Nguyên nhân bại não ở trẻ

Bại não không phải là bệnh, bại não là từ dùng để diễn tả hàng loạt những tổn thương từ não bộ gây ảnh hưởng đến sự phát triển chức năng vận động, ngôn ngữ, cảm giác của trẻ...

1Bại não là gì?

Bại não ( tên tiếng anh là Cerebral palsy) là tên gọi chung của một nhóm tình trạng bệnh lý mãn tính ảnh hưởng đến sự vận động và tư thế. Ở khoảng 2 - 3 tuổi, trẻ thường được chuẩn đoán về bệnh này, những đứa bé này thường có các triệu chứng khác nhau, nặng nhẹ tùy theo mức độ tổn thương ở não, các tổn thương này không nặng lên khi đứa trẻ lớn hơn, điều này giúp phân biệt bệnh với các bệnh về tâm thần khác, những đứa trẻ bại não thường có các triệu chứng của chậm phát triển tâm thần, rối loạn vận động, động kinh, gặp các vấn đề về thính giác, thị giác và ngôn ngữ.

Nguyên nhân bại não ở trẻ

2Nguyên nhân

Khoảng 70% các trường hợp trẻ bị bại não là do các bất thường trong thời gian thai kỳ và lúc sinh của người mẹ, các trường hợp khác không rõ căn nguyên, có một số lý do được các bác sĩ chuyên khoa đưa ra như sau:

- Nhiễm trùng trong thai kỳ ở phụ nữ có thai như rubella (sởi Đức), cytomegalovirus và toxoplasmosis có thể gây tổn thương não của bào thai và gây bại não cho thai nhi. Các nhiễm trùng khác như nhiễm trùng ối, nhiễm trùng hệ tiết niệu – sinh dục của người mẹ cũng có thể gây nên sinh non, một nguy cơ khác của bại não.

- Thiếu khí não bào thai: khi chức năng của nhau thai bị giảm sút (suy nhau thai) hoặc bị bóc tách khỏi thành tử cung trước khi sinh (nhau bong non) hoặc do chảy máu do sai lệch vị trí (nhau tiền đạo) có thể làm giảm lượng ôxy cung cấp cho thai nhi, dẫn đến tình trạng thai nhi bị thiếu dưỡng khí, các tế bào não bị tổn thương.

- Sinh non là trẻ sinh ra trước 37 tuần thai tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt cuối cùng trước khi có thai. Đặc biệt những trẻ sinh trước 32 tuần và nhất là trước 28 tuần thai có nguy cơ bại não rất cao. Một nghiên cứu cho thấy những trẻ sinh non có cân nặng lúc sinh thấp hơn 1500 gram có nguy cơ bại não cao gấp 30 lần so với trẻ sinh đủ tháng (trẻ sinh từ 37 đến 42 tuần thai). Lý giải cho việc này là nguy cơ rất cao bị xuất huyết não ở những đứa bé sinh non trong khi hệ thần kinh vẫn chưa hoàn thiện và rất yếu ớt có thể khiến cho đứa trẻ bị tổn thương não.

- Ngạt trong quá trình chuyển dạ và sinh nở khiến cho đứa trẻ bị thiếu oxi: nguyên nhân này chiếm khoảng 10% các trường hợp trẻ bị bại não theo nghiên cứu của Hội Sản và Phụ khoa Hoa Kỳ và Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ.

- Các bệnh về máu: khi người mẹ và bào thai không mạng cùng nhóm máu Rh (một loại kháng nguyên quy định nhóm máu, có 2 loại là Rh- và Rh+) sẽ gây nên vàng da trầm trọng và tổn thương não dẫn đến bại não. Bệnh này thường gặp ở người da trắng còn ở Việt Nam rất hiếm gặp vì tỷ lệ mang Rh (-) cực kỳ hiếm gặp. Rất may là bệnh bất đồng nhóm máu Rh có thể ngăn ngừa được bằng cách tiêm vào người mẹ mang Rh-âm (Rh-) một sản phẩm máu được gọi là Rh immune globulin vào tuần thứ 28 trong thời kỳ mang thai và tiêm nhắc lại một lần nữa sau khi sinh cho đứa trẻ mang Rh-dương (Rh+). Tuy nhiên ở Việt Nam có thể gặp bất đồng nhóm máu ABO giữa mẹ và thai nhi. Một bệnh khác rất nặng nề mặc dù biện pháp phòng ngừa cực kỳ đơn giản là xuất huyết não do thiếu Vitamin K ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi cũng gây nên bại não. Các bệnh rối loạn chức năng đông máu khác cũng có thể là nguyên nhân của bại não vì làm tăng nguy cơ chảy máu trong não.

