Nghiên cứu xây dựng sản phẩm du lịch việt nam có tính cạnh tranh trong khu vực, quốc tế

Việt Nam có 4 lợi thế thiên nhiên, văn hóa, ẩm thực và con người, song vẫn loay hoay chọn sản phẩm mạnh nhất để phát triển, quảng bá. Chính điều này đặt ra thách thức cho ngành du lịch khi mở cửa trở lại từ 15/3, bên cạnh những điều kiện thuận lợi về đi lại, kiểm soát dịch bệnh.

"Chúng ta chưa làm thỏa mãn du khách, dù sở hữu những giải thưởng lớn về du lịch sang trọng, các khu nghỉ tầm cỡ quốc tế, các thương hiệu khách sạn hàng đầu thế giới. Khi đó nhìn sang Thái Lan, cứ nhắc đến họ là nhớ Muay Thái, những ngôi chùa vàng, điệu múa truyền thống, ngôn ngữ, ẩm thực riêng", ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, cho hay.

Tràng An [Ninh Bình] là di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam được UNESCO công nhận. Ảnh: Vietravel

Việt Nam là một trong số ít quốc gia có hàng chục di sản được UNESCO công nhận, ngoài ra là hơn 40.000 thắng cảnh, trong đó hơn 3.000 di tích cấp quốc gia, 5.000 di tích cấp tỉnh. Trong năm 2019-2020, Việt Nam được vinh danh "Điểm đến di sản hàng đầu thế giới", bởi Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới [WTA]. Theo ông Hà, đây là những dẫn chứng cho thấy nước ta có thể định vị thương hiệu và phát triển các sản phẩm du lịch liên quan di sản.

"Di sản là tài nguyên quý giá, có sức hấp dẫn du khách quốc tế và trong nước, để nhắc tới Việt Nam là nghĩ ngay đến di sản", ông Hà nói. Đặc biệt sau Covid-19, để thu hút khách chi trả cao thì du lịch di sản càng phù hợp vì khả năng kết nối với loại hình nghỉ dưỡng cao cấp, golf, chăm sóc sức khỏe...

Trong buổi thông tin về phương án mở cửa du lịch quốc tế, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, Nguyễn Trùng Khánh, cũng nói: "Chất lượng sản phẩm là vấn đề cốt lõi để tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam, chứ không chỉ giảm giá". Vì vậy theo ông Khánh thời gian tới, ngành, địa phương và doanh nghiệp cần phải chuẩn bị cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, đặc biệt xây dựng những sản phẩm mới để thu hút du khách.

Ông Đoàn Mạnh Phước, Giám đốc Công ty Nghiên cứu và tư vấn phát triển điểm đến du lịch Outbox, thì cho hay điều mang tính chiến lược, đòi hỏi tính chuyên môn cao đấy là du lịch Việt Nam cần một định vị thương hiệu và từ đó tìm ra được những sản phẩm phù hợp. Các cơ quan quản lý du lịch Việt Nam cần có sự đầu tư và có quản lý chuyên nghiệp hơn đối với công tác truyền thông thương hiệu.

"Mỗi quốc gia có một đặc trưng, thế mạnh và sức hấp dẫn riêng đối với du khách. Để thương hiệu nổi bật, tôi tin rằng điều du lịch Việt Nam cần học các quốc gia khác, hay như trong nội địa là Đà Nẵng, đồng thời phải quan tâm đầu tư nghiêm túc, đúng mực", ông Phước nói.

Việc tạo một thương hiệu du lịch Việt Nam đang dừng lại ở bề mặt là logo và slogan. Việt Nam thường không tập trung cho một số sản phẩm hay thị trường nhất định mà ôm đồm nhiều thứ. Điều này làm cho giá trị của du lịch Việt Nam khá mờ nhạt và thiếu hấp dẫn.

"Phải thẳng thắn rằng Việt Nam chưa bao giờ có được một thương hiệu du lịch rõ ràng, tập trung và có tính chiến lược, như cách mà các điểm đến tầm quốc gia khác trong khu vực đã và đang làm", ông Phước nói thêm.

Ông Phạm Hà, Chủ tịch Lux Group, cho rằng di sản có thể là một gợi ý để du lịch Việt Nam tập trung quảng bá. Ảnh: Giang Huy

Điều quan trọng nữa là đẩy mạnh truyền thông để tác động tới nhận thức du khách, trong đó có các kênh truyền thông quốc tế như CNN, BBC... Theo ông Hà, để phát triển được sản phẩm từ di sản thì không thể thiếu truyền thông, xúc tiến. Một ví dụ là Discover Thainess, chiến dịch quảng bá của Thái Lan về lối sống và văn hóa, trong đó có cuộc thi "One and Only" để du khách trải nghiệm nói tiếng Thái, làm vòng hoa, tập Muay Thái...

