Các nhà phê bình về Kim Lân

Sự nghiệp văn chương của ông không đồ sộ, chủ yếu là truyện ngắn. Đề tài quen thuộc trong sáng tác của ông là làng quê vùng Kinh Bắc. Tuy vậy, nhà văn này đã để lại trong tâm trí người đọc những ấn tượng khó quên về phong cách của một ngòi bút bình dị mà đặc sắc, tài hoa và khó trộn lẫn, ít phôi pha theo thời gian. Không chỉ là một nhà văn dành cả đời tâm huyết với sự nghiệp văn chương, nhà văn Kim Lân còn được công chúng biết đến là một diễn viên xuất sắc trong vai Lão Hạc của phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Bộ phim được xây dựng dựa theo tác phẩm của nhà văn Nam Cao.

Để tưởng nhớ nhà văn Kim Lân, người có công xây dựng Hội Nhà văn Việt Nam từ những ngày đầu, Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông [1920-2020], diễn ra tại trụ sở của Hội Nhà văn trong không khí đầm ấm.

“Quý hồ tinh bất quý hồ đa”

Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng: Trong văn chương “quý hồ tinh bất quý hồ đa”, điều đó hoàn toàn đúng với nhà văn Kim Lân. Nhà văn này đã từng nói, viết được thì viết, không viết được thì thôi. Những cái cố gượng viết đều khô khan, đọc lại thấy xấu hổ lắm. Đó là một quan niệm vô cùng nghiêm túc của ông đối với nghề viết.

Đối tượng, hay có thể gọi là đề tài để nhà văn Kim Lân dành cả đời mình để khám phá sáng tạo đó là cuộc sống của những người thôn quê nghèo khổ với nếp sống thanh bạch và nhân nghĩa như là tinh chất được tích tụ và truyền lại từ nghìn đời. Nhà văn Kim Lân là bậc thầy về sự am hiểu tinh tường và gốc rễ về cuộc sống của những người nông dân. Trong văn của Kim Lân, cái đặc sắc nhất, xúc động nhất là hồn cốt của tình người chứ không phải là những kịch tính hay xung đột dữ dằn. Vì vậy, nhà văn Kim Lân được các đồng nghiệp kính trọng và nể phục ở tính chuyên nghiệp rất cao với sự thuần thục về cấu trúc và ngôn ngữ truyện ngắn.

“Nhà văn Kim Lân đã cống hiến trọn đời cho nền văn học mới, nêu một tấm gương cao đẹp về lòng yêu mến, gắn bó mật thiết với cách mạng và kháng chiến, kiên định, vững vàng về bản lĩnh nhà văn để lại cho hậu thế những tác phẩm đặc sắc, có sức sống lâu dài, làm giàu thêm văn chương Việt, tâm hồn Việt”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.

Đánh giá về các tác phẩm của nhà văn Kim Lân, GS Phong Lê khẳng định: Nhà văn Kim Lân chỉ viết những gì mình thuộc, không tuyên ngôn, không phô trương ồn ào mà chỉ muốn là một người viết khiêm nhường. Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên cớ khiến Kim Lân kiên trì chủ trương viết ít. Điều này cũng là thiệt thòi cho ông và cả nền văn học Việt Nam nửa thế sau thế kỷ XX.

Đồng quan điểm với nhà thơ Hữu Thỉnh và GS Phong Lê, nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị cho rằng: Nhà văn Kim Lân viết không nhiều và chuyên về một thể loại, lại “gác bút” sớm nhưng dấu ấn của ông để lại trong lòng độc giả thì rất sâu đậm. Chỉ với 3 thiên truyện: Vợ nhặt, Làng, Con chó xấu xí…câu chữ của Kim Lân “gan lỳ” thách thức thời gian, đi vào chỗ sâu nhất của tâm trí người đọc. Kim Lân có 27 truyện [trong đó có 14 truyện viết và in trước Cách mạng Tháng Tám, 13 truyện viết và in sau Cách mạng Tháng Tám]. Như vậy, đối với một đời viết cũng chưa phải đã nhiều, nếu không muốn nói là ít, rất ít. Tuy nhiên, tác phẩm của ông để lại dấu ấn đặc biệt với độc giả, đó chính là sự lịch lãm của một ngòi bút yêu cái đẹp, yêu con người, luôn nhìn thấy ở con người khát vọng vươn tới, cho dù có rơi vào hành cảnh khó khăn như thế nào.

Văn của Kim Lân mang hồn cốt của tình người

Theo nhà thơ Hữu Thỉnh, trong văn của Kim Lân, cái đặc sắc nhất, xúc động nhất là hồn cốt của tình người chứ không phải là những kịch tính hay xung đột dữ dằn. Vì vậy, Kim Lân được các đồng nghiệp kính trọng và nể phục ở tính chuyên nghiệp rất cao, với sự thuần thục bậc thầy về cấu trúc và ngôn ngữ truyện ngắn.

Nhà văn Nguyễn Văn Thọ cho rằng: Tôi không học ông ở thủ pháp viết văn bởi vì mỗi thế hệ có một thủ pháp khác nhau nhưng tôi học được ở nhà văn Kim Lân tinh thần lao động để mài “viên ngọc sáng” trong mỗi một con người, biết yêu văn chương. Trong tâm hồn nhà văn này luôn cháy bỏng tình yêu văn học cộng với tình yêu đất nước, tình yêu xứ sở và sống hết lòng vì nghiệp viết.

Nói về truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân, nhà phê bình văn học Trần Đăng Suyền cho rằng: Theo lời Kim Lân, khi viết “Vơ nhặt”, ông không muốn dìm người đọc trong cái buồn, khổ, đói. Khi viết về cái đói, thường mọi người có ý nghĩ là khi đói người ta khổ cực và chỉ muốn chết. Kim Lân muốn viết một truyện ngắn nhưng với ý nghĩa khác là khi đói, người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng và hy vọng ở tương lai, vẫn muốn sống và sống cho ra người. Ý đồ nghệ thuật ấy đã khiến ngòi bút Kim Lân miêu tả diễn biến tâm trạng chuyển biến theo chiều hướng tích cực. “Vợ nhặt” không chỉ miêu tả chân thực, tinh tế tình cảnh của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kỳ diệu của họ. Trong cảnh cùng đường, đói khát nhưng người nông dân vẫn cưu mang, đùm bọc lẫn nhau, vẫn không bao giờ mất hết niềm tin và hướng về sự sống, về tương lai, với khát khao về một mái ấm gia đình hạnh phúc. Nhà văn Kim Lân đã tạo dựng cho mình một tượng đài nghệ thuật, đi vào lịch sử văn học Việt Nam hiện đại như một cây bút truyện ngắn tài năng.

Nhà văn Kim Lân không chỉ để lại ấn tượng với độc giả bằng trang viết ấn tượng mà với ngoại hình và gương mặt khắc khổ cùng diễn xuất chân thực, nhà văn Kim Lân đem đến nhiều xúc động cho khán giả trước số phận nghiệt ngã của người nông dân dưới chế độ thực dân phong kiến thông qua nhân vật Lão Hạc.

Với những cống hiến cho nền văn học nước nhà, nhà văn Kim Lân vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật [đợt 1] năm 2001. Ông đã đi xa hơn 10 năm nhưng hình ảnh gần gũi, hiền từ và những tác phẩm khắc họa hình ảnh người nông dân bình dị mà cao quý vẫn mãi mang đậm trong tâm trí độc giả nước nhà.

Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN

Chủ Đề