Các di chỉ khảo cổ học ở Sơn La

Ngày 05-03-2014, Bộ Văn hóa TT&DL đã ban hành quyết định số 523/QĐ-BVHTTDL công nhận di tích khảo cổ hang mộ Tạng Mè, thuộc xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La là di tích cấp quốc gia.

Hang Tạng Mè là một mái đá lớn, cao khoảng 12 m, rộng 17 m, sâu 16 m, cách bản Nà Lồi khoảng 2,5 km về phía đông. Hang được phát hiện bên trong gồm 30 mộ được táng quan tài làm bằng gỗ (đinh thối – một loại gỗ tốt, không mối mọt, chịu được mưa nắng). Kết quả nghiên cứu phân tích các-bon C-14 thì những mộ này có niên đại di cốt cách đây 1240 năm.

Trong khu vực hang mộ Tạng Mè còn có hang Nà Lồi, chứa 36 mộ gỗ, hang Khoang Tuống chứa 7 mộ gỗ. Các quan tài mộ gỗ đều được bổ đôi, bên trong khoét lòng máng, hai đầu chế tác mấu chốt hình “đầu thuyền đuôi én”. Một số quan tài trong hang còn có hình răng cưa (sóng nước). Khu vực các hang mộ táng gỗ được bao bọc bởi dãy núi đá vôi hiểm trở thuộc xã Suối Bàng, với nhiều suối nhỏ, rừng rậm nằm ngay sát bờ con sông Đà.

Qua nghiên cứu, lối mộ táng trong thân gỗ, là một phong tục của tộc người cổ xuất phát từ điều kiện tự nhiên và mong muốn chết được an toàn, siêu thoát. Khu di tích hang mộ Tạng Mè có giá trị lịch sử văn hóa tín ngưỡng và tư liệu về nhân chủng học của tộc người cổ đang cần tiếp tục được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.

Các di chỉ khảo cổ học ở Sơn La

Mộ táng trong hang Tạng Mè.

Đặc biệt, khu di tích hang mộ này nằm trong quần thể di tích lịch sử thời kỳ chống Pháp của tỉnh Sơn La, từ năm 1947 đến 1952. Hai khu di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh sẽ là điểm đến du lịch hấp dẫn và ý nghĩa.

Tại lễ trao Bằng công nhận di tích cấp Quốc gia, phát biểu tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Sơn La yêu cầu các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý, khai thác và bảo vệ di tích. Đồng thời, tuyên truyền cho nhân dân giữ gìn, bảo tồn các giá trị lịch sử văn hóa đặc sắc của quê hương.

Bộ VHTTDL đã ban hành Quyết định số 1154/QĐ-BVHTTDL, cho phép Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La phối hợp với Viện Khảo cổ học khai quật khảo cổ tại di tích Mái đá Bản Mòn thuộc xã Thôm Mòn, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La.

Các di chỉ khảo cổ học ở Sơn La

Di chỉ khảo cổ Mái đá Bản Mòn. Nguồn: sonla-tourism.com

Thời gian khai quật tại di tích từ ngày 15/4/2021 đến ngày 30/4/2021, trên diện tích 15m2. Chủ trì khai quật là ông Lê Hải Đăng, Viện Khảo cổ học.

Trong thời gian khai quật, cơ quan được cấp giấy phép cần chú ý bảo vệ địa tầng của di tích; có trách nhiệm tuyên truyền cho nhân dân về việc bảo vệ di sản văn hoá ở địa phương, không công bố kết luận chính thức khi chưa có sự thỏa thuận của cơ quan chủ quản và Cục Di sản văn hóa.

Những hiện vật thu thập được trong quá trình khai quật, Bảo tàng tỉnh Sơn La, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tránh để hiện vật bị hư hỏng, thất lạc và báo cáo Bộ trưởng Bộ VHTTDL phương án bảo vệ và phát huy giá trị những hiện vật đó.

Sau khi kết thúc đợt khai quật, Sở VHTTDL tỉnh Sơn La và Viện Khảo cổ học phải có báo cáo sơ bộ và đề xuất phương án quản lý, bảo vệ khu vực đã khai quật trong thời gian chậm nhất 01 (một) tháng và báo cáo khoa học trong thời gian chậm nhất 01 (một) năm, gửi về Bộ VHTTDL.

