So sánh đặc điểm các kiểu nhà nước

Tìm hiểu về các kiểu nhà nước:

  • 1. Khái niệm kiểu nhà nước được hiểu như thế nào ?
  • 2. Bộ máy nhà nước qua các kiểu nhà nước ?

Các nhà nước cùng một kiểu ra đời trong khuôn khổ một hình thái kinh tế - xã hội nhất định và phản ánh những dấu hiệu đặc trưng của hình thái kinh tế - xã hội đó. Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, từ khi xã hội loài người có giai cấp cho tới nay có bốn hình thái kinh tế - xã hội có giai cấp là chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa. Tương ứng với bốn hình thái kinh tế - xã hội đó có bốn kiểu nhà nước là nhà nước chiếm hữu nô lệ, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa. Sự thay thế kiểu nhà nước này bằng kiểu nhà nước khác tiến bộ hơn gắn liền với sự thay thế các hình thái kinh tế - xã hội.

Phương thức thay thế kiểu nhà nước này thường diễn ra bằng các cuộc cách mạng hoặc cải cách xã hội. Nói đến kiểu nhà nước là nói đến nhà nước thuộc một giai cấp nhất định, là công cụ phục vụ quyền lợi giai cấp cơ bản của giai cấp đó. Đồng thời, một nhà nước khi định hình, để làm tốt chức năng giai cấp, phải trở thành người đại diện chính thức của cả xã hội và đảm đương những chức năng xã hội nhất định mà Mác, Ăngghen gọi là chức năng công ích như: phòng ngừa, hạn chế hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường... và trong khi thực hiện chức năng công ích, nhà nước thường phải ưu tiên bảo vệ, phục vụ lợi ích của giai cấp cầm quyền.

1. Khái niệm kiểu nhà nước được hiểu như thế nào ?

Trong tiếng Việt, thuật ngữ “kiểu” [hoặc kiểu cách, kiểu dáng, kiểu loại, kiểu lối...] chỉ toàn bộ nói chung những đặc trưng của một tiểu loại, làm phân biệt với tiểu loại khác. Với ý nghĩa đó,kiểu nhà nước là tổng thể những đặc điểm, đặc thù của một nhóm nhà nước, qua đó phân biệt với nhóm nhà nước khác. Theo cách hiểu này, việc phân chia kiểu nhà nước thực chất là sự phân nhóm [phân loại] nhà nước. Những nhà nước thuộc cùng một kiểu là những nhà nước có cùng những đặc điểm, đặc trưng nhất định, qua đó phân biệt với kiểu [nhóm] nhà nước khác.

Các nhà sử học phân chia sự phát triển của xã hội thành xã hội cổ đại, xã hội trung đại, xã hội cận đại và xã hội hiện đại[1] [mặc dù không dễ đạt được sự thống nhất về thời mốc mở đầu và

kết thúc của các thời kì này]. Tương ứng với các thời kì lịch sử này có các kiểu nhà nước: nhà nước cổ đại, nhà nước trung đại, nhà nước cận đại và nhà nước hiện đại. Có thể nói, đây là quan niệm tương đối phổ biến trong giới sử học khi nghiên cứu lịch sử các quốc gia cũng như các nền văn minh trên thế giới. Căn cứ vào mức thu nhập bình quân tính theo dân số và sự phát triển của nền kinh tế quốc dân, các nhà nước hiện đại có thể được chia thành các kiểu nhỏ hơn tương ứng các quốc gia phát triển, đang phát triển, chậm phát triển.

Tiếp cận từ các nền văn minh, có thể phân chia thành các kiểu nhà nước: nhà nước trong nền văn minh nông nghiệp, nhà nước trong nền văn minh công nghiệp, thậm chí ngày nay còn nói đến nhà nước trong nền văn minh hậu công nghiệp [văn minh tri thức]. Theo nhiều nhà nghiên cứu, toàn bộ các nhà nước trong “thời cổ đại và cả thời trung đại tiếp theo đều nằm trong tiến trình của nền văn minh đầu tiên của lịch sử thế giới - nền văn minh nông nghiệp”.

