Dau lung do nguyên nhân gì

Trong một số trường hợp, bạn sẽ không cần gặp bác sĩ chuyên khoa về đau lưng, vì dược sĩ có thể tư vấn về thuốc giảm đau mà bạn có thể sử dụng để tự điều trị. Nhưng nếu bạn bị ảnh hưởng vì cơn đau nặng, hoặc nếu cơn đau kéo dài, thì bạn cần đến gặp bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra lưng và đặt những câu hỏi như “bạn bắt đầu cảm thấy đau lưng từ khi nào, đau ở đâu, bạn có cảm thấy tốt hơn hoặc tệ hơn vào một số thời điểm nhất định hay không và bạn có từng bị đau lưng trước đây hay không ?“ Bác sĩ có thể đề xuất bạn thực hiện các kiểm tra khác để xác định nguyên nhân gây ra cơn đau. Bác sĩ cũng có thể đưa ra lời khuyên về cách giảm đau và đề xuất thuốc giảm đau, sử dụng nhiệt hoặc đá lạnh, và các bài tập thể dục nhẹ nhàng như đi bộ.

Đau lưng là bệnh thường gặp ở nhiều đối tượng khác nhau, ảnh hưởng nhiều đến công việc, cuộc sống hằng ngày của người bệnh. Vậy đâu là nguyên nhân và những dấu hiệu đau lưng mà bạn cần đi khám bác sĩ ngay lập tức, hãy cũng tìm hiểu bài viết dưới đây.

I. ĐỊNH NGHĨA
Là 1 cơn đau, căng cơ hay cứng khu trú diễn ra ở vùng từ các xương sườn cuối và nếp mông, có hay không có kèm theo đau chân. Đau lưng là triệu chứng bệnh lý về xương khớp phổ biến hiện nay, ai cũng có nguy cơ mắc phải do rất nhiều nguyên nhân gây nên. Những cơn đau lưng có thể không làm ảnh hưởng tới tính mạng, hầu hết chúng sẽ tự khỏi sau khi nghỉ ngơi. Tuy nhiên, khi những cơn đau này kéo dài với mức độ ngày càng tăng có thể dẫn đến nhiều biến chứng như đau thần kinh tọa, teo chân, khó khăn trong vận động hoặc liệt …

II. PHÂN LOẠI
Có hai loại đau lưng:
• Đau lưng cấp tính hoặc ngắn hạn kéo dài vài ngày đến vài tuần. Hầu hết các cơn đau thắt lưng là cấp tính. Nó có xu hướng tự biến mất trong vòng vài ngày nếu tự chăm sóc và không có hiện tượng mất chức năng còn lại. Trong một số trường hợp, cần vài tháng để các triệu chứng biến mất.
• Đau lưng mãn tính: là cơn đau kéo dài liên tục trong 12 tuần hoặc lâu hơn, ngay cả sau khi chấn thương ban đầu hoặc nguyên nhân cơ bản của đau thắt lưng cấp tính đã được điều trị. Khoảng 20% những người bị ảnh hưởng bởi đau thắt lưng cấp tính phát triển thành đau thắt lưng mãn tính với các triệu chứng dai dẳng sau một năm. Trong một số trường hợp, việc điều trị giúp giảm đau thắt lưng mãn tính đã thành công, nhưng trong những trường hợp khác, cơn đau vẫn tiếp diễn mặc dù đã được điều trị nội khoa và phẫu thuật.


