Bài văn nói về phụ nữ trong văn học năm 2024

Tháng 10, tháng tôn vinh người phụ nữ Việt Nam với sự kiện Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10, xin cùng nhìn lại một chút về vẻ đẹp người phụ nữ Việt qua văn chương Việt…

Từ vẻ đẹp của người phụ nữ Việt qua văn chương

Thời trung đại, dưới góc nhìn của các nhà Nho từ những quy ước của lễ giáo, người phụ nữ Việt được khắc hoạ bằng một quan niệm thẩm mỹ khắt khe. Vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp ngoại hình của người phụ nữ trong giai đoan này tuy mang tính ước lệ nhưng ta vẫn nhận ra sự thanh khiết, trong sáng, vượt lên tạo nên nét tươi tắn. Từ tấm lòng của người vợ thuỷ chung ở đất Nam Xương (Người con gái Nam Xương-Nguyễn Dữ) cho đến những công chúa, tiểu thư đài các ở chốn lầu son, gác tía trong các truyện thơ như nàng Trương Quỳnh Thư (trong Sơ kính tân trang của Phạm Thái) hay nàng Kiều trong kiệt tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du… đều mang vẻ đẹp đó. Việc họ kiên định lựa chọn hạnh phúc đích thực, hướng tới cái thiện, sự công bằng đã tạo ra một vẻ đẹp riêng trong tâm hồn.

Bài văn nói về phụ nữ trong văn học năm 2024

Bước vào những thập kỷ đầu tiên của thế kỉ XX, khi các đô thị được hình thành trên đất nước Việt Nam, các trường học được mở ra, những cô gái tân thời được đến trường, được tham dự các sự kiện lớn như một bước ngoặt lớn. Vẻ đẹp mới mẻ ấy giúp họ trở thành nhân vật trung tâm trong thơ ca, nhạc hoạ của buổi giao thời.

Thực ra, dưới chế độ thực dân nửa phong kiến họ đâu đã thoát khỏi những bất hạnh của tư tưởng cổ hủ, lạc hậu, thiếu nhân văn. Những nàng Tố Tâm (tên một nhân vật nữ trong tiểu thuyết cùng tên của Song An-Hoàng Ngọc Phách) với tình yêu tha thiết, có ước mơ về cuộc sống hôn nhân hạnh phúc nhưng vẫn bị rào cản của gia phong, về quy định nghiêm ngặt đăng đối trong hôn nhân. Họ đã tìm đến cái chết để giữ chữ trinh và cũng là để đấu tranh cho tự do hôn nhân, xác lập một giá trị mới: phụ nữ phải được quyền tự do lựa chọn hạnh phúc của mình. Phải chăng, đó cũng là những dấu hiệu manh nha cho sự bình đẳng của phụ nữ trong những giai đoạn sau này!

Sau khi chiến tranh thế giới thứ II vừa kết thúc, dân tộc Việt Nam vừa giành được độc lập lại phải bước vào cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc. Giờ đây, không còn những thiếu nữ Hà Thành bấy lâu bị lễ giáo trói buộc, hay những “chị Dậu”, những cô “vợ nhặt” trong nạn đói hôm nào, mà người phụ nữ đã có lý tưởng sống, có đoàn thể, họ không chỉ tự giải thoát mình như cô Mỵ trong Vợ chồng A Phủ mà còn tham gia tích cực vào cuộc kháng chiến. Có lẽ đây cũng là bước chuyển, nhân vật nữ trong văn chương Việt từ thời điểm này đã có những dấu mốc quan trọng bằng sự xuất hiện các nhân vật nữ mới. Nếu các chị Út Tịch, Tư Hậu, Mai, Dít… mạnh mẽ, quả cảm trong chiến tranh thì những cô Đào (Mùa lạc- Nguyễn Khải), cô Nguyệt (Mảnh trăng cuối rừng-Nguyễn Minh Châu) với sự sự trong sáng, dịu dàng khiến cho vợi bớt phần nào sự vất vả của cuộc sống trong chiến tranh, trong giai đoạn đầu tái thiết đất nước.

