Người việt nam uống nhiều rượu vì sao

Nhiều sách viết rượu có trước thời Hùng Vương, được làm từ gạo. Hầu hết các sách đều thống nhất trong việc sử dụng [mục đích] rượu vào việc tế lễ. Có sách thuật lại truyện vua Lý Thái Tổ đi tuần, đến nơi thấy sông núi tươi đẹp, cảm xúc, liền lấy rượu khấn rằng: “Nơi này cảnh đẹp, nếu có thần linh hạo khí thì xin nhận rượu của trẫm”. Quả nhiên đêm ấy, vua nằm mộng thấy vị thần xưng là Lý Phục Man... Như vậy, cha ông ta đã biết chế tác rượu, chủ yếu dùng vào việc tế lễ trời đất, tổ tiên và các nghi lễ quan trọng khác

Câu “Vô tửu bất thành lễ” [không có rượu không thành lễ] xuất hiện trong văn hóa Đại Việt có lẽ từ thời Nho giáo đã hưng thịnh. Vìnguyên ủycâu này có từ rất lâu bên Trung Hoa cổ đại, trước cả thời Khổng Tử. Dùng rượu vào việc tế lễ, có thể coi câu của Chu Văn Vương là tiêu biểu:“Tế tự thì dùng rượu. Trời xuống mệnh cho dân biết nấu rượu chỉ là dùng vào việc tế tự lớn”.

Có thể xuất phát từ tính chưng cất của rượu chiết xuất từ gạo kết hợp với thứ men lá đặc biệt. Mà gạo ngày xưa rất quý, gọi đó là “ngọc thực” nên dần dần qua tiếp biến văn hóa, rượu được coi là linh hồn của trời đất, vũ trụ, xứng đáng làm sứ giả để “nối” các vị thần thánh siêu nhiên với con người trần tục. Có sách còn chỉ ra rượu đủ có cả tinh-khí-thần, là tinh chất từ gạo nếp [tinh], hơi rượu tỏa trong không khí [khí], làm cho thần thái vui vẻ [thần]... Như dòng chảy nhẹ nhàng, sâu lắng, hình tượng rượu ngấm dần vào phong tục rồi biểu hiện ra những nét văn hóa rất sinh động. Trước hết là để cúng ông bà tổ tiên: “Rượu ngon chắt để bàn thờ...”. Rượu thể hiện tấm lòng thành của con cháu trong sáng, thảo thơm [như rượu] mong muốn tổ tiên thưởng thức thứ lễ vật tinh túy của trời đất mà phù hộ độ trì cho con cháu.

Tranh biếm họa củaQuang Cường.

Rượu không thể thiếu trong chuyện cưới hỏi. Cùng với cau trầu, rượu là lễ vật bắt buộc. Có bài ca dao: "Anh có thương em thì lo một buồng cau cho tốt, một hũ rượu cho đầy/ Đặt lên bàn thượng, hạ xuống bàn xây/ Chàng đứng đó, thiếp đứng đây/ Lẽ mô thầy với mẹ lại không kết nghĩa sum vầy cho con?".Trước khi về nhà chồng, con gái phải mời rượu cha mẹ: "Rượu lưu ly chân quỳ tay rót/ Cha mẹ uống rồi dời gót theo anh".Ở ngoài đời không có loại rượu nào tên “lưu ly”, ở đây hiểu là giờ phút thiêng liêng, cha mẹ uống chén rượu mừng chia tay con thành “gia thất”. Trong lễ hợp cẩn [lễ cuối của lễ tân hôn], vợ chồng uống chung một chén rượu đào và ăn chung một đĩa cơm nếp. Rượu đào là rượu ngon, màu hồng. Màu hồng là màu của hôn nhân, hạnh phúc. Ý nghĩa của lễ này cũng dễ hiểu: Cầu mong vợ chồng suốt đời hạnh phúc, say nhau như say rượu và dính nhau như dính... cơm nếp.

Rượu không thể thiếu trong ngày Tết. Là thứ để con người gần gũi hơn, vui vẻ, nồng nàn hơn. Tận xa xưa đã có tục lấy rượu là phần thưởng trong các cuộc vui ngày Tết. Theo sáchTùy thư[trong bộĐịa lý chícủa Trung Quốc] thì ngoài dùng rượu vào việc tế lễ tổ tiên, người Việt [thời Bắc thuộc] còn dùng vào các trò vui “chơi đu, ném còn, hát múa, kéo co. Bên nào được cuộc thì uống rượu”.

