Danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế 2023

Bộ Y tế hướng dẫn thanh toán thuốc, vật tư, sinh phẩm mua từ nguồn ngân sách cho khám, chữa bệnh BHYT

Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ ngành hướng dẫn áp dụng Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 18/8/2023 liên quan đến BHYT.

Bộ Y tế cho biết, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 129/NQ-CP ngày 18/8/2023 về việc điều chuyển thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách Nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 sang nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Ngày 21/9/2023, Bộ Y tế đã có công văn số 6037/BYT-KHTC về việc triển khai Nghị quyết số 129/NQ-CP của Chính phủ. Để làm rõ thêm việc áp dụng liên quan đến BHYT, Bộ Y tế hướng dẫn các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về việc thanh quyết toán đối với thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng chống dịch COVID-19 khi sử dụng cho khám bệnh, chữa bệnh đối với người bệnh có thẻ BHYT, cụ thể:

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được thanh toán với cơ quan bảo hiểm xã hội và thu số tiền cùng chi trả của người bệnh có thẻ BHYT đối với các thuốc, vật tư, sinh phẩm thuộc danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán thuộc phạm vi được hưởng của người có thẻ BHYT theo đúng các quy định của pháp luật về BHYT. Giá thanh toán thuốc, vật tư, sinh phẩm, thời điểm áp dụng giá thanh toán được thực hiện theo đúng hướng dẫn tại công văn số 6037/BYT-KHTC của Bộ Y tế.

Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm tổng hợp chi phí tiền thuốc, vật tư, sinh phẩm thuộc phạm vi chi trả của quỹ BHYT vào bảng tổng hợp đề nghị thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT hằng tháng; tổng hợp báo cáo quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT hàng quý, gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để thanh toán, quyết toán theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật BHYT.

Số tiền thu được do quỹ BHYT chỉ trả và số tiền cùng chỉ trả của người bệnh có thẻ BHYT cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh viện, viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Y tế các Bộ ngành phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện việc thanh toán, quyết toán và nộp ngân sách nhà nước số tiền thu được theo đúng quy định; đồng thời bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT.

Nghị quyết 129/NQ-CP của Chính phủ cho phép các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được sử dụng thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua từ nguồn ngân sách nhà nước cho phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chưa sử dụng hết để phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế tối đa lãng phí.

Chính phủ giao Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương: Chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chủ động rà soát lại số lượng thuốc, vật tư, sinh phẩm đã mua nhưng chưa sử dụng hết từ nguồn ngân sách nhà nước để ưu tiên phục vụ công tác chống dịch, dự phòng chống dịch và điều chuyển sử dụng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để phòng, chống dịch COVID19, hạn chế tối đa lãng phí; Hướng dẫn cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội thực hiện thanh, quyết toán theo quy định và nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được.

Đồng thời chỉ đạo Sở Y tế, cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện liên quan đến giá, thanh quyết toán, bảo đảm theo đúng quy định của pháp luật, hiệu quả, không để xảy ra tiêu cực, thất thoát, lãng phí.

[VOV2] - Mới đây, Bộ Y tế đã chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các đơn vị liên quan tiến hành đánh giá, xây dựng và ban hành Thông tư số 20/2022/TT-BYT ngày 31/12/2022 hướng dẫn thanh toán đối với thuốc hóa dược, sinh phẩm, phóng xạ.

Thông tư này ra đời để khắc phục một số khó khăn vướng mắc liên quan đến danh mục và các quy định về thanh toán thuốc hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ và chất đánh dấu thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia BHYT, cũng như cần mở rộng thuốc cho y tế cơ sở để nâng cao quyền lợi và tăng cường tiếp cận thuốc BHYT cho người bệnh và có bước chuẩn bị kịp thời cho diễn biến khó lường của dịch bệnh Covid-19, kể cả trong trường hợp trở thành bệnh lý truyền nhiễm và được chuyển sang thanh toán từ quỹ BHYT.

Thông tư số 20/2022/TT-BYT thay thế Thông tư số 30/2018/TT-BYT, Thông tư số 01/2020/TT-BYT, có hiệu lực vào ngày 1/3/2023 với những điểm mới cụ thể như sau:

Thông tư đã bổ sung căn cứ chỉ định thuốc được thanh toán BHYT theo Dược thư Quốc gia mới nhất (trước đây chỉ căn cứ vào hồ sơ đăng ký thuốc và/hoặc hướng dẫn chẩn đoán điều trị của BYT).

Thông tư đã làm rõ quy định thanh toán đối với thuốc ung thư và hướng dẫn cụ thể và bổ sung các căn cứ thanh toán chi phí thuốc được bào chế, pha chế tại bệnh viện.

Danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế 2023

Đối với các hướng dẫn, Thông tư đã bổ sung hướng dẫn thanh toán BHYT đối với khí y tế như oxy, nitric oxid; thuốc phóng xạ và chất đánh dấu và đặc biệt bổ sung hướng dẫn thanh toán đối với thuốc sử dụng trong hội chẩn từ xa đối với trường hợp cấp cứu mà không phụ thuộc vào hạng bệnh viện; bên cạnh đó là bổ sung hướng dẫn thanh toán trong giai đoạn dịch bệnh nhóm A (bao gồm dịch bệnh Covid-19) mà người bệnh không đến được cơ sở khám chữa bệnh.

Về Danh mục thuốc: Thông tư đã bổ sung mới các thuốc có trong hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế để điều trị đối với: Bệnh do Covid-19 gây ra, bệnh mắc phải sau nhiễm Covid-19 và biến chứng sau tiêm vaccine phòng Covid-19;

Thông tư cũng đã bổ sung các chỉ định của thuốc Tacrolimus được đề xuất của rất nhiều các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cũng như từ người bệnh và các cử tri kiến nghị (TP.HCM, Huế…) đặc biệt trong điều trị Hội chứng thận hư kháng thuốc ở trẻ em.

Danh mục thuốc thanh toán bảo hiểm y tế 2023

Đối với phạm vi thanh toán thì Thông tư đã mở rộng phạm vi thanh toán cho một số thuốc cho cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới, gồm bệnh viện hạng II: 01 thuốc, bệnh viện hạng III, IV: 05 thuốc; Mở rộng cho tuyến xã: 38 thuốc.

Trong đó, 38 loại thuốc mở rộng thanh toán, 4 loại thuốc cho phép được cấp phát thuốc tại trạm y tế xã.

Thời gian tới Bộ sẽ tiếp tục đánh giá, nghiên cứu để kịp thời điều chỉnh, bổ dung danh mục thuốc được thanh toán BHYT, đáp ứng ngày càng tốt hơn quyền lợi của người tham gia BHYT.