Thời kỳ này, cùng với việc xây dựng đất nước là câu chuyện xây dựng hạnh phúc của từng gia đình. Hình ảnh phụ nữ trong văn chương giờ đây là những cô giáo tâm huyết bên trang giáo án và vất vả trong cuộc mưu sinh. Nhà giáo, nhà thơ Trương Thiếu Huyền từng viết về những nữ đồng nghiệp của mình: “Em dạy học hè đi bán mía/Gốc phi lào chẳng đủ chỗ em ngồi/ Đồng xu nhảy lò cò trên đẫn mía/Kiếm đồng tiền ướt đẫm mồ hôi”. Dưới đồng bằng là thế còn trên miền non cao là những cô giáo “cắm bản” dẫu khó khăn vẫn miệt mài: “Em đi nón chạm mây trời/ Rừng sâu cất tiếng hát lời ngân nga” (Nguyễn Đình Cánh)…

Nói đến người phụ nữ trong văn chương Việt không thể không nhắc đến những người mẹ. Mẹ là cội nguồn của thi ca từ những lời hát ru về cái lẽ làm người, lẽ sống (Mẹ ru cái lẽ ở đời/ Sữa nuôi phần xác, hát nuôi phần hồn - Nguyễn Duy). Hoặc nói như nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, mẹ cũng là người hy sinh vất vả để gieo mầm cho những thế hệ:

“Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên/ Còn những bí và bầu thì lớn xuống/ …/Và chúng tôi, một thứ quả trên đời/ Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái” (Mẹ và quả).

Chiến tranh đã lùi xa nhưng vẫn có những bà mẹ chịu nhiều thiệt thòi, mất mát như biểu tượng cho vết thương chiến tranh.

Bài văn nói về phụ nữ trong văn học năm 2024

Bước sang thế kỉ XXI, sự xuất hiện và hình thành của nền kinh tế thị trường đã tạo ra khá nhiều sự đổi thay trong suy nghĩ. Những người mẹ hình như đã dần thưa vắng trong sáng tác của các giả trẻ hôm nay. Có một chút gì đó ngậm ngùi, tiếc nuối nhưng có lẽ cần một độ lắng đọng của thời gian để kết tinh thành những tác phẩm hay.

Nói đến người phụ nữ trong văn chương Việt không thể không kể đến hình ảnh của những người phụ nữ Hà Nội. Họ mang một vẻ đẹp rất riêng và cũng là nguồn cảm hứng dồi dào của văn chương. Một người thiếu nữ với tình đầu trong hương hoa sữa đất Hà Thành: “Tuổi mười lăm em lớn từng ngày/ Một buổi sáng bỗng thành thiếu nữ/ Hôm ấy mùa thu anh vẫn nhớ/ Hoa sữa thơm ngây ngất bên hồ” (Hoa sữa-Nguyễn Phan Hách)

Vẻ đẹp của họ trở thành hành trang đi vào cuộc chiến tranh. Với vẻ đẹp trang đài, nền nã, thanh tao, họ trở thành giấc mộng đẹp trong thơ Quang Dũng (Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm -Tây Tiến). Hay, gợi nhớ ký ức ngày xưa: “Khi mở mắt Mỵ Châu em ngồi đó/Toa thứ ba ôm cặp ai nức nở/Suốt đời anh mang tội với con tàu” (Viên xúc xắc mùa thu-Hoàng Nhuận Cầm), một bà Hiền như hạt bụi vàng mà nhà văn Nguyễn Khải phải thốt lên: “Một người như cô phải chết đi thật tiếc, lại một hạt bụi vàng của Hà Nội rơi chìm sâu vào lớp đất cổ. Những bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kì chói sáng những ánh vàng…” (Một người Hà Nội).

