol, PCBs, Dioxin, Monoaromatic và Polyaromatic hydrocacbon, Nitromatic. Năm 1974, Type and Finn đã báo khả năng thích nghi và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật như nguồn dinh dưỡng cacbon của một số chủng Pseudomonas sp. khi chúng phát triển trên môi trường có chứa 2,4 -Dichlorophenoxy acetic axit và 2,4-dichphenol. Năm 1976, Franci và cộng sự đã nghiên cứu về khả năng chuyển hoá DDT Analogues của chủng Pseudomonas sp. Năm1977, Doughton và Hsieh khi nghiên cứu sự phân huỷ parathion như một nguồn dinh dưỡng thì quá trình phân huỷ diễn ra nhanh hơn.

Qúa trình phân hủy các hợp chất bảo vệ thực vật của sinh vật đất đã xảy ra trong môi trường có hiệu suất chuyển hoá thấp. Để tăng tốc độ phân huỷ thuốc trừ sâu và phù hợp với yêu cầu xử lý, người ta đã tối ưu hoá các điều kiện sinh trưởng và phát triển của vi sinh vật như: pH, môi trường, độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng, độ thoáng khí, bổ xung vào môi trường đất chế phẩm sinh vật có khả năng phân huỷ hợp chất bảo vệ thực vật. Một số trở ngại có thể sử dụng vi sinh vật trong xử lý sinh học là những điều kiện môi trường tại nơi cần xử lý, như sự có mặt của các kim loại nặng độc, nồng độ các chất ô nhiễm hữu cơ cao có thể làm cho vi sinh vật tự nhiên không phát triển được và làm chết vi sinh vật đưa vào, giảm đáng kể ý nghĩa đáng ý nghĩa thực tế của xử lý sinh học.

Có những nghiên cứu mới mở rộng khả sử dụng vi sinh vật để xử lý ô nhiễm môi trường. Một ví dụ sử dụng các chủng vi sinh vật kháng các dung môi hữu cơ ở nồng độ rất cao. Ngoài ra, với những kỹ thuật sinh học phân tử hiện đai có thể tạo ra những chủng vi khuẩn có khả năng phân huỷ đồng thời nhiều hoá chất độc hại mà không yêu cầu điều kiện nuôi cấy phức tạp và không gây hại cho động thực vật cũng như con người. Phương pháp này sẽ được ứng dụng rộng rãi trong tương lai vì ý nghĩa thực tế của nó khi xử lý các chất thải độc hại ngày càng được mọi người chấp nhận.

 Võ Phát Tài [tổng hợp]

Moitruong.net.vn

– Tình trạng người dân lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật [BVTV] diễn ra khá phổ biến, không theo quy trình đảm bảo an toàn, gây ra ô nhiễm môi trường, nguồn nước, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người.

Hiểm họa với môi trường, sức khỏe con người

Theo đánh giá của Bộ TN&MT, hiện nay trong trồng trọt, việc sử dụng ngày càng tăng thuốc bảo vệ thực vật [BVTV] và phân bón hóa học đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường.

Theo kết quả nghiên cứu về hấp thụ phân bón trong hoạt động trồng trọt, cây trồng hấp thụ trung bình khoảng 40 – 50% lượng phân bón, trong đó cây trồng hấp thụ phân đạm khoảng 30-45%, phân lân 40-45%, phân kali 40-50%; 50-60% lượng phân bón còn lại vẫn tồn lưu trong đất. Lượng sử dụng phân lân và phân kali trên cây lúa là khá cao, gấp trên 6 lần so với mức khuyến cáo.

Việc sử dụng ngày càng tăng thuốc bảo vệ thực vật [BVTV] và phân bón hóa học đang ảnh hưởng không nhỏ tới môi trường

Hóa chất BVTV gây ô nhiễm môi trường thông qua nhiều con đường khác nhau như: Nước thải từ kho chứa thuốc khi có sự cố đổ vỡ, nước mưa chảy tràn qua các kho chứa đã bị xuống cấp, lượng thuốc còn dư đọng lại trong chai bị quăng xuống ao, hồ, sông hay lượng thuốc dư thừa trong quá trình sử dụng quá liều lượng ngấm vào đất cũng như mạch nước ngầm…

Ngoài ra, việc không tuân thủ thời gian cách ly sau khi phun thuốc, tình trạng vứt bao bì hóa chất BVTV bừa bãi sau sử dụng diễn ra khá phổ biến. Thói quen rửa bình bơm và dụng cụ pha chế hóa chất không đúng nơi quy định gây ô nhiễm nước mặt, nước ngầm, ô nhiễm không khí và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái.

Cùng với hóa chất BVTV tồn lưu, các loại thuốc và bao bì, đồ đựng hóa chất BVTV sử dụng trong nông nghiệp đang là nguy cơ đe dọa sức khỏe cộng đồng và gây ô nhiễm môi trường. Vấn đề vỏ bao bì phát sinh cũng đang là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở nhiều nơi.

Bên cạnh đó, việc thâm canh mùa vụ đã làm gia tăng phế phụ phẩm sau thu hoạch [rơm, rạ, trấu, cám, lõi ngô, thân ngô…]. Một phần phế phụ phẩm được sử dụng làm chất đốt, chất độn trong chăn nuôi, trồng nấm, làm đồ thủ công mỹ nghệ; phần khác được sử dụng cho chăn nuôi gia súc.

