Mức độ vay nợ của ngân sách nhà nước phụ thuộc trực tiếp vào những yếu tố nào sau đây

Mục lục bài viết

  • 1. Nợ công là gì ? Bản chất pháp lý của nợ công ?
  • 2. Nợ ODA phải trả ngày càng tăng cao ?
  • 3. Liệu con cháu chúng ta có còng lưng trả nợ ?
  • 4. Mức lãi suất phải trả do nợ quá hạn chưa hợp lý ?
  • 5. Các nguyên nhân dẫn tới nợ nần trong kinh doanh

1. Nợ công là gì ? Bản chất pháp lý của nợ công ?

Nợ công vượt quá cao so với mức an toàn ở những nền kinh tế phát triển, đang trở thành chủ đề nóng hiện nay bởi đó là yếu tố có nguy cơ đe dọa những dấu hiệu phục hồi của nền kinh tế toàn cầu, làm người ta lo ngại tới viễn cảnh nền kinh tế một lần nữa lại rơi vào tình trạng suy giảm. Vậy nợ công là gì, hậu quả của nó ra sao, và cần nhìn nhận xem xét vấn đề này như thế nào?

>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua điện thoại gọi: 1900.6162

Nợ công là gì ?

Một cách khái quát nhất, có thể hiểu nợ chính phủ, nợ công hoặc nợ quốc gia là tổng giá trị các khoản tiền mà chính phủ thuộc mọi cấp từ trung ương đến địa phương đi vay nhằm tài trợ cho các khoản thâm hụt ngân sách, vì thế, nợ chính phủ, nói cách khác, là thâm hụt ngân sách luỹ kế tính đến một thời điểm nào đó. Để dễ hình dung quy mô của nợ chính phủ, người ta thường đo xem khoản nợ này bằng bao nhiêu phần trăm so với tổng sản phẩm quốc nội [GDP].

Nợ chính phủ thường được phân thành: Nợ trong nước [các khoản vay từ người cho vay trong nước] và nợ nước ngoài [các khoản vay từ người cho vay ngoài nước]. Việc đi vay của chính phủ có thể được thực hiện thông qua phát hành trái phiếu chính phủ để vay từ các tổ chức, cá nhân. Trái phiếu chính phủ phát hành bằng nội tệ được coi là không có rủi ro tín dụng vì chính phủ vì có thể tăng thuế thậm chí in thêm tiền để thanh toán cả gốc lẫn lãi khi đáo hạn. So với trái phiếu chính phủ phát hành bằng nội tệ, trái phiếu chính phủ phát hành bằng ngoại tệ [thường là các ngoại tệ mạnh có cầu lớn] có rủi ro tín dụng cao hơn vì chính phủ có thể không có đủ ngoại tệ để thanh toán, thêm vào đó còn có thể xảy ra rủi ro về tỷ giá hối đoái.

Ngoài việc vay bằng cách phát hành trái phiếu nói trên, chính phủ cũng có thể vay tiền trực tiếp từ các ngân hàng thương mại, các thể chế tài chính quốc tế, chẳng hạn Quỹ Tiền tệ quốc tế [IMF]… Hình thức vay này thường được chính phủ của các nước có độ tín cậy tín dụng thấp áp dụng vì khi đó khả năng vay nợ bằng hình thức phát hành trái phiếu chính phủ của họ không cao.

Thấy gì từ cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay?

Khi nợ công tăng cao, vượt quá xa giới hạn được coi là an toàn, nền kinh tế rất dễ bị tổn thương và chịu nhiều sức ép cả bên trong và bên ngoài. Xung quanh diễn biến về cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay với tâm chấn là Hy Lạp và hiện đang có nguy cơ lan tỏa sang nhiều nền kinh tế khác, có thể rút ra một số điều:

Thứ nhất, nợ công không chỉ là vấn đề của những nước chậm hoặc đang phát triển. So khoản nợ công với GDP, hiện nay, gánh trên vai gánh nặng nợ công lớn nhất là các nền kinh tế phát triển, trong đó, khu vực đồng ơ-rô đang đứng trước những thử thách to lớn khi Hy Lạp phải viện đến gói cứu trợ của EU và IMF để tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Trong báo cáo được công bố ngày 9-6 "Hậu quả do khủng hoảng tài chính toàn cầu gây ra trên phương diện thuế khóa", các chuyên gia của IMF khẳng định rằng, vào đầu năm 2010 tổng nợ công của 10 nước giàu nhất thế giới sẽ đạt mức 106% GDP [tương đương mỗi người dân nợ 50 nghìn USD]. Vào đầu năm 2007 con số này là 78%. Như vậy, trong vòng 3 năm, nợ công của "10 nước giàu nhất” đã tăng hơn 9 nghìn tỉ USD.

Các chuyên gia của IMF cho rằng, theo kịch bản tương đối lạc quan, trong năm 2014, nợ của "10 nước giàu nhất" sẽ lên trên mức 114% GDP, còn theo kịch bản bi quan, con số này là 150% GDP.