III. CÁC NGUYÊN NHÂN THƯỜNG GẶP
Đau lưng là một triệu chứng thường gặp của các bệnh lý sau:
1. Thoái hóa cột sống thắt lưng
Triệu chứng đau lưng xuất hiện khi người bệnh vận động, xoay trở vùng cột sống thắt lưng, đặc biệt thường khởi phát sau một vận động cột sống thắt lưng quá mức, kéo dài. Triệu chứng này thường giảm khi người bệnh nằm nghỉ ngơi.
2. Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng
Thoát vị đĩa đệm là hiện tượng đĩa đệm bị dịch chuyển ra khỏi vị trí bên trong đốt sống, thường xảy ra sau các sang chấn hoặc trên nền đĩa đệm bị thoái hóa, nứt rách, người bệnh thường xuất hiện chứng đau lưng.
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ đoạn nào của cột sống, nhưng hay gặp nhất là thoát vị đĩa đệm ở vị trí thấp của lưng, trong trường hợp này sẽ gây ra chứng đau thắt lưng. Nhiều khi thoát vị đè vào dây thần kinh làm đau lan xuống chân.
3. Hẹp ống sống
Người bệnh có triệu chứng đau cách hồi thần kinh: cảm giác đau, nóng rát, kiến bò hay châm chích vùng lưng lan mông, đùi, cẳng chân, xuất hiện khi người bệnh đứng hay đi lại; giảm khi người bệnh cúi người ra phía trước. Chẩn đoán xác định bằng lâm sàng và chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng.
4. Loãng xương
Thường gặp ở nữ giới sau mãn kinh hoặc người bệnh dùng corticoid kéo dài; bệnh thường diễn tiến âm thầm không triệu chứng, triệu chứng thường xuất hiện khi người bệnh có dấu hiệu gãy xương do loãng xương; ví dụ như đau lưng khi có gãy xẹp đốt sống thắt lưng, hay đau vùng khớp háng khi có gãy cổ xương đùi.
5. Các nguyên nhân khác
• Hội chứng chùm đuôi ngựa: xuất hiện các triệu chứng bao gồm đau âm ỉ ở lưng dưới và mông trên, cũng như tê ở mông, cơ quan sinh dục và đùi. Đôi khi có rối loạn chức năng ruột và bàng quang.
• Ung thư cột sống: Một khối u trên cột sống có thể đè lên dây thần kinh, dẫn đến đau lưng.
• Các bệnh nhiễm trùng khác: Bệnh viêm vùng chậu, bàng quang hoặc nhiễm trùng thận cũng có thể dẫn đến đau lưng
• Rối loạn giấc ngủ: Những người bị rối loạn giấc ngủ có nhiều khả năng bị đau lưng hơn so với những người khác.
• Đau lưng xuất hiện sau khi té, ngã, chấn thương

IV. NHỮNG TRIỆU CHỨNG PHỔ BIẾN CỦA BỆNH ĐAU LƯNG
• Cảm thấy đau âm ỉ, đau nhói và cứng vùng lưng
• Cơn đau thường đỡ hơn vào ban đêm hoặc khi nghỉ ngơi.
Đau lưng xuất hiện cũng có thể do hiện tượng chèn ép dây thần kinh:
• Cơn đau lan toả xuống hông và chân
• Cảm thấy tê bì chân
• Yếu chân
• Di chuyển khó khăn, cơn đau trở nên nặng hơn khi bạn tập luyện thể thao hay vận động quá sức.
• Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập.

Dấu hiệu đau lưng cần đi khám bác sĩ ngay lập tức !
• Đau thắt lưng dai dẳng, nằm hoặc nghỉ ngơi nhưng không đỡ
• Mọi cử động hắt hơi, ho hoặc thay đổi tư thế đều dẫn đến cơn đau.
• Xuất hiện cơn đau nhói ở vùng lưng khi ngồi, đứng hoặc nằm lâu
• Cơn đau lan từ lưng xuống mông, chân và bàn chân
• Cơn đau kèm theo tê, ngứa và suy yếu vùng lưng hoặc chi dưới
• Đau lưng dẫn đến gặp khó khăn khi đi vệ sinh, như đại tiện và tiểu tiện
• Đau lưng xuất hiện các vị trí như: đau lưng trên, đau lưng dưới, đau lưng bên phải, đau lưng bên trái kèm theo sốt.

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Đặt lịch khám ngay thông qua Hotline: 1900 986868 hoặc Facebook: Bệnh viện 199

Chủ Đề