"Thị trường đang thay đổi hàng ngày, chúng ta sẽ phải sẵn sàng với các yêu cầu mới từ du khách, về truyền thông, sản phẩm và chất lượng dịch vụ. Không thể chỉ trông chờ vào tiềm năng sẵn có của đất nước. Chỉ khi giải quyết được các tử huyệt nội tại của ngành, du lịch Việt Nam mới đi được những bước dài sau mở cửa", ông Phước kết luận.

Lan Hương

Thứ năm, 17/03/2022 22:03

TMO – Du lịch được coi là xu hướng tất yếu và là một trong những ngành chủ lực góp phần phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, chặng đường phát triển của ngành du lịch vẫn còn đối diện nhiều thách thức cần phải có giải pháp phù hợp mang tính tổng thể và định hướng bền vững.

Với những lợi thế đặc biệt về vị trí địa lý, thiên nhiên, con người và bản sắc văn hóa…Việt Nam có rất nhiều thuận lợi để phát triển du lịch. Nằm ở trung tâm Đông Nam Á, lãnh thổ Việt Nam vừa gắn liền với lục địa vừa thông ra đại dương, có vị trí giao lưu quốc tế thuận lợi cả về đường biển, đường sông, đường sắt, đường bộ và hàng không. Đây là tiền đề rất quan trọng trong việc mở rộng và phát triển du lịch quốc tế.

Ngoài những danh thắng được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới như: Vịnh Hạ Long, Cố đô Huế, Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn, Vườn quốc gia Phong Nha- Kẻ Bảng... Việt Nam còn thu hút khách du lịch nước ngoài với hàng loạt địa điểm du lịch sinh thái kéo dài khắp ba miền Tổ quốc. 

Tài nguyên du lịch tự nhiên cũng rất phong phú và đa dạng. Các đặc điểm đa dạng về cấu trúc địa hình biển và hải đảo, đồng bằng, đồi núi, cao nguyên đã làm cho lãnh thổ Việt Nam đa dạng, phong phú về cảnh quan và các hệ sinh thái có giá trị cao cho phát triển du lịch, đặc biệt là hệ sinh thái biển, hệ sinh thái sông hồ, hệ sinh thái rừng, hang động. Thêm vào đó, với lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, tài nguyên du lịch nhân văn của Việt Nam cũng rất phong phú. Trong số khoảng 40.000 di tích lịch sử trên khắp miền đất nước, có trên 2.500 di tích đã được Nhà nước công nhận và xếp hạng.

Việt Nam được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan đẹp.

Ngoài những lợi thế trên, Việt Nam còn là nước ổn định, an toàn về an ninh, chính trị, có nguồn nhân lực dồi dào. Chính sách đổi mới, mở cửa và hội nhập của Nhà nước cũng tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế đối ngoại trong đó có du lịch phát triển. Tuy nhiên, bên cạnh những tiềm năng trên, hiện nay, ngành Du lịch Việt Nam còn gặp không ít khó khăn và thách thức như: Trong giai đoạn đầu của sự phát triển, xuất phát điểm thấp so với các nước trong khu vực. Khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam cũng còn nhiều hạn chế. Trong khi đó, công tác quản lý môi trường tự nhiên và môi trường xã hội tại nhiều điểm/khu du lịch còn yếu kém và chưa được coi trọng. Công tác quản lý điểm đến chưa được triển khai đồng bộ, hiệu quả. Tình trạng mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, an ninh, trật tự tại các điểm du lịch vẫn thường xuyên xảy ra. Tình trạng taxi dù, hiện tượng chèo kéo, bán hàng rong, ép khách du lịch vẫn thường xuyên diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là mùa cao điểm...

Bên cạnh đó, nguồn tài nguyên du lịch chưa được thống kê, đánh giá, phân loại và xếp hạng để quản lý khai thác một cách bền vững, hiệu quả. Dẫn tới tài nguyên du lịch thì nhiều, nhưng khai thác bừa bãi, mới dừng ở bề nổi, khai thác cái sẵn có chưa phát huy giá trị của tài nguyên. Sự xung đột về lợi ích kinh tế giữa các chủ thể kinh tế và các ngành, tầm nhìn ngắn hạn và hạn chế về công nghệ dẫn tới một số tài nguyên du lịch bị tàn phá, sử dụng sai mục đích... tác động tiêu cực tới phát triển du lịch bền vững.