Ở những nền kinh tế đầu tàu khác của thế giới, nợ công cũng đang trong tình trạng báo động. Ngày 19-5, IMF và sau đó, ngày 26-5, OECD đã lần lượt cảnh báo, với mức nợ công hiện nay lên tới 190% GDP và chưa có dấu hiệu dừng lại, Nhật Bản có mức nợ công lớn nhất trong số các nước phát triển. Cảnh báo này làm mọi người lo ngại rằng, Nhật Bản có thể sẽ “trở thành một Hy Lạp thứ hai”. Ngày 2-6-2010 vừa qua, Bộ Tài chính Mỹ thông báo nợ công của Hoa Kỳ tính đến đầu tháng sáu năm nay đã vượt quá kỷ lục 13 ngàn tỉ USD. Khoản công nợ này đã tăng khoảng 1.600 tỉ USD so với năm ngoái, tăng hơn gấp đôi trong vòng 10 năm qua và chiếm tới 90% tổng sản phẩm quốc nội [GDP] hàng năm của Mỹ.

Thứ hai, khi nợ công quá lớn, việc thắt chặt chi tiêu, thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" để giảm thâm hụt ngân sách là điều kiện phải đáp ứng để được nhận sự hỗ trợ cần thiết từ các tổ chức tín dụng quốc tế, thế nhưng, "thắt lưng buộc bụng" lại dẫn tới những cuộc biểu tình phản đối của quần chúng, gây căng thẳng, bất ổn chính trị, xã hội, bởi những người nghèo, những người yếu thế trong xã hội là những người bị tác động mạnh nhất từ chính sách cắt giảm phúc lợi, cắt giảm chi tiêu của chính phủ. Chẳng hạn, để được nhận gói cứu trợ nhằm giải quyết khủng hoảng nợ, Chính phủ Hy Lạp đã phải quyết định tăng nhiều loại thuế, từ thuế giá trị gia tăng đến thuế thu nhập, thuế bất động sản; và đánh thuế vào nhiều sản phẩm như rượu, thuốc lá…, đồng thời chấp nhận áp dụng các biện pháp cắt giảm chi tiêu mạnh tay. Để phản đối chính sách này của chính phủ, các cuộc tổng đình công đã diễn ra, hàng chục ngàn người đã tham gia biểu tình trên khắp đất nước Hy Lạp, nhất là tại thủ đô A-ten.

Trong một phát biểu tại một cuộc họp ở thủ đô Bu-ê-nốt Ai-rét hồi đầu tháng 5-2010, Tổng thống Ác-hen-ti-na đã nói, ngày nay, chúng ta đang phải chứng kiến những hình ảnh đau buồn tại Hy Lạp. Tình trạng rối loạn đang xảy ra ở nước này gợi chúng ta nhớ về những gì mà Ác-hen-ti-na đã phải trải qua hồi năm 2001. Những công thức tương tự từ các tổ chức tín dụng đa phương yêu cầu cải cách, trong đó có việc cắt giảm mạnh tay chi tiêu ngân sách, là nguyên nhân then chốt gây ra rối loạn. Các tổ chức tín dụng đa phương này không hiểu được những gì đang diễn ra trên thế giới nói chung và trong xã hội Ác-hen-ti-na hay Hy Lạp nói riêng.

Cách đây 9 năm, năm 2001, Ác-hen-ti-na đã phải đối mặt với tình trạng rối loạn nghiêm trọng do các làn sóng biểu tình khắp nơi phản ứng các biện pháp "thắt lưng buộc bụng", để rồi Tổng thống Ác-hen-ti-na khi đó là ông Féc-nan-đô đơ la Rua đã phải từ chức, và 4 ngày sau đó, người kế nhiệm là A-đôn-phơ Rô-ri-get Saa phải tuyên bố tình trạng vỡ nợ quốc gia, với khoản nợ 90 tỉ USD – mức nợ lớn nhất trong lịch sử đất nước này.

Thứ ba, trong thời điểm hiện nay, khi nền kinh tế toàn cầu mới thoát khỏi khủng hoảng, bắt đầu có dấu hiệu phục hồi do kết quả của các gói kích thích kinh tế mà chính phủ các nước đã chi ra trong những năm trước đây, thì việc cắt giảm chi tiêu, tăng thuế sẽ làm giảm đầu tư, kìm hãm sự phục hồi của nền kinh tế, làm chậm tốc độ tăng trưởng, thậm chí có thể đẩy nền kinh tế vào "khủng hoảng kép". Nghiêm trọng hơn, việc tung ra các gói kích thích kinh tế chính là một trong những nguyên nhân làm tăng nợ công của các chính phủ, vậy nếu như khủng hoảng “tái xuất” thì liệu các chính phủ có còn đủ khả năng xoay xở, cứu vãn nền kinh tế của mình? Vấn đề đặt ra cho các chính phủ là phải chèo lái để giải quyết được thâm hụt ngân sách nhưng không đẩy nền kinh tế trở lại tình trạng suy thoái, trong khi các biện pháp để giải quyết hai vấn đề này lại có tác động không thuận chiều.