Là thứ thiêng liêng, dân dã mà sang trọng, rượu không thể thiếu với giới tao nhân mặc khách. Với người quân tử thì phải sành “Cầm, kỳ, thi, họa/tửu”, cùng “bầu rượu, túi thơ” để “Vòng trời đất dọc ngang,ngang dọc” [Nguyễn Công Trứ]. Hình tượng “bầu rượu” là có thật, rượu được rót vào vỏ quả bầu khô nhỏ, rất tiện cho việc đeo/mang trên người.

Rượu là hình tượng quen thuộc trong thơ Nguyễn Trãi: "Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén". Uống rượu cũng là uống trăng. Rồi "Túi thơ, bầu rượu quản xình xoàng/ Khỏe dụng đầm hâm mấy dặm đường". Nhờ có “túi thơ, bầu rượu”, tức nhờ nghệ thuật, con người mới thêm ấm áp, thêm sức lực, thêm sự dẻo dai trên đường đời xa. Không còn là rượu thông thường mà là một ẩn dụ chỉ nghệ thuật, thứ nghệ thuật giúp đời, giúp người. Lại có câu thơ đầy ảo mộng: "Nguyệt mãn Bình Than tửu mãn thuyền" [Trăng chiếu đầy sông Bình Than, rượu chở đầy thuyền]. Sông nước hay sông trăng? Thuyền rượu hay thuyền trăng? Trăng say, thuyền say, người say hay sông nước say? Say rượu, say thơ hay say cái đẹp? Một cái đẹp thoát tục! Đây không phải thơ của “thi nhân” mà phải là thơ của “thi tiên”!

TrongTruyện Kiềucủa Nguyễn Du thì có cả một “thế giới” rượu có chung đặc điểm là không nhân vật nào “quá chén”. Chỉ là “chén xuân”, “chén hà”, “chén đồng”, “chén mồi”, “chén mừng”, “chén quan hà”, “chén quỳnh”, “chén thề”, “chén vàng”, “chén cúc dở say”, “chén đầy”, “chén vơi”, “chén xuân tàng tàng”... Rượu trongTruyện Kiềunhư chất keo gắn nối và gắn kết các nhân vật, cũng là sự thể hiện con người và các mối quan hệ của nhân vật.

Vị quan Doanh điền sứ-nhà thơ ngông Nguyễn Công Trứ say rượu một cách rất tình: "Còn trời, còn nước, còn non/ Còn cô bán rượu anh còn say sưa". Ở thời hiện đại, nhà thơ Trần Huyền Trân mượn rượu tâm sự với Tản Đà, gan ruột, khắc khoải, đau mà nồng: "Rồi lên ta uống với nhau/ Rót đau lòng ấy vào đau lòng này".

Nếu nói về “văn hóa rượu” thì Bác Hồ là người văn hóa nhất. Là người biết uống rượu nhưng Bác chỉ dùng rượu làm phương tiện giao tiếp cho câu chuyện thêm nồng ấm, đậm đà. Trong bài thơTặng đồng chí Trần Canhtại Việt Bắc [năm 1950], Bác chúc vui đồng chí tướng quân say rượu nhưng là cái say sau khi “chẳng cho tên địch nào thoát”. Khi tuổi cao, phải kiêng, không được thưởng thức ngoài đời, Bác “uống” trong thơ: "Trong mộng thuốc thơm và rượu ngọt/ Tỉnh ra thêm phấn chấn tinh thần"[Nhị vật].

Như vậy, rượu là hình tượng văn hóa tích cực đáng được nghiên cứu, tìm hiểu.

Nhưng viết nhiều hơn là phê phán cái sự say rượu. Ca dao châm biếm nhẹ nhàng mà sâu cay: “Ở đời chẳng biết sợ ai/ Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày”.Dân gian khuyên răn người ta: “Giàu đâu đến kẻ ngủ trưa/ Sang đâu đến kẻ say sưa tối ngày”.

