Công văn và quyết định khác nhau như thế nào

[Chinhphu.vn] - Ông Trần Chí Viễn [TP. Hồ Chí Minh] đề nghị được hướng dẫn về sự khác nhau giữa Nghị quyết và Quyết định, như định nghĩa, khái niệm, cơ quan nào được phép ban hành loại văn bản này và trong trường hợp nào?

Câu hỏi của ông Trần Chí Viễn được Luật sư Lê Văn Đài, Trưởng Văn phòng Luật sư Khánh Hưng Đoàn luật sư Hà Nội trả lời như sau:

Nghị quyết và Quyết định là hai loại văn bản thường gặp trong hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống văn bản hành chính, quản lý, điều hành.

Nghị quyết là văn bản được ban hành theo quyết định của tập thể cơ quan, tổ chức.

Quyết định là văn bản được ban hành do người đứng đầu cơ quan, tổ chức nhân danh người ký ban hành, hoặc nhân danh cơ quan, tổ chức đó.

Với câu hỏi của ông Viễn, chúng tôi nhận định ông muốn quan tâm đến nghị quyết, quyết định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.

Theo quy định tại Điều 1, Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 17/2008/QH12 thì trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước ban hành hoặc phối hợp ban hành theo thẩm quyền với trình tự, thủ tục được quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luậthoặc trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, có quy tắc xử sự chung, có hiệu lực bắt buộc chung, được Nhà nước bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội, bên cạnh các loại văn bản khác, có hai loại văn bản là Nghị quyết và Quyết định do các cơ quan nhà nước ban hành, đó là:

- Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Nghị quyết liên tịch giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội hoặc giữa Chính phủ với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội,

- Quyết định của Chủ tịch nước, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước;

- Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân theo quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân.

Tại khoản 2, Điều 1; Điều 2 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân số 31/2004/QH11 có quy định như sau:

Nghị quyết của Hội đồng nhân dân được ban hành trong những trường hợp sau đây:

- Để quyết định những chủ trương, chính sách, biện pháp nhằm bảo đảm thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên;

- Để quyết định kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách, quốc phòng, an ninh ở địa phương;

- Để quyết định biện pháp nhằm ổn định và nâng cao đời sống của nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao cho;

- Để quyết định trong phạm vi thẩm quyền được giao những chủ trương, biện pháp có tính chất đặc thù phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nhằm phát huy tiềm năng của địa phương, nhưng không được trái với các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên;

- Để thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên giao cho Hội đồng nhân dân quy định một vấn đề cụ thể.

Quyết định của Uỷ ban nhân dân được ban hành trong những trường hợp sau đây:

- Để thi hành Hiến pháp, luật, văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp về phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh;

- Để thực hiện chức năng quản lý nhà nước ở địa phương và thực hiện các chính sách khác trên địa bàn;

- Để thực hiện văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên giao cho Uỷ ban nhân dân quy định một vấn đề cụ thể.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.

Share on Tumblr

Video liên quan

Chủ Đề