Thứ tư, khi nợ công liên tục tăng cao, nền kinh tế bị hạ bậc tín nhiệm theo báo cáo của các tổ chức chuyên đi đánh giá tín nhiệm các công ty và quốc gia khác, niềm tin của người dân và giới đầu tư bị lung lay, khi đó nền kinh tế dễ trở thành mục tiêu tấn công của các thế lực đầu cơ quốc tế. Thí dụ, đối với Hy Lạp, khi tổ chức xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s hạ bậc tín nhiệm đối với trái phiếu chính phủ của A-ten, các quỹ đầu tư lớn lập tức bán ra loại trái phiếu này, đồng thời từ chối mua vào trong các đợt phát hành tiếp theo. Nếu chính phủ muốn huy động tiền từ thị trường tài chính sẽ phải chấp nhận chi phí vốn cao hơn và sau đó, rơi vào vòng xoáy: tiếp tục bị tụt bậc tín nhiệm. Việc đưa ra xếp hạng tín nhiệm trong thời điểm nhạy cảm, dễ tổn thương của nền kinh tế có nguy cơ làm cho cuộc khủng hoảng thêm trầm trọng, có tác dụng như một "cú huých", đẩy nền kinh tế lún sâu thêm vào khó khăn, bế tắc.

Thứ năm, việc căn cứ vào mức nợ công trên GDP để xác định tình trạng nợ công là hết sức quan trọng, tuy nhiên, điều quan trọng không kém là phân tích "thực chất" nợ công. Đó là: nợ chính phủ là vay nợ trong nước hay vay nợ nước ngoài; tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế, hay tình trạng "sức khỏe" nói chung của nền kinh tế; lượng dự trữ quốc gia… Chẳng hạn, hiện nay, dư luận đang lo ngại liệu Nhật Bản có thể trở thành “một Hy Lạp thứ hai”, thế nhưng, một số nhà phân tích, khi phân tích nợ công của Nhật Bản đã cho thấy có sự khác biệt khá lớn giữa nợ công của nước này với nợ công của Hy Lạp, thể hiện ở chỗ, 95% trái phiếu chính phủ của Nhật Bản do người dân nước này nắm giữ, trong khi 70% nợ chính phủ Hy Lạp do người nước ngoài nắm giữ. Bên cạnh đó, Nhật còn tự chủ về tỷ giá hối đoái, dự trữ ngoại tệ của Nhật cũng ở mức rất cao [theo con số mà Bộ Tài chính Nhật Bản công bố ngày 12-5, tính đến cuối tháng 4-2010, dự trữ quốc gia của Nhật là 1.046,873 tỉ USD]. Do vậy, nền kinh tế Nhật Bản, mặc dù ngoài nợ công cao còn đứng trước nhiều khó khăn khác nữa, nhưng vẫn được dự báo là khó có thể trở thành mục tiêu tấn công của giới đầu cơ quốc tế.

Như vậy, việc đánh giá đúng nợ công và “thực chất” nợ công của một nền kinh tế, một quốc gia là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong những thời điểm nhạy cảm. Bởi lẽ, nếu chỉ chú trọng vào con số tỷ lệ nợ công cao một cách thuần túy sẽ gây nên hiệu ứng tâm lý hoang mang, kích động, thiếu tin tưởng, làm gia tăng căng thẳng xã hội, bị giới đầu cơ lợi dụng tấn công, dễ gây rối loạn nền kinh tế, thậm chí dẫn nền kinh tế đến bên bờ vực phá sản. Ngược lại, nếu yên tâm với tỷ lệ nợ công còn trong giới hạn an toàn, mà không phân tích cẩn trọng, chú ý đúng mức đến khoản nợ đó được hình thành như thế nào, bằng cách nào, thực trạng nền kinh tế ra sao và khả năng trả nợ thế nào…, cũng sẽ dễ đẩy nền kinh tế rơi vào vòng xoáy thâm hụt ngân sách – "thắt lưng buộc bụng" – tác động tiêu cực đến tăng trưởng…/.

[MKLAW FIRM: Biên tập.]

2. Nợ ODA phải trả ngày càng tăng cao ?

Năm vừa rồi, Việt Nam trả cho Nhật Bản 210 triệu USD nợ gốc các khoản vay ODA của nhiều năm trước. Thời gian tới số nợ phải trả sẽ tiếp tục tăng lên, mỗi năm từ 200 đến 250 triệu USD.

Năm 2009, tổng số vốn viện trợ phát triển chính thức [ODA] mà Nhật Bản thực hiện giải ngân cho Việt Nam đạt 121,5 tỷ yên. Tuy nhiên, tổng thực giải ngân chỉ là 100,7 tỷ yen sau khi đã trừ đi số tiền Việt Nam trả nợ. Năm ngoái, số nợ gốc Việt Nam đã trả là 21 tỷ yen, tương đương khoảng 210 triệu USD.

Nhật Bản bắt đầu nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam từ 1992 với các khoản vay có thời hạn 10 đến 40 năm, với 10 năm ân hạn. Trong 10 năm ân hạn, Việt Nam chỉ phải trả lãi, tính từ năm thứ 11 trở đi mới trả cả gốc lẫn lãi.

Quá trình Việt Nam trả nợ cho Nhật Bản đã bắt đầu trong những năm gần đây. Số tiền trả trong năm 2009 là tích lũy nợ gốc và lãi từ 1992 đến 1998. "Với các khoản tích lũy năm, số nợ phải sẽ ngày càng tăng", ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản [JICA] tại Việt Nam cho biết. Hồi 2007, số tiền Việt Nam trả nợ cho Nhật là 127 triệu USD. Theo tính toán sơ bộ của JICA, trong những năm tới, số nợ Việt Nam phải trả hàng năm khoảng từ 20 đến 25 tỷ yen, tương đương từ 200 đến 250 triệu USD.

Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.6162

Trong những năm qua, vốn cam kết ODA của Nhật Bản cho Việt Nam luôn trong xu hướng đi lên. Năm nay, Việt Nam tiếp tục là nước nhận hợp tác vốn vay lớn nhất của Nhật Bản. Đây cũng là một trong những lý do khiến nợ phải trả ngày càng tăng. Tuy vậy, ông Tsuno Motonori cho biết Nhật Bản không lo lắng về khả năng trả nợ của Việt Nam. "IMF và World Bank không tỏ ra quan ngại về khả năng trả nợ của Việt Nam nên chúng tôi cũng không lo lắng. Hơn nữa, quy mô nền kinh tế của Việt Nam ngày càng lớn với tăng trưởng hàng năm ở mức cao. Do đó trả nợ không phải là vấn đề lớn của Việt Nam", ông nhận xét.

Trong năm 2009, tổng cộng có 7 dự án vốn ODA Nhật Bản được thực hiện, bao gồm 4 dự án trong tháng 3 có tổng vốn 83,1 tỷ yen, và 7 dự án trong tháng 11 có tổng vốn 119,8 tỷ yen, nâng tổng số vốn cam kết năm 2009 lên 202,3 tỷ yen, tương đương 2,2 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục kể từ khi Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam hồi 1992 và cao hơn cam kết 1,64 tỷ USD cho năm 2010 được công bố hồi cuối 2009 vừa rồi.

4 dự án vốn ODA mới năm nay bao gồm dự án Nhà ga mới cho sân bay quốc tế Nội Bài, dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam đoạn Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Vào tháng 3/2010, hai phía Việt Nam và Nhật Bản sẽ ký Hiệp định vốn vay giai đoạn 1 cho dự án Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Cũng trong năm nay, dự án cảng Lạch Huyện, mô hình mẫu đầu tiên kết hợp giữa Nhà nước và Tư nhân [PPP] sẽ được đưa vào thực hiện.

Các dự án đang triển khai dở dang cũng được đẩy nhanh tiến độ trong năm nay. Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 1 [Gia Lâm - Giáp Bát] và tuyến 2 [Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo] đang trong giai đoạn thiết kế chi tiết và chuẩn bị đấu thầu. Tại TP HCM, việc dìm hầm Thủ Thiêm qua sông Sài Gòn sẽ được bắt đầu vào tháng 3, hướng tới hoàn tất Đại lộ Đông Tây. Trong tháng 1/2010, dự án Xây dựng tàu điện ngầm tuyến 1 [Bến Thành - Suối Tiên] sẽ bắt đầu thủ tục đấu thầu. Hai bên đặt mục tiêu sẽ ký được hợp đồng xây dựng trong năm nay.

Tới Cần Thơ, phía Nhật Bản đặt quyết tâm sẽ hoàn thành xong cầu Cần Thơ vào tháng 3/2010, để có thể đóng góp cho sự phát triển của thành phố và nhằm đền đáp cho những người đã ngã xuống trong sự cố hồi tháng 9/2007.

Luật Minh Khuê [biên tập]

3. Liệu con cháu chúng ta có còng lưng trả nợ ?

Kinh nghiệm từ một số quốc gia sử dụng ODA cho thấy một khi những đồng vốn này nếu không đầu tư đúng hướng giúp nền kinh tế phát triển thì dễ rơi vào tình trạng “mua đắt hiện tại, bán rẻ tương lai”.

Thông tin từ Bộ Giao thông – Vận tải cho biết dự án Đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM do Bộ này đệ trình sẽ được Quốc hội xem xét và quyết định chủ trương đầu tư trong kỳ họp diễn ra vào tháng 5 tới.

Theo báo cáo của Liên doanh tư vấn Việt Nam – Nhật Bản, dự án đường sắt cao tốc nói trên dài 1.570km gồm 27 ga, sử dụng công nghệ Nhật Bản, tốc độ khai thác có thể lên đến 300km/giờ, khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế đất nước.

Thế nhưng, tiền đâu để thực hiện dự án khi mà ba năm trước đây chỉ dự toán khoảng 33 tỷ USD chủ yếu là vốn vay ODA, mà nay đã lên đến 55,8 tỷ USD, một khoản tiền khổng lồ tương đương hơn phân nửa tổng giá trị sản phẩm quốc nội [GDP] của chúng ta vào thời điểm xem xét dự án? Chủ trương đầu tư này khiến chúng ta nghĩ đến chuyện nợ nần đời sau phải gánh nặng.

Ngày xưa ông bà ta thường nói, trong bao nhiêu điều sung sướng ở đời, không có điều nào hơn là "không mắc nợ". Ngày nay ở các xã hội tiên tiến thì "có nợ mới nên người" bởi chủ nợ dù là ngân hàng hay bạn bè thân thiết đi nữa thì cũng đều "xem mặt mà bắt hình dong", ai không có khả năng trả nợ thì đừng hòng vay mượn được.

>> Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi:1900.6162

Trong phạm vi lớn hơn, nợ nần không chỉ là chuyện trong đời sống con người mà còn là chuyện đời sống kinh tế một đất nước và chủ nợ nào cũng phải chọn mặt gửi vàng.