Trong văn học viết thì đề cập khá nhiều tấm gương xấu do say rượu dẫn đến hậu quả khôn lường.Khâm định Việt sử Thông giám cương mụcphê phán Đỗ Thích là kẻ giết vua, lợi dụng “nhà vua đêm ăn yến, say rượu, nằm ở trong sân cung cấm” mà giết đi. Lời phê phán còn hướng đến cả vua không giữ nghiêm kỷ cương, ngược lại bê tha, sa đọa nên bị giết cũng đáng. Nhiều sách mỉa mai vua Lý Huệ Tông mắc bệnh tật do “uống rượu ngủ li bì đến hôm sau mới tỉnh”. Ở thời Trần, vua Trần Anh Tông từng say rượu xương bồ nên suýt bị Thượng hoàng truất ngôi. Rồi các vua hám rượu như Dương Nhật Lễ “rượu chè dâm dật”. Vua Lê Uy Mục bịlên án nặng nhất. Sách toàn thưphê: “Vua nghiện rượu, hiếu sát, hoang dâm”.

Thời Hồng Đức có tập thơ NômThập giới cô hồn quốc ngữ văn[Mười bài văn răn các cô hồn] phê phán những kẻ ăn chơi [đãng tử] đàng điếm vô độ: “Ăn cà cuống lầm phải bọ hung/ Uống rượu thiêu lạt bằng nước lã”. Rượu thiêu là loại rượu ngon, nặng, có thể đốt cháy được, thế mà kẻ đãng tử uống như uống nước lã... Câu đầu là sự mỉa kín đáo: Vì say sưa nên dốt nát đến mức không phân biệt được cà cuống, bọ hung...

Các tôn giáo du nhập vào nước ta cũng không khuyến khích dùng rượu. Phật giáo cấm uống rượu vì cho rằng rượu là nguyên nhân gây nên nhiều tội lỗi.

Ngay từ tháng 10-1958, Bác Hồ đã nhận ra vấn đề này. Về thăm đồng bào Hòa Bình, ân cần mà nghiêm khắc, Bác căn dặn: “Đồng bào nấu rượu và uống rượu nhiều quá. Lâu lâu uống một chút thì không sao, nhưng uống nhiều thì không tốt”[*].

Rượu là hiện tượng văn hóa nên phải điều chỉnh, tác động bằng văn hóa. Mà văn hóa thì giáo dục bằng cách nêu gương là tốt nhất: Mỗi cán bộ, đảng viên, giáo viên, đoàn viên, bậc cha chú... nêu gương dùng ít rượu, bia; nêu gương tôn trọng sở trường, sở đoản của khách, không cố tình nài ép khách uống để say xỉn cho hả dạ. Tiếp đó, để "ma men" không gây bao khổ đau cho xã hội, các cơ quan hành chính dùng các biện pháp mang tính ngăn chặn, răn đe.

PGS, TSNGUYỄN THANH TÚ

*Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, năm 2002, Hà Nội, tập 9, tr.242.

Người Việt uống rượu bia nhiều hay ít?

Dự thảo Luật Phòng chống tác hại rượu bia đang được Bộ Y tế lấy ý kiến đóng góp, trong đó nhiều nội dung đang bị các doanh nghiệp kinh doanh rượu bia phản đối

Trong khi đại diện Bộ Y tế cho rằng người Việt đang sử dụng rượu bia ở mức nguy hại thì nhiều doanh nghiệp [DN] sản xuất, kinh doanh rượu bia lại cho rằng mức tiêu thụ của Việt Nam thua xa nhiều nước, thậm chí đang giảm sút.

Người Việt uống 4 tỉ lít bia/năm

Báo cáo của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam [VBA] cho biết năm 2017, lượng bia các loại tiêu thụ trên cả nước đạt hơn 4 tỉ lít. Bình quân mỗi người dân tiêu thụ gần 43 lít bia/năm. Con số này cũng cao hơn so với năm 2016 gần 3,8 lít bia. Chi phí cho tiêu thụ bia của Việt Nam khoảng 3,4 tỉ USD/năm, gần 3% số thu ngân sách của cả nước với bình quân khoảng hơn 300 USD người/năm, trong khi chi tiêu cho y tế chỉ bình quân 113 USD/người.

Tuy nhiên, tại hội thảo mới đây do Bộ Y tế tổ chức để lấy ý kiến các bên liên quan về dự án Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, đại diện VBA cho rằng thực trạng sản xuất - kinh doanh, sử dụng rượu bia tại Việt Nam ở mức trung bình. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng của thị trường rượu bia trong 3 năm gần đây giảm. Lượng cồn nguyên chất tiêu thụ tại Việt Nam chỉ là 6,6 lít/người/năm, đứng thứ 94/194 nước theo Tổ chức Y tế thế giới [WHO]. Mức tiêu thụ bia bình quân theo đầu người ở Việt Nam thua xa các nước: Úc, Ba Lan, Đức, Estonia, Nhật Bản...

