Đau chấn thủy phải làm sao

09-03-2011Viêm dạ dày (hay đau bao tử) là bệnh thường gặp chiếm đến 10% các trường hợp đau bụng gặp ở phòng cấp cứu bệnh viện. Viêm dạ dày có nhiều nguyên nhân và thường người bệnh có những cơn đau khó chịu ở vùng thượng vị hoặc những triệu chứng khó tiêu.

I. Những triệu chứng nào làm bạn nghĩ đến bệnh Viêm dạ dày?

- Đầy bụng, khó tiêu, chán ăn

- Ợ chua

- Đau hoặc cảm giác khó chịu mơ hồ ở vùng bụng trên rốn hoặc sau xương ức

- Đau thượng vị: đau lâm râm/đau nhói, cảm giác nóng rát vùng “chấn thủy”(hay “đan điền”) từ trước ra sau như dao đâm/ như cắt; đau bụng về đêm phải thức giấc.

- Buồn nôn, nôn ói liên tục; Ói ra máu

- Xanh xao thiếu máu

II. Thế nào là Viêm dạ dày (đau bao tử)

Viêm dạ dày (VDD) là tình trạng lớp tế bào lót trong lòng dạ dày bị viêm nhiễm, loét/thủng hoặc bị kích thích bởi nhiều tác nhân khác nhau, do nhiều nguyên nhân khác nhau. VDD có thể bị đột ngột (cấp tính) hoặc kéo dài (mãn tính) hoặc phối hợp với các bệnh khác (Ung thư dạ dày). VDD là bệnh thường gặp trong cuộc sống hiện đại: cứ 10 bệnh nhân nhập viện cấp cứu vì đau bụng trên thì có 1 người là VDD.

III. Nguyên nhân gây bệnh

Có thể do các nguyên nhân sau

- Dạ dày nhiễm vi khuẩn H.p, gây VDD mãn tính

- Bị Stress kéo dài (lo âu, căng thẳng, xúc động tinh thần – tình cảm)

- Nghiện uống rượu – bia các loại

- Thói quen ăn uống: không đều độ, không ăn khi đói, bỏ bữa ăn chính trong ngày, ăn uống vội vàng không nhai kỹ, không có thời giờ nghỉ ngơi sau bữa ăn, ăn thức ăn ngâm dấm hoặc thức ăn cũ/ lên men chua, ăn chung chén(bát)/ muỗng(thìa)/ đũa/ly/cốc/tách với người VDD có vi trùng H.p

- Ăn/Uống chất độc (dung dịch a-xít, kiềm, thuốc rầy, thuốc trừ sâu, xà bông, bột giặt…) để tự tử hoặc do không biết uống nhầm

- Lạm dụng thuốc corticoid, tự ý dùng thuốc kháng viêm không corticoid(thuốc tây hoặc thuốc bắc/ thuốc đông nam dược) kéo dài không có Bác sĩ theo dõi

- Nuốt dị vật vào bao tử

- Nằm lâu sau mổ, bệnh nặng/ chấn thương nặng phải nằm liệt giường, suy kiệt ăn uống kém…

- Đã mổ cắt một phần dạ dày

- Suy giảm sức đề kháng cơ thể, đang mắc các bệnh mãn tính( lao, giang mai, sida, nhiễm siêu vi, nhiễm giun/ký sinh trùng…)

- Đang điều trị ung thư (hóa/ xạ trị)

IV. Các biến chứng của bệnh Viêm dạ dày

Viêm dạ dày nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng như: Viêm dạ dày mãn tính, viêm teo dạ dày (rất khó chữa);  loét/ thủng dạ dày; xuất huyết tiêu hóa trên (ói ra máu, đi cầu phân nâu đen sệt); thiếu máu mãn tính; ung thư dạ dày…

V. Khi nào bạn cền đi khám bệnh

- Ngay khi bạn thấy mới xuất hiện các dấu hiệu trong phần I ở trên, đừng chờ đến khi các triệu chứng trở nặng hoặc có các biến chứng mới đi khám bệnh.

