Ví dụ về phương pháp luyện tập cho trẻ mầm non

Trên thực tế đã có rất nhiều nghiên cứu nhằm tìm ra các phương pháp rèn luyện trí nhớ hiệu quả. Nhưng trong phạm vi nghiên cứu và dựa trên đối tượng trực tiếp giảng dạy là trẻ em mầm non, cụ thể là từ 18-72 tháng, tôi xin phép trình bày một số phương pháp rèn luyện trí nhớ mà tôi cho rằng phù hợp với tâm sinh lý và khả năng nhận thức của trẻ.

Phương pháp tâm lý

Nếu bỏ qua phương pháp này thì tất cả các phương pháp khác dù có tuyệt vời đến đâu cũng đều thất bạn bởi cơ quan quan trọng nhất trong việc ghi nhớ là bộ não. Nếu bộ não không được nghỉ ngơi, thoải mái thì không thể ghi nhớ tốt

Đảm bảo giấc ngủ cho trẻ

Giấc ngủ đóng vai trò rất quan trọng để não bộ có thời gian nghỉ ngơi và tái tạo. Nếu trẻ được ngủ sớm, ngủ đủ giấc trong một ngày sẽ giúp trí nhớ tốt hơn. Ngược lại, nếu mất ngủ, đầu óc của trẻ sẽ không hoạt động tốt, các em sẽ rất dễ quên. Do đó, bố mẹ nên rèn luyện cho trẻ thói quen lên giường từ lúc 9h và ngủ thẳng giấc để rèn luyện trí nhớ tốt hơn.

Luôn giữ tinh thần lạc quan, thoải mái

Bố mẹ luôn giúp trẻ giữ tinh thần lạc quan, thoải mái dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Lo lắng, căng thẳng, mệt mỏi sẽ khiến việc ghi nhớ của trẻ trở nên tồi tệ hơn. Do đó, bố mẹ nên lưu ý luôn giúp trẻ giữ tinh thần lạc quan, thoải mái dù ở bất cứ hoàn cảnh nào. Tâm trạng không tốt sẽ khiến cho mọi thứ bị đảo lộn, kết quả là những thông tin đã từng ghi nhớ sẽ dần bị lãng quên và có thể bị biến mất hoàn toàn.

Phương pháp ghi nhớ

-Ghi nhớ bằng việc vẽ tranh bởi không có gì giúp bé luyện trí nhớ tốt hơn bằng hình ảnh. Vì vậy, hãy khuyến khích bé vẽ nên hình ảnh trong đầu khi nghe kể chuyện hoặc đọc sách.

Ví dụ: bạn kể bé nghe truyện cổ tích, hãy hỏi con rằng những nhân vật đó trông như thế nào, yêu cầu con miêu tả càng chi tiết càng tốt. Nếu bé không thể dùng lời diễn đạt, hãy bảo con vẽ ra giấy. Bằng cách này, trí tưởng tượng của bé sẽ được cải thiện, từ đó tăng khả năng ghi nhớ thông qua hình ảnh.

-Ghi nhớ bằng những nhiệm vụ nhỏ giao cho trẻ và kết quả trẻ đạt được bởi mỗi lần khắc phục khó khăn và đạt được thành công sẽ khuyến khích trẻ tự tin phấn đấu cho mục tiêu lớn hơn. Và rèn luyện trí nhớ của chính mình.

Ví dụ: Bạn giao cho trẻ nhiệm vụ nhặt rau kết quả lần đầu có thể chưa đạt nhưng kết quả của lần thứ 2, thứ 3 sau đó qua sự hướng dẫn, động viên của mẹ giúp trẻ đạt được kết quả như mong muốn và ghi nhớ cách nhặt rau như thế nào.

-Hãy cùng bé chơi trò chơi đóng kịch, phân vai

Ví dụ: Hóa thân vào nhân vật như con chó sói, con gà, con mèo, cô bé quàng khăn đỏ…, bé sẽ nhớ những câu chuyện mẹ kể một cách sinh động, có khi nhớ đến suốt đời.

-Ghi nhớ cảm xúc, điệu bộ, cử chỉ của bố mẹ qua hoạt động quan sát hay nói cách khác là ghi nhớ bằng cách sao chép, bắt chước.

Ví dụ: Trẻ sẽ quan sát cử chỉ khuôn mặt của cha mẹ để hiểu về cảm xúc, sau đó biến thành cảm xúc của bản thân bé

Phương pháp liên tưởng

Phương pháp hữu ích để giúp trẻ rèn luyện trí nhớ tốt là sự liên tưởng. Hằng ngày, trẻ tham gia vào rất nhiều hoạt động và số sự kiện trẻ cần ghi nhớ cũng không phải nhỏ. Tuy nhiên nếu thêm vào một chút liên tưởng hài hước, ngộ nghĩnh bằng những hình ảnh sống động, vui nhộn thì việc ghi nhớ ấy sẽ trẻ nên dễ dàng hơn.

Ví dụ: khi dạy trẻ học bảng chữ cái O, Ô, Ơ, bố mẹ có thể giúp trẻ ghi nhớ bằng bài đồng dao như “O tròn như quả trứng gà, Ô thì đội mũ, Ơ thì thêm râu",...

Ví dụ: khi đưa cho bé tấm bìa có in hình con sâu, hãy kể cho bé con sâu hay ăn lá như thế nào, các bạn cây và lá sợ hãi ra sao khi thấy con sâu bò đến…

Phương pháp nhận thức thị giác

-Sử dụng ngay những vật phẩm thường dùng để kích thích hứng thú và nâng cao khả năng quan sát của trẻ.