Trên thế giới hiện nay, bên cạnh nhiều nhà nước đang ở trong thời kì của nền văn minh công nghiệp thì vẫn còn một số nhà nước chưa vượt ra khỏi nền vãn minh nông nghiệp. Từ khoảng giữa những năm 1970, bắt đầu thời đại của cách mạng công nghệ, một số nhà nước trên thế giới dần chuyển sang kiểu nhà nước mới, nhà nước trong nền văn minh hậu công nghiệp.

Một quan niệm khác tương đối phổ biến trong sử học, luật học, chính trị học đó là phân chia nhà nước thành kiểu nhà nước phương Đông và kiểu nhà nước phương Tây. Đây là quan niệm của người Hy Lạp và Roma cổ đại,1 về sau được dùng phổ biến trên thế giới, quan niệm này đơn giản chỉ dựa vào yếu tố địa lí. Ngày nay, phân biệt nhà nước phương Đông và nhà nước phương Tây không chỉ đơn thuần dựa trên yếu tố địa lí mà còn dựa vào nhiều tiêu chí khác [nhân chủng, ngữ hệ, văn hoá, kinh tế, chính trị...].

Dựa trên cách thức tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước có thể phân chia thành các kiểu nhà nước: nhà nước độc tài, chuyên chế, nhà nước dân chủ. Các nhà nước độc tài, chuyên chế có đặc trưng là nhà nước được điều khiển bởi một nhóm thiểu số trong xã hội, thậm chí là một cá nhân, quyền lực nhà nước không bị hạn chế hay ràng buộc bởi bất cứ thể chế, thiết chế nào; quan hệ giữa nhà nước với người dân là quan hệ mệnh lệnh, phục tùng một chiều một cách tuyệt đối, nhà nước sử dụng biện pháp bạo lực để thực hiện quyền lực nhà nước. Ngược lại, trong nhà nước dân chủ, quyền lực tối cao trong xã hội thuộc về nhân dân, nhân dân tổ chức nên nhà nước và kiểm soát hoạt động của nhà nước.

Chủ nghĩa Mác - Lênin tiếp cận kiểu nhà nước theo tiến trình lịch sử của sự phát triển xã hội. Khi nghiên cứu quy luật vận động phát triển của đời sống xã hội, c. Mác đã bắt đầu từ quan hệ sản xuất, ‘‘coi đó là những quan hệ cơ bản, ban đầu và quyết định tẩt cả mọi quan hệ khác”. Ông cho rằng, mỗi xã hội có một kiểu quan hệ sản xuất riêng biệt, đặc trưng cho xã hội đó. c. Mác viết:

“Tổng hợp lại thì những quan hệ sản xuất hợp thành cái mà người ta gọi là những quan hệ xã hội, là xã hội và hơn nữa hợp thành một xã hội ở vào một giai đoạn phát triển lịch sử nhất định, một xã hội có tính chất độc đáo riêng biệt. Xã hội cổ đại, xã hội phong kiến, xã hội tư sản đều là những tổng thể quan hệ sản xuất như vậy, mỗi tổng thể đó đồng thời lại đại biểu cho một giai đoạn phát triển đặc thù trong lịch sử nhãn loại”]