Trước khi công bố kết quả của đợt khai quật khảo cổ, cơ quan được cấp giấy phép trao đổi, thống nhất với Cục Di sản văn hóa.

>>> Xem nội dung văn bản tại đây./.

Thanh Thủy

Sơn La, Lai Châu, Điện Biên là những tỉnh miền núi, song lại chứa đựng một tiềm năng di tích khảo cổ và di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh rất đa dạng và phong phú. Đây là vùng đất lâu đời với nhiều dân tộc anh em sinh sống, nhiều phong tục tập quán và bản sắc văn hóa dân gian, gắn với truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường. 3 tỉnh Tây Bắc này đang cần bảo vệ và giữ gìn tất cả những gì minh chứng cho quá trình lịch sử và bản sắc riêng của mình.

Tháng 11/1997, đoàn khảo sát Viện Khảo cổ học đã phối hợp với Bảo tàng Sơn La tiến hành điều tra ở 3 huyện Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai, bước đầu đã phát hiện hàng loạt địa điểm khảo cổ học và thu về gần 1.000 hiện vật bao gồm đồ đá, đồ đồng, đồ gốm, di cốt người và động vật thuộc các giai đoạn khác nhau từ thời đại đồ đá đến các di tích cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp.

Báo cáo “Nghiên cứu tiền khả thi bảo vệ cấp thiết và phát huy giá trị văn hóa vùng lòng hồ và vùng tái định cư thủy điện Sơn La” của Bộ Văn hóa - Thông tin (VH-TT) cho biết, trong khu vực ngập nước thủy điện Sơn La có một di tích đã được xếp hạng quốc gia là Bia Lê Lợi (huyện Sìn Hồ, Lai Châu), rất nhiều di tích được xếp hạng cấp tỉnh như Nhà tù Lai Châu, Dinh thự Đèo Văn Long, Cây đa Pắc Ma, Bãi đá Pá Màng, Bia Cà Nàng... Khi các di tích này được khai quật, nghiên cứu đầy đủ sẽ góp phần làm rõ hơn về các giai đoạn phát triển của lịch sử, văn hóa vùng Tây Bắc. Đây sẽ là nguồn sử liệu quan trọng giúp cho việc nghiên cứu, phục dựng bức tranh về thời kỳ tiền, sơ sử.

Trong báo cáo này cũng liệt kê cụ thể 48 địa điểm cần khai quật khảo cổ ở 3 tỉnh Sơn La, Lai Châu, Điện Biên. Chúng tôi không có điều kiện để đi hết từng ấy di chỉ khảo cổ, song cũng đã đến được 18 trên tổng số 27 di chỉ khảo cổ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn 3 huyện Mường La, Thuận Châu, Quỳnh Nhai của tỉnh Sơn La. Qua cuộc điền dã suốt nửa tháng trời, tôi nhận thấy rằng, ngoài di chỉ Pá Màng bị dân tìm kiếm cổ vật đào bới, 13 tảng đá có hình khắc cổ bị mất tích một cách bí ẩn và cây đa cách mạng Pắc Ma bị bọn trẻ chăn trâu đốt cháy, sắp gục xuống dòng suối Nậm Ma thì hầu hết các di chỉ khảo cổ đều còn khá nguyên vẹn.

Nhiều huyền thoại lung linh được truyền tụng. Cũng bởi có nhiều dân tộc cùng chung sống, từ đời này qua đời khác, nên chất văn hóa dân tộc đa dạng này càng làm cho các di tích trở nên hấp dẫn và có giá trị. Có những truyền thuyết về một câu chuyện tình cảm động, nay bà con tìm thấy cả mộ của nhân vật huyền thoại đang nằm trong vùng sắp ngập nước. Đồng bào Thái ở những bản làng ven sông Đà hiện còn giữ rất nhiều cổ vật từ thời đại đá mới, kim khí, những bản thảo quý giá về tiếng Thái cổ, mà trong đó chắc chắn là chứa đựng cả một kho tàng văn học dân gian dân tộc Thái. Tuy nhiên, hiện nay người biết tiếng Thái cổ còn rất ít, nếu không có biện pháp cấp bách dịch ra tiếng Thái hiện nay hay tiếng Việt thì e rằng kho báu ấy sẽ lại về với thời gian.

Các di chỉ khảo cổ học ở Sơn La

Hòn đá cổ có vết khắc ở di chỉ khảo cổ Pá Màng.

Trong số những di tích văn hóa mà tôi đã đến tận nơi, có một di chỉ để lại cho tôi nhiều ấn tượng nhất, đó là bãi đá có hình khắc cổ Pá Màng (xã Liệp Tè, Thuận Châu). Bề mặt 5 hòn đá này có hình khắc rất đặc biệt, thể hiện ý tưởng vô cùng phức tạp, kỳ dị. Ở viên đá mà các nhà khoa học đặt tên theo thứ tự là hòn đá số 1 có hình khắc liên tục, trải dài từ thân bên này, vắt qua mặt rồi tràn xuống phần thân bên kia. Nhìn toàn thể, hình khắc đó giống con thú có một sừng, hai mắt, một tai. Nhìn theo hướng khác lại giống mình và đầu con rồng. Ngoài ra, nhìn vào phần thân “con rồng” thì lại thấy được hình tượng của dòng sông Đà đoạn từ xã Chiềng Bằng qua Liệp Tè với những khúc uốn lượn quanh co rất phù hợp. Nhìn vào hình khắc này, ai cũng có thể có những liên tưởng nào đó, do vậy vấn đề này rất cần sự phân tích xác đáng của các nhà khoa học.

Ở những hòn đá khác có rất nhiều hình học mà các nhà khoa học vẫn chưa lý giải được nội dung. TS Nguyễn Khắc Sử đưa ra quan điểm đây có thể là một thứ chữ Thái cổ hoặc ký hiệu riêng của thầy mo khắc khi tiến hành nghi lễ ở đây từ thuở xưa. Ngoài ra, tấm bia có khắc một loại chữ cổ ở xã Cà Nàng (Quỳnh Nhai) cũng rất đặc biệt. Tấm bia này nằm trên một vách đá dựng đứng, bên sông Đà, nơi giáp ranh giữa hai tỉnh Sơn La và Lào Cai, muốn vào được phải đi thuyền ngược sông 20km. Liệu vết khắc trên những hòn đá cổ và tấm bia Cà Nàng có nội dung ra sao, quan hệ thế nào với chủ nhân các di chỉ? Đó là điều thú vị mà những nhà khảo cổ học cần dày công nghiên cứu.

Cuối tháng 11 này sẽ ngăn sông, những hòn đá cổ và tấm bia Cà Nàng có hình khắc sẽ vĩnh viễn chìm sâu dưới dòng nước và những lớp phù sa bồi đắp. Khi đó, việc xác định các di chỉ nằm ở chỗ nào trong lòng hồ mênh mông cũng là rất khó đối với nền khoa học khảo cổ nước ta, chứ chưa nói đến chuyện khai quật để nghiên cứu và bảo tồn. Xin đừng để bức thông điệp mà tổ tiên ta gửi lại cho thế hệ mai sau chưa được giải nghĩa rồi sẽ vĩnh viễn biến mất dưới dòng nước bạc.

Trao đổi với phóng viên, Phó giám đốc Sở VH-TT tỉnh Sơn La Lò Văn Hặc cho hay: “Bộ đã phê duyệt đề án khai quật các di chỉ khảo cổ học, di tích lịch sử và giao nhiệm vụ trực tiếp cho địa phương phối hợp với các ban ngành chuyên môn để triển khai. Theo dự tính, cuối năm nay sẽ bắt đầu tiến hành khai quật hàng loạt. Hiện tại, bảo tàng tỉnh đang tìm địa điểm để xây dựng kho bảo quản trị giá 2 tỉ đồng để lưu giữ những di chỉ khai quật được phục vụ cho nghiên cứu và trưng bày sau này”. Có thể nói đây là tín hiệu đáng mừng thể hiện trách nhiệm của các cấp lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương đối với những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.

Kết thúc bài viết, tôi xin trích câu nói của GS.TS. Lưu Trần Tiêu: “Mỗi di tích của chúng ta, dù lớn hay nhỏ, đều được hun đúc từ truyền thống, tâm hồn, bản sắc, cốt cách Việt Nam từ đời này kế tiếp đời khác, và thế là chúng trở nên quý giá, đáng trân trọng và bảo vệ. Bảo vệ các di chỉ khảo cổ, ấy là trách nhiệm của chúng ta với tổ tiên và thế hệ mai sau”

Phạm Ngọc Dương