Nhà nước công nông đầu tiên ở châu á



Ngày 2-9-1945tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản
Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện lịch sử cụ thể của nước ta một cách đúng đắn, có phương pháp và chiến lược, chiến thuật cách mạng thích hợp, linh hoạt. Thời gian càng lùi xa, chúng ta càng nhìn rõ hơn tầm vóc vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám 1945. Về ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chẳng những giai cấp lao động và nhân dân Việt Nam ta có thể tự hào, mà giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám 1945 dẫn tới việc khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa có ý nghĩa lịch sử to lớn đối với dân tộc ta và có ý nghĩa quốc tế sâu sắc. Cách mạng Tháng Tám là một trong những trang sử vẻ vang nhất, chói lọi nhất, một điểm sáng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã lật đổ ách thống trị của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 là một bước ngoặt lịch sử, đã mở ra một thời đại mới ở Việt Nam, thời đại nhân dân Việt Nam làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của chính mình. Ngày 2-9-1945, nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ra đời. Đại biểu cho cả dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Những tư tưởng về quyền con người đã được ghi trong bản Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 và bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của cách mạng Pháp năm 1789 là "những tư tưởng bất hủ", những "lẽ phải không ai chối cãi được". Nhưng dân tộc có được độc lập thì con người mới có thể có tự do, hạnh phúc. Không thể có được quyền con người, quyền công dân khi quyền độc lập của dân tộc bị chà đạp. Con người ở đây phải là mọi người. Trước hết là những người lao động bị áp bức, bóc lột chiếm đại bộ phận trong nhân dân Việt Nam. Độc lập-tự do-hạnh phúc, những nội dung ấy đã gắn bó quyền của dân tộc với quyền con người, quyền công dân. Đó cũng là tư tưởng bất hủ mà Hồ Chí Minh đã đặt ra với cả thế giới ngay khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời và đứng vào hàng ngũ tiên phong của các dân tộc đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam thực sự là một mũi đột phá vào khâu yếu nhất của chủ nghĩa thực dân, là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng Cộng sản lãnh đạo giành được thắng lợi đầu tiên ở thế kỷ XX, với tinh thần “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, như Hồ Chí Minh đã xác định ngay từ khi Người mới tìm thấy con đường cứu nước. Cùng với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á, là một đóng góp có ý nghĩa lịch sử của dân tộc Việt Nam vào việc mở ra một thời đại thắng lợi của độc lập dân tộc, của phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Nhưng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không phải là sự kết thúc, mà mới chỉ là sự mở đầu cho thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc, của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở Việt Nam.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công khẳng định sự vận dụng tài tình nghệ thuật chớp thời cơ của Đảng ta. Thời điểm này, phong trào cách mạng nước ta đã lên tới cao trào, quần chúng cách mạng, mặt trận Việt Minh đã sẵn sàng hành động với một khí thế chưa từng có. Lực lượng cách mạng đã lôi kéo được các tầng lớp trung gian, trước đó còn lừng chừng, ngả hẳn về phía cách mạng. Đảng Cộng sản Đông Dương có kế hoạch cử cán bộ chủ chốt về các địa phương lãnh đạo Tổng khởi nghĩa. Đó là lúc quân Anh chưa vào miền Nam và quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật, cũng là lúc quân Nhật bại trận, mất tinh thần, ngồi chờ quân Đồng minh đến tước vũ khí, ngụy quyền tay sai bỏ trốn hoặc đầu hàng chính quyền cách mạng. Nhờ vậy, sức mạnh của toàn dân ta được nhân lên gấp bội, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước một cách nhanh, gọn, ít đổ máu và thành công triệt để.

Đảng ta đã sử dụng phương thức quân sự, chính trị phối hợp, đồng thời với đòn tiến công của LLVT cách mạng và sự nổi dậy của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó, lực lượng chính trị đóng vai trò quyết định, tiến hành mít tinh, biểu tình, thị uy, bao vây các công sở, gây sức ép, kêu gọi địch đầu hàng, tuyên truyền thanh thế của cách mạng, thị uy biểu dương lực lượng. LLVT làm hậu thuẫn cho lực lượng chính trị nổi dậy và giải quyết các tình thế đột xuất: Diệt ác ôn trừ gian, bảo vệ các cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân.

Việc chọn địa bàn Tổng khởi nghĩa ở cả nông thôn và thành thị với tinh thần đồng loạt nổi dậy. Khi nhận được “Quân lệnh số 1”, cả nước đều nhất loạt khởi nghĩa, làm cho quân Nhật không kịp trở tay, không còn khả năng giải tỏa, ứng cứu chi viện cho nhau. Mục tiêu khởi nghĩa được chọn là các cơ quan đầu não, các công sở chính quyền địch, như ở Hà Nội là Tòa Khâm sai, Phủ Toàn quyền và các cơ quan đầu não ở các tỉnh, thành phố... Việc lựa chọn mục tiêu chính xác góp phần thúc đẩy Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng trên cả nước.

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, là tài sản vô giá trong kho tàng nghệ thuật quân sự Việt Nam. Vận dụng bài học của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta cần tranh thủ những điều kiện và thời cơ thuận lợi trong nước và quốc tế, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước và cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khơi dậy lòng tự tin dân tộc…, thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN trong tình hình mới.