c. Mác gọi mỗi giai đoạn phát triển đặc thù đó là một hình thái kinh tế - xã hội, bao gồm một cơ sở hạ tầng và một kiến trúc thượng tầng tương ứng. Trong thượng tầng kiến trúc của xã hội có giai cấp luôn tồn tại nhà nước. Như vậy, theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tương ứng một hình thái kinh tế - xã hội có giai cấp là một kiểu nhà nước. Đặc điểm của mỗi kiểu nhà nước do kiểu quan hệ sản xuất đặc thù trong xã hội tương ứng quy định. Theo quan niệm truyền thống, xã hội có giai cấp đã và sẽ trải qua các hình thái kinh tế xã hội là chiếm hữu nô lệ, phong kiến, tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, tương ứng là bốn kiểu nhà nước: nhà nước chủ nô, nhà nước phong kiến, nhà nước tư sản và nhà nước xã hội chủ nghĩa. Đối với các nhà nước phương Đông cổ đại, hiện có hai quan điểm khác nhau, một số người vẫn cho đây thuộc kiểu nhà nước chủ nô [theo mô hình Hy Lạp, Roma] tuy có một số điểm riêng biệt, những người khác thì cho hoàn toàn không thể coi là nhà nước chủ nô, “vì sự dị biệt giữa các quốc gia này với chế độ chiếm nô lớn hơn nhiều sự tương đồng”. Điều đó càng chứng tỏ, sự phát triển của nhà nước mang tính chất đa dạng và phức tạp. Cần lưu ý rằng, sự hình thành và phát triển của mỗi hình thái kinh tế xã hội là cả một quá trình, từ hình thái kinh tế xã hội này sang hình thái kinh tế xã hội khác đều phải trải qua một thời kì gọi là thời kì quá độ. Chính vì vậy, sự phân chia kiểu nhà nước chỉ có ý nghĩa tương đoi. Trong cùng một kiểu, nhà nước ở thời kì đầu của mỗi hình thái kinh tế xã hội có thể có nhiều điểm khác biệt so với nhà nước ở thời kì sau đó.

Việc phân chia kiểu nhà nước theo quan điểm trên đây của chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ giúp chúng ta nhìn nhận quá trình vận động, phát triến của nhà nước mà qua đó còn có thế nhận thức được điều kiện tồn tại và phát triển của nhà nước trong những giai đoạn lịch sử nhất định. Trên cơ sở đó, có thể nhận thức và giải thích đúng đắn bản chất, chức năng, bộ máy cũng như hình thức nhà nước trong mỗi giai đoạn phát triển của nó. Đó chính là quan điểm biện chứng của chủ nghĩa Mác - Lênin, nhà nước cũng như các sự vật, hiện tượng khác đều luôn vận động, biến đổi không ngừng.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, sự thay thế các kiểu nhà nước là quá trình lịch sử tự nhiên. Sự thay thế này có thể diễn ra một cách tuần tự, từ kiểu nhà nước thấp đến kiểu nhà nước cao hơn. c. Mác viết:

“về đại thể, có thể coi các phương thức sản xuất châu Ả, cổ đại, phong kiến và tư sản hiện đại là những thời đại tiến triển dần dần của hình thái kinh tế - xã hội”.

Đối với mỗi nước cụ thể, do điều kiện lịch sử khách quan, có thể bỏ qua một hoặc một số kiểu nhà nước nhất định. Nguyên nhân sâu xa của sự thay thế kiểu nhà nước là mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất và lực lượng sản xuất trong một phương thức sản xuất xã hội. Khi mâu thuẫn này được giải quyết thì phương thức sản xuất mới được thiết lập, cùng với nó có một kiểu kiến trúc thượng tầng mới và tương ứng là một kiểu nhà nước mới. Kiểu nhà nước sau luôn tiến bộ hơn kiểu nhà nước trước vì nó được xây dựng trên cơ sở quan hệ sản xuất phù hợp hơn với trình độ của lực lượng sản xuất đã phát triển ở trình độ cao hơn, cơ sở xã hội của nhà nước rộng rãi hơn; xung đột giai cấp trong xã hội đó thường đỡ gay gắt hơn. Lịch sử cho thấy, có nhiều con đường đưa đến sự thay thế các kiểu nhà nước, có thể thông qua cách mạng xã hội dưới hình thức khởi nghĩa vũ trang, cũng có thể thông qua các cuộc cải cách xã hội một cách toàn diện và triệt để, trong đó kiểu quan hệ sản xuất cũ dần dần bị thay thể bởi kiểu quan hệ sản xuất mới tiến bộ hơn. ở đây quy luật về sự phù hợp giữa quan hệ sản xuất với lực lượng sản xuất giữ vai trò quyết định.