Phản bác điều này, bà Trần Thị Trang, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết tỉ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu bia thuộc dạng cao nhất thế giới và ngày càng tăng với cả hai giới. Đến năm 2025, dự báo mỗi người Việt tiêu thụ 7 lít cồn/năm. Về tiêu thụ rượu bia, Việt Nam đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. Đặc biệt, tốc độ gia tăng sử dụng là đáng lo ngại khi chỉ 15 năm, Việt Nam tăng tới 74%.

Người trẻ tuổi uống rượu bia đang gia tăng, trong đó tuổi vị thành niên, thanh niên tăng gần 10% sau 5 năm. "Nếu tính độ tuổi sử dụng rượu bia là trên 15 thì trung bình mỗi người Việt uống khoảng 6,6 lít cồn nguyên chất nhưng ở Việt Nam có tới 77% nam giới uống rượu bia. Con số này tương ứng với mức tiêu thụ trung bình khoảng 27 lít cồn nguyên chất mỗi người. Đây là mức rất cao. Không những thế, tỉ lệ sử dụng rượu bia tăng nhanh hằng năm. Giai đoạn 2003-2005, mức độ tiêu thụ số cồn trung bình là 3,8 lít/năm nhưng chỉ sau 5 năm đã tăng gấp đôi. Dự tính khoảng 5 năm tới, mức độ tiêu thụ cồn ở Việt Nam sẽ vào khoảng 7 lít/năm" - bà Trang dẫn chứng.

Rượu bia không chỉ gây hại cho sức khỏe mà còn là tác nhân gián tiếp gây bất ổn xã hội Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Tuyên truyền thôi, chưa đủ!

Nhiều DN cho rằng dự thảo luật nên bỏ phương án bán rượu bia theo giờ. Bởi lẽ, việc cấm sẽ khiến người tiêu dùng có xu hướng uống nhiều hơn hoặc thiếu trách nhiệm trước giờ "giới nghiêm". Việc này còn thiếu tính khả thi trong hoạt động giám sát, kiểm tra, đặc biệt vào khung giờ cấm ban đêm.

Cùng đó, đại diện VBA cũng cho rằng việc sản xuất rượu bia giữ vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; đóng góp quan trọng vào ngân sách. VBA đề nghị Bộ Y tế xem lại tính khả thi của quy định về hạn chế quảng cáo, tài trợ đối với bia.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết đến nay, WHO đã xác định không có ngưỡng an toàn của sử dụng rượu bia. Vì thế, không có ngưỡng cho sự lạm dụng.

Theo khuyến cáo của Hiệp hội Phòng chống ung thư quốc tế, sử dụng rượu bia dù ít [dưới 1 lon bia 330 ml] vẫn có mối liên quan với nhiều loại ung thư: vú, vòm họng, tế bào vảy thực quản, gan, dạ dày, đại tràng, trực tràng... Các chuyên gia cũng tiếp tục khẳng định tác hại khôn lường của rượu bia là người dùng không kiểm soát được hành vi dẫn đến bạo lực, tai nạn giao thông, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe với nhiều căn bệnh nguy hiểm.

"Việc chỉ tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tác hại của rượu bia sẽ không có hiệu quả trong giảm tiêu dùng thức uống này ở mức nguy hại. Cần phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm hạn chế tính sẵn có rượu bia, hạn chế việc tiếp cận và tiêu dùng. Nhiều nước trong khu vực đã ban hành luật kiểm soát buôn bán, tiêu thụ rượu bia" - ông Quang nhấn mạnh.

DN rượu bia lãi "khủng"

Các thống kê cho thấy DN rượu bia ở Việt Nam đang kinh doanh có lãi và rất thuận lợi. Chẳng hạn, lợi nhuận sau thuế của Sabeco năm 2017 là 4.562 tỉ đồng, tăng so với cùng kỳ năm trước; Habeco cũng lãi 658 tỉ đồng. Chủ tịch Heineken châu Á - Thái Bình Dương Frans Eusman cho biết hãng này đang đổ tiền vào Việt Nam bởi đây là thị trường có khả năng sinh lãi lớn thứ 2 cho hãng, chỉ sau Mexico.

Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng cần giảm mức tiêu thụ rượu bia, kiểm soát việc cung cấp mặt hàng này. Thậm chí, để giảm khả năng tiếp cận rượu bia, cần đánh thuế thật cao đối với mặt hàng này. Theo chuyên gia của WHO, Việt Nam nằm trong số những nước đồ uống có cồn rất sẵn có và giá rẻ nên dẫn đến tình trạng lạm dụng rượu bia.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA:

Nhiều văn bản mà quản không xong

Chỉ có lạm dụng rượu bia hoặc sử dụng rượu bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm mới là nguyên nhân ảnh hưởng đến sức khỏe. Việc cho rằng sản phẩm rượu bia có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bảo đảm quy định về an toàn thực phẩm có tác hại giống như rượu bia không rõ nguồn gốc, xuất xứ là chưa chính xác.

Những ý kiến về tác hại của rượu bia đối với kinh tế - xã hội cũng cần được xem xét lại. Cần có điều tra thực tế tại Việt Nam chứ không thể lấy số liệu quốc tế với điều kiện khác rất xa Việt Nam để nói rằng chi phí cho việc phòng chống và khắc phục tác hại của rượu bia lớn gấp 1,5 lần đóng góp ngân sách của ngành.

Mặt khác, rượu là hàng hóa hạn chế kinh doanh theo quy định của Luật Thương mại. Sản xuất, kinh doanh rượu là ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Luật Đầu tư. Bia rượu còn được xếp vào loại hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế suất 65%. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành chính sách quốc gia về phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Vì vậy, khi xây dựng luật, cần có báo cáo đánh giá đầy đủ kết quả thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật này và trả lời câu hỏi tại sao có nhiều văn bản quy phạm pháp luật như vậy mà chưa quản lý tốt được? Nếu thực hiện tốt các văn bản đã có và khắc phục được các hạn chế đó thì có cần thiết phải ban hành luật mới hay không?

Đại diện Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội [Habeco]:

Nên quản lý, thu thuế rượu tự nấu

Habeco về cơ bản ủng hộ quan điểm của VBA. Bản thân Habeco cũng đang chuẩn bị một văn bản phản hồi để gửi cơ quan soạn thảo dự thảo luật là Bộ Y tế.

Về nội dung, chúng tôi dự kiến sẽ phản hồi về quy định thu phí của bia bởi cho rằng đây là quy định không đúng. Quy kết cho bia gây tác động đến sức khỏe là không hợp lý mà phải tập trung vào mặt hàng rượu, nhất là rượu mà người dân tự nấu, không kiểm soát được chất lượng. Rượu mới chính là loại đồ uống ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và cần phải quản lý để thu được các loại thuế, phí từ đây.

Ngoài ra, bản thân người Việt Nam đã có ý thức quan tâm đến sức khỏe rồi, không cần phải cho ra đời một luật nữa. Người dân sẽ tự điều chỉnh hành vi của mình dựa trên chính mối quan tâm cá nhân của họ.

Cũng cần phân tích đến yếu tố du lịch. Trước đây, du lịch chưa phát triển nhưng trong một vài năm nay, tăng trưởng du lịch rất cao, mỗi năm tăng 30%. Lượng khách du lịch nước ngoài đến Việt Nam sẽ đạt khoảng 17 triệu người trong năm 2018. Khách du lịch đến kéo theo nhu cầu sử dụng rượu bia tăng cao. Vì thế, không thể lấy sản lượng tiêu thụ để chứng minh cho việc người Việt ngày càng tiêu thụ nhiều rượu bia.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế:

Mập mờ "uống có trách nhiệm"

Ban soạn thảo xây dựng luật nhận được nhiều kiến nghị của DN sản xuất, kinh doanh rượu bia về việc bỏ đề xuất thành lập Quỹ Nâng cao sức khỏe vì các công ty này đang dành một khoản tiền lớn cho các chiến dịch tuyên truyền, giáo dục về "uống có trách nhiệm".

Tuy nhiên, đây là khái niệm mập mờ vì không ai có thể xác định ngưỡng ở đâu, đã uống thì khó mà dừng được. Thông điệp này chỉ có ý nghĩa với người không uống rượu bia, còn thường thì người uống không kiểm soát được bản thân cũng như trách nhiệm.

NGỌC DUNG - THÙY DƯƠNG

Video liên quan

Chủ Đề