Một số đề xuất nhằm phát huy giá trị văn hóa của lễ hội Lim

 Tiên Du – miền đất được hình thành và phát triển qua hàng ngàn năm lịch sử.Nơi đây còn lưu truyền nhiều huyền thoại lãng mạn gắn liền với con người, lịch sử văn hóa nơi đây. Là vùng quê có truyền thống khoa bảng được người đời mệnh danh là nơi có “ bồ Tiến sĩ” và cũng là nơi “Vượt trội về hội hè đình đám”, quê hương của nhiều lễ hội dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đến với Tiên Du vào những ngày lễ hội, ở bất kỳ địa phương nào chúng ta sẽ được đắm mình trong không gian linh thiêng của lễ hội của những làn điệu dân ca Quan họ mượt mà tình tứ. Xuân về, người dân xứ Kinh Bắc - Bắc Ninh lại tưng bừng rộn rã với những lễ hội dân gian, nhưng đặc sắc và cuốn hút hơn cả là Lễ hội Lim, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh:

   

  Đám rước vào Hội dài từ làng Đình Cả, qua làng Lộ Bao, Lũng Giang rồi tiến thẳng vào đồi Lim để làm Lễ tế thần.
 

Từ xưa, không gian lễ hội Lim vẫn tọa lạc trên núi Lim [núi Hồng Vân], theo lời văn bia “Hồng vân từ ký” Hồng Vân là quả núi tương đối bằng phẳng … nơi có nhiều đất đẹp,cảnh vật thanh kỳ. Ngước nhìn lên bầu trời lơ lửng một đóa mây hồng. Người đời lấy đó đặt tên cho núi. Chùa Hồng Ân một công trình kiến trúc thời Lê có giá trị. Trong chùa có hệ thống câu đối, đại tự, bia đá, chuông đồng, tượng bà Mụ Ả khá… nổi bật nhất là chiếc chuông đồng được đúc vào năm Cảnh Thịnh thứ tư, một cổ vật quí của thời Tây Sơn.

Cạnh chùa Hồng Ân có lăng Hồng Vân, tức lăng Nguyễn Đình Diễn, hay còn gọi là lăng quan trấn. là nơi dân các làng thuộc xã Nội Duệ ngày nay tiến hành rước và tế lễLễ hội Lim xưa được tổ chức hàng năm theo cổ lệ vào ngày rằm tháng Tám, các làng xã trong tổng Nội Duệ tổ chức tế, lễ, rước thần và hát xướng ở đình làng. Sau nhờ Quận công Đỗ Nguyên Thụy, tướng công Nguyễn Đình Diễn người làng Đình Cả, góp công, góp của xây dựng chùa Lim lại mua một nửa núi Hồng Vân, trên núi có dựng lăng đá, trong lăng có tượng đá, ngựa đá, thú đá và tượng võ sĩ đá. Sau khi ông mất, mai táng ở núi này. Sáu xã trong tổng thờ cúng ông làm Thành hoàng. Kế đó là công lao của bà Mụ Ả- người làng Duệ Nam bỏ tiền mua hương hỏa, mở mang chùa Hồng Ân và yêu cầu hàng tổng cứ ba năm mở một hội chùa.

Từ đó, chuyển lễ hội Lim từ rằm tháng Tám sang ngày 13 tháng Giêng hàng năm.Lễ rước là một hoạt động quan trọng và tiêu biểu của hội Lim. Đây là hoạt động tín ngưỡng tôn giáo cộng động của các làng xã vùng Lim, vừa thể hiện lịch sử lâu đời, vừa phản ánh sự hòa nhập sâu sắc các tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp, lúa nước với tín ngưỡng thờ thành hoàng, thờ những người có công xây dựng quê hương đất nước. Lễ rước là một hoạt động cộng đồng thể hiện truyền thống đạo lý sống cao đẹp, cầu mong những điều tốt lành.