2. Bộ máy nhà nước qua các kiểu nhà nước ?

Bộ máy nhà nước hình thành và phát triển cùng với sự hình thành và phát triển của nhà nước. Tuy có những bước thăng trầm nhất định song nhìn nhận một cách khái quát, theo quy luật phát triển chung của xã hội thì bộ máy nhà nước phát triển theo xu hướng ngày càng hoàn thiện hơn, cơ cấu tổ chức ngày càng hợp lí, khoa học hơn; sự phân chia chức năng, thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn; cách thức tổ chức bộ máy nhà nước ngày càng quy củ, chặt chẽ, khoa học hơn; các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy^nhà nước ngày càng khoa học, đầy đủ, dân chủ và tiến bộ hơn; sự giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước ngày càng cao hơn; phương hướng hoạt động, vị trí, vai trò của các cơ quan trong bộ máy nhà nước có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, nhân đạo và phát triển hơn. Sự phát triển đó được thể hiện qua một số khía cạnh sau:

Trước hết, cấu trúc của bộ máy nhà nước phát triển từ đơn giản sang phức tạp, đa dạng hơn, số lượng các cơ quan trong bộ máy nhà nước thay đổi theo chiều hướng ngày càng đầy đủ, hợp lí hơn. Khi nhà nước chủ nô mới ra đời, phạm vi lãnh thổ còn nhỏ hẹp, bộ máy nhà nước còn hết sức đơn giản và mang nhiều dấu vết của tổ chức thị tộc, bộ lạc. Dần dần, do lãnh thổ ngày càng mở rộng, dân cư đông đúc hơn, xã hội phát triển ngày càng cao hơn, bộ máy nhà nước trở nên phức tạp hơn. ở các nhà nước đương đại, cơ cấu bộ máy nhà nước khá phức tạp, bao gồm nhiều hệ thống cơ quan như cơ quan đại diện, cơ quan quản lí, cơ quan xét xử, cơ quan công tố, cơ quan kiểm toán...

Thứ hai, sự phân chia chức năng, thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ngày càng rõ ràng, cụ thể hơn. Trong bộ máy nhà nước chủ nô, phong kiến mặc dù đã có sự phân chia chức năng, thẩm quyền, song mới chỉ ở mức sơ khai và cơ sở pháp lí chưa đầy đủ.

Ở các nhà nước đương đại, sự phân chia chức năng, thẩm quyền giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp; giữa các hệ thống cơ quan đại diện, cơ quan quản lí, cơ quan xét xử; giữa cơ quan cấp ừên với cơ quan cấp dưới đã tương đối rõ ràng, rành mạch và được quy định cụ thể trong pháp luật. Nhờ đó, tính chất chuyên môn hoá trong hoạt động của mỗi cơ quan từng bước được thiết lập và ngày càng nâng cao, mỗi cơ quan từ chỗ kiêm nhiệm nhiều việc dần dần chỉ chuyên thực hiện những công việc nhất định. Bên cạnh đó, cơ chế giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan nhà nước cũng từng bước được xác lập và ngày càng hoàn thiện, quyền lực nhà nước vì thế từng bước bị giới hạn và được kiểm soát.

Thứ ba, cách thức tổ chức bộ máy nhà nước ngày càng quy củ, chặt chẽ, khoa học hơn. Việc thực hiện quyền lực tối cao của nhà nước được chuyển dần từ một người [nhà vua, hoàng đế] sang nhiều người [nghị viện, nguyên thủ quốc gia...]. Cách thức hình thành, trình tự thành lập các cơ quan tối cao của nhà nước ngày càng dân chủ, tiến bộ hơn, chuyển dần từ cha truyền con nối sang bầu cử. Đối tượng được hưởng quyền bầu cử cơ quan quyền lực tối cao của nhà nước cũng ngày càng mở rộng, từ một bộ phận dân cư sang toàn bộ công dân khi có đủ điều kiện do pháp luật quy định. Việc tuyển dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức trong bộ máy nhà nước ngày càng quy củ chặt chẽ hợn. Phương pháp dân chủ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từ chỗ được sử dụng hạn chế, trong phạm vi hẹp đã phát triển đến bước được sử dụng một cách phổ biến, rộng rãi và thường xuyên hơn. Tính chất công khai hoá, minh bạch trong hoạt động của bộ máy nhà nước từng bước được thiết lập và ngày càng được chú trọng. Người dân từ chỗ phải tuyệt đối phục tùng nhà nước đã trở thành chủ thể tối cao của quyền lực nhà nước, được tham gia vào tổ chức, hoạt động và giám sạt hoạt động của các cơ quan nhà nước.