- Cần nhập viện ngay khi có các triệu chứng năng như sau

+ Đau dữ dội vùng bụng trên, đau nhiều hơn những ngày trước đó

+ Đi cầu ra máu hoặc phân nân đen sệt

+ Ói ra máu

+ Nôn ói nhiều, nôn ra tất cả mọi thứ đã ăn/uống

+ Sốt có kèm đau bụng

+ Tim đập nhanh thình thịch, đau ngực, đau thượng vị, thở hụt hơi

+ Da tái xanh và lạnh, vã mồ hôi

+ Ngất xỉu hoặc muốn xỉu

+ Các triệu chứng trở nặng cho dù đã được bác sĩ điều trị

Bác sĩ sẽ cho bạn làm vài xét nghiệm máu, đo điện tim và làm Nội soi thực quản-dạ dày-tá tràng với ống nội soi mềm để định bệnh chính xác.

VI. Điều trị bệnh như thế nào

A. Thay đổi lối sống

- Ăn: nhiều loại thức ăn khác nhau có lợi cho sức khỏe (thức ăn có nhiều nước,dễ tiêu), ăn nhiều rau – quả tươi; nên luộc chín, ăn ít thịt, không kiêng khem quá mức. Nếu có thể nên ăn 5 - 6 bữa ăn nhỏ mỗi ngày thay cho chỉ ăn 3 bữa ăn chính; luôn thay đổi món ăn, không ăn cùng một loại thức ăn trong nhiều ngày liên tục. Ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa ăn, ăn chậm,nhai kỹ thức ăn, nghỉ ngơi tối thiểu 1giờ sau bữa ăn, ăn vừa đủ no.

- Kiêng cữ ăn: thức ăn chua-cay, các gia vị gây kích thích bao tử (mà bệnh nhân đã có kinh nghiệm nhận ra chúng là thủ phạm);  không nên ăn bữa tối trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ & ăn uống bữa tối quá no. Tránh ăn các thức ăn cơ thể “không chịu”, thức ăn nhiều dầu mỡ khó tiêu

- Uống: sữa 2 – 3 ly mỗi ngày. Tránh uống: rượu-bia và cà phê, nước ngọt có chất cà-phê.

- Tập thể dục mỗi ngày: nên tập đi bộ 20 – 30 phút/ngày hoặc 2000 - 3000 bước/ngày (nên tuỳ sức). Không nên tập các môn đòi hỏi thể lực, cường độ và tốc độ cao.

- Chế ngự Stress: Chọn nghề phù hợp, lao động vừa sức. Tránh xa các xung đột, xúc động, tức giận, lo âu, buồn phiền, căng thẳng tinh thần.

-  Ngủ đủ giấc (6 – 8 giờ/ngày).

- Nằm gối đầu cao: để tránh nước chua bao tử (dịch vị) trào  ngược lên họng gây viêm họng, viêm loét thực quản

- Tập bỏ hút thuốc lá, thuốc lào

- Tránh lạm dụng thuốc corticoid,thuốc kháng viêm không corticoid, ngưng dùng ngay các loại thuốc có hại cho dạ dày

- Tránh xa các độc chất (acid/sút ăn da, chất tẩy rữa bồn cầu…), đề phòng ăn uống nhầm, đề phòng ngộ độc thức ăn, giữ vệ sinh thực phẩm.

- Không nên lo âu, không làm trầm trọng hóa vấn đề  bản thân bị VDD, vì lo âu sẽ làm cho VDD tồi tệ thêm. Hãy sống lạc quan yêu đời và tích cực theo đuổi điều trị  

B. Điều trị thuốc

- Bệnh nhân dùng thuốc theo chỉ định của Bác sĩ (đúng, đủ, đều). Không tự ý mua thuốc uống  Không dung thuốc ngồi toa.

- Không thay đổi thêm, bớt thuốc và liều dùng trong toa Bác sĩ . Không tự ý ngưng thuốc

- Tái khám ngay khi có cảm giác mệt, khó chịu và các biểu hiện chưa quen thuốc để Bác sĩ điều chỉnh thuốc và liều lượng thích hợp cho từng bệnh nhân trong từng thời điểm của bệnh. Tái khám định kỳ theo hẹn để được Bác sĩ theo dõi bịnh tình và hiệu quả điều trị. Nên trao đổi với Bác sĩ để hiểu biết thêm về bệnh của mình!

BS. NGÔ MINH TUYẾN – BV Hoàn Mỹ Sài Gòn