Hỏi đáp nên nghe kinh phật nào để an thai

Ngoài ra, nhiều bản kinh tuy được dịch sang tiếng Việt nhưng cũng có những đoạn rất khó hiểu. Điều khiến nhiều người thắc mắc và lo lắng là khi đọc kinh mà không hiểu thì làm sao có thể thực hành, không thực hành thì làm sao nhận được lợi ích.

Giải đáp về điều này trên Cổng thông tin của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Phước Thái bày tỏ sự thấu hiểu nỗi âu lo của Phật tử: "Mặc dù Phật tử có cái tâm tu hành, siêng năng tụng đọc kinh điển, nhưng khổ nỗi là không hiểu nghĩa lý gì ở trong kinh nói. Điều này đại đa số Phật tử chúng ta đều mắc phải. Người Phật tử tại gia đâu phải ai cũng thông suốt nghĩa lý kinh điển. Thậm chí ngay cả những người xuất gia ở chùa, nếu không chịu khó nghiên tầm học hỏi thì họ cũng không thể nào hiểu được kinh điển Phật dạy".

Do dó, Phật tử dù là tại gia và xuất gia cũng đều nên cố gắng nghiên cứu để hiểu kinh điển. Tuy nhiên, Phật tử tại gia thường bận rộn công việc nên ít có thời gian đến chùa nghe giảng pháp hay tự tìm hiểu.

Tụng kinh không hiểu nghĩa có ích lợi gì không?

Kinh điển Phật vốn thâm sâu, nên rất ít người, ngay cả các bậc tu hành, có thể tự nhận là mình thông suốt hết [chẳng hạn đời Đường ở Trung Quốc chỉ có Hòa thượng Đường Huyền Trang làu thông cả 3 tạng kinh, nên được gọi là Đường Tam Tạng]. Theo thầy Thích Phước Thái, tụng kinh mà không hiểu nghĩa lý là khiếm khuyết, vì thế nếu đã tụng kinh thì nên tìm các phương cách để học, hỏi, để hiểu ý nghĩa, tùy theo hoàn cảnh, phương tiện, và thời gian của mỗi người.

Để hiểu ý nghĩa kinh kệ, mọi người có thể đến chùa nghe pháp, hỏi các thầy. Hiện nay với sự phát triển của công nghệ, những người muốn hiểu ý nghĩa kinh điển Phật giáo có thể nghe các bài giảng pháp trên môi trường số, hoặc trực tiếp tham gia các buổi giảng trực tiếp qua livestream và đặt câu hỏi để được giải đáp thắc mắc. Đọc, nghe, hỏi không chỉ để hiểu mà còn để thực hành, làm những điều phúc thiện thì mới được an vui.

Còn về việc tụng kinh không hiểu có ích lợi gì không, Hòa thượng Thích Phước Thái cho biết: "Việc Phật tử tụng kinh, tuy chưa hiểu được nghĩa lý trong kinh Phật dạy nhưng vẫn được có phước báo. Vì trong lúc ngồi tụng kinh, Phật tử đang thu nhiếp tam nghiệp. Thân thì ngồi nghiêm trang, miệng thì tụng đọc từng lời kinh, ý thì đang dõi theo từng chữ để đọc tụng. Như thế, ai dám bảo là Phật tử không được lợi ích? Chỉ sợ mình lười biếng không có tụng đọc thì mới không được lợi ích đó thôi. Tuy nhiên, trong ba nghiệp thân, miệng, ý, điều quan trọng là ý nghiệp. Nếu ngồi tụng đọc mà Phật tử để cho ý tưởng của mình quen theo đường cũ suy tưởng nghĩ nhớ lung tung, thì đó mới thực sự là không được lợi ích bao nhiêu. Nếu không khéo, chúng ta sẽ trở thành cái máy tụng đọc vậy".

HỎI: Tôi hiện đang mang thai đứa con đầu lòng đã được ba tháng. Biết được sự lo lắng của tôi nên mẹ đã khuyên muốn sinh con được đẹp đẽ, thông minh và nhất là khi sanh nở được vẹn toàn, mẹ tròn con vuông thì hàng đêm phải tụng kinh cầu nguyện. Xin chỉ giúp tôi phải tụng kinh gì và cầu nguyện như thế nào để đạt được kết quả.

ĐÁP:

Chúng tôi rất hiểu và cảm thông với những nỗi lo lắng của bạn. Đây là giai đoạn chuyển tiếp cực kỳ quan trọng và khó khăn của đời người phụ nữ. Không riêng gì bạn, người phụ nữ nào cũng thế, lần đầu tiên mang thai đều rất lo âu và sợ hãi, lo cho mình, lo cho thai nhi. Bởi người phụ nữ khi mang thai là đang mang trên mình một sứ mạng lớn lao, mang trong mình một mầm sống mới, một tương lai mới, ai mà không băn khoăn, lo lắng.