Ngày nay lễ rước nước, rước kinh dược sư khai hội: trước ngày hội chính, ngày 10 và 11 tháng giêng, nhân dân cùng các tăng ni tín đồ Phật tử trong tổng, làm lễ lấy nước từ giếng công đổ vào chóe sứ, sau đó rước lên chùa Lim tẩy rửa tượng phật và làm lễ gia quan. Lễ rước nước, rước kinh dược sư cầu mong trời phật phù giúp cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, đồng thời thể hiện sự hòa nhập giữa tín ngường dân gian với phật giáo.Lễ rước sắc, nghinh thần ở Đình Cả.

Trước đây tổng Nội Duệ tiến hành tế lễ vào rằm tháng Tám.Việc rước sắc tế lễ do làng Đình Cả làm chủ tế. Các xã rước lễ vật tới làm lễ nghinh thần ở đền, rồi rước về đình Đình Cả tế lễ ca hát đến tận 20/8, ngày 21 làm lễ tạ. Vào cuối thế kỷ XVIII, tướng công Nguyễn Đình Diễn, người làng Đình Cả, là người có công lớn trong việc chuyển đổi lễ hội hàng tổng từ rằm tháng Tám sang tháng giêng làm hội chính. Lễ rước được tổ chức trọng thể, trang nghiêm và chuẩn bị công phu, chu đáo, phân công cụ thể cho các làng cùng thực hiện. Ngày 12 tháng giêng: tổ chức rước sắc, bài vị thành hoàng làng ra đình, rước bài vị các quan quận công Đỗ Nguyên Thụy, tướng công Nguyễn Đình Diễn từ nhà thờ ra đình làng Đình Cả, tổ chức tế lễ. Ngày 13 tháng giêng tất cả các thôn làng thuộc xã Nội Duệ tiến hành lễ rước. Quy mô nhất là đám rước từ Đình Cả.

Hàng ngàn người quần áo chỉnh tề rước các đồ tế lễ, thần khí đi đứng trang nghiêm theo thứ tự trước sau: cờ, ngựa, cờ ngũ hành, trống chiêng, binh khí, hương án, cờ tứ trấn, bát biểu lịch triều phong tặng, tàn, quạt, long đình, phường bát âm, đèn lồng, cờ tuyết mao, cờ lệnh, kiệu ông, kiệu bà, quan đám, bô lão, dân làng. Đám rước kéo lên lăng Hồng Vân để phụng nghinh bát hương quan trấn xuống Lộc Đình để cùng nhau hội tế, để tỏ lòng nhớ ơn tướng công Nguyễn Đình Diễn, cùng các danh thần liệt nữ của quê hương như Quận công Nguyễn Thiên Tích, bồ đề ni Mụ Ả, nhớ ơn các vị thành hoàng làng như Phạm Ban- những người đã có công với dân, với nước, đặc biệt đối với việc duy trì, phát triển lễ hội Lim, mở mang tập tục, truyền thống văn hóa của quê hương.         

Sau nghi lễ tế, rước truyền thống là các hoạt động hội hấp dẫn. Ở hội Lim ngoài việc tổ chức các trò chơi dân gian thì sinh hoạt văn hóa Quan họ có tính chất bao trùm và hấp dẫn hơn cả. Vì thế từ xưa hội Lim còn được gọi là hội Quan họ.  . Ngoài lực lượng Quan họ sở tại: bọn Quan họ của các làng Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông và Xuân Ổ mời  bọn Quan họ bạn ở các làng Tam Sơn, Đống Cao, Đào Xá, Thị Cầu, Bịu Sim tới chơi hội, chơi Quan họ, còn có những lực lượng Quan họ tới chơi hội, chơi Quan họ một cách tự giác.