- Vàng da nhân ở trẻ sơ sinh là do sự tích tụ trong máu một loại sắc tố có tên billirubin làm cho da có màu vàng, nguyên nhân của hiện tượng này là tốc độ phá hủy hồng cầu cao và chức năng gan chưa trưởng thành ở trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ sinh non. Trong trường hợp nặng, sắc tố này có thể vượt qua hàng rào mạch máu – não và lắng đọng chủ yếu ở các nhân nền của não (do đó có tên là vàng da nhân) và làm tổn thương các cấu trúc này đưa đến thể bại não kèm theo chứng múa vờn.

- Các bất thường bẩm sinh khác về cấu trúc hệ thần kinh ở trẻ có thể do các bệnh di truyền cũng có thể do những bất thường trong quá trình phát triển bào thai.

- Bại não mắc phải: là bệnh bại não do tổn thương thần kinh trong hai năm đầu đời do các nguyên nhân như viêm màng não mủ, viêm não, chấn thương sọ não...

Nguyên nhân bại não ở trẻ

3Triệu chứng bại não

Bại não được phân thành 3 thể:

- Bại não thể liệt cứng (Spastic cerebral palsy) chiếm 70 -80% trong tổng số những người bị mắc bệnh bại não với các triệu chứng cơ co cứng, cử động khó khăn. Khi cả hai chân đều bị liệt (liệt cứng hai chi dưới), đứa trẻ có thể gặp khó khăn khi đi bởi vì các cơ bó sát trong hông và chân làm cho hai chân chụm vào nhau và giao nhau tại đầu gối (còn được gọi là cắt kéo). Trường hợp thứ hai, chỉ một bên cơ thể bị liệt (liệt cứng nửa người), và chân thường bị liệt nghiêm trọng hơn tay khiến cho việc di chuyển khó khăn. Trường hợp nghiêm trọng nhất là liệt cứng tứ chi, trong đó cả bốn chi và thân người bị liệt, các chi có thể bị biến dạng và thường thì cả các cơ điều khiển mồm và lưỡi cũng bị liệt khiến cho việc ăn uống của trẻ cũng trỏe nên khó khăn, miệng mở liên tục. Những đứa trẻ mắc thể liệt cứng này trong vài tháng đầu chào đời, trẻ ít khóc hoặc khóc rất yếu, phản ứng chậm với thế giới xung quanh, sự phát triển như hóng chuyện, lẫy, bò, biết đi chậm hơn so với những đứa bé cùng tuổi.

- Bại não thể loạn động (Dyskinetic cerebral palsy) chiếm 10-20% những đứa trẻ mắc bệnh bại não, căn bệnh gây ảnh hưởng tới toàn bộ cơ thể. Trẻ có những cử động chậm, xoắn hay có những cử động nhanh của bàn chân, cánh tay, bàn tay hay các cơ ở mặt. Tay và chân cử động lộn xộn, không có mục đích. Nếu muốn cử động theo một mục đich thì phần cử động thường nhanh và quá tầm. Trẻ giữ tư thế thăng bằng kém và rất dễ ngã. Đây là thể bệnh được đặc trưng bằng sự thay đổi thất thường của trương lực cơ (lúc tăng, lúc giảm) và thỉnh thoảng có những cử động không kiểm soát được (có thể là những cử động chậm và đau hoặc nhanh và giật giật). Trẻ mắc bệnh này thường khó có tư thế ngồi hoặc dáng đi bình thường. Do các cơ điều khiển nét mặt và lưỡi cũng bị ảnh hưởng cho nên người bệnh cũng gặp khó khăn khi bú, nuốt và nói. Tuy nhiên, những đứa bé mắc thể này có trí lực bình thường.

- Bại não thể thất điều (Ataxic cerebral palsy) chiếm 5-10% trường hợp. căn bệnh ảnh hưởng đến khả năng cân bằng tư thế và phối hợp động tác. Người bệnh có thể đi nhưng với một dáng điệu không vững và gặp khó khăn với những cử động cần phải có sự phối hợp chính xác, ví dụ như viết, cầm nắm, đánh máy, lật sách, lấy đồ vật,... Các biểu hiện thường gặp là bước đi sải rộng, lệch lạc, loạng choạng, đi không vững, khó khăn khi đưa hai tay vào nhau và với các vận động lặp đi lặp lại, rất khó khăn để phát âm do đó ảnh hưởng đến khả năng nói của trẻ, chuyển động của mắt chậm, bị run chi với biên độ nhỏ và chậm...