Hồi năm 1993, Nhật và Pháp giúp chúng ta trả khoản nợ 140 triệu USD tồn đọng từ thời chế độ cũ cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế để Việt Nam có thể trở lại với cộng đồng tài chính. Có thể nói, đó là thời điểm cộng đồng tài chính quốc tế mỉm cười với một đất nước dứt khoát giã từ bao cấp, hướng về kinh tế thị trường. Từ đó đến nay, trong vòng 17 năm chúng ta đã có được 50 tỷ USD đồng vốn ODA cam kết từ các nhà tài trợ. Nếu chỉ tính khoản tiền 11 tỷ USD được giải ngân trong ba năm vừa qua [trong đó viện trợ không hoàn lại chỉ hơn 900 triệu USD] thì trên vai mỗi người dân VN hiện đang gánh gần 130 USD tiền nợ nước ngoài.

Trong hoàn cảnh khó khăn, chúng ta vui mừng vì đồng vốn ODA cam kết ngày càng tăng, nhưng đồng thời lại canh cánh nỗi lo là nếu đồng tiền này không đầu tư đúng hướng giúp nền kinh tế phát triển thì dễ rơi vào tình trạng "mua đắt hiện tại, bán rẻ tương lai" như một số nước sử dụng vốn ODA từng gặp phải.

Để được hưởng vốn ODA là việc không đơn giản mà phải có chương trình dự án và luận chứng kinh tế kỹ thuật chi tiết. Sau khi được Chính phủ duyệt rồi thì chủ dự án cùng với bên nước cấp vốn lập báo cáo khả thi, ri lại còn phải thông qua đấu thầu quốc tế. Nói chung con đường đi của ODA qua nhiều ngỏ ngách trong nước đã đành mà qua cả ngỏ ngách ở nước ngoài. Phần lớn dự án còn chịu chỉ định thầu cho các đơn vị nước ngoài tham gia, nghĩa là phải có lợi cho doanh nghiệp của nước cấp viện trợ theo tạp quán "lọt sàng xuống nia".

Nhiều công trình nghiên cứu gần đây cho rằng ODA không có hiệu quả cao vì:

- Quá nhiều tầng nấc trung gian và như một dòng nước chảy, dễ bị thất thoát khi qua mỗi trạm. Cựu giám đốc Cơ quan Hợp tác phát triển Anh [DFID] tại Việt Nam, ông Alan Johnson, khi nói về vấn đề này đã nhận định: "Thông thường, trong một dự án ODA 100 triệu USD thì hết 30 triệu là chi phí thuê chuyên gia, 20 triệu dành cho chi phí hành chính và như thế Việt Nam chỉ thực sự nhận được 50 triệu USD mà thôi".

- Các nước nghèo do quá cần vốn và các khoản viện trợ cho nên có tâm lý được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Còn doanh nghiệp [nhà nước] sử dụng vốn ODA không có trách nhiệm trả nợ nên phần lớn trường hợp đồng vốn này không phát huy được hiệu quả mong muốn.

- Có không ít quốc gia gặp khó khăn, vì "nghiện" ODA mà không phát triển nhanh được, đó là Myanmar, Philippines trong thập niên 60 của thế kỷ trước và gần đây là Brazil. Trong khi đó Thái Lan và Malaysia đã sớm thoát ly nguồn vốn này rồi tìm mọi cách sử dụng các nguồn vốn khác và đã phát triển nhanh chóng.

Kinh nghiệm cho thấy việc huy động và sử dụng vốn đầu tư trong nước vào các công trình phát triển thường có hiệu quả cao nhất vì tỷ lệ thất thoát thấp nhất. Nguồn vốn thứ hai cũng mang lại hiệu quả là vốn đầu tư nước ngoài [FDI] vì các nhà đầu tư trong khi đi tìm lợi nhuận đồng thời cũng đã để lại nhiều giá trị do họ tạo ra cho nền kinh tế nước sở tại.

Điều này giải thích tại sao các định chế quốc tế khuyến khích các nước nghèo nên tìm mọi biện pháp để thu hút nguồn nội lực, đối đế lắm mới phải sử dụng vốn ODA và cũng nên thoát ly khi cơ thể kinh tế đủ sức đứng vững.

Thế nhưng chúng ta đang thiếu vốn để phát triển lại được các nhà tài trợ sẵn sàng chia sẻ khó khăn trong thời kỳ xây dựng đất nước, nên từ năm 1993 đến nay vẫn xem ODA là nguồn vốn cần thiết và trân trọng như phát biểu gần đây của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Và dường như các nơi thụ hưởng đồng vốn này không có cùng suy nghĩ với người đứng đầu chính phủ. Đơn giản bởi họ không đặt nặng trách nhiệm về việc trả nợ vay ODA và trong sâu xa, như phát biểu của một quan chức đầu tỉnh khi được hỏi về hiệu quả của việc cho thuê rừng đã mạnh dạn trả lời: "Đó là việc của 50 năm sau, của thế hệ sau"!

Đã có không ít những vụ án liên quan đến việc sử dụng vốn ODA mà đến nay vẫn còn tai tiếng, khiến người dân Nhật phải đặt vấn đề với chính phủ nước này về việc sử dụng không hiệu quả đồng tiền họ chắt chiu đóng góp. Trong khi đó, tại Việt Nam, mấy ai nặng lòng đến việc con cháu chúng ta sẽ phải oằn vai dưới gánh nặng nợ nần vì những chi tiêu lãng phí của cha ông.

