Quốc dân đại hội tân trào họp tháng 8-1945 ở đâu?

Đình Tân Trào [tỉnh Tuyên Quang], nơi diễn ra kỳ họp Quốc dân đại hội đầu tiên, ngày 16/8/1945

[Thanhuytphcm.vn] Đó là kỳ đại hội diễn ra ngày 16/8/1945 tại Tân Trào, Tuyên Quang và quyết định những việc hệ trọng của vận mệnh dân tộc, tiến hành chỉ một ngày sau khi Nhật ký đầu hàng Đồng minh, kết thúc Đại chiến Thế giới II. Đó là thời cơ thuận lợi cho cách mạng Việt Nam khi thế lực quân xâm lược Pháp - Nhật suy yếu nhất, phong trào quần chúng dâng cao.

Chọn địa điểm họp tại Tân Trào là phù hợp nhất - trung tâm của An toàn khu thuộc tỉnh Tuyên Quang, tỉnh miền núi có rừng và nhiều hang động, chỉ cách Hà Nội chưa đến 150 km. Các cơ sở và phong trào Việt minh được xây dựng rộng khắp Việt Bắc. Đầu não của kháng chiến cũng trú đóng tại đây - nơi Cụ Hồ Chí Minh và cộng sự đã về Tuyên Quang từ trước. Cả một vùng tự do rộng lớn có rừng có suối, có mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào và đồng bào ở đây sống giản dị, chân thành, yêu mến và bảo vệ Cách mạng, giữ nhiều truyền thống tốt đẹp.

Cụ Hồ lúc ấy ở lán Nà Lừa - cách không xa ngôi đình Tân Trào [xây năm 1922]. Lán của Cụ sống chỉ rộng chừng 10 mét vuông chia đôi, phía trong là nơi ngủ, phía ngoài nơi làm việc. Cái lán nhỏ ấy mọi người gọi vui mà đúng sự thật lịch sử: Bản doanh đầu tiên của Phủ Chủ tịch.

Vào thời điểm ấy, Cụ Hồ Chí Minh đang ốm nặng, khiến mọi người vô cùng lo lắng. Có lúc tỉnh lại, Bác nói như dặn dò Võ Nguyên Giáp túc trực bên cạnh mà mọi người sợ rằng như lời trăn trối câu nói sau này như lời thề dân tộc: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.

May thay, nhờ thuốc dân tộc của ông lang giỏi, bệnh lui. Bác tuy yếu, nhưng đã lấy lại dần sức làm việc.

Trước Đại hội quốc dân 2 ngày, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp vào ngày 14/8/1945. Bác tới, dù còn yếu vì mới dứt cơn sốt. Người nhận định tình hình và cùng các đại biểu thảo luận đưa ra các nhiệm vụ về ngoại giao, củng cố phát triển lực lượng quân sự và quyết định thành lập Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc để lãnh đạo tổng khởi nghĩa và lập Bộ Tư lệnh Giải phóng quân Việt Nam. Hai ngày sau ngày 16/8/1945, Quốc dân đại hội khai mạc.

Tại đình Tân Trào, 60 đại biểu khắp cả nước đã về dự. Những gương mặt, tên tuổi các nhà Cách mạng, giới trí thức, phụ nữ, thanh niên tề tựu trong Hội trường đơn sơ của ngôi đình tọa trong bãi đất rộng, phía trước có dòng suối nhỏ.

Dù khó khăn và gấp rút, Đại hội vẫn được chuẩn bị chu đáo: Có dãy bàn Chủ tịch Đoàn, ghế của đại biểu làm ghép bằng mai rừng, gian giữa của đình trưng bày sách báo cách mạng và một số vũ khí chiến lợi phẩm thu được của địch.

Đại hội thảo luận 2 vấn đề: Đó là Tổng khởi nghĩa và bầu Ủy ban Dân tộc giải phóng. Đại hội cũng thông qua 10 chính sách của Việt Minh. Bầu bằng phiếu kín, kết quả Bác Hồ được bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Dân tộc giải phóng.

