Cách để thay đổi tính cách

Trong cuộc đời một con người, không ít lần chúng ta tự hỏi liệu rằng mình có thể giúp một người thay đổi để họ có cuộc sống tốt hơn hay không. Chúng ta luôn muốn giúp bạn bè, người thân, vợ, chồng hay chính bản thân mình thay đổi. Lý do chúng ta muốn họ thay đổi thường là vì họ có những đặc điểm khiến cho chúng ta gặp nhiều khó khăn hơn trong cuộc sống, hoặc bởi vì chúng ta thấy họ có những tính xấu khiến cho cuộc đời họ trở thành bi kịch. Ví dụ như có người thường xuyên nói dối, có người hay thích ngồi lê đôi mách, có người luôn luôn nóng giận vô cớ và không kiềm chế được cơn giận, có người lại thường xuyên trốn tránh giao tiếp xã hội, có người luôn cho rằng mọi người đối xử không tốt với họ, có người luôn nghiện rượu dù cai nghiện rồi vẫn tái nghiện, có người nói nhiều nói dài nói dai và gây tổn thương cho người khác bằng những lời nói

Chúng ta gặp những người như vậy ở xung quanh chúng ta, chúng ta thường có nỗ lực muốn giúp họ thay đổi bởi đơn giản họ đang làm hại chính họ và gây ảnh hưởng lên chúng ta. Và có thể dù không ảnh hưởng mấy đến chúng ta, nhưng chúng ta vẫn can thiệp và không dễ dàng bỏ cuộc, thế nhưng, liệu rằng ta có thể giúp họ thay đổi được không.

Ông cha ta có câu giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời để khẳng định rằng bản tính của một người rất khó để thay đổi, nó giống như ngựa quen đường cũ vậy, dù chính bản thân những người có bản tính xấu đã nhận thức được điều đó là không tốt họ cũng không thể thay đổi dễ dàng. Họ có thể tự cam kết với chính họ rằng họ sẽ thay đổi, nhưng trên thực tế họ không thể nào làm được điều đó vào ngày tiếp theo. Ngay chính bản thân chúng ta, khi nhận thức rằng chúng ta có những tính cách xấu, chúng ta cũng không thể dễ dàng thay đổi bản thân.

Chúng ta thường nghe thấy câu nói quen thuộc từ những người khó thay đổi đó là Nếu bạn yêu thương tớ thì hãy yêu thương cả điểm tốt lẫn điểm xấu của tớ, nếu tớ thay đổi, tớ không còn là tớ nữa. Trên thực tế, ai cũng cần phải lớn lên, trưởng thành hơn để có thể đảm đương được điều lớn lao hơn. Trong tình bạn lẫn hôn nhân, các đối tác cần phải tiến bộ mỗi ngày để thích nghi và giữ vững được mối quan hệ. Thông thường, chúng ta sẽ muốn thay đổi nếu cảm thấy thuyết phục và sẽ nỗ lực để đạt được sự thay đổi đó.

Thay đổi tính cách là một điều khó khăn. Có những người không bao giờ thấy phiền hà nếu như họ nói quá to và mất lịch sự, và họ thấy điều đó cũng bình thường thôi, và vì thấy không có gì sai, họ sẽ cảm thấy thật vô lý vì ai đó góp ý rằng họ to tiếng quá, họ không cảm thấy việc ăn nói to là một điều gì thái quá [chúng ta có thể thấy điều này ở các chị tiểu thương ở chợ, vì ở chợ vốn đông đúc, nói nhỏ chẳng ai thưa, tuy rằng nghe người khác bảo mình nói to họ có thể hiểu, nhưng rất khó để thay đổi, phải chú ý rất nhiều mới tiết chế được âm lượng của họ khi nói ra]. Có những người thích nói lời khó nghe, gây tổn thương đến sức khỏe tinh thần của người khác, nhưng họ cho đó là sự thông minh sắc sảo, thế nên ai góp ý cũng bằng thừa. Có người lại chọn bài bạc làm thú vui, nói mãi cũng chả bỏ được, có đồng nào lập tức bỏ ngay vào trong chiếu bạc như một con nghiện khát nước. Có người lại thích bạo hành phụ nữ, thượng cẳng tay, hạ cẳng chân, làng xóm, chính quyền can thiệp mãi vẫn chả xong.