Tính chuyên nghiệp khi xây dựng sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá cũng chưa được nâng cao. Sản phẩm du lịch Việt Nam vẫn chậm đổi mới, còn nghèo nàn, đơn điệu, thiếu đặc sắc, ít sáng tạo, còn trùng lặp giữa các vùng miền, giá trị gia tăng hàm chứa trong sản phẩm du lịch thấp, thiếu đồng bộ và thiếu liên kết trong phát triển sản phẩm. Công tác xúc tiến quảng bá còn nhiều hạn chế, chưa chuyên nghiệp, chưa bài bản, chưa hiệu quả; mới dừng ở quảng bá hình ảnh chung, chưa tạo được tiếng vang và sức hấp dẫn đặc thù cho từng sản phẩm, thương hiệu du lịch.

Hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp cận điểm đến còn thiếu đồng bộ. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở lưu trú và dịch vụ du lịch phát triển nhanh nhưng nhìn chung tầm cỡ quy mô, tính chất tiện nghi và phong cách sản phẩm du lịch nhỏ lẻ, vận hành chưa chuyên nghiệp, do vậy chưa hình thành được hệ thống các khu du lịch quốc gia với thương hiệu nổi bật. Thêm vào đó, nguồn nhân lực du lịch cũng là điểm yếu kém rất lớn. Mặc dù có nhiều cố gắng trong công tác phát triển nguồn nhân lực du lịch thời gian qua, nhưng so với yêu cầu về tính chuyên nghiệp của ngành dịch vụ hiện đại và hội nhập, toàn cầu hóa thì nhân lực du lịch chưa đáp ứng kịp về kỹ năng chuyên nghiệp, hội nhập, liên kết toàn cầu.

Để Du lịch Việt Nam phát triển bền vững và hiệu quả, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung giải quyết những vấn đề như: Nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực tham gia vào quá trình toàn cầu hóa như gia nhập WTO, Cộng đồng kinh tế ASEAN, đàm phán ký kết các hiệp định thương mại tự do… ngành Du lịch Việt Nam đứng trước những cơ hội và thách thức không nhỏ, đòi hỏi phải nâng cao năng lực cạnh tranh. Một trong những cách tiếp cận để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Du lịch Việt Nam là nghiên cứu xu hướng nhu cầu của du khách để tạo ra những sản phẩm mới, hấp dẫn, đáp ứng đúng nguyện vọng và mang đến sự hài lòng cho du khách; Chú trọng phát triển sản phẩm du lịch địa phương. Ngoài việc nâng cao năng lực cạnh tranh còn cần nâng cao chất lượng dịch vụ các khu, tuyến, điểm du lịch đã khai thác. Khai thác những lợi thế khác biệt để tạo nên những sản phẩm du lịch đặc thù, từ đó hình thành các tuyến du lịch nội vùng và liên vùng có tính hấp dẫn và cạnh tranh cao.

Theo các chuyên gia, cần đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến và liên kết du lịch. Cụ thể, cần tăng cường công tác quảng bá, xúc tiến, tạo ra các sản phẩm du lịch phù hợp với nhiều phân khúc thị trường du lịch. Lựa chọn, tham gia có chọn lọc vào các hoạt động, sự kiện du lịch, thành lập Quỹ Xúc tiến du lịch quốc gia để tăng cường hơn nữa việc quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế; Đề xuất xây dựng những sản phẩm du lịch mới, tăng cường xây dựng những tour, tuyến du lịch liên vùng nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, phối kết hợp các hoạt động du lịch giữa các tỉnh trong vùng với các địa phương khác để du lịch thực sự trở thành một hoạt động thông suốt, có tính cạnh tranh cao hơn; Đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch. Chất lượng sản phẩm du lịch phụ thuộc nhiều vào việc cơ sở hạ tầng có được đầu tư tốt hay không và thái độ phục vụ cũng như trình độ của nhân viên. Vì vậy, phải chú trọng đến việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong đó tập trung đào tạo kỹ năng nghề và thực hành homestay.

Các chuyên gia nhấn mạnh, cần chú trọng công tác bảo vệ môi trường. Trong khai thác du lịch, các cơ quan quản lý phải luôn nhấn mạnh đến vấn đề bảo vệ môi trường và duy trì hệ sinh thái tự nhiên vốn có tại các điểm du lịch; Đặt vấn đề bảo vệ môi trường trở thành một trong những nhiệm vụ quan trọng trong quy hoạch các đề án, chiến lược phát triển du lịch của tỉnh và các khu, điểm du lịch.

[Còn nữa]

Tổ chức Chuyên đề: Gia Kiệt

Thực hiện: Vũ Minh – Quỳnh Vân 

Du lịch cộng đồng: Nhiều tiềm năng, thừa dư địa nhưng thiếu tính định hướng

Video liên quan

Chủ Đề