Thứ tư, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từng bước được hình thành và ngày càng khoa học, dân chủ hơn. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước không xuất hiện ngay từ khi nhà nước ra đời mà hình thành và phát triển dần trong quá trình phát triển của bộ máy nhà nước. Từ chỗ chưa có nguyên tắc hoặc chỉ có một vài nguyên tắc đơn lẻ, thiếu dân chủ dần dần đã tiến tới việc hình thành một hệ thống nguyên tắc dân chủ và tiến bộ. Trong nhà nước chủ nô, phong kiến, nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước là nguyên tắc thế tập [cha truyền, con nối]; nguyên tắc tôn quân quyền [đề cao quyền lực tuyệt đối của nhà vua]... Khi nhà nước tư sản ra đời, nhiều nguyên tắc khoa học, tiến bộ từng bước được xác lập như nguyên tắc phân chia quyền lực nhà nước, nguyên tắc dân chủ; nguyên tắc tuân thủ hiến pháp và pháp luật... Đặc biệt, với sự ra đời của nhà nước xã hội chủ nghĩa, các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước có bước phát triển mới về chất, thể hiện tính chất dân chủ, tiến bộ trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước.

Thứ năm, phương hướng hoạt động, vị trí, vai trò của các cơ quan trong bộ máy nhà nước có nhiều thay đổi theo chiều hướng tiến bộ, nhân đạo và phát triển hơn. Trong các nhà nước chủ nô, phong kiến, các cơ quan cưỡng chế, trấn áp đóng vai trò quan trọng nhất và luôn được mở rộng, tăng cường. Ở các nhà nước đương đại, các cơ quan quản lí các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hoá, giáo dục được thiết lập và ngày càng phát triển, hoàn thiện hơn, các cơ quan cưỡng chế thu hẹp dần phạm vi ảnh hưởng và vai trò ngày càng giảm dần, không còn là bộ phận chù đạo trong bộ máy nhà nước. Một số nhà nước đương đại đang chuyển dần từ nhà nước chủ yếu quản lí sang chủ yếu phục vụ xã hội, do đó các cơ quan thực hiện chức năng cung cấp dịch vụ công cho xã hội ngày càng được coi trọng. Nhìn một cách khái quát, có thể nói hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước có xu hướng ngày càng cao hon nhờ sự phát triển của kinh tế - xã hội, nền văn minh và tri thức của nhân loại, của cách mạng khoa học kĩ thuật...

Tóm lại, những phân tích trên cho thấy, tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà cơ bản là điều kiện kinh tế - xã hội, trình độ phát triển của nền văn minh nhân loại, bản chất, chức năng của nhà nước, tính chất và trình độ phát triển của nền dân chủ, tương quan so sánh lực lượng giữa các giai cấp trong xã hội, phong tục, tập quán, đặc điểm tâm lí dân tộc... Trong quá trình phát triển của xã hội loài người, các yếu tố trên không cố định mà có sự thay đổi theo thời gian, không gian, từ nước này sang nước khác, từ giai đoạn này sang giai đoạn khác, đó chính là nguyên nhân dẫn đến sự phát triển của bộ máy nhà nước.

Luật Minh Khuê [sưu tầm & biên tập]

Video liên quan

Chủ Đề