Đó là các bọn Quan họ nam mới thành lập đi hội Lim tìm bọn Quan họ nữ để kết bạn bởi sinh hoạt văn hóa Quan họ ở đây dường như đã trở thành một nhu cầu không thể thiếu của tất cả các bọn Quan họ trong vùng. Không kể năm phong đăng hòa cốc hay mất mùa các liền anh liền chị Quan họ đều tìm về hội Lim dự hội, chơi Quan họ trong suốt mấy ngày hội chính. Không gian tổ chức hát quan họ ở sân đình, sân chùa:Từ tối 12 tháng giêng, câu lạc bộ Quan họ làng Lũng Giang đã mời một vài câu lạc bộ Quan họ làng bạn đến ca hát tại đình làng. Tại đây người ta trải chiếu xuống sân đình, Quan họ chủ và Quan họ khách ngồi thành 2 dãy quay mặt vào nhau hát đối đáp.Việc ca hát Quan họ giao duyên bên sân đình hay trong hành lang chùa Lim do các liền anh liền chị đã đứng tuổi [từ 38 – 40 trở lên] duy trì, các liền anh, liền chị tuy là không chuyên nhưng đều vẫn còn giữ đựơc nét duyên dáng, sự nền nã, ân tình trong cách ứng xử, chất phác nhưng không kém phần tế nhị.

Cơ sở của mối quan hệ đó là quan niệm nhân sinh “Tứ hải giao tình, bốn biển một nhà”. Hát quan họ tại sân đình trong ngày hội hiện nay, về lề lối hát không chỉ đựơc hát những câu hát chúc, hát mừng như xưa mà còn hát tất cả các giọng vặt, giọng giã.Hát quan họ ở thuyền trong hồ nước: Từ xưa Quan họ vẫn thường hay hát ở thuyền trên mặt nước hồ, ao, sông ngòi… Quan họ hội Lim ngày xưa cũng từng hát trên sông Tiêu Tương. Quan họ nam ngồi ở chiếc thuyền nan bên này hát đối đáp với Quan họ nữ ngồi ở chiếc thuyền nan bên kia. Cũng vào dịp lễ hội Lim, các làng Lũng Sơn, làng Duệ Đông cũng tổ chức hát Quan họ hát dưới thuyền tại các hồ ao của làng mình. Ca hát quan họ tại các gia đình còn gọi là hát canh.

Hát canh được tổ chức tại nhà riêng của một liền anh, liền chị Quan họ nào đó thường gọi là “chủ chứa”.Tại các nhà chứa trong các xóm Duệ Đông, Lũng Giang, Lũng Sơn [Thị trấn Lim], Hoài Thị, Hoài Trung [Liên Bão] thường tổ chức hát canh thâu đêm suốt sáng. Họ gặp nhau, đón tiếp nhau nồng hậu, họ chào mời nhau theo lệ tục, cách thức riêng của người Quan họ. Hàng trăm làn điệu Quan họ được các liền anh, liền chị thể hiện trong nghệ thuật hát đối đáp đạt tới trình độ nghệ thuật cao, sự hội tụ tuyệt vời của thơ ca, nhạc, họa và cả tình người Quan họ. Lời hát tuy mộc mạc nhưng vẫn đạt đựơc những chuẩn độ truyền thống “vang, rền, nền, nảy”. với đủ các trạng thái, cung bậc tình cảm khác nhau trong mối giao cảm giữa nam và nữ, giữa con người với đất trời vươn tới “Chân - Thiện -Mỹ’, với sự gắn kết tình cảm lâu bền nhất “tình trong một khắc - Nghĩa dài trăm năm”. Tất cả làm say mê quyến rũ người hát, người nghe và quí khách thập phương về dự hội. Bên cạnh tục hát Quan họ, hội Lim còn có các trò chơi dân gian truyền thống: thi dệt vải được tổ chức tại Đình làng Đình Cả, thi vật, tổ tôm điếm, đánh đu trên đồi Lim… Đặc biệt là môn cờ người được hàng tổng giao cho các thôn chọn những nam thanh nữ tú chưa vợ chưa chồng gọi là kim đồng ngọc nữ để đóng vai các quân cờ…, góp phần làm cho hội Lim thêm sôi động và phong phú hơn.

