Cách hỏi thăm người bệnh ung thư

Đối với bệnh nhân ung thư, sự hỗ trợ của gia đình và bạn bè là rất quan trọng trong cuộc hành trình chống chọi với bệnh tật của họ. Tuy nhiên, một chẩn đoán ung thư thường khiến tất cả mọi người bất ngờ và làm xáo trộn những vai trò quen thuộc hàng ngày của chúng ta. Những người không trực tiếp đấu tranh với bệnh ung thư sẽ không thể hoàn toàn hiểu được tất cả những gì mà người thân yêu của mình đang cảm nhận về cả hai mặt tinh thần và thể chất. Khi phải đối mặt với tình hình mới, chúng ta có thể áp dụng một số lời khuyên sau đây để hỗ trợ người thân yêu của mình, giúp họ trải qua cuộc hành trình, thường là rất đơn độc.

1. Lắng nghe: Nếu chỉ đơn giản là nghe một người nào đó bị ung thư trò chuyện thì khá dễ dàng, nhưng biết lắng nghe họ lại thường là một việc khó khăn kỳ lạ. Chúng ta mong muốn làm sao cho mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn. Chúng ta muốn sửa chữa lại nhiều việc. Tuy nhiên, biết lắng nghe lại thường là điều có thể "giúp đỡ" bệnh nhân nhiều nhất. Hãy để người thân bị ung thư thể hiện cảm xúc của họ, ngay cả khi những cảm xúc này làm chúng ta khó chịu. Ta có thể biết chắc chắn rằng nếu người thân yêu của mình đề cập đến một chủ đề khó khăn, như cái chết chẳng hạn, là do họ đã suy nghĩ rất nhiều về nó. Hãy dành cho họ cơ hội để thoải mái chia sẻ. Đừng phán xét, đừng ngắt lời họ. Hãy lắng nghe người thân bị bệnh bằng cả đôi mắt lẫn cơ thể của chúng ta, đừng đơn thuần chỉ bằng đôi tai.

2. Trước hết hãy kiềm chế những cảm xúc riêng của mình. Là người chăm sóc, chúng ta phải đối mặt với những cảm xúc khó khăn và sợ hãi của chính mình. Điều gì sẽ xảy ra với người thân yêu của tôi? Liệu họ có đau đớn nhiều không? Họ có sống sót được không? Điều gì sẽ xảy ra với chính bản thân tôi? Cuộc sống của tôi sẽ thay đổi ra sao? Trước hết, hãy thử đối mặt với những nỗi sợ hãi của mình, để có thể thực sự chăm chú lắng nghe người bệnh.

3. Thường xuyên nói những lời yêu thương. Mặc dù hành động mới chính là thể hiện tình yêu chân thật nhất đối với người bệnh, nó vẫn không thể thay thế được những tiếng nói yêu thương. Hãy khẳng định tình yêu bằng ngôn từ. Hãy ca ngợi những nỗ lực của người bệnh. Ngay cả khi việc duy nhất họ có thể làm sau một chu kỳ hóa trị là tự chải răng cho chính mình, hãy động viên người bệnh rằng họ thật là đặc biệt và luôn được đánh giá cao.

4. Hãy giúp đỡ người bệnh. Đối với bệnh nhân ung thư, cuộc sống vẫn diễn ra với việc điều trị cùng những tác dụng phụ mệt mỏi của thuốc. Các hóa đơn cứ tích lũy dần. Bụi bặm cứ tích tụ. Một việc đơn giản là giúp một tay để ngôi nhà của họ được sạch sẽ hơn sẽ thường được đánh giá cao. Hãy đề nghị giúp đỡ và thực hiện điều đó một cách cụ thể. "Tôi có thể đến nhà vào lúc 2 giờ chiều để giúp lau chùi vài tấm kính cửa sổ được chứ?" Đừng thụ động chờ đợi đến khi người thân của mình yêu cầu được giúp đỡ.

5. Hãy cùng đi với bệnh nhân đến cuộc hẹn tái khám. Dự các buổi hẹn tái khám với người thân yêu sẽ thể hiện sự quan tâm của mình dành cho họ. Bệnh viện và phòng khám có thể là nơi đáng sợ và sự chờ đợi có thể là khá căng thẳng. Hãy mang theo một quyển sổ tay. Hãy đặt câu hỏi với bác sĩ. Hãy ghi chép. Nhưng hãy để cho người thân yêu của mình quyết định những gì liên quan đến chính họ.

