Đánh giá thẻ bảo hiểm y tế học sinh

Tham gia BHXH, BHYT - Vì an sinh xã hội, vì hạnh phúc mọi nhà

PhuthoPortal - Tính đến hết tháng 2/2019, toàn tỉnh có 269.904 học sinh, sinh viên [HSSV] tham gia bảo hiểm y tế [BHYT], đạt tỷ lệ 98%. Mặc dù tỷ lệ HSSV chưa tham gia BHYT chỉ còn 2%, tương đương 5.997 người nhưng để đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT đòi hỏi cần phải có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.

Cán bộ y tế Trường THPT Long Châu Sa chăm sóc sức khỏe cho học sinh

Là một trong những địa phương nhiều năm liền đi đầu trong thực hiện tốt công tác BHYT HSSV, năm học 2018 - 2019, huyện Lâm Thao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Giáo dục và Đào tạo trong việc duy trì, phát triển BHYT HSSV; đồng thời phối hợp với ngành Y tế thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, đảm bảo quyền lợi cho các đối tượng thụ hưởng.

Ông Nguyễn Văn Hằng - Giám đốc Bảo hiểm Xã hội [BHXH] huyện Lâm Thao cho biết: Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động tới toàn thể phụ huynh học sinh cũng như đảm bảo quyền lợi khám chữa bệnh cho các đối tượng HSSV tham gia BHYT, đến nay tỷ lệ tham gia BHYT HSSV của huyện đạt 99,5%/tổng số HSSV trên địa bàn.

Cùng với Lâm Thao thì một số huyện có tỷ lệ HSSV tham gia BHYT cao như: Hạ Hòa [100%]; Tam Nông [99,7%], thành phố Việt Trì [99,3%]…

Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn những huyện mặc dù số lượng HSSV thuộc diện chính sách được hỗ trợ 100% thẻ BHYT chiếm tỷ lệ cao nhưng tỷ lệ tham gia lại thấp hơn những địa phương khác. Đơn cử như tại huyện Tân Sơn, trong tổng số 14.981 HSSV thì có tới 13.382 người thuộc diện chính sách được đã được cấp thẻ bảo hiểm, chiếm 89,3%. Số đối tượng HSSV phải mua thẻ chỉ còn lại 1.599 người. Số lượng không nhiều và theo Luật BHYT thì các đối tượng này cũng được nhà nước hỗ trợ 30% chi phí mua thẻ, thế nhưng đến hết tháng 2 vẫn còn 574 HSSV trên địa bàn huyện chưa có thẻ BHYT.

Lý giải điều này, ông Lê Anh Tuấn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Sơn cho biết: Đa số những HSSV chưa tham gia BHYT tập trung ở những xã trung tâm, có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển hơn so với các xã còn lại. Việc không mua thẻ BHYT không hẳn là do khó khăn mà chủ yếu là nhận thức của người dân về việc này còn hạn chế. Về phía ngành Giáo dục, chúng tôi chủ động phối hợp với ngành BHXH, đôn đốc các trường tích cực hơn nữa trong việc tuyên truyền để các bậc phụ huynh hiểu hơn về ý nghĩa thiết thực, nhân văn của chính sách BHYT; đồng thời giao chỉ tiêu tham gia BHYT cho từng trường học và coi đây là tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm.

Là huyện nghèo nên số lượng HSSV trên địa bàn huyện Yên Lập được nhà nước hỗ trợ 100% thẻ BHYT chiếm tới 94,4% tổng số HSSV. Còn lại 5,6% tương đương khoảng 1.280 HSSV thuộc diện phải tham gia BHYT nhưng đến nay chỉ có 770 người mua BHYT.

 

Học sinh khám, chữa bệnh BHYT tại Trung tâm Y tế huyện Lâm Thao

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều trường hợp HSSV chẳng may mắc bệnh nặng nhưng nhờ tham gia BHYT đã giảm đáng kể chi phí khi khám, điều trị bệnh. Như trường hợp của em Tạ Ngọc Anh ở xã Phú Lộc, huyện Phù Ninh. Do viêm phổi, liệt tứ chi sau phẫu thuật lấy máu tụ bán cầu não nên tháng 2/2018 Tạ Ngọc Anh phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh gần 1 tháng. Số tiền chi phí khá lớn nhưng em đã được BHYT thanh toán 80%, tương đương gần 70 triệu đồng. Hay trường hợp của em Nguyễn Thanh Tùng ở xã Trạm Thản, huyện Phù Ninh bị nhiễm khuẩn huyết não mô cầu phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai [Thành phố Hà Nội] và được quỹ BHYT chi trả trên 296 triệu đồng chi phí khám, chữa bệnh.

Điều 12, Luật BHYT ngày 14/11/2008 có hiệu lực từ ngày 1/1/2010 quy định HSSV là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT ngày 13/6/2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2015 tiếp tục quy định, HSSV là đối tượng phải tham gia BHYT và được nhà nước hỗ trợ 30% mức phí BHYT. Dù Luật đã quy định rất rõ ràng nhưng chưa có chế tài xử phạt khi đối tượng không tham gia nên trong quá trình tổ chức thực hiện cũng gặp khó khăn. Bên cạnh nguyên nhân do một bộ phận HSSV và phụ huynh chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của BHYT thì việc tuyên truyền, vận động của một số đơn vị, trường học còn chưa được thực hiện tốt. Bên cạnh đó cũng có ý kiến phụ huynh cho rằng việc khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT còn nhiều bất cập nên không muốn tham gia.

Để đạt được mục tiêu 100% HSSV tham gia BHYT, góp phần thực hiện thành công lộ trình BHYT toàn dân đòi hỏi sự chỉ đạo tích cực của các cấp chính quyền, sự phối hợp chặt chẽ của ngành BHXH, ngành Giáo dục và Đào tạo và các ngành, đơn vị liên quan. Tiếp tục thực hiện phương thức thu phí BHYT linh hoạt để giảm số tiền đóng góp đầu năm học đối với HSSV. Huy động sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, phụ huynh học sinh ủng hộ để mua thẻ cho những trường hợp HSSV có hoàn cảnh khó khăn nhưng lại không thuộc diện đối tượng được cấp thẻ BHYT. Đồng thời, đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, chú trọng nội dung về quyền lợi hưởng khi tham gia BHYT để khuyến khích HSSV tham gia. Đặc biệt, cần đảm bảo các quyền lợi chính đáng cho HSSV khi đi khám, chữa bệnh BHYT.

Huyền Trang

Chủ Đề