Hình ảnh người phụ nữ trong văn chương Việt đã và sẽ còn được các nhà văn tiếp tục khắc họa bằng những sáng tạo mới từ những phát hiện mới mẻ và sâu sắc như thế. Từ văn chương, ta sẽ thấy được sự kế thừa, gìn giữ và phát triển những đức tính tuyệt vời, vẻ đẹp tâm hồn, cốt cách của người phụ nữ Việt từ xưa đến nay…

Đến những nữ sĩ tài năng trong văn chương Việt

Nếu phụ nữ trong văn chương Việt là mảng đề tài thu hút sự quan tâm của người cầm bút thì các nữ sĩ Việt cũng để lại dấu ấn lớn trong lòng bạn đọc.

Từ nhiều thế kỉ trước, đã có những tài tử văn chương là nữ giới. Họ có thể là người chuyển ngữ tài hoa như Đoàn Thị Điểm hay là người sử dụng chính phương tiện chữ Nôm và ngôn ngữ Việt để tạo ra những tác phẩm mang dấu ấn phái tính như Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan.

Sang thế kỉ XX, khi nữ giới được đến trường, tiếp thu những tri thức khoa học một cách bình đẳng đã xuất hiện nhiều văn sĩ tên tuổi. Các tác giả của phong trào Thơ mới như Anh Thơ, Hằng Phương, Tương Phố…

Trong các cuộc chiến tranh, dù rất gian nan và khốc liệt, chúng ta vẫn có những cây bút nữ tài năng và đóng góp rất lớn cho nền văn học như: Xuân Quỳnh, Lâm Thị Mỹ Dạ, Lê Thị Mây, Thanh Nhàn, Ý Nhi… mỗi người một vẻ, một giọng điệu, phong cách riêng.

Khi đất nước đổi mới, cùng với sự mở rộng giao lưu quốc tế và hội nhập, chúng ta có thêm cây bút nữ đại diện cho một thế hệ cầm bút mới với các tác phẩm như: Bức thư gửi mẹ Âu Cơ, Xuân Từ Chiều (Y Ban); Nàng tiên xanh xao, Hồn trinh nữ, Góa phụ đen (Võ Thị Hảo), Thiếu phụ chưa chồng (Nguyễn Thị Thu Huệ), Gia đình bé mọn (Dạ Ngân), Chuyện của con gái người hát rong (Võ Thị Xuân Hà), Gái một con (Trần Thanh Hà), Thần nữ đi chân không (Trần Thùy Mai)…

Họ không chỉ tạo ra được tên tuổi cho mình mà còn lập ngôn cho một xu hướng cầm bút. Nói như nhà văn Y Ban: “Tôi muốn xã hội hãy đọc tác phẩm của các nhà văn nữ như một sự lắng nghe, một sự thấu hiểu. Vì đó chính là tiếng lòng của họ, là những khát khao tự giải phóng bản thân mình”.

Thế hệ sinh ra sau chiến tranh như Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy, Phong Điệp… họ không chỉ đại diện cho một giới mà còn đến từ nhiều dân tộc, nhiều vùng miền… Chính họ đã nói lên mong muốn về một cuộc sống tốt đẹp của của nữ giới, đồng thời đấu tranh cho bình đẳng giới, cho những nỗi khổ về tinh thần của người phụ nữ hôm nay.

Đặc biệt, cùng với sự phát triển kinh tế xã hội ở miền núi, nhiều cây bút nữ của các dân tộc đã trưởng thành. Trong đó có các nhà văn nữ dân tộc thiểu số như: Bùi Tuyết Mai, Nie Thanh Mai, Y Việt Sa…viết văn bằng chữ quốc ngữ, tiếng phổ thông nhưng vẫn thể hiện được bản sắc vùng miền…

Phụ nữ trong văn chương và khi phụ nữ viết văn đều mang một vẻ đẹp riêng của nữ tính, phái tính và tâm hồn sâu sắc rất đáng ngưỡng mộ và trân trọng...