Nguyên nhân bại não ở trẻ

4Cách điều trị bại não

Đây là một bệnh mãn tính không thể điều trị khỏi, chỉ có thể kết hợp các biện pháp để làm giảm triệu chứng, cải thiện khả năng vận động, tư thế và lời nói, nâng cao chất lượng sống và duy trì khả năng sinh hoạt ở mức tốt nhất có thể. Việc điều trị cần kết hợp nhiều phương pháp khác nhau và có sự tham gia tích cực từ phía gia đình để có thể đạt kết quả khả quan, các biện pháp thường được sử dụng:

- Trẻ thường được bắt đầu bằng vật lý trị liệu ngay sau khi được chẩn đoán. Điều trị này làm tăng khả năng của trẻ như ngồi, đi, cải thiện cơ lực và phòng ngừa sư co kéo biến dạng cơ (cơ bị co rút có thể giới hạn vận động của các khớp). Đôi khi trẻ còn được sử dụng các dụng cụ như nẹp, máng hoặc bó bột để ngừa co rút cơ và cải thiện chức năng của chân và tay. Nếu tình trạng co rút cơ quá nặng, trẻ cần được phẫu thuật chỉnh hình để làm dài cơ bị bệnh.

- Đôi khi bác sĩ còn dùng một số thuốc nhằm làm giảm bớt mức độ co cứng của cơ và làm giảm các cử động bất thường, như primidon và benzodiazepin để giảm run tay. Tuy nhiên các thuốc đường uống hiện nay không có tác dụng đáng kể. Có thể tiêm trực tiếp Botox (botulinum toxin) vào các cơ co rút có thể giúp cải thiện triệu chứng, tác dụng có thể kéo dài vài tháng (trong thời gian này việc phục hồi chức năng thực hiện dễ dàng hơn). Baclofen cũng là một loại thuốc chóng co thắt cơ được lựa chọn trong những trường hợp co cứng cơ vừa và nặng, thuốc được tiêm truyền dưới da liên tục để vào cơ thể.

- Đối với một số trẻ có tình trạng co cứng hai chi dưới nặng nề, phẫu thuật cắt bỏ chọn lọc một số nhánh thần kinh ở lưng chi phối hoạt động chi có thể làm giảm vĩnh viễn tình trạng co cứng cũng như cái thiện khả năng vận động như ngồi, đứng, đi. Phẫu thuật này thường tiến hành khi trẻ được 2 đến 7 tuổi.

- Trong những trường hợp nặng, tập luyện cho trẻ nhằm mục đích thực hiện được các thao tác quan trọng nhất trong cuộc sống hằng ngày như ăn, mặc, vệ sinh cá nhân. Những trường hợp nhẹ hơn, tập luyện và điều trị có thể hướng đến mục tiêu cao hơn như giao tiếp, vui chơi, và cả học tập nữa.

- Cuối cùng, điều quyết định sự thành công của điều trị là vai trò của gia đình và người chăm sóc trẻ. Cần có sự tin tưởng, kiên trì và những kiến thức cơ bản cũng như kỹ năng chăm sóc từ phía người chăm sóc để đạ được kết quả tốt nhất cho trẻ, giúp trẻ có thể tự chăm sóc bản thân ở mức cơ bản, có cuộc sống gần với bình thường.

Nguyên nhân bại não ở trẻ

5Cách phòng ngừa bại não

Do không xác định được chính xác nguyên nhân gây bệnh nên việc phòng ngừa cũng gặp khó khăn, những người phụ nữ mang thai và gia đình nên lưu ý vài nguyên tắc để giảm thiểu khả năng mắc bệnh của thai nhi: - Về phía cơ sở y tế: chăm sóc phụ nữ trong tuổi sinh đẻ và phụ nữ trong thai kỳ nhằm giảm thiểu những biến chứng của thai kỳ. Có biện pháp để điều trị sản khoa hợp lý nhằm giảm thiểu các biến chứng do sinh đẻ như ngạt, chấn thương... Có trung tâm chăm sóc sơ sinh phù hợp.

- Tiêm ngừa đề phòng các bệnh như viêm màng não mủ, viêm não

- Phòng chống tai nạn giao thông cũng như các tai nạn khác (ngạt nước..) có khả năng gây chấn thương cho trẻ.

- Phòng ngừa thứ phát là phát hiện sớm và điều trị trẻ bị bại não nhằm hạn chế tật nguyền.

- Phụ nữ trong giai đoạn thai kỳ cần thăm khám thường xuyên, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng,.. nên khi đến bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra khi thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào.

Bại não sẽ để lại di chứng suốt đời, dù không nặng thêm khi trưởng thành và có thể giảm thiểu triệu chứng nhưng đây vẫn là một bệnh có mức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống và sinh hoạt của người bệnh. Mọi người nên lưu ý đến những nguy cơ và có hướng phòng tránh tốt nhất. Khi có bất kỳ nghi ngờ gì, bạn hãy đến ngày bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn.

An Khang

Hơn 4 năm trước 40

Nguyên nhân bại não ở trẻ
0