Chị Bánh bao con sống ko

Privacy & Cookies

This site uses cookies. By continuing, you agree to their use. Learn more, including how to control cookies.

Những ngày về nghỉ Tết dương, bỗng dưng lại có cơ hội gặp lại cố nhân: chị Trang.

Chị Trang [a.k.a: Trang Lé, Trang bánh bao, Trang mập, Trang chị con Ngọc] hơn tôi 2 tuổi, là một người chả có họ hàng thân thích gì với tôi. Gặp chị lần đầu ngày cấp 2 đi thi giải toán trên máy tính bỏ túi cấp quốc gia ở Tiền Giang, lúc ấy chị mặt bánh bao, nhiều mụn do ngủ nghê ít điều độ, giọng khàn khàn, nhưng tính tình vui vẻ, thành ra ai cũng quý. Chị nhắng như quỷ, chị nói nhiều như quỷ, giỏi như quỷ, dễ thương như quỷ, nhưng nói chung chị tuyệt đối không phải hiện thân của loài quỷ. Chị là chị cả trong gia đình bánh bao, nên gọi là bánh bao tỷ tỷ.

Gia đình bánh bao có bánh bao bố, bánh bao mẹ và tới 4 bánh bao con. Mặc dùđều là công chức Nhà nước nhưng dường như thân phụ và thân mẫu bánh bao không quan tâm lắm đến quy định sinh tối đa 2 con của chính phủ, vẫn muốn có thằng con giai nối dõi tông đường dòng họ bánh bao, vậy nên tì tì đẻ liền một lúc 4 đứa. Bánh bao chị cả là Thảo Trang, bánh bao thứ là Minh Ngọc dễ thương học cùng lớp cấp 3 với tôi, bánh bao kế là bé Triều [gọi là Út], bánh bao út chính thức là bé Nam [gọi là Đen], may mắn thay lần thứ 4 thì đã lòi ra cậu quý tử, nếu không chừng chúng ta sẽ có hẳn 1 tiểu đội nữ bánh bao!

Tôi quen chị Trang trước, rồi lên cấp 3 mới học cùng lớp với Minh Ngọc, mới có dịp đến Bánh bao gia trang chơi. Người ta nói Cỏ bên kia hàng rào thường xanh hơn, tôi thích nhà bên ấy cực. Nghe nói bố mẹ nhà bánh bao làm cũng cỡ bự trong tập đoàn Dầu khí, nhưng họ chú trọng đầu tư cho tiềm lực con người hơn là đầu tư xe cộ hay nhà cửa bề thế [dễ thấy điều đó qua vụ họ sinh tới 4 đứa con nên thành ra ngân quỹ nuôi dạy con lấn hết cả tiền xây nhà :v]. Trước cổng nhà có trồng một dậu hoa giấy nở hoa hồng lựng quanh năm. Căn nhà không lớn hoành tráng, nhưng ấm áp, phòng ngủ của mấy chị em có một cái bàn học thật dài, chất đầy gấu thỏ doraemon bông. Tầng áp mái là thư viện chung của cả nhà với cái kệ chất đầy sách, là góc tôi thích nhất trong căn nhà: tôi luôn ao ước ngôi nhà riêng của tôi sau này sẽ có một thư viện nhỏ đầy mùi sách và gỗ, sáng sủa và ấm áp. Ngọc kể bánh bao mẹ [là bác Hà] thích đọc Sidney Sheldon [còn tôi thì cực kỳ không ưa những cái kết cục trong truyện của lão ấy].

Gia đình nhà ấylàm tôi lần đầu có một hình dung rõ ràng về một vẻ đẹp khác của con người: những nội tâm đẹp! Hai bác bánh bao dạy con khéo quá, mấy chị em mỗi người một nết, nhưng ai cũng biết đàn hát, vẽ tranh, thích đọc sách, học hành giỏi giang và có những đức tính rất mực Tây phương. Chị Trang tự tin, năng động, yêu khoa học, thích khám phá trải nghiệm. Minh Ngọc dịu dàng dễ thương, biết lắng nghe, chia sẻ, nhỏ nhẹ và hòa đồng. Út Triều và Đen tôi ít gặp nên cũng ít biết [hê hê]. Thuở còn ngây ngô ít suy nghĩ, lần đầu sang nhà ấy, tôi về nhà hậm hực giá mà bố mẹ mình cũng được như 2 bác bánh bao! Hồi ấy tôi có nghĩ giá bố mẹ tôi cũng thích đọc nhiều sách, cũng lắng nghe và thông cảm cho con cái, cũng làm bạn với con, cũng tạo không gian riêng cho con cái được tự lập, tự quyết định cho cuộc sống từ ngày bé Giờ lớn hơn một chút, suy nghĩ ấy cũng thay đổi, tôi của bây giờ nghĩ rằng mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh; môi trường sống, gia đình và biến cố trong đời sống ảnh hưởng nhiều lên tính cách và cuộc đời mỗi người, nhưng không phải tất cả: chẳng phải không có lý do gì mà 7 tỷ người trên trái đất, chẳng tìm được 2 người nào có cách hành xử giống hệt nhau, dù là anh chị em song sinh. Bố mẹ tôi sinh ở nông thôn, lớn lên phải bươn chải nhiều với xã hội, quanh năm lo toan từng đồng bạc dành dụm xây nhà dựng cửa, nuôi anh em tôi ăn học, còn lấy đâu nhiều thời gian để đọc sách, để trải nghiệm nghệ thuật hàn lâm nên có phần khắt khe khi muốn tôi chỉ tập trung vào học môn học ở trường thay vì tạo cơ hội và điều kiện cho tôi trải nghiệm văn học, điện ảnh, tự nhiên xã hội cũng là điều dễ hiểu. Thế nhưng tôi lớn lên vẫn thích sách, vẫn mê phim điện ảnh, vẫn yêu phim tài liệu, thích khám phá xã hội, thích đi du lịch đấy thôi!

