Chiến thắng sông bạch đằng vào ngày bao nhiêu năm 2024

Chiến thắng sông bạch đằng vào ngày bao nhiêu năm 2024

Nhớ lại thuở ông Dương Đình Nghệ

Đánh đuổi quân đô hộ hung tàn1 (931)

Làm nên thắng lợi vẻ vang

Muôn dân thoát ách ngoại bang bạo cuồng

Mới giành lại được quyền tự chủ

Nơi triều trung lại nổi can qua

Tên Kiều Công Tiễn gian tà2

Manh tâm cõng rắn cắn gà nhiễu nhương

Quân Nam Hán hung hăng tàn ngược

Lại động binh xâm lược nước Nam

Giở bài lừa bịp thế gian

Giả danh cứu viện, mưu toan đoạ đày

Chúng hí hửng rằng đây cơ hội

Cho ý đồ chiếm lại nước ta

Lăm lăm quân tướng tràn qua

Dã tâm giày xéo sơn hà Rồng Tiên.

Từ Châu Ái, Ngô Quyền cấp tốc3

Đem đại binh ra Bắc vây thành (938)

Khẩn trương làm chủ Tống Bình

Giết Kiều Công Tiễn, nội tình trấn an

Trước nhanh chóng đánh tan nội ứng4

Sau tập trung sức chống ngoại xâm

Binh cơ kế sách tuyệt trần

Không lâm vào thế thù trong giặc ngoài

Nhận định địch mạnh về thuỷ chiến

Ắt sẽ theo đường biển tiến sang

Ba quân thế trận sẵn sàng

Nhất tâm chọn cửa Bạch Đằng phục binh

Trên dưới một niềm tin tất thắng

Cọc gỗ mau cắm xuống lòng sông

Vạt đầu bịt sắt phía trên5

Triều cường mặt nước phủ lên cọc ngầm

Thuỷ triều xuống, nước sông rút cạn

Cọc nhô lên cả đoạn sông dài

Ba ngàn cọc nhọn nơi đây

Sẽ thành đại huyệt vùi thây quân thù!

Nguyễn Tất Tố liệu trù khiêu chiến6

Rất tỏ thông sông biển vùng này

Toán quân nhỏ, đánh nhử hay

Canh giờ dụ địch, phô tài giả thua…

Lưu Hoằng Tháo – con vua Nam Hán

Dẫn binh thuyền hãnh tiến tràn sang (cuối 938)

Quân đông tàu lớn nghênh ngang

Tưởng đâu thôn tính nước Nam dễ dàng

Nguyễn Tất Tố hiên ngang nghênh chiến

Dùng thuyền con chặn đánh giữa dòng

Triều cường sông nước mênh mông

Phẩy tay, Hoằng Tháo thúc quân xông vào

Thuyền chiến địch ào ào tràn đến

Toán quân ta nhanh nhẹn lui binh

Giặc càng đắc thắng tiến nhanh

Vượt qua bãi cọc băng lên rần rần.

Thuỷ triều xuống, cọc ngầm xuất lộ

Toán quân ta quay lại tấn công

Đồng thời khắp các bờ sông

Phục binh cùng lúc tấn công quân thù

Khắp tứ phía mịt mù tên đạn

Bọn ngoại xâm tán loạn, kinh hoàng!

Cọc đâm, tàu thủng, nước tràn

Thuyền chìm, quân chết, tan hoang đội hình

Hoằng Tháo cũng bỏ mình tại chỗ

Máu quân thù nhuộm đỏ nước sông

Những tên sống sót thất thần

Cuống cuồng tháo chạy thoát thân về Tàu

Vua Nam Hán khóc gào thất vọng

Vỡ tan tành ảo mộng xâm lăng!

Lưu Cung vội vã rút quân7

Dám đâu tiếp ứng như từng huênh hoang!

Từ chiến thắng huy hoàng năm ấy

Bốn ba năm sau lại diễn ra

Quân xâm lược Tống tràn qua (981)

Mưu đồ chiếm đóng nước ta lâu dài

Bạch Đằng lần thứ hai vang dội

Ghi chiến công chói lọi lẫy lừng

Đại Hành hoàng đế anh hùng8

Cũng bày trận địa tại sông Bạch Đằng

Đã mai phục đánh tan giặc Tống

Đã chôn vùi cuồng vọng ngoại bang

Tên Hầu Nhân Bảo kinh hoàng

Vùi thây giữa lớp sóng tràn triều dâng.

Và nối tiếp chiến công hiển hách

Lần thứ ba sông nước Bạch Đằng

Vững vàng thế trận bủa giăng

Đánh tan bọn giặc Nguyên Mông hung tàn (1288)

Trần Hưng Đạo giỏi giang, tài trí

Cắm cọc ngầm, bố trí phục binh

Dựa vào triều xuống, triều lên

Dụng binh tương tự Ngô Quyền năm xưa

Tướng giặc Ô Mã Nhi bị bắt9

Quân ngoại xâm tan tác khắp nơi

Lửa hờn ngút cả đất trời

Bạch Đằng cuộn sóng chôn vùi quân Nguyên10.