6. Hãy thêm vào một chút hài hước. Hài hước có thể là liều thuốc tốt nhất. Hãy cảm thông những lúc người thân của mình biểu lộ sự đau buồn, nhưng cũng nên sẵn sàng để cùng mỉm cười hoặc cười vang với họ.

7. Tôn trọng nhu cầu được ở một mình của người bệnh. Đôi khi người thân yêu bị ung thư của chúng ta yêu cầu được ở một mình để không làm phiền đến thân nhân của họ, nhưng ở một số thời điểm khác, họ lại thực sự muốn ở một mình. Hãy chú ý lượng khách đến thăm viếng. Liệu người thân của bạn có cảm thấy rằng họ cần được nghỉ ngơi, nhưng lại không muốn xúc phạm và yêu cầu khách ra về? Trong tình huống đó, hãy nhẹ nhàng cho khách thăm viếng biết khi người thân của mình biểu hiện vẻ mệt mỏi và thay mặt họ cảm ơn khách đã ghé thăm.

8. Hãy là người thu thập thông tin. Có được đầy đủ thông tin sẽ giảm bớt sự lo lắng ở những người phải đối mặt với bệnh ung thư. Tìm hiểu thông tin sẵn có về bệnh lý của người thân mình trên internet, yêu cầu cung cấp thông tin từ những trung tâm ung thư, ghi chép, đặt câu hỏi với bác sĩ tại các buổi tái khám.

9. Đừng giấu diếm thông tin đối với bệnh nhân hoặc những người thân khác trong gia đình. Người thân bị ung thư của chúng ta cần một đánh giá trung thực về tình trạng bệnh tật để đưa ra những quyết định phù hợp nhất với yêu cầu của họ - ngay cả nếu sự trung thực đó là điều rất đau đớn. Hãy trung thực với các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là trẻ em. Chúng ta muốn bảo vệ trẻ em tránh khỏi những thực tế mà cha mẹ hoặc ông bà của chúng có thể phải đối mặt, nhưng trẻ em lại thường tưởng tượng ra những điều tồi tệ nhất. Ngay cả khi tiên lượng là rất xấu, việc chia sẻ thông tin với trẻ em một cách trung thực sẽ giúp chúng có cơ hội bắt đầu cảm nhận sự đau buồn và bày tỏ tình yêu của chúng đối với người bệnh.

10. Hãy giúp người bệnh tìm thêm sự hỗ trợ. Mặc dù những người không bị ung thư vẫn có thể phần nào cảm thông với người bệnh, nhưng khi được trò chuyện với một người nào đó cùng cảnh ngộ có thể sẽ là vô giá đối với người đang phải đối mặt với bệnh ung thư. Hãy hỏi các trung tâm ung thư thông tin về các nhóm hỗ trợ. Có nhiều nhóm hỗ trợ trực tuyến khá tốt. Trường hợp người thân yêu của ta không quan tâm đến các nhóm hỗ trợ, bác sĩ chuyên khoa hoặc trung tâm ung thư có thể sẽ tìm ra một ai đó bị loại ung thư tương tự sẵn sàng đến nhà thăm hỏi bệnh nhân mỗi ngày.

11. Sẵn sàng nhượng bộ. Dựa trên kinh nghiệm sống của chính họ, các thành viên trong gia đình thường có nhiều ý kiến ​​khác biệt nhau khi đứng trước một trường hợp người thân bị ung thư. Các va chạm thường xuyên hình thành và phát triển, gây ra những tổn thương và oán trách. Người thân yêu bị bệnh không bao giờ muốn mình là nguồn gốc của những xung đột gia đình. Hãy cố gắng lắng nghe quan điểm của nhau, dù chúng có vẻ đối nghịch ra sao chăng nữa. Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta đều chỉ có một mục tiêu chung nhất, đó là mong muốn được hỗ trợ cho người thân yêu của mình.

12. Người chăm sóc bệnh cũng cần tự chăm sóc bản thân mình. Ăn uống lành mạnh, cố gắng để có được giấc ngủ đầy đủ, duy trì sự cân bằng trong cuộc sống sẽ giúp ta hỗ trợ tốt những yêu cầu của người thân yêu. Hãy tự nuôi dưỡng, chăm sóc bản thân mình thật tốt trước khi muốn chăm sóc người khác.