Hội Lim với những hoạt động phong phú của cả phần lễ và phần hội gần như hội tụ đầy đủ những nét tinh túy đặc sắc của văn hóa tín ngưỡng dân gian, của cộng đồng người Việt trước đây, đồng thời mang nét đặc thù riêng có của quê hương Quan họ. Với quy mô tổ chức lễ hội rộng “quy mô hàng tổng”, nội dung lễ hội phong phú và đa dạng. Hội Lim vùng Quan họ đã thực sự trở thành niềm tự hào của nhiều thế hệ người dân Việt Nam nói chung và người dân Bắc Ninh nói riêng.   

Bắc Ninh: Phát huy giá trị văn hóa, lịch sử các Lễ hội

Lễ hội làng Diềm. Ảnh: Thế Dương

[ĐCSVN] - Xứ Kinh Bắc xưa nổi tiếng là vùng đất của những câu chuyện cổ, những sự tích văn hoá và là một trong những địa phương có nhiều lễ hội. Theo thống kê của cơ quan văn hoá tỉnh Bắc Ninh, đến nay toàn tỉnh có 547 lễ hội, trong đó có 49 hội chùa, 484 hội đình và 14 hội đền.

Các lễ hội diễn ra quanh năm, nhưng tập trung vào mùa xuân, tháng giêng, tháng hai âm lịch, gần như ngày nào cũng có vài ba hội. Bởi vậymà dân gian có câu:“Mồng 4 là hội kéo co, Mồng 5 hội Ó chẳng cho nhau về, Mồng 6 là hội Bồ Đề, Mồng 7 trở về đi hội Đống Cao…”. Một số lễ hội thu hút khách từ nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước như Hội Lim, Hội chùa Dâu, đền Bà Chúa Kho...Hầu hết các lễ hội đều có lịch sử lâu đời, gắn với truyền thống địa phương, thể hiện được tính gắn kết của cộng đồng làng xã, tình yêu thiên nhiên, tôn kính anh hùng hào kiệt, là biểu hiện phong phú của đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo và những hoạt động văn hoá, nghệ thuật dân gian tiêu biểu, mang đậm bản sắc riêng có của một miền quê văn hiến.

Tuy nhiên, nhìn lại một số lễ hội tiêu biểu đầu năm 2010 cho thấy: bên cạnh những giá trị tích cực, các lễ hội đã và đang bộc lộ những mặt lệch lạc, cần sớm được chấn chỉnh, khắc phục như: xu hướng thực dụng, thương mại hoá lễ hội, làm lu mờ giá trị văn hoá, lịch sử, lan tràn mê tín dị đoan và những hủ tục lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, mất trật tự, trị an ...

Hội Lim có từ lâu đời và trở thành hội vùng của các làng thuộc tổng Nội Duệ từ thế kỷ 18. Khi quan trấn thủ xứ Thanh Hóa Nguyễn Đình Diễn là người thôn Đình Cả, có nhiều công lao với triều đình, được phong thưởng nhiều bổng lộc, đã tự hiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ trùng tu đình chùa, mở mang hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông cho xây dựng trước phần lăng mộ của mình đặt tên là lăng Hồng Vân trên núi Lim. Kế đó là Bà Mụ Ả, người tu hành và trụ trì tại chùa Hồng Ân [lúc đó chỉ là một Am nhỏ], Bà đã bỏ tiền mua nửa quả núi Hồng Ân dành cho việc xây dựng chùa, vườn chùa và cũng đặt ruộng, đặt tiền cho 6 xã làm hương hoả cho chùa. Hàng năm vào ngày 13 tháng Giêng dân làng tổ chức Lễ hội tưởng nhớ những người đã có công với cộng đồng dân cư nơi đây.