Ôi, rạng rỡ tổ tiên nước Việt

“Đằng giang tự cổ huyết do hồng”11

Máu thù loang đỏ nước sông

Ba lần lừng lẫy chiến công Bạch Đằng12

Trang sử chống xâm lăng chói lọi

Bạch Đằng giang vang dội nghìn thu

Nước sông vùi mộng quân thù

Nước sông bừng sáng cõi bờ Rồng Tiên

Cả thế giới lưu truyền danh tiếng

Rạng năm châu chiến thắng vang lừng

Đời đời tạc dạ ghi lòng

Ba lần đại thắng trên sông Bạch Đằng.

Nhà báo LÊ VĂN THƠM

*Chú thích:

1/ Năm 931, Dương Đình Nghệ đánh đuổi quân Nam Hán, giành lại quyền tự chủ cho người Việt, tự xưng là Tiết độ sứ.

2/ Năm 937, nha tướng Kiều Công Tiễn giết Dương Đình Nghệ, cướp ngôi Tiết độ sứ. Ngô Quyền (con rễ của Dương Đình Nghệ) đang trấn thủ tại Ái Châu, liền tập hợp lực lượng để ra trị tội Kiều Công Tiễn. Kiều Công Tiễn hoảng sợ, vội cho người sang cầu cứu quân Nam Hán.

3/ Châu Ái nay thuộc tỉnh Thanh Hoá.

4/ Chủ trương của Ngô Quyền là trước phải tiêu diệt bọn Kiều Công Tiễn, sau tập trung lực lượng đánh quân Nam Hán, không để giặc bên ngoài cấu kết với bọn nội ứng bên trong.

5/ Đầu trên cọc gỗ được vát nhọn và bịt sắt.

6/ Tướng Nguyễn Tất Tố được giao chỉ huy một toán quân nhỏ với các thuyền nhẹ, chọn thời điểm khiêu chiến và giả thua chạy, nhử địch đuổi theo vượt qua bãi cọc ngầm lúc thuỷ triều lên, lọt vào trận địa mai phục của ta. Quân ta đánh mạnh, binh thuyền địch chạy trở ra thì đúng trong thời gian thuỷ triều xuống.

7/ Lưu Cung là vua Nam Hán, cha của Lưu Hoằng Tháo. Khi Hoằng Tháo xuất quân sang xâm lược nước ta, Lưu Cung trực tiếp chỉ huy một đội quân đóng tại Hải Môn (khu vực biên giới) nói là để làm thanh viện, sẵn sàng tiếp ứng cho con trai.

8/ Vua Lê Đại Hành – người lập ra Nhà Tiền Lê, trước khi lên ngôi tên là Lê Hoàn, thường gọi THẬP ĐẠO TƯỚNG QUÂN LÊ HOÀN (chỉ huy 10 đạo quân).

9/ Ô Mã Nhi bị bắt trong trận Bạch Đằng lần thứ ba năm 1288, sau bị giết vì đã tàn phá lăng miếu Nhà Trần và gây nhiều tội ác với nhân dân ta.

10/ Trận Bạch Đằng lần thứ nhất năm 938 đánh quân Nam Hán xâm lược khi chúng tiến vào nước ta. Trận Bạch Đằng lần thứ hai năm 981 đánh quân Tống xâm lược khi chúng tiến vào nước ta. Trận Bạch Đằng lần thứ ba năm 1288 đánh quân Nguyên Mông xâm lược khi chúng rút chạy về Tàu.

11/Năm 1637, Giang Văn Minh dẫn đầu đoàn sứ bộ nước ta đi sứ sang Trung Quốc. Vua Minh trịch thượng ra vế đối“Đồng trụ chí kim đài dĩ lục”, nghĩa là CỘT ĐỒNG ĐẾN NAY RÊU ĐÃ XANH, ngụ ý nhắc việc Mã Viện đàn áp cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, sau đó cho chôn một chiếc cột đồng với lời nguyền: "Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt" – Cột đồng gãy thì Giao Chỉ bị diệt vong. Giang Văn Minh hiên ngang đối lại: "Đằng Giang tự cổ huyết do hồng", nghĩa là SÔNG ĐẰNG TỪ XƯA MÁU CÒN ĐỎ. Vế đối vừa chỉnh, vừa thể hiện nước Việt anh hùng đã ba lần đánh thắng quân xâm lược phương Bắc trên sông Bạch Đằng. Vua Minh cay cú, bất chấp luật lệ bang giao, trả thù hèn hạ bằng cách giết hại Giang Văn Minh.

Khi đưa linh cữu Giang Văn Minh về nước, Vua Lê Thần Tông đã đến viếng và ban tặng câu: "Sứ bất nhục quân mệnh, khả vi thiên cổ anh hùng", nghĩa là: Sứ thần không làm nhục mệnh vua, xứng danh anh hùng thiên cổ.

12/ Ba lần chiến thắngBạch Đằng đều là 3 trận thủy chiến đặc biệt mưu trí, sáng tạo của thủy quân Việt Nam. Trận Bạch Đằng lần thứ nhất ngày 31/12/938 (thời kỳ Ngô Quyền chống quân Nam Hán), trận Bạch Đằng lần thứ hai ngày 28/4/981 (thời kỳ Lê Hoàn đánh quân Tống) và trận Bạch Đằng lần thứ ba ngày 9/4/1288 (thời kỳ Nhà Trần chống quân Nguyên Mông).