[QK7 Online] - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công đã đập tan bộ máy thống trị của đế quốc, thực dân, lật đổ chế độ phong kiến tồn lại hàng nghìn năm, giành chính quyền về tay nhân dân lao động, thiết lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là thành quả vĩ đại qua 15 năm đấu tranh gian khổ và kiên cường của toàn thể dân tộc do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.
 


Sự kiện Cách mạng tháng Tám là mốc son vĩ đại trong lịch sử dân tộc, đánh dấu bước tiến nhảy vọt của cách mạng Việt Nam. Đây là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân lao động giành được chính quyền trong cả nước, lần đầu tiên chế độ dân chủ nhân dân ở Việt Nam ra đời. Ảnh: Tư liệu

  Cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, dưới ách áp bức, bóc lột nặng nề củạ chính quyền thực dân, phong kiến, nhiều hệ tư tưởng mới đã xuất hiện, cùng với mục tiêu đánh đuổi thực dân và lật đổ chế độ phong kiến, những nhà tư tưởng và cách mạng còn tìm tòi một mô hình mới về nhà nước nhưng chưa có mô hình nào định hình và đứng vững.   Trước sự khủng hoảng về đường lối và giai cấp lãnh đạo cách mạng Việt Nam, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã ra đi tìm đường cứu nước. Người khẳng định cách mạng Việt Nam phải đi theo con đường cách mạng vô sản: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.   Chính quyền công nông, mô hình nhà nước vô sản mà lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta lựạ chọn đã đáp ứng được những yêu cầu của xã hội và cách mạng Việt Nam. Đây chính là định hướng cơ bản cho cuộc đấu tranh giành chính quyền ở Việt Nam từ năm 1930 đến 1945 và sau này.   Sau Xô viết Nghệ Tĩnh, phong trào đấu tranh chống thực dân xâm lược của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ. Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh chính thức được thành lập, bao gồm các tổ chức quần chúng yêu nước, chống đế quốc, lấy tên là “Hội Cứu quốc”.   Cùng với thành lập Mặt trận Việt Minh, Đảng còn xúc tiến xây dựng lực lượng vũ trang và căn cứ địa cách mạng. Sau khởi nghĩa Bắc Sơn [9/1940] đội du kích đầu tiên do Đảng lãnh đạo đã được thành lập, sau phát triển thành Việt Nam Cứu quốc quân. Tổ chức này cùng với Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân [22/12/1944] trên cơ sở của đội tự vệ vũ trang Cao Bằng, thống nhất thành Việt Nam Giải phóng quân. Tất cả sự chuẩn bị đó đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chủ trương khởi nghĩa từng phần, giành chính quyền ở từng địa phương, tiến tới tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước.   Trước tình hình vùng giải phóng ngày càng mở rộng, ngày 16/4/1945, Tổng bộ Việt Minh ra chỉ thị về việc thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam tức chính quyền cách mạng lâm thời. Tháng 8/1945, thời cơ tổng khởi nghĩa đã chín muồi, Hội nghị toàn quốc của Đảng khai mạc ở Tân Trào [13/8/1945], quyết định phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa, giành chính quyền trong cả nước. Trước tình hình đó, một vấn đề đặt ra là phải có một chính phủ lâm thời mang tính hợp pháp để lãnh đạo nhân dân đấu tranh. Trong điều kiện hết sức gấp rút và vô vàn khó khăn, lãnh tụ Hồ Chí Minh quyết định triệu tập Quốc dân đại hội. Ngày 16/8/1945, Quốc dân đại hội bao gồm hơn 60 đại biểu của ba miền Bắc, Trung. Nam, đại diện các đảng phái chính trị, đoàn thể quần chúng, dân tộc, tôn giáo trong cả nước, đã khai mạc ở Tân Trào. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua Lệnh khởi nghĩa và Mười chính sách lớn của Việt Minh. Đặc biệt, việc Quốc dân đại hội đã bầu ra được Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu; quy định Quốc kỳ, Quốc ca. Việc triệu tập Quốc dân đại hội, gồm tiếng nói của đại biểu đại diện cho các tầng lớp nhân dân lao động, đã đảm bảo giá trị pháp lý cho chính phủ lâm thời hoạt động. Đó là một quyết định hết sức sáng suốt, linh hoạt, kịp thời và đúng đắn của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh, một sự kiện có ý nghĩa quyết định đối với việc thành lập chính quyền nhà nước trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.   Sau khi bế mạc Quốc dân đại hội, Ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam đã trực tiếp lãnh đạo nhân dân trong cả nước thực hiện các nghị quyết của Đảng, mệnh lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám trong phạm vi toàn quốc giành thắng lợi nhanh chóng và trọn vẹn. Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.  

Phát huy tinh thần và những giá trị của cách mạng Tháng Tám trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay, chúng ta cần tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt một số nhiệm vụ quan trọng: Kiên định mục tiêu, lí tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội dựa trên nền tảng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; nêu cao tinh thần cảnh giác cách mạng, sẵn sàng đập tan mọi âm mưu và hành động phá hoại của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân; tranh thủ thời cơ thuận lợi, chủ động khắc phục khó khăn, đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Đại tá, Ts Lê Hồng Điệp,
Trưởng phòng Khoa học quân sự Quân khu 7

Lượt xem: 3971

Thiết kế phần mềm Công ty thiết kế phần mềm GSOT GROUP

Video liên quan

Chủ Đề