Sáng 17/8, Ủy ban Dân tộc giải phóng ra mắt quốc dân, Chủ tịch Ủy ban đọc lời tuyên thệ. Đây là giờ phút thiêng liêng cảm động như một Hội nghị Diên Hồng ở thế kỷ XX. Ông Nguyễn Lương Bằng nhớ lại: Sáng ngày 17/8, tôi được cử đi đón Bác Hồ về dự Đại hội. Mấy hôm ấy trời mưa, đường lầy lội. Bác đi chân đất lội bùn, tới nơi gần đình Tân Trào mới xuống suối rửa chân. Thấy đường trơn lại dốc, suối sâu, Bác chưa được khỏe, tôi chạy vội lại đỡ nhưng Bác bảo: Không sao, chú cứ đi.

Khi Bác bước từ dưới suối lên, thấy các vị trong Ủy ban đã đứng trước đình chờ sẵn, Bác vội bước đứng vào giữa. Rồi Bác thay mặt Ủy ban hướng lên lá cờ đỏ sao vàng dựng trước đình - đọc lời tuyên thệ ngắn và súc tích. Du kích bắn mấy loạt súng chào mừng Ủy ban Dân tộc giải phóng [Trích Tân trào toàn cảnh -NXB Văn hóa thông tin - Năm 2000, trang 111].

Có nhiều câu chuyện bên lề được kể lại qua hồi ức của các đại biểu. Nhà thơ Huy Cận kể lại khi được Cụ Hồ hỏi thăm đại biểu hoạt động tỉnh nào đã bối rối thưa mình là thanh niên trí thức mới tham gia 3-4 năm trong giới thanh niên trí thức ở Hà Nội. Bác vui lắm, bảo: Chú là thanh niên hoạt động trong giới trí thức ở Hà Nội là rất tốt. Còn Cách mạng thì không phân biệt người trước người sau. Cốt nhất là có nhiệt huyết với sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Trong đại hội, ngoài báo cáo chung có các tham luận, phát biểu của đại biểu các giới. Nghe giới thiệu là Cụ Hồ sẽ báo cáo về công tác ngoại giao, ai cũng háo hức đón chờ. Nhà văn Nguyễn Đình Thi sau này nhớ lại giọng nói của Cụ Hồ ấm áp, thong thả, gần gũi và âm vang, mọi người chăm chú lắng nghe.

Sau khi phần họp chính thức đã xong, có phần vui liên hoan. Nguyễn Đình Thi là đại biểu giới văn hóa nên phải có tiết mục góp vui hát một bài. Trong bài hát có câu: Gươm đâu, gươm đâu, thời cơ đang đến - Tiến lên, tiến lên theo cờ Việt Minh, Bác ngồi xem giữa các đại biểu, nói vui: Bây giờ mà chú còn hỏi gươm đâu, gươm đâu thì không hợp nữa, mà nên hát gươm đây, gươm đây. Các đại biểu cười reo lên vui lắm.

75 năm đã trôi qua. Hầu hết các đại biểu ngày ấy đã qua đời.

Làm công tác xuất bản, vào năm 2004 - người viết bài này có dịp lên Tân Trào thăm lại di tích Lịch sử Hồng Thái, lán Nà Lừa và An toàn khu. Đứng ngay cột mốc ghi dấu nơi Cụ Hồ đứng đọc lời tuyên thệ - tôi đã dạt dào cảm xúc ghi vội thành thơ: Trời đổ mưa - vừa đến Nà Lừa/ Chúng tôi đứng giữa rừng xanh tre nứa/ Mái lán cũ, lòng bâng khuâng thế/ Bỗng hiện về thuở đất nước gian nan/ Dẫu rằng cháy dãy Trường Sơn/ Phải giành cho được giang sơn giống nòi/ Lời dặn lại như những vầng lửa đỏ/ Triệu bàn chân thúc giục triệu bàn chân Suối vẫn chảy rừng vẫn xanh cây cỏ/ An toàn khu, những nẻo đường đầy gió/ Màu thời gian như còn đọng qua vai.

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám [19/8/1945 19/8/2020] và Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam [2/9/1945 2/9/2020], nhắc lại kỷ niệm truyền thống của dân tộc, để bạn trẻ hôm nay được thêm nhiều cảm xúc và tình yêu với đất nước, với tổ tiên, với Cách mạng và Bác Hồ, cùng những người đã đi xa, trao lại đất nước cho chúng ta hôm nay.

Trần Đình Việt
Nguyên Giám đốc Nhà Xuất bản TPHCM

Tin liên quan

Video liên quan

Chủ Đề