Cách để Che Giấu Sai Lầm Chap 3

Lời dẫn: Có người làm được một chút công lao, hay làm được chút việc tốt thì luôn thích khoe khoang với mọi người, lại sợ thiên hạ không biết; còn như họ phạm lầm lỗi, hoặc có khiếm khuyết thì rất sợ mọi người biết được, nên cố che giấu. Bậc cổ đức dạy: “Nếu muốn người không biết, trừ phi mình đừng làm”. Nếu chúng ta muốn mọi người không biết lỗi của mình, trừ phi tự mình đừng làm. Bằng không thì cây kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, sớm muộn gì mọi người cũng biết. Chúng ta che giấu chỉ nhất thời, không thể che giấu lâu được. Người ngay thẳng chân thật mới là chính nhân quân tử. Kẻ thích che giấu lỗi lầm là kẻ tiểu nhân.
Ngày xưa, có một đôi vợ chồng trẻ. Một hôm, vợ muốn trở về nhà mẹ đẻ nên rủ chồng cùng đi. Vợ nói:
– Chàng ơi! Lần này chúng mình về thăm quê, chàng nhớ lịch sự, lễ phép nhã nhặn với cha mẹ, bà con, bạn bè; không được nói năng cộc lốc, làm mất mặt thiếp nhé!
Chồng đáp:
– Ta biết rồi! Nhất định không làm nàng thất vọng đâu!
Về đến nhà vợ, chồng liếc đông, ngó tây, đi chỗ này, đến chỗ kia. Bất giác anh ta đến kho gạo. Nhìn thấy gạo trắng nõn nà, thơm phức, bỗng anh ta cảm thấy đói bụng, liền vốc một nắm bỏ vào miệng. Ngay lúc đó, vợ đi vào, anh ta nuốt không được mà nhả ra cũng không xong.
Vợ nhìn thấy chồng mặt mày nhăn nhó khổ sở, liền lo lắng hỏi:
– Chàng sao thế? Trong người không được khỏe sao?
Chồng đang ngậm một miệng gạo nên không trả lời được. Vợ nghi ngờ, bước đến thấy hai bên má của chồng sưng vù, nên hốt hoảng hỏi:
– Chàng bị đau răng phải không? Thiếp mời thầy thuốc đến khám nhé!
Vợ lập tức lôi chồng đến gặp cha nói:
– Thưa cha! Không biết chồng con bệnh gì mà hai bên má sưng vù. Cha mau cho người mời thầy thuốc đến khám bệnh cho chàng!
Vợ luôn theo sát chồng, cho nên anh ta không có cách nào nhổ gạo ra được. Anh ta lo lắng nghĩ: “Tiêu rồi! Ta phải làm cách nào?”.
Thầy thuốc đến khám bệnh cho anh ta xong, bảo:
– Anh ta vô cớ bị trúng độc, phải phẫu thuật gấp, bằng không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.
Thầy thuốc mổ ra chỉ có gạo, mọi người mới biết anh ta ăn vụng. Cả ba người đều lâm vào cảnh khó xử. Cha vợ nói cũng không được, vì một nắm gạo có đáng giá gì mà nói anh ta; không nói cũng không đúng, tại sao anh ta không nói sớm, báo hại mọi người một phen hoảng hồn. Chàng rể cũng xấu hổ vì ăn vụng gạo; lại làm cho mọi người lo lắng vô ích. Thầy thuốc cũng quê độ vì nói anh ta vô cớ trúng độc, nhưng mổ ra chỉ có gạo. Cho nên, mọi người đều không dám nói ra, kết quả ai nấy đều bực mình và vội giải tán.

Bài học đạo lý
Các vị đại đức! Mỗi người đều thích che giấu lỗi lầm của mình. Bậc cổ đức dạy: “Người đời ai mà không lỗi, biết sửa đổi là thánh hiền”. Chúng ta phạm lỗi cứ nói thật, tâm biết hối cải thì mới tiêu trừ được tội lỗi. Nếu như chúng ta che giấu, là không biết hổ thẹn, thì tội che giấu càng nặng thêm. Còn chúng ta biết mình sai là biết hổ thẹn; cho dù tội nặng cũng nhờ đó mà được tiêu trừ, lỗi tuy nhỏ mà chúng ta không biết hổ thẹn là tạo thành tội nghiệp.
Tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay luân hồi trong sáu đường là do tích chứa rất nhiều tội nghiệp. Nếu không sám hối, hoặc tu Phật pháp thì nhất định tạo thành hạt giống tội nghiệp nhiều đời nhiều kiếp. Vì thế, Phật pháp dùng pháp sám hối để tiêu trừ nghiệp chướng. Hiện nay, sám văn trong Phật giáo đang lưu hành rất thịnh ở đời. Những sám văn đó dạy chúng ta nghi thức cầu sám hối như thế nào. Quan trọng là chúng ta có thành tâm cầu sám hối hay không. Nếu chỉ thực hành theo nghi thức này, mà không chí thành sám hối thì làm sao tiêu tội nghiệp?
Cho nên trong Phật pháp, mỗi tháng có tụng giới hai lần, cũng chính là nhân lúc tụng giới để tự kiểm điểm lại mình trong nửa tháng có phạm giới không. Nếu có phạm giới thì chúng ta phát lộ sám hối, tội mới tiêu trừ; còn như che giấu tội lỗi thì mãi mãi là hạt giống tội nghiệp. Chúng ta che giấu tội lỗi thì mắc tội gì? Ngoài tâm không biết hổ thẹn, còn có chuyện tự tư tự lợi mới là tội nặng nhất. Người có tâm tự tư tự lợi cá nhân sinh ra tất cả tội nghiệp, tính toán tranh đoạt.
Tín ngưỡng dân gian cho rằng “ngẩng đầu ba thước có thần thánh”. Thần thánh luôn kiểm soát hành vi thiện ác của chúng ta để ghi vào sổ, tương lai chúng ta xuống điện Diêm-la mới tính tổng kết. Đức Phật dạy: “Hành vi thiện ác hằng ngày của chúng ta đều chứa trong ruộng thức thứ tám”. Những hành vi này, đợi đến khi các loại nhân duyên thành thục, gọi là nghiệp báo. Nghiệp trước kéo nghiệp sau, từng nghiệp lôi kéo nhau, do thời gian, do chỗ ở, do con người, do sự vật. Nhưng khi chủng tử thành thục thì chịu quả báo. Vì thế, tội che giấu chẳng khác nào che giấu hạt giống tội nghiệp.

[Trích từ Chuyện bách dụ – SC. Viên Thắng dịch, TT. Thiện Thuận hiệu đính]

Ra mắt website mới không có 18+, không quảng cáo, giao diện mới. Xin mời anh em truy cập TOPTRUYEN.NET để trải nghiệm đọc truyện tốc độ cao.

[Cập nhật lúc: 21:35 24-07-2021]

Video liên quan

Chủ Đề