Bọ rẹp phấn trắng ở cây mía làm thế nào năm 2024

Hỏi: Mía đang vươn lóng thường bị rệp xơ bông trắng gây hại rất nặng. Mong chuyên gia hướng dẫn cách phòng trừ sao cho có hiệu quả?

Trả lời: Rệp xơ bông trắng là một dịch hại khá phổ biến ở khắp các vùng chuyên canh cây mía của nước ta hiện nay, nhất là vào thời kỳ cây mía đang vươn lóng (khoảng tháng 8 - tháng 10). Chúng gây hại bằng cách cả con trưởng thành và con rệp non đều tập trung ở mặt dưới của lá mía để chích hút dịch lá. Nếu nặng sẽ làm cây mía còi cọc, chậm lớn, không những làm giảm năng suất mà còn làm giảm hàm lượng đường.

Để hạn chế tác hại của rệp, phải áp dụng một cách đồng bộ và hợp lý những biện pháp trong quy trình quản lý dịch hại tổng hợp, sau đây là một số biện pháp chính:

- Sau khi thu hoạch, thu gom sạch sẽ tàn dư thân lá của cây mía đem tiêu hủy, đồng thời dọn sạch cỏ dại xung quanh bờ để hạn chế nguồn rệp lây lan sang vụ sau.

- Không dùng hom mía ở ruộng bị rệp hại nặng làm giống, nên sử dụng những giống có tích chống chịu rệp cao như một số giống thuộc nhóm giống ROC.

- Không trồng quá dầy, thường xuyên làm sạch cỏ dại, bóc tỉa bỏ lá già kịp thời, để ruộng luôn thông thoáng.

- Bón đầy đủ và cân đối giữa đạm, lân và kali, không bón quá thừa đạm làm cây mía mềm yếu.

- Từ khi mía vươn lóng, phải kiểm tra ruộng thường xuyên, nếu thấy rệp phát sinh ít, cục bộ có thể dùng nhân công thu gom lá bị hại nặng đưa ra khỏi ruộng tiêu hủy để tránh lây lan, nếu thấy rệp nhiều có thể sử dụng một trong những loại thuốc như: Goldra 250WG, Actatoc 200WP, B-41 350WG, Anfara 250WG, Fortaras 25WG, Thionova 25WG… Về liều lượng và cách sử dụng, theo hướng dẫn của nhà sản xuất có in trên nhãn thuốc.


Hỏi: Tôi có 1.000m2 ao đã tát cạn và vãi vôi, phơi khô sau đó cho nước vào, sau 1 tháng thấy nước có hiện tượng đổi sang màu đen từng chòm. Xin hỏi cách xử lý như thế nào để thả cá?

Trả lời: Ao có hiện tượng trên là do tảo bắt đầu phát triển, ao cấp nước vào trên 15 ngày không thả cá thì tảo và rêu phát triển, với cảm nhận bằng mắt thường thì thấy màu đen từng chòm. Đối với ao nuôi cá cần xử lý đúng quy trình kỹ thuật là sau khi phơi khô, cấp nước vào (có thể gây màu, nếu nước cấp vào nghèo dinh dưỡng). Sau khi gây màu từ 5 - 7 ngày thì tiến hành thả cá. Đối với nước ao hiện tại, anh tiến hành đo độ pH từ 7 - 8,5 là đạt yêu cầu, thả giống bình thường, sau 3 - 5 ngày nước ao sẽ hết màu đen. Chú ý thả cá vào ngày nắng ấm, nhiệt độ trên 25oC mới đảm bảo, trước khi thả phải tắm phòng bệnh theo quy trình kỹ thuật.


Hỏi: Tôi nuôi cá rô phi, cá có biểu hiện lao đầu vào bờ rồi chết. Hỏi nguyên nhân và cách khắc phục?

Trả lời: Bạn bắt cá quan sát xem có bị chóc vảy và đốm đỏ không, mổ quan sát nội tạng có bị xuất huyết không? Nếu quan sát thấy vảy cá bị chóc, đốm đỏ (vây và vảy…) đó là cá bị bệnh đốm đỏ, xuất huyết. Nguyên nhân do nước ô nhiễm vi khuẩn phát triển gây bệnh cho cá. Khử trùng nước bằng một trong các loại sau: KMn04; Iodin; BKC... liều theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Trộn một trong các loại thuốc sau vào thức ăn cho cá ăn liên tục từ 5 - 7 ngày, liều theo khuyến cáo của nhà sản xuất: Doxycycllin, Florphenicol hoặc Tiên Đắc. Chú ý bón thêm chế phẩm sinh học và cho ăn theo nguyên tắc "4 đúng", bổ sung vita min C để tăng sức đề kháng cho cá.


Hỏi: Trên các vùng chuyên canh rau màu, nguồn sâu bệnh tích lũy rất lớn, đất trồng bị ngộ độc, chai cứng, rau màu ngày càng giảm năng suất, chất lượng; việc kiểm soát sâu bệnh hại vô cùng khó khăn. Xin cho biết cách khắc phục?

Trả lời:

- Thực hiện triệt để việc luân canh cây trồng khác họ, luân canh cây trồng nước với cây trồng cạn để tiêu diệt, hạn chế nguồn sâu bệnh lây lan và tận dụng nguồn dinh dưỡng của đất. Cứ sau 1 năm trồng rau màu phải luân canh 1 - 2 vụ với cây lúa hoặc trong 1 năm trồng nhiều vụ rau thì phải có 1 vụ trồng lúa. Không nên trồng liên tục trên 2 vụ các cây trồng cùng họ trên cùng một chân đất (đặc biệt là cây họ cà, họ bầu bí).

- Vệ sinh đồng ruộng, cày lật đất, xử lý đất sau mỗi vụ trước khi gieo trồng 1 vụ mới: Dọn sạch tàn dư cây trồng, cỏ dại (thu gom và đốt, không vứt bừa bãi xuống mương máng, không để lại trên ruộng). Cày lật đất để ải đất hoặc để hả đất ít nhất 7 ngày hay ngâm ruộng từ 10 - 15 ngày trước khi gieo trồng vụ tiếp theo, sau đó xử lý bằng chế phẩm nấm đối kháng hoặc vôi tả...

- Tăng cường bón lót phân hữu cơ, phân vi sinh trước khi gieo trồng. Không bón phân chuồng tươi, chỉ bón phân chuồng mục, không bón thừa đạm hoặc bón đạm muộn. Bón phân cân đối, sử dụng phân NPK tổng hợp chuyên dụng cho từng loại cây trồng, tăng bón phân kali, phân trung, vi lượng.

- Chỉ sử dụng thuốc BVTV khi mật độ sâu đến ngưỡng theo nguyên tắc 4 đúng. Lựa chọn sử dụng những loại thuốc đặc hiệu, thuốc có nguồn gốc thảo mộc, vi sinh, bẫy bả ít độc hại đến môi trường, kí sinh, thiên địch và an toàn thực phẩm, đảm bảo thời gian cách ly cho mỗi loại thuốc khi sử dụng.