Những người nói trên có điểm chung: họ vừa thiếu kiến thức vừa trơ lỳ không chịu tiếp thu và cũng chả muốn thay đổi. Khi nói đến tâm lý, đa phần những người này có chịu những điều khốn khổ trong quá khử và tại thời điểm đó họ quá ư yếu đuối và gần như vô vọng để có thể vượt qua được, những người này bị chấn thương về tâm lý, chính họ cũng không nhận ra nên rất khó để có thể thay đổi họ. Chúng ta có nghe đến hiện tượng Hikikomori ở Nhật Bản, khi những người bị căn bệnh tâm lý này tự giam mình trong nhà và từ chối mọi liên hệ với xã hội bên ngoài, con số những người như vậy ở Nhật Bản đã lên đến hai triệu người, và gần như không thể kéo họ ra khỏi đó [bạn có tể đọc phóng sự ảnh về chủ đề này của nhiếp ảnh gia Maika Elan].

Tính cách của con người được hình thành bởi một quá trình tích lũy trải nghiệm, có những điều đã hằn sâu vào trong tâm trí họ đến độ khó có thể thay đổi được. Cho dù có đôi lúc họ nhận ra phải thay đổi, nhưng trí não giống như một vòng lặp vô hạn định, khiến họ không thể phá vỡ được. Não chúng ta hình thành những rãnh sâu là do lặp đi lặp lại các hành vi, thế nên để thay đổi các hành vi đó cần sự luyện tập thói quen mới liên tục trong một thời gian dài [vài tháng], và quan trọng là họ phải tin rằng thay đổi là điều đúng đắn.

Nếu chúng ta đã mất quá nhiều thời gian để cố gắng làm cho người ta thay đổi, nhưng mọi nỗ lực đều bất thành, tại vì sao chúng ta lại phải cố gắng nhiều đến như vậy? Tại vì sao chúng ta lại cứ nuôi hy vọng để rồi lại thất vọng? Một điều chúng ta cần suy nghĩ thêm, có khi nào chính chúng ta cần phải thay đổi không? Thay vì chờ đợi người ta thay đổi, chúng ta nên chỉ cố gắng hỗ trợ người khác nếu có thể và không nên kỳ vọng và chờ đợi người ta thay đổi. Nếu người ta thay đổi được, họ sẽ thay đổi, nhưng nếu không, tại sao chúng ta lại phí công chờ đợi?

Cá nhân tôi, tôi tin rằng người thân của chúng ta sẽ thay đổi nếu chúng ta chia sẻ cho họ vừa đủ và thực sự kiên nhẫn, có những điều chúng ta nói trước đó khoảng năm năm đến bảy năm, sau đó họ cần thời gian để thẩm thấu và thay đổi. Bản thân tôi, dù nghiên cứu về việc thay đổi thói quen từ khá lâu, và thực sự mong muốn thay đổi các thói quen xấu thành thói quen tốt, nhưng dù nhận thức được, nỗ lực để thay đổi, nhưng đến bốn năm sau tôi mới thực sự có sự thay đổi ngoạn mục. Khi chúng ta nói quá nhiều, bản thân họ sẽ sinh ra những suy nghĩ phản kháng, nhưng nếu chúng ta nói nhẹ nhàng tự nhiên, tâm trí họ không đề phòng, thì những ý nghĩ tích cực sẽ gieo mầm trong đầu họ để giúp họ có thể thay đổi về sau. Bản thân tôi không bao giờ đặt kỳ vọng quá nhiều vào người khác, bởi họ không phải là tôi, thế nên tôi không thể đảm bảo họ sẽ thực hiện điều tôi mong muốn cả, và kể cả với tôi, tôi cũng không đặt kỳ vọng quá nhiều, thay vào đó, tôi sẽ luôn có niềm tin rằng, chỉ cần mình thực hiện sẽ có những kết quả tích cực từ nó.

Sài Gòn, ngày 20 tháng 02 năm 2020

Share this:

  • Twitter
  • Facebook

Like this:

Like Loading...

Related

Video liên quan

Chủ Đề