BS. ĐỒNG NGỌC KHANH - BV Hoàn Mỹ Sài Gòn
[Tham khảo tài liệu của National Cancer Institute.]

Hiện nay, phần lớn người bệnh ung thư được điều trị ngoại trú, nghĩa là họ không cần phải ở lại bệnh viện. Trong khoảng thời gian này, họ rất cần sự giúp đỡ, hỗ trợ và động viên.

Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng những người bệnh ung thư nhận được sự hỗ trợ về tinh thần sẽ thì dễ thích nghi với những thay đổi trong cuộc sống, họ cũng có quan điểm tích cực hơn và chất lượng cuộc sống tốt hơn. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng người bệnh ung thư cần sự hỗ trợ từ bạn bè. Tuy nhiên, khi biết tin bạn mình bị ung thư, nhiều người muốn giúp đỡ người bệnh nhưng lại không biết phải làm gì cho tốt.

Khi bạn dành thời gian cho người bệnh và hiểu rằng ung thư có tác động như thế nào tới cuộc sống hàng ngày của họ, hãy để ý tới những điều bạn có thể hỗ trợ họ. Để ý tới các hoạt động hàng ngày của người bệnh và hiểu rằng tình hình có thể thay đổi khi việc điều trị tiếp diễn. Cách tốt nhất để làm bạn với người bệnh ung thư là mang đến cho họ sự giúp đỡ phù hợp với nhu cầu và hứng thú của họ. Chúng tôi sẽ đưa ra vài gợi ý cho bạn để bắt đầu.

Nhắn tin và gọi điện

  • Đảm bảo rằng người bệnh biết tầm quan trọng của họ đối với bạn. Hãy để cho họ thấy bạn vẫn quan tâm đến họ cho dù hành động hay vẻ về ngoài của họ thay đổi.
  • Gửi cho người bệnh những lời nhắn qua điện thoại, email hoặc viết tay, hoặc thường xuyên có những cuộc điện thoại hỏi thăm ngắn. Có thể kèm ảnh, tranh do trẻ em vẽ, những tấm thiệp ngộ nghĩnh hoặc phim hoạt hình.
  • Hỏi thăm
  • Kết thúc cuộc gọi hoặc ghi chú với câu “Tôi sẽ liên lạc lại sớm” và nhớ thực hiện.
  • Hãy gọi điện vào thời điểm phù hợp với người bệnh hoặc hẹn trước với họ khi nào bạn sẽ gọi.
  • Hãy phản hồi lời nhắn của họ ngay lập tức
  • Trao đổi với người chăm sóc hàng ngày của người bệnh xem họ có cần hỗ trợ gì không

Đến thăm

Bệnh ung thư có thể khiến người bệnh cảm thấy bị cô lập. Việc bạn dành thời gian cho người bệnh có thể sẽ giúp họ đỡ cảm thấy cô lập và thấy cuộc sống của họ không thay đổi so với trước khi bị bệnh.

  • Luôn gọi điện trước khi bạn đến. Hãy hiểu rằng người bệnh không phải lúc nào cũng có thể gặp bạn.
  • Việc lên lịch đến thăm sẽ cho phép bạn hỗ trợ cho người chăm sóc của người bệnh. Bạn có thể sắp xếp thời gian ở bên người bệnh để người chăm sóc có thể nghỉ ngơi một vài giờ.
  • Thực hiện những chuyến thăm ngắn và thường xuyên sẽ tốt hơn những chuyến thăm dài nhưng không thường xuyên. Người bệnh có thể không muốn nói chuyện nhưng họ cũng không muốn ở một mình.
  • Hãy thông cảm nếu gia đình người bệnh yêu cầu bạn kết thúc chuyến thăm
  • Luôn đề cập về chuyến thăm lần tới của bạn để người bệnh có thể mong đợi nó.
  • Mang theo đồ ăn nhẹ [ví dụ hoa quả, bánh kẹo] để việc đến thăm của bạn không trở thành gánh nặng với người chăm sóc.
  • Cố gắng đến thăm người bệnh vào thời điểm không phải cuối tuần hay ngày nghỉ lễ, khi những người khác cũng đến thăm.
  • Bạn có thể may vá, chơi giải đố chữ, đọc sách để ở bên người bệnh trong lúc họ gà gật hoặc xem tivi
  • Cùng người bệnh nghe nhạc, xem chương trình giải trí trên ti vi hoặc xem phim.
  • Bạn có thể đọc một phần cuốn sách, một bản tin hoặc tìm một chủ đề hấp dẫn trên mạng và tóm tắt cho người bệnh nghe.
  • Đề nghị đi dạo [đi bộ quãng đường ngắn] với người bệnh nếu họ muốn và đủ sức khỏe