Quay lại chuyện Bánh bao tỷ tỷ, cũng phải 5 năm rồi chưa gặp lại chị. Chị thi Đại học, được học bổng của Tập đoàn Dầu khí, sang Mỹ du học, rồi trong vòng 5 năm, chị học tiếng Anh, bay sang Tulsa vừa đi dạy thêm vừa học cử nhân Địa chất, cử nhân Toán, làm sinh viên xuất sắc nhất trường, tốt nghiệp Thạc sĩ rồi Tiến sĩ Toán học, rồi đi làm giảng viên tại Đại học Tulsa, chị có người yêu là một anh chàng người Mỹ, 2 người cùng nhau đi du lịch qua 23 bang của Mỹ. Quá nhiều thứ trong vòng 5 năm tuổi trẻ, điều đó làm tôi có phần ghen tị với tuổi trẻ của chị.

Rồi chị về Việt Nam thăm nhà, mặt chị không mụn nữa, má chị thon chứ không bánh bao nữa, chị nhuộm tóc nâu, nói giọng trong trẻo và không hề đá tiếng Anh vào cuộc nói chuyện. Tôi hẹn chị gặp nhau trong một buổi chiều Vũng Tàu cuối năm đầy nắng ấm, gió mát rượi, không khí lành lạnh âm ẩm. Thế là tôi và bà giáo sư tiến sĩ cựu bánh bao, 2 người mặc quần cộc áo thun, đạp xe vòng vòng thành phố Vũng Tàu suốt một buổi chiều, đơn giản vì không tìm được chỗ ghé vào ngồi nói chuyện. Vòng mấy con phố, vòng cung đường bờ biển, nghe sóng vỗ vào bờ kè lát đá và mặt trời đang dần lặn xuống mặt nước lóng lánh màu bạc, chị cứ tấm tắc khen Vũng Tàu mình đẹp quá em ơi. Tôi hiểu cảm giác của chị, cảm giác của những con người 18 năm đầu đời, bận rộn với việc học hành thi cử kiến thức, chẳng bao giờ rời khỏi quỹ đạo nhà-trường-nơi học thêm-nhà quen thuộc, để rồi lúc đi xa/khám phá nhiều nơi, lúc rảnh rỗi mới chợt nhớ lại, có dịp trở về mới trầm trồ vì những vẻ đẹp đã vô tình bỏ qua trong cuộc đời.

Gặp chị, tôi thấy chị rất Mỹ: nói chuyện kiểu Mỹ, suy nghĩ kiểu Mỹ, thói quen kiểu Mỹ mặc dầy ấy chỉ là cảm giác của tôi về những nét tương đồng giữa phong cách toát ra từ nơi chị với cung cách nói chuyện, văn hóa Mỹ trong những bộ phim tôi xem. Chị nói về cuộc sống của chị hiện tại, sự khác nhau trong giao tiếp ứng xử của người Việt ở Việt Nam, người Việt ở Cali và người Mỹ, về những điều lạ mà chị thấy khi về Vũng Tàu sau 5 năm. Chị nói về chuyện chị bị nhiễm thói bao đồng của người phương Tây khi suy nghĩ về bình đẳng giới, chính trị, dân chủ tự do, môi trường và khẳng định chị bị sốc văn hóa trong chuyến này về. Chị kể về sự ngạc nhiên về khối lượng kiến thức ở trường của các em chị khi có dịp đến xem một cuộc thi [mặc dầu chính chị đã từng trải qua thời kỳ nhồi nhét lượng kiến thức có khi gấp mấy lần như thế], về sự ngạc nhiên khi mẹ chị vẫn gồng người làm hết nghĩa vụ người mẹ Việt Nam khi vừa đi làm cả ngày, chiều về đón con, nấu ăn, rửa bát, giặt giũ, quét dọn nhà cửa, dạy con học để bố chị được duỗi chân đọc báo và xem ti vi

Tôi không biết những thay đổi nơi chị là theo chiều hướng tốt hay xấu, có phải chăng là mất bản sắc phụ nữ Á Đông phải tảo tần chịu hy sinh cho chồng con hay không. Nhưng chị Tây quá! Nhưng chị nói đúng những gì tôi hằng suy nghĩ và mơ mộng quá! Chị làm tôi khởi động trở lại ham muốn được vùng vẫy, được đi xa, được trải nghiệm sự khác biệt về lối sống và suy nghĩ của con người trên thế giới, gạt bỏ bớt đi sự sợ hãi về thay đổi môi trường. Chị làm tôi xấu hổ khi thấy mình còn lười biếng, ỷ lại vào cha mẹ, cố gắng tìm chỗ trốn trong một vùng an toàn.

Phải rồi, những áp lực mới làm con người ta mạnh mẽ hơn, sự thay đổi mới giúp con người ta nhìn nhận vấn đề khác hơn, đi thật xa mới khiến con người ta nhớ nhung sâu sắc hơn, trải nghiệm cuộc sống mới khiến người ta trưởng thành hơn!

Cám ơn chị, cựu hoa hậu bánh bao!

Video liên quan

Chủ Đề