Một trong những hoạt động tại hội Lim thu hút sự chú ý của khách thập phương là lễ rước từ các làng lên núi Hồng Vân, đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục sặc sỡ sắc màu, sau đó là lễ tế trước lăng Hồng Vân, tưởng nhớ công lao của tiền nhân. Nhưng đại bộ phận công chúng đi hội đều không được giới thiệu ý nghĩa của các nghi lễ này và cũng không hiểu được lịch sử của lễ hội, kể cả những người sống trong vùng Lim, làm mất giá trị giáo dục truyền thống.

Đặc trưng của hội Lim là hội của dân ca quan họ, một loại hình dân ca vừa được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại. Mấy năm gần đây, Ban tổ chức đã dựng lên những lán trại để các “làng quan họ” phục vụ du khách, nhưng trong không gian lễ hội xô bồ, các lán trại không cách xa nhau mấy đều dùng trang âm công suất lớn, nên du khách như bị tra tấn bởi những âm thanh hỗn tạp, chát chúa. Đáng buồn là, một số “liền anh”, “liền chị” giữa thanh thiên bạch nhật không ngần ngại vừa hát, vừa chìa cơi đựng trầu hoặc chiếc nón quai thao, mặc nhiên nhận những đồng tiền của du khách ném vào! Không ít du khách cũng “nhiệt tình” hỗ trợ cho hành vi không đẹp này bằng cách dí tiền vào tận tay người đang ca quan họ. Cũng có không ít du khách vô tư nhảy vào xen giữa liền anh, liền chị đang hát để... chụp ảnh, khiến cho không gian quan họ trở nên buông tuồng, xuồng sã. Có người đã thốt lên, đâu rồi nét đẹp thanh cao, lịch lãm của một lễ hội tiêu biểu nhất trên mảnh đất Kinh Bắc giàu truyền thống văn hiến?

Để đáp ứng nhu cầu của du khách, Ban tổ chức đã giao cho một số gia đình tổ chức canh hát tại nhà, mỗi gia đình được hỗ trợ 800 nghìn đồng để đun nước, pha trà mời khách. Dưới ánh sáng của các ngọn nến tại các căn nhà cổ, du khách được thưởng thức các canh quan họ nguyên gốc, không nhạc đệm, không tăng âm, được ngồi trên những bộ chõng tre, tràng kỷ, chiếu điều, bên ấm trà tươi, nhai trầu têm cánh phượng, thả hồn trong không gian tĩnh mịch, được chiêm ngưỡng các liền anh, liền chị duyên dáng, nền nã trong bộ trang phục mớ ba, mớ bảy, áo the khăn xếp, với những giọng ca “vang, rền, nền, nẩy”, làm mê đắm lòng người ! Nhưng những canh hát như vậy chưa nhiều và số đông người đi trẩy hội chưa có điều kiện tiếp cận với các canh hát.

Sau mấy chục năm bị lãng quên do đất nước có chiến tranh, Hội Lim được phục dựng theo quy mô vùng từ năm 1989, cách đây đã 20 năm, hằng năm đều thu hút hàng vạn khách thập phương, nhưng không gian lễ hội vẫn chưa được chỉnh trang tôn tạo hoàn chỉnh, không có nơi trông giữ xe, không có thùng rác, không có công trình vệ sinh, một số “công trình” dựng nên tạm bợ bên bờ ruộng, sườn đồi bằng những lá cót, tấm bạt rách, nhưng vẫn có người đứng thu tiền. Hàng ăn uống giải khát bày dọc hai bên đường lẫn với cát bụi. Các dịch vụ ăn uống, trông giữ xe, bán hàng lưu niệm tràn lan với giá cắt cổ. Mặc dù đã có lệnh cấm, nhưng các hình thức đánh bạc [xóc đĩa, đánh bài, úp xu…], và trò vui chơi có thưởng vẫn ngang nhiên dụ dỗ, mồi chài, lừa lọc du khách.