Hiện nay, đã có nhiều nghiên cứu sử dụng các phế, phụ phẩm trong nông nghiệp để sản xuất dầu sinh học, đệm lót sinh học trong chăn nuôi… nhưng mới chỉ tận dụng được một số lượng nhỏ phế phẩm nông nghiệp, số lớn còn lại đang bị bỏ quên. Các vùng đồng bằng như: Đồng bằng sông Hồng, đồng bằng sông Cửu Long có diện tích canh tác lớn [khoảng 7,5 triệu ha đất chuyên canh trồng lúa], do vậy, lượng chất thải nông nghiệp rơm, rạ thải ra hàng năm ước tính lên tới 76 triệu tấn. Đây chính là những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Đơn cử như việc sử dụng phế, phụ phẩm lúa tại ĐBSCL. Theo báo cáo gần đây của Bộ NNPT&NT, với sản lượng trên 20 triệu tấn lúa/năm, mỗi năm, khu vực ĐBSCL phát sinh khoảng 20 triệu tấn rơm, 4 triệu tấn trấu và 2 triệu tấn cám. Việc đầu tư công nghệ để tạo ra sản phẩm giá trị gia tăng, góp phần giảm giá thành sản phẩm gạo từ các phụ phẩm chưa được coi trọng…

Hay tình trạng thoái hóa đất do sử dụng phân vô cơ tại Lâm Đồng. Kết quả nghiên cứu hơn 200 mẫu đất trồng rau bón phân vô cơ của tỉnh Lâm Đồng cho thấy, phân lân và kali có hàm lượng dễ tiêu cao hơn so với các loại phân bón trên cùng mẫu đất. Bón thừa và bón không đúng chủng loại phân có thể khiến đất trồng vừa giảm năng suất do nghèo kiệt chất hữu cơ và mất cân đối dinh dưỡng, vừa gây độc cho sản phẩm nông nghiệp. Bà con nông dân gọi hiện tượng đất chỉ được bón phân vô cơ là đất bị chai và bị chua hóa. Việc sử dụng không đúng kỹ thuật này đã lại gây sức ép đến môi trường nông nghiệp và nông thôn.

Cần có giải pháp khoa học, phù hợp trong sử dụng phân bón, thuốc BVTV

Trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, phân bón, thuốc BVTV là một trong những vật tư không thể thiếu và hàng năm được sử dụng với số lượng khá lớn.

Ở Việt Nam, để có những thành tựu nổi bật về sản xuất lương thực, cây công nghiệp, cây ăn quả không thể không nhờ đến thâm canh, mà trong thâm canh, yếu tố phân bón giữ vai trò quyết định. Tuy vậy, việc sử dụng phân bón tràn lan không những gây lãng phí, mà còn tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe con người.

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, nhiều năm nay, việc ô nhiễm môi trường ở nông thôn và những hiểm họa từ ô nhiễm mà người nông dân đang phải gánh chịu đã không còn là chủ đề mới. Tuy nhiên, thực tế vẫn chưa có biện pháp quyết liệt gì để giải quyết triệt để tình trạng đó.

Vậy với khoảng 70% dân số là nông dân, liệu chúng ta có thể sản xuất tốt nếu ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, sử dụng tràn lan thuốc trừ sâu, BVTV, phân bón? Liệu có thể phát triển đàn gia súc, gia cầm nếu còn chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông dẫn đến không kiểm soát được, và chất thải không được thu gom xử lý?.. Tất cả những vấn đề nóng hiện nay như: Dịch bệnh, sức khoẻ người dân… đều liên quan đến nạn ô nhiễm môi trường.

Từ thực tế đó cho thấy, sự tham gia của cộng đồng vào công tác bảo vệ môi trường vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi. Trong đó, phải kể tới vai trò rất quan trọng của người nông dân.

Trong thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường [TN&MT] đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền chính sách, quy định, liên quan đến bảo vệ môi trường do thuốc BVTV gây ra như: Nghị định số 19/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Quyết định số 1946/QĐ-TTg ngày 21/10/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch xử lý, phòng ngừa ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước; Thông tư liên tịch số 05/2016/TTLT- BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng; Thông tư số 30/2016/TT-BTNMT ngày 12/10/2016 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về quản lý, cải tạo và phục hồi môi trường khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu và nhiều văn bản khác có liên quan.

Trước thực trạng ô nhiễm môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu trên phạm vi cả nước, trong giai đoạn 2012-2015, Bộ TN&MT đã phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương có liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ, báo cáo Quốc hội thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia Khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường. Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ TN&MT đã khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường do hóa chất BVTV tồn lưu, đã xử lý 21 điểm hóa chất tồn lưu gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã huy động các nguồn lực quốc tế để triển khai xử lý 09 điểm hóa chất BVTV tồn lưu và đã tổ chức hơn 25 khóa tập huấn, tăng cường năng lực cho hơn 1000 cán bộ của các Bộ, ngành và địa phương về quản lý ô nhiễm môi trường.

Bộ TN&MT cũng đã chủ động phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương xây dựng Chương trình mục tiêu xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thuộc đối tượng công ích giai đoạn 2016-2020 đã được Quốc hội thông qua và đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, trong giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung hỗ trợ xử lý 70 khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng do hóa chất BVTV tồn lưu. Trong thời gian tới, Bộ TN&MT tiếp tục phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền để sử dụng, thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng.

Mai Anh

Share on FacebookShare on TwitterShare on Linkedin

Video liên quan

Chủ Đề