Đối thoại

Nhiều người lo lắng rằng họ không biết nên nói gì với người bệnh ung thư. Hãy nhớ rằng điều quan trọng không phải là bạn nói gì mà là sự hiện diện và sự sẵn sàng lắng nghe của bạn. Cố gắng lắng nghe và thấu hiểu cảm nhận của người bệnh ung thư. Để người bệnh biết rằng bạn luôn sẵn sàng trò chuyện mỗi khi họ cần và tôn trọng ý muốn của họ khi họ không muốn nói chuyện.

  • Thu hút người bệnh bằng những câu chuyện dí dỏm, thú vị để họ không cảm thấy quá tải hoặc cảm thấy có lỗi khi không thể nói chuyện.
  • Giúp người bệnh tập trung vào những chủ đề có thể mang lại cảm xúc tốt hơn như thể thao, tôn giáo, du lịch hoặc vật nuôi.
  • Giúp người bệnh giữ vai trò tích cực trong tình bạn bằng cách xin họ lời khuyên, ý kiến ​​và đặt câu hỏi – ngay cả khi bạn không nhận được phản hồi như mong đợi.
  • Hỏi người bệnh xem tư thế họ có được thoải mái không. Gợi ý những phương pháp mới để thoải mái hơn, chẳng hạn như sử dụng thêm gối hoặc sắp xếp lại đồ đạc.
  • Đưa ra những lời khen chân thành, chẳng hạn như “Hôm nay trông bạn thật thư thái”.
  • Ủng hộ cảm xúc của người bệnh. Cho phép họ tiêu cực, rút ​​lui hoặc im lặng. Cố gắng không thay đổi chủ đề.
  • Đừng thúc giục người bệnh phải chiến đấu với bệnh tật nếu họ cảm thấy quá khó để làm điều đó
  • Đừng nói với người bệnh rằng họ mạnh mẽ như thế nào. Họ có thể cảm thấy cần phải tỏ ra mạnh mẽ ngay cả khi họ đang buồn rầu hoặc kiệt sức
  • Hãy đảm bảo rằng ngay cả khi bạn nói chuyện với những người khác trong phòng, người bệnh cũng tham gia và được lắng nghe.
  • Hãy coi như người bệnh vẫn đang lắng nghe bạn dù lúc đó họ có vẻ như đang buồn ngủ hoặc không tỉnh táo.
  • Đừng đưa ra những lời khuyên về chuyên môn y tế hoặc những ý kiến cá nhân về chế độ ăn, các loại thuốc bổ sung vitamin hay phương pháp điều trị bằng thảo dược nếu bạn không phải là người có chuyên môn về những lĩnh vực này.
  • Đừng nhắc người bệnh về những hành vi trước đây có thể liên quan đến ung thư, chẳng hạn như uống rượu hoặc hút thuốc. Một số người cảm thấy tội lỗi vì những điều đó

Giúp đỡ việc nhà

Nhiều người muốn giúp đỡ người bệnh đang gặp khó khăn. Hãy nhớ rằng mong muốn giúp đỡ và đề nghị giúp đỡ người bệnh của bạn là điều quan trọng nhất.

  • Giúp làm những vặt trong nhà mà người bệnh hoặc người chăm sóc cần ngay lập tức
  • Làm đỡ việc vặt cho người chăm sóc. Điều này có ích giống như bạn đang giúp người bệnh vậy.
  • Người bệnh sẽ đánh giá cao sự giúp đỡ của bạn hơn nếu bạn giúp đảm đương những công việc thường xuyên, theo lịch trình. Thay vì giúp những công việc hơn mà mất nhiều thời gian và không thường xuyên.
  • Tìm cách giúp đỡ họ một cách thường xuyên.
  • Lập kế hoạch trước cho các công việc và chỉ bắt đầu sau khi đã nói chuyện với người chăm sóc.