Luật Minh Khuê [biên tập]

>> Tham khảo dịch vụ pháp lý: Luật sư tư vấn thủ tục xin cấp giấy chứng nhận đầu tư;

4. Mức lãi suất phải trả do nợ quá hạn chưa hợp lý ?

Pháp luật dân sự quy định, bên có nghĩa vụ trả tiền mà chậm thực hiện nghĩa vụ thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả. Biện pháp này một mặt bảo đảm giá trị cũng như khả năng sinh lợi của đồng tiền cho bên có quyền; mặt khác, cũng là một hình thức phạt để hạn chế bên có nghĩa vụ cố tình dây dưa, không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, quy định của pháp luật về vấn đề này vẫn còn bất cập nên không phát huy tác dụng.

Khi các chủ thể tham gia vào các quan hệ dân sự, phải tuân thủ nguyên tắc: thiện chí, trung thực, tôn trọng các quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể khác. Do đó, khi bên có nghĩa vụ không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự với bên có quyền. Để bảo đảm thực hiện trách nhiệm dân sự, tại khoản 2 Điều 313 Bộ luật Dân sự [BLDS] năm 1995 quy định: “Trong trường hợp người có nghĩa vụ chậm trả tiền, thì người đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Để cụ thể hoá quy định này, ngày 19.6.1997 Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 01/TTLT hướng dẫn việc xét xử và thi hành án về tài sản [Thông tư 01]. Theo hướng dẫn của Thông tư 01, đối với nghĩa vụ là các khoản tiền bồi thường, tiền hoàn trả, tiền công, tiền lương, tiền chia tài sản, tiền đền bù công sức, tiền cấp dưỡng, tiền vay không có lãi, tiền truy thu thuế, tiền truy thu do thu lợi bất chính thì ngoài việc bên có nghĩa vụ phải chịu tiền lãi quá hạn từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ, đến khi xét xử sơ thẩm còn phải chịu lãi cả từ thời điểm bên có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền phải trả. Trước đây, theo cơ chế điều hành lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng [TCTD], ngoài việc quy định lãi suất tái cấp vốn, mức trần lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước còn quy định cả lãi suất nợ quá hạn. Căn cứ vào mức lãi suất nợ quá hạn do Ngân hàng Nhà nước quy định, khi xét xử và thi hành án, các Toà án và Cơ quan Thi hành án Dân sự buộc bên có nghĩa vụ phải trả một khoản tiền lãi theo mức lãi suất nợ quá hạn cho bên có quyền.

Luật sư tư vấn luật đầu tư nước ngoài trực tuyến gọi: 1900.6162

Sau một thời gian thực hiện, cơ chế điều hành lãi suất của Ngân hàng Nhà nước không còn phù hợp. Ngày 2.8.2000, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành quyết định số 241/2000/QĐ-NHNN1 thay đổi cơ chế điều hành lãi suất cho vay của các TCTD đối với khách hàng. Một trong những thay đổi căn bản của các văn bản trên là Ngân hàng Nhà nước không còn quy định mức lãi suất nợ quá hạn như trước, mà chỉ công bố mức lãi suất cơ bản. Với sự thay đổi này, BLDS năm 2005 được ban hành ngày 14.6.2005 cũng có sự điều chỉnh cho phù hợp. Trên cơ sở kế thừa quy định tại khoản 2 Điều 313 của BLDS năm 1995, tại khoản 2 Điều 305 của BLDS năm 2005 đã thay thế cụm từ “lãi suất nợ quá hạn” bằng cụm từ “lãi suất cơ bản”. Theo đó, quy định của Thông tư 01 nói trên cũng cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Tuy nhiên, Bộ luật Dân sự có hiệu lực thi hành đã gần bốn năm, nhưng đến nay các cơ quan có thẩm quyền vẫn chưa kịp thời ban hành thông tư liên tịch để thay thế Thông tư 01 nói trên, nên thực tế rất khó áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 305 hợp tình, hợp lý. Bởi, theo cơ chế điều hành lãi suất cho vay của Ngân hàng Nhà nước nêu trên thì không ấn định một mức lãi suất cụ thể chung cho tất cả các TCTD mà Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh bằng việc công bố mức lãi suất cơ bn và biên độ dao động để hình thành một khung lãi suất, được giới hạn bởi mức sàn [mức thấp nhất] và mức trần [mức cao nhất]; trên cơ sở đó, tuỳ thuộc vào điều kiện kinh doanh mà mỗi TCTD tự ấn định mức lãi suất cho vay riêng, nằm trong khung lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước đã công bố. Chẳng hạn, tại một thời điểm nào đó Ngân hàng Nhà nước công bố mức lãi suất cơ bản là 1%/tháng và biên độ dao động là 0,5% thì mức trần lãi suất mà các TCTD ấn định lãi suất cho vay không được vượt quá 1,5%/tháng. Vậy, trong trường hợp tại thời điểm Ngân hàng nhà nước công bố mức lãi suất cơ bản nói trên thì Toà án và Cơ quan Thi hành án Dân sự phải áp dụng mức lãi suất nào để tính lãi chậm trả đối với bên có nghĩa vụ, theo mức lãi suất cơ bản [1%], mức trần [1,5%] hay với một mức bất kỳ nằm trong khung lãi suất này? Nếu xét theo đúng ngữ nghĩa của cụm từ quy định tại điều luật đã viện dẫn thì phải áp dụng ở mức lãi suất cơ bản là 1%/tháng và thực tế, các Toà án và Cơ quan thi hành án Dân sự áp dụng theo mức này. Tuy nhiên, như vậy thì quá thiệt thòi cho bên có quyền. Theo nguyên lý kinh doanh, sẽ không một TCTD nào lại ấn định mức lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất đi vay. Nên trên thực tế, không có TCTD nào ấn định mức lãi suất cho vay thấp hơn mức lãi suất cơ bản, mà hầu hết đều ấn định mức lãi suất xấp xỉ bằng hoặc bằng với mức trần lãi suất. Do đó, khi một người chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền mà chỉ phải chịu một mức lãi thấp hơn mức lãi suất đi vay ở các TCTD và còn thấp hơn mức lãi suất tiền gửi thì chẳng ai “dại” mà không dây dưa, kéo dài việc trả nợ. Hơn thế nữa, nếu các Toà án và Cơ quan Thi hành án Dân sự “linh động” áp dụng mức lãi ngang với mức trần lãi suất mà Ngân hàng Nhà nước quy định thì cũng mới đáp ứng được một nửa đòi hỏi thực tiễn đặt ra. Đó là, mới chỉ bảo đảm được giá trị đồng tiền và mức sinh lợi chính đáng từ đồng vốn của bên có quyền mà chưa phải là một hình thức phạt đối với bên vi phạm nghĩa vụ như mục đích của quy định này.