Thành tâm cầu nguyện hồng ân Tam bảo gia hộ cho toàn thể gia đình của bạn được hạnh phúc yên vui, sức khỏe dồi dào. Nhất là bạn và thai nhi luôn được bình an mạnh khỏe, khi sanh nở thì được mẹ tròn con vuông. Bạn cứ yên tâm, mọi việc rồi cũng sẽ qua và chúng tôi tin tưởng rằng rồi đây chắc chắn bạn sẽ rất hạnh phúc. Bởi vì, đối với người phụ nữ không có hạnh phúc nào lớn hơn hạnh phúc được làm mẹ. “Có vàng vàng chẳng hay phô/Có con con nói trầm trồ mẹ nghe”. Bạn không nghe dân gian vẫn thường ca tụng làm mẹ là thiên chức của người phụ nữ đó sao? Cho nên chúng tôi khuyên bạn hãy vững tâm, đừng quá lo lắng. Vì nếu bạn lo lắng một cách thái quá, mất tự tin, thì kết quả sẽ dẫn đến một nỗi sợ hãi mơ hồ, luôn thường trực trong lòng bạn. Mà điều này hoàn toàn bất lợi cho thai nhi và cả cho sức khỏe của bạn nữa.

Riêng vấn đề bạn hỏi, chúng tôi xin được trao đổi cùng bạn như sau. Có rất nhiều bộ kinh Đức Phật đề cập đến vấn đề này. Như kinh Dược Sư Bổn Nguyện Công Đức, kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, kinh Diệu Pháp Liên Hoa v.v... bạn có thể tùy nghi chọn lựa một bộ kinh phù hợp với căn cơ và trình độ hiểu biết của mình để hành trì. Nhưng theo chúng tôi thì bạn nên chọn nghi Cầu an trong cuốn Nghi Thức Tụng Niệm Hàng Ngày [kinh Nhật tụng] để trì tụng là tốt nhất, vừa ngắn gọn lại vừa súc tích, rất phù hợp với điều kiện như bạn hiện nay. Đặc biệt trong đó đã hướng dẫn rất cụ thể và chi tiết, từ cách cầu nguyện cho đến các bước thực hành một thời tụng kinh.

Nói là hàng đêm tụng kinh cầu nguyện nhưng không đòi hỏi nhất thiết phải như thế, bạn có thể tự chọn cho mình một thời gian thích hợp: sáng, tối hoặc khuya. Lưu ý trước khi tụng kinh cần phải sạch sẽ, quần áo chỉnh tề, nhất là phải giữ cho tâm hồn thật yên lặng, thoải mái. Lúc cầu nguyện phải tha thiết, khi tụng kinh phải chí thành, biết lắng nghe và áp dụng những lời dạy của Đức Phật vào trong cuộc sống.

Nếu như bạn chưa quen với việc trì tụng kinh Phật một mình thì có thể trì niệm danh hiệu Bồ tát Quán Thế Âm. Bởi công hạnh của Bồ tát là xem xét thế gian, nếu ai gặp khó khăn, hoạn nạn và khổ đau mà niệm danh hiệu Ngài thì ngay lập tức thị hiện cứu độ. Bạn có thể đến một ngôi chùa nào đó gần nhà có thờ tôn tượng Bồ tát lộ thiên để chiêm bái hoặc treo một tờ lịch tường [lịch Phật] có hình tượng Bồ tát ở nơi dễ nhìn thấy nhất trong nhà để thường được chiêm ngưỡng Ngài. Hàng ngày, bạn thầm niệm danh hiệu: Nam mô Đại từ đại bi cứu khổ cứu nạn Quán Thế Âm Bồ tát. Trong lúc niệm thì hãy cố gắng liên tưởng đến hình tượng của Ngài; Bồ tát đứng trên tòa sen, khuôn mặt hiền từ nhân hậu, tay cầm nhành dương liễu với bình nước cam lồ, luôn ban vui, cứu khổ cho chúng sanh. Nếu trì niệm siêng năng, bạn có thể tiếp nhận được sự giao cảm và nhận được sự gia hộ của Ngài, nhờ Ngài che chở mà mẹ con bạn sẽ bình an, khỏe mạnh.

Nếu làm được như thế, chúng tôi tin rằng tha lực gia hộ của mười phương chư Phật, chư Đại Bồ tát sẽ giúp bạn chế ngự được phần nào nỗi lo lắng và sợ hãi hay những hiện tượng tâm lý khác thường mà người phụ nữ khi mang thai thường gặp phải.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả như mong đợi, bên cạnh việc đặt niềm tin trọn vẹn vào Tam bảo, bạn nên đến bệnh viện chuyên khoa sản kiểm tra định kì, để các bác sĩ chuyên khoa theo dõi, phát hiện và điều trị kịp thời nếu có vấn đề gì trở ngại. Đồng thời bạn sẽ nhận được nhiều lời khuyên bổ ích khác về sức khỏe sinh sản của những nhà chuyên môn. Mặt khác, bạn phải có chế độ dinh dưỡng phù hợp, ăn uống đầy đủ những tố chất cần thiết giúp cho thai nhi phát triển tốt.

Chủ Đề