Gợi ý:

  • Lên danh sách các việc cần làm. Tổ chức cho bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp giúp hoàn thành công việc một cách thường xuyên, như là hàng tuần. Có những trang web đặc biệt có thể trợ giúp việc này.
  • Chuẩn bị bữa trưa cho người bệnh và người chăm sóc của họ một ngày một tuần. Nếu người bệnh đang trong quá trình hóa trị, hãy hỏi họ muốn ăn gì.
  • Dọn dẹp nhà của người bệnh trong một tiếng vào mỗi Thứ Bảy.
  • Trông trẻ, trông vật nuôi hoặc chăm sóc cây cối của người bệnh
  • Đưa đón con của người bệnh đi học ngoại khóa.
  • Trả lại hoặc mượn sách thư viện, phim hoặc sách trên đĩa CD.
  • Đi chợ hoặc siêu thị.
  • Gửi thư ở bưu điện.
  • Giúp lập danh sách việc cần làm.
  • Lái xe đưa đón gia đình hoặc bạn bè người bệnh từ sân bay hoặc khách sạn.

Làm thế nào để đề nghị giúp đỡ

Một số người cảm thấy khó chấp nhận sự giúp đỡ – ngay cả khi họ cần. Đừng ngạc nhiên hoặc đau lòng nếu người bạn bị ung thư của bạn từ chối sự giúp đỡ. Đó không phải do bạn. Đó là vì sự tự tôn và nhu cầu được độc lập của họ.

  • Hỗ trợ người bệnh về mặt tinh thần thông qua sự hiện diện và sự tiếp xúc của bạn.
  • Giúp đỡ người chăm sóc cho người bệnh. Làm như vậy, bạn sẽ giúp được người bệnh. Nhiều người sợ trở thành gánh nặng cho người thân của mình.
  • Đưa ra những ý tưởng thiết thực về những gì bạn có thể làm để giúp đỡ, và sau đó hoàn thành.
  • Luôn mặc định sự giúp đỡ của bạn là cần thiết, ngay cả khi gia đình, bạn bè hoặc người được thuê cũng đang giúp đỡ người bệnh.

Tặng quà

Hãy tìm những thứ nhỏ bé, thiết thực mà người bệnh cần hoặc thích. Hãy nghĩ xem một ngày của họ diễn ra như thế nào và điều gì có thể khiến nó tốt hơn một chút. Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ, vì vậy hãy tìm kiếm những điều thú vị, vui vẻ cho người bệnh.

  • Đảm bảo món quà sẽ hữu ích ngay lập tức. Những món quà nhỏ được tặng thường xuyên thường tốt hơn những món quà lớn mà chỉ tặng một lần.
  • Tặng quà cho người chăm sóc. Điều này sẽ được đón nhận với sự trân trọng như quà tặng cho người bệnh.

Gợi ý:

  • Tất [vớ] mềm có in những hình hài hước
  • Mũ hoặc khăn quàng cổ có những hình in hay kiểu dáng ngộ nghĩnh
  • Khăn mặt, khăn tắm hoặc khăn trải giường mềm, sáng màu
  • Vỏ gối bằng lụa hoặc sa tanh
  • Bộ đồ ngủ hoặc áo choàng ngủ
  • Đồ vệ sinh cá nhân như xà phòng và kem dưỡng da kiểu dáng độc lạ
  • Bưu thiếp
  • Thức ăn hoặc đồ ăn nhẹ yêu thích hoặc lạ miệng
  • Các vật dụng tự chăm sóc, như sách tài liệu về bệnh ung thư, gối đặc biệt hoặc túi chườm, đệm sưởi.
  • Thiết bị mát-xa
  • Điện thoại không dây
  • Ảnh của bạn bè
  • Đĩa CD hoặc tải xuống những bản nhạc nhẹ nhàng hoặc âm thanh thiên nhiên mà người bệnh yêu thích
  • Những bộ phim hài
  • Sách nói
  • Nhật ký hoặc sổ ghi chép

Tất cả mọi người, bất kể mạnh mẽ đến đâu, đều cần và nên có bạn bè hỗ trợ, chia sẻ. Người bạn bị ung thư của bạn cần bạn và sự giúp đỡ của bạn.

Tài liệu tham khảo

//www.cancer.org/treatment/caregivers/how-to-be-a-friend-to-someone-with-cancer.htm

Video liên quan

Chủ Đề