Ví dụ: tách trà có thể sử dụng để đựng nước, nhưng cũng có thể đựng đậu đỗ, cắm hoa; cốc nhựa rơi xuống đất thì không sao nhưng cốc thủy tinh thì rất dễ vỡ.

-Các đồ vật thực tế, hình vẽ cũng là một công cụ để bồi dưỡng khả năng quan sát của trẻ.

Ví dụ: hình vẽ tìm động vật còn thiếu, so sánh sự giống nhau và khác nhau và khác nhau giữa hai bức tranh. Vì tranh là tĩnh vật, không chịu sự giới hạn của thời gian, địa điểm, điều kiện có thể cho trẻ cơ hội được quan sát tỉ mỉ.

Chú ý: Bố mẹ nên cùng trẻ phân tích, đánh giá lại kết quả quan sát, bởi vì những gì quan sát được là nhận thức cảm tính, còn phân tích có thể nâng cao khả năng tư duy, giúp trẻ nhận thức sâu sắc và ghi nhớ tốt hơn về những sự vật mình quan sát được.

-Tham gia các trò chơi tìm điểm giống nhau hoặc có thể sáng tạo ra nhiều phiên bản mới cho trò chơi này như cùng bé tìm các vần, chữ giống nhau trên một trang báo…

Phương pháp lặp đi lặp lại

Thông thường, một việc khi được nhắc đi nhắc lại nhiều lần và liên tục trong thời gian dài sẽ giúp não bộ của trẻ ghi nhớ nhanh và chính xác nhất. Tuy nhiên, trẻ cần phải hiểu vấn đề mà mình đang học là gì, đừng chỉ lặp đi lặp lại như một cái máy mà không hiểu vấn đề mình đang học là gì.

- Cho trẻ lắng nghe mẹ lặp lại các từ giống nhau để mô tả về hoạt động, mỗi lần lặp lại đủ 20-30 giây trẻ bắt đầu ghi nhớ thành một mảnh ghép. Nếu ghép đủ các mảnh ghép bé sẽ hiểu về cách hoạt động hay trò chơi của bạn, đồng thời trẻ phát triển dần nhận thức sự tồn tại lặp lại của hoạt động nào đó.

Ví dụ: khi trẻ thấy mẹ đẩy chiếc xe hơi đồ chơi để xe chạy và đẩy máy cắt cỏ. Dần dần, bé nhận thức được hành động đẩy là để tạo sự di chuyển. 

Phương pháp trò chơi

Với trẻ hoạt động chủ đạo là hoạt động vui chơi vậy nên không có gì tuyệt vời hơn việc trẻ vừa được chơi vừa ghi nhớ một cách chủ động mà người lớn không cần phải dồn ép trẻ.

Ví dụ: Các trò chơi

Lần lượt kể tên

Sắp 6 đồ vật theo thứ tự trước sau ở trên bàn, để trẻ nhìn trong mười giây, sau đó che lại yêu cầu trẻ lần lượt nói ra tên của 6 đồ vật theo trí nhớ.

Phân biệt màu sắc

Để trẻ bịt mắt, nói ra màu sắc của quần áo, tất, giày của bạn đang mặc và đi là màu gì. Nếu bạn cũng bịt mắt nói ra màu sắc của quần áo, tất, giày trên người trẻ sẽ làm cho trẻ càng hứng thú vào loại trò chơi này.

Tìm đồ vật

Đưa ra đồ chơi đặt trước mặt trẻ, sau đó lần lượt cất giấu để trẻ tìm cho ra những vật này.

Nhìn tranh nói

Đặt 15 bức ảnh có nội dung khác nhau lên bàn, để cho trẻ nhìn một lúc, sau đó đậy lại, yêu cầu trẻ cố gắng trần thuật chính xác nội dung của hình ảnh đã nhìn thấy.

“Máy bay hạ cánh”

Dán lên tường một tờ giấy lớn làm bản đồ, trên giấy vẽ một khoảng đất lớn làm sân bay, sau đó gấp một chiếc máy bay bằng giấy, viết tên của trẻ lên, phía trên dính vào một ký hiệu hay logo. Cho trẻ đứng ở vị trí cách nơi máy bay hạ cánh mấy bước hoặc mười mấy bước, hãy bảo trẻ quan sát địa hình một lúc, sau đó bịt mắt trẻ lại, để trẻ giang rộng hai tay và tiến dần đến bản đồ, đúng lúc “máy bay” hạ cánh ở trên đường băng.

Nhìn tủ kính bày hàng hóa

Trò chơi này thích hợp khi đưa trẻ ra ngoài chơi. Khi đi qua tủ kính bày hàng hóa trong cửa hàng, đầu tiên cho trẻ quan sát các đồ vật bày trong tủ kính. Sau khi rời đi, yêu cầu trẻ nói ra các đồ vật đã nhìn thấy.

Phương pháp xâu chuỗi (các sự kiện trong ngày trước khi đi ngủ)

Trước khi đi ngủ, bạn hãy giúp trẻ hình dung, ghi nhớ, sắp xếp lại những kiến thức mà mình đã học. Đây là cách hay để trẻ nhớ lại bài một cách khoa học và nhanh nhất. Tương tự, sau khi thức giấc cũng là lúc não bộ có khả năng ghi nhớ tốt nhất.