Hiện nay, tuy Ngân hàng Nhà nước không quy định mức lãi suất nợ quá hạn nhưng các TCTD đều quy định mức lãi suất này, thường là bằng 150% mức lãi suất cho vay đối với khách hàng. Chính vì vậy mà tại Điều 306 của Luật Thương mại đã quy định: Trường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền thì bên bị vi phạm hợp đồng có quyền yêu cầu trả lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường, tại thời điểm thanh toán. Quy định này của Luật Thương mại là rất hợp lý, bảo đảm quyền lợi cho bên có quyền, hạn chế bên có nghĩa vụ không chịu thực hiện theo quy định.

Như vậy, cùng một vấn đề nhưng hai văn bản quy định khác nhau. Các cơ quan có thẩm quyền cần sớm khắc phục bất hợp lý nêu trên, theo hướng thống nhất quy định như Luật Thương mại.

[LUATMINHKHUE.VN: Biên tập.]

5. Các nguyên nhân dẫn tới nợ nần trong kinh doanh

Trong kinh doanh ngày nay, các khoản nợ sẽ rất dễ dàng chồng chất nhanh chóng đến mức đủ để loại doanh nghiệp ra khỏi cuộc chơi trước khi kịp tìm ra giải pháp khắc phục.

Luật sư tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp trực tuyến gọi số:1900.6162

Vấn đề ở chỗ, nợ nần dường như trở thành một phần tất yếu trong kinh doanh thường nhật, rất ít doanh nghiệp có thể tránh khỏi những khoản nợ phát sinh. Và theo thời gian, các khoản nợ như một “cái gai khó chịu” cần được loại bỏ khi nó làm gia tăng mức độ rủi ro kinh doanh.

Tuy nhiên, khó không có nghĩa là không thể. Chắc chắn tồn tại những căn nguyên dẫn tới nợ nần kinh doanh và một khi biết rõ chúng, các doanh nghiệp hoàn toàn có khả năng tránh xa. Hãy dành thời gian để xem xét dòng tiền của doanh nghiệp và rất có thể doanh nghiệp sẽ phát hiện ra các con số chi phí xa lạ cần được loại bỏ để cải thiện sức khoẻ tài chính.

Duới đây là 8 căn nguyên dẫn tới nợ nần và khi các doanh nghiệp tránh xa được chúng, kết quả thành công là hiển nhiên.

1. Không gắn chặt với những nhân tố thiết yếu
Điểm khởi đầu thích hợp là nguyên tắc: "bao gồm tất cả" và "nắm bắt tất cả". Theo đó, các chủ doanh nghiệp hãy là một người thông minh bằng việc chi tiêu tiền bạc duy nhất cho những gì thực sự cần thiết để vận hành công việc kinh doanh.

Càng ít lựa chọn ít tốn kém bao nhiêu cho việc đạt được các mục tiêu then chốt sẽ càng tốt bấy nhiêu. Và các doanh nghiệp chỉ tăng các chi phí nếu doanh thu cho phép làm như vậy.

Sau khi trải qua giai đoạn trứng nước mới khởi sự và thấy rằng các nguyên tắc này quá chặt chẽ và có phần hạn chế kinh doanh tăng trưởng, doanh nghiệp có thể từ từ nới lỏng sợi dây thừng một chút và tận hưởng không khí tự do với khoản dự trữ tiền mặt lớn hơn.

2. Làm quá nhiều thứ lúc quá sớm
Nếu một doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh chưa lâu nhưng đã nỗ lực thực hiện ngay nhiều dự án cùng một lúc, nguồn vốn hạn chế ban đầu sẽ giới hạn đáng kể thời gian và tiền bạc doanh nghiệp có thể bỏ ra cho từng dự án kinh doanh cụ thể.

Những ráng sức đó cần có sự quan tâm kỹ lưỡng và cần được nuôi dưỡng chậm chạp, một cách thấu đáo nếu doanh nghiệp bạn muốn chúng được thành công. Khi doanh nghiệp cố thực hiện quá nhiều cam kết cùng lúc, tất cả sẽ kết thúc ở chỗ các dự án không thể thành công, đồng thời các chi phí bỏ ra và con số nợ nần sẽ chồng chất.

3. Không thiết kế cho khả năng mở rộng
Thành công ban đầu là rất quan trọng nhưng không tốt chút nào nếu doanh nghiệp dần bị xói mòn chính bởi sự thiếu khả năng hoạch định quy mô ban đầu lẫn những chuẩn bị kém cỏi.

Nếu thiết kế kinh doanh của doanh nghiệp không thể được mở rộng hơn khi đã trưởng thành, doanh nghiệp có thể bị buộc phải gánh chịu nhiều khoản chi phí phát sinh khi nỗ lực tái thiết kế kinh doanh.

4. Thất bại trong ủy thác
Các chủ doanh nghiệp cần nhớ rằng mình luôn là con người người của những sáng kiến. Đừng dùng quá nhiều thời gian cho những công việc có thể được thực hiện tốt bởi một người khác có mức thù lao thấp hơn.

Khi mà các chủ doanh nghiệp có thể cố gắng quản lý vi mô và gắn chặt con mắt vào từng khía cạnh của doanh nghiệp, bản thân họ không chỉ khiến mình phát điên vì sức ép công việc mà có thể kéo hoạt động kinh doanh vào rắc rối khi không thể quản lý tốt sức khoẻ tài chính chung.

5. Mua với số lượng lớn
Khi chưa là một doanh nghiệp lớn, việc lựa chọn mua một số lượng hàng hoá lớn phục vụ kế hoạch phát triển dài hạn hay dữ trự cho một thời gian dài là không thích hợp chút nào.

Doanh nghiệp bạn phải tính toán kỹ lưỡng các chi phí bỏ ra trong từng giai đoạn và sẽ cần một lượng tiền mặt nhất định luôn có sẵn tại ngân hàng. Hãy lên kế hoạch mua sắm những gì thực sự cần cho một thời gian nhất định và doanh nghiệp bạn sẽ có cơ hội tốt hơn để dự báo chính xác các cơn bão chi phí không ngờ tới.

6. Thanh toán chậm trễ các hóa đơn
Việc thanh toán chậm trễ hóa đơn sẽ dẫn tới nhiều bất lợi, không chỉ làm phát sinh các khoản nợ mà khoản nợ sẽ ngày một lớn hơn theo con số lãi suất chậm trả.

Bất cứ khi nào có thể, hãy thanh toán các hóa đơn đến hạn. Thẻ tín dụng nên được sử dụng tối đa khi mà nhiều ngân hàng cho phép một kỳ hạn nhất định không phải thanh toán lãi suất khi thanh toán tiền.

7. Quẳng các hóa đơn
Sẽ rất khó khăn cho nhiều chủ doanh nghiệp thấy được dòng tiền chi tiêu cũng như biết cách phân tách các chi phí kinh doanh với chi phí cá nhân nếu không lưu giữ đầy đủ mọi hóa đơn thanh toán.

Điều này có thể kết thúc với việc các khoản chi phí bị đội lên, cùng với đó là số thuế được khấu trừ cũng ít đi. Hãy lưu giữ cẩn thận mọi hóa đơn và doanh nghiệp bạn sẽ có nhiều thuận lợi hơn trong tính thuế cũng như tính toán chi phí.

8. Thất bại trong việc truy đòi các khoản phải thu
Hãy chắc chắn rằng doanh nghiệp của bạn là một "người đàn ông rộng lượng" trong kinh doanh, nhưng cũng rất cần thiết với việc đảm bảo rằng doanh nghiệp được thanh toán các khoản phải thu đúng hạn.

Khác với nhiều công cụ có sẵn ngày nay cho việc thông báo khách hàng thanh toán tiền hàng đến hạn, không có lời bào chữa nào cho việc doanh nghiệp để các khoản phải thu chất chồng mà không truy đòi được.

Doanh nghiệp có thể trang bị nhiều phần mềm kế toán khác nhau giúp tự động gửi hoá đơn và nhắc nhở việc thanh toán các khoản phải thu đến hạn, và thậm chí tạo điều kiện để khách hàng thanh toán qua mạng internet trực tiếp tới tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp.

[MKLAW FIRM: Biên tập.]

------------------------------------

THAM KHẢO VÀ DỊCH VỤ TƯ VẤN LIÊN QUAN:

1. Luật sư riêng cho doanh nghiệp;

2. Dịch vụ tư vấn cơ cấu lại doanh nghiệp;

3. Tư vấn xây dựng quy chế hoạt động cho doanh nghiệp;

4. Luật sư tư vấn vụ án tranh chấp kinh doanh, thương mại;

5. Luật sư tư vấn và giải quyết tranh chấp nội bộ doanh nghiệp.

Video liên quan

Chủ Đề