Đền Bà Chúa Kho toạ lạc trên núi Kho, [thôn Cô Mễ, xã Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh]. Tại đây thờ một phụ nữ người làng Quả Cảm đã có công chiêu dân lập ấp, khai khẩn ruộng hoang, tích luỹ lương thực, giúp triều đình trông coi kho lương trong cuộc kháng chiến chống Tống trên chiến tuyến Như Nguyệt. Bà "thác" ngày 12 tháng giêng năm Đinh Tỵ [1077]. Nhà vua thương tiếc phong cho Bà là Phúc Thần. Người dân nhớ thương Bà lập nên đền thờ tại kho lương thực cũ của triều đình ở Núi Kho và gọi Bà với một niềm tôn kính là: Bà Chúa Kho.

Đền Bà Chúa Kho mới được khôi phục cách đây vài chục năm. Hằng năm, khách từ các tỉnh, thành phố trong cả nước về đây dâng hương, lễ vật đều có ý nguyện được Bà phù hộ, độ trì để “ăn nên, làm ra”, giàu sang, phú quý. Theo thông lệ có vay, có trả nên tuy khách đi lễ quanh năm nhưng đông nhất là 3 tháng đầu năm [đi vay hoặc “xin lộc rơi, lộc vãi”] và 3 tháng cuối năm [đi trả]. Không có con số chính xác nhưng mỗi năm, những người đi lễ về đây bỏ tiền ra mua sắm vàng giấy và tiền âm phủ đã gây ra một sự lãng phí không nhỏ, một số người kinh doanh, buôn bán bỏ ra hàng triệu hoặc vài ba triệu để mua đồ lễ. Điều làm cho du khách phiền lòng là tình trạng bám theo du khách từ xa, có khi vài ba cây số để chèo kéo vào mua đồ lễ. Đội quân bán thẻ, khấn thuê mời chào công khai nhưng không có sự ngăn chặn triệt để của Ban quản lý đền. Do lượng khách đi lễ đông nên thường xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy, khách đi lễ không những phải khấn vái từ xa mà nhiều khách bị kẻ gian móc túi làm mất cả tài sản, tiền bạc.

Lễ hội là hoạt động văn hoá, là nhu cầu phong phú, đa dạng của cộng đồng dân cư đối với đời sống tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo. Để phát huy được giá trị đích thực của các lễ hội, trước hết cần chú trọng tuyên truyền, giáo dục làm cho người dân nhận thức đúng đắn mục đích của các lễ hội là nhằm phát huy giá trị văn hoá, tôn vinh và nhớ ơn công tích các danh nhân, giáo dục truyền thống lịch sử, góp phần xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở đậm đà bản sắc dân tộc và sắc thái địa phương. Dù là lễ hội của làng xã hay của vùng, đều phải đặt dưới sự quản lý của chính quyền và sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan Văn hoá-Thể thao-Du lịch các cấp. Cần thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về lễ hội. Các hoạt động tại lễ hội [kể cả phần lễ và phần hội] đều phải đảm bảo văn minh, lành mạnh, an toàn, vệ sinh, tiết kiệm. Cần tăng cường kiểm tra, ngăn chặn biểu hiện thương mại hoá, kiên quyết xử lý nghiêm minh các hoạt động mê tín dị đoan, đánh bạc dưới mọi hình thức. Tại không gian lễ hội nên đặt các pa-nô, áp phích cỡ lớn giới thiệu lịch sử lễ hội, nội dung, chương trình, địa điểm diễn ra các hoạt động của lễ hội, giúp cho du khách nắm được toàn cảnh. Các phương tiện thông tin đại chúng biểu dương đúng mức mặt tích cực đồng thời phân tích, phê phán những lệch lạc, khuyết điểm để các địa phương và cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức lễ hội các năm sau hoàn thiện hơn, tránh tuyên truyền, khen ngợi một chiều